Xung đột về năng lượng giữa Serbia và Kosovo đã khiến đồng hồ điện tử toàn Châu Âu chạy chậm 5,7 phút

    Dink,  

    Trong hơn một tháng trở lại đây, người dân Châu Âu làm gì cũng thấy chậm, hóa ra là có nguyên do cả.

    Nếu như bạn đang có người thân đang học tập và làm việc bên Châu Âu, có lẽ bạn sẽ nhận thấy một điều khác lạ: họ đang làm gì cũng chậm hơn bình thường. Tuy nhiên, đừng vội đổ lỗi cho họ vì lỗi lầm là ở cái đồng hồ hết.

    Vào thứ Bảy vừa rồi, Ban Điều hành Mạng lưới Truyền tải Điện Châu Âu (ENTSOE) tuyên bố rằng Hệ thống Năng lượng Lục địa Âu, một lưới điện kết nối 25 nước Châu Âu lại với nhau, đã trải qua một đợt thiếu điện hồi giữa tháng Giêng vừa rồi. Hậu quả là toàn bộ những chiếc đồng hồ điện tử tại Châu Âu đã chạy chậm lại gần 6 phút trong vòng một tháng rưỡi vừa qua.

    Những thiết bị chậm giờ bao gồm đồng hồ lò vi sóng, lò nướng, hệ thống radio và những thiết bị tương tự trên toàn Châu Âu.

    Hôm mùng Bảy vừa rồi, ENTSOE lại đưa ra một tuyên bố nữa, chỉ ra rằng cuộc những xung đột giữa Serbia và Kosovo về chi phí điện đã khiến toàn bộ Châu Âu thiếu điện và khiến đồng hồ nơi đây chạy chậm. Theo ENTSOE, sự việc giữa hai đất nước này đã khiến toàn bộ lưới điện Châu Âu sụt giảm khoảng 113 Gigawatt giờ điện.

    Điều này khiến cho tần số dòng điện của lưới điện giảm xuống dưới mức 50 Hertz – số lần điện áp của lưới điện đạt giá trị cực đại mỗi giây, như Châu Âu hay cả tại Việt Nam ta, thì vòng xoay điện áp này đạt 50 lần mỗi giây. Rất nhiều đồng hồ điện tử đo đạc giờ bằng cách đo tần số dòng điện cung cấp điện cho nó. Vì thế, nếu như tần số tự nhiên giảm, thì tốc độ đồng hồ cũng sẽ giảm.

    ENTSOE nói thêm rằng điều này chưa từng xảy ra và sẽ không thể tiếp tục xảy ra. Bên cạnh những phương pháp kỹ thuật nhằm khắc phục vấn nạn này, cần có thêm những biện phải xoa dịu căng thẳng giữa hai nước Serbia và Kosovo.

    Hai nước vốn có với nhau một lịch sử đầy sóng gió: cuối năm 1990 giữa hai nơi nổ ra một cuộc chiến đẫm máu, mà kết quả của nó đã khiến tỉnh Kosovo tách riêng ra khỏi Serbia và tuyên bố độc lập hồi năm 2008, một nền độc lập mà Serbia tuyên bố họ sẽ không bao giờ chấp thuận. Cuộc chiến kết thúc hồi năm 1999, nhưng vẫn còn 4 thành phố thuộc miền Bắc Kosovo vẫn trung thành với Serbia.

    Quay trở lại vấn đề điện đóm. Serbia và Kosovo là hai nước thuộc Hệ thống Năng lượng Lục Địa Âu. Theo như thỏa thuận, thì Kosovo phải cân bằng được cung và cầu điện trên lưới điện của mình, còn Serbia phải giúp Kosovo đảm bảo được điều trên.

    Có vẻ như thỏa thuận giữa hai nước đổ bể, không bên nào nhường bên nào, dẫn đến việc Kosovo thiếu hụt 113 GWh điện, khiến cho toàn bộ lưới điện Châu Âu vốn được đồng bộ với nhau cũng thiếu hụt đúng từng ấy điện. Số đó là chưa đủ lớn để gây ra mất điện, nhưng cũng đã đủ để khiến cho tần số lưới điện thụt giảm xuống còn 49,996 Hertz.

    ENTSOE cho rằng, suy cho cùng, vẫn phải có người đền bù cho những tổn thất đã gây ra. Họ không nói rõ là Serbia hay Kosovo sẽ phải trả lời cho việc này.

    Theo như Swissgrid, nơi vận hành mạng lưới điện của Thụy Sỹ, thì tần số lưới điện hiện tại của toàn Châu Âu là 49,996 Hertz. Không sai lệch nhiều so với quy chuẩn 50, tuy nhiên theo thời gian, cái bé sẽ xé thành to, và hiện thì đồng hộ điện tử đã lệch khoảng 344 giây – tương đương 5,7 phút. ENTSOE nói nếu như tần số này xuống dưới mức 47,6 Hertz, các thiết bị sẽ tự động ngắt khỏi lưới điện.

    Trong khoảng thời gian này, người dân Châu Âu có thể tự đặt lại đồng hồ cho mình, họ vẫn sẽ có thể dựa vào lưới điện để đo giờ tự động một khi mọi việc trở lại bình thường. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là giải quyết kỹ thuật, mà là dàn hòa về mặt chính trị. Để thời gian về như cũ và mọi việc êm xuôi, ta lại cần thời gian để giải quyết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ