Xiaomi không chú trọng lợi nhuận, họ muốn định nghĩa lại cụm từ "Made in China"

    Nam Nguyễn,  

    Hãng điện thoại mới nổi này muốn thay đổi định kiến tiêu cực về sản phẩm của Trung Quốc.

    Việc điện thoại của Trung Quốc có tiếng là giá rẻ nhưng không có chất lượng tốt đã làm tổn hại đến các thương hiệu nước này muốn cạnh tranh ở phân khúc cao cấp trên quy mô toàn cầu, phó chủ tịch phụ trách di động của Xiaomi, Xiang Wang cho biết.

    “Ở Mỹ, người dùng có thể tìm được nhiều sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc”, Wang nói. “Đặc điểm nổi bật nhất của hàng Trung Quốc là giá cả. Người dùng có sản phẩm giá rẻ, nhưng chất lượng thì không tốt”.

    Và Xiaomi muốn thay đổi quan niệm trên. Dù mới chỉ được sáu năm tuổi, Xiaomi đã trở thành hãng điện thoại có doanh số cao nhất ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng Xiaomi còn muốn tạo dựng danh tiếng cho sản phẩm của mình là rẻ-nhưng-tốt, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế với Apple và Samsung.

    Và khi Xiaomi muốn vươn ra ngoài biên giới Trung Quốc, danh tiếng về chất lượng là tất cả. Nếu gây dựng được niềm tin về chất lượng, người dùng sẽ xem điện thoại của Xiaomi ngang hàng với iPhone hoặc Samsung Galaxy, thay vì là một món hàng giá rẻ.

    Công thức thành công

    Vậy thì làm thế nào để Xiaomi thay đổi các quan niệm tiêu cực về sản phẩm “Made in China”? Theo Wang, Xiaomi chú trọng tạo ra sản phẩm có giá rẻ và chất lượng tốt, và giúp các công ty khác làm điều tương tự.

    Để thực hiện chiến lược trên, Xiaomi đã đầu tư vào 55 công ty có hợp tác với mình về kiểm soát chất lượng, và bán sản phẩm của họ trên website Mi.com của Xiaomi, hoặc ở số ít cửa hàng bán lẻ của Xiaomi. Đối tác cũng có thể bán sản phẩm với thương hiệu của riêng họ, hoặc phổ biến hơn là dưới thương hiệu của Xiaomi.

    Đó là một công thức đơn giản: Xiaomi giám sát các thiết kế của bên thứ ba, kiểm nghiệm chất lượng rồi sau đó giúp họ phân phối sản phẩm.

    Không chú trọng lợi nhuận phần cứng

    Rõ ràng, việc giữ giá sản phẩm ở mức thấp nhất có thể vẫn là yếu tố then chốt trong chiến lược của Xiaomi. Wang cho biết chi phí lao động rẻ cùng với hiệu suất cao trong khâu sản xuất và phân phối, giúp khả năng định giá sản phẩm của Xiaomi linh hoạt hơn. Với một số sản phẩm, công ty này có thể giảm chi phí bằng cách sử dụng các linh kiện vẫn còn tốt của mùa ra mắt sản phẩm trước.

    Xiaomi còn tiết kiệm tiền bằng mô hình bán hàng trên Internet, không tốn phí quảng cáo. Điều này giúp chi phí hoạt động của công ty ở mức cực kỳ thấp.

    “Triết lý của chúng tôi là không kiếm lợi nhuận từ phần cứng”, Wang nói. Ông nhấn mạnh rằng hệ sinh thái “Mi” và nền tảng phần mềm của Xiaomi mới là thứ đem về lợi nhuận.

    Xiaomi đã có một khởi đầu tốt. “Công ty này đã thành công ở Trung Quốc trong việc xây dựng hình ảnh sản phẩm của mình là chất lượng tốt và giá cạnh tranh. Đặc biệt là so với các đối thủ quốc tế ở phân khúc cao cấp”, chuyên gia phân tích của Gartner, Jon Erensen nói.

    Về phần mình, Wang nói ông hy vọng các thương hiệu khác của Trung Quốc sẽ noi gương Xiaomi. “Khẩu hiệu của chúng tôi là “new made in China”. Nếu sản phẩm của chúng tôi không thực sự tốt, sẽ không ai tin chúng tôi cả”, ông nói.

    Tham khảo: cnet.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ