Ý kiến: Vì sao cảm biến vân tay dưới màn khó có thể đánh bại nhận diện khuôn mặt?

    Liam,  

    Một kỷ nguyên bảo mật mới đang chuẩn bị lộ diện trên chiếc smartphone. Thế nhưng, kết quả của cuộc đấu giữa 2 công nghệ bảo mật đáng chú ý nhất sẽ... không thuộc về bảo mật.

    *Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả

    Người hâm mộ không đợi đến khi Synaptics công bố đã thiết kế thành công cảm biến vân tay dưới màn hình mới biết đến công nghệ này. Thực chất, từ sau khi Apple ra mắt chiếc iPhone 7 tương đối đáng thất vọng, tin đồn về việc Apple sẽ loại bỏ hoàn toàn nút Home đã xuất hiện. Khi đó, tất cả những gì chúng ta có thể hình dung là một chiếc iPhone “8” đặt Touch ID dưới màn hình Retina.

    Đến giờ thì iPhone 8 đã hiện hình là một chiếc iPhone vẫn có nút Home. Thế nhưng, ai ai cũng hiểu rằng tương lai của iPhone sẽ thuộc về những chiếc X. Không có nút Home hay Touch ID: mới đây, Apple đã đầu tư thêm 400 triệu USD vào một nhà cung ứng camera TrueDepth.

    Cách nhau chỉ vài ngày, Synaptics cũng công bố đã phát triển thành công công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình cảm ứng. Theo khẳng định của hãng bảo mật sinh trắc học khá nổi tiếng này, một hãng smartphone “hàng đầu” “thuộc top 5” sẽ sớm đưa công nghệ cảm biến dưới màn hình lên smartphone đầu bảng trong năm sau.

    Khi không thể sao chép Face ID trong tương lai gần, cảm biến vân tay dưới màn hình có lẽ sẽ là hướng tiếp cận màn hình tràn của các hãng Android.
    Khi không thể "sao chép" Face ID trong tương lai gần, cảm biến vân tay dưới màn hình có lẽ sẽ là hướng tiếp cận màn hình tràn của các hãng Android.

    Có vẻ như một cuộc chiến mới sẽ sớm nổ ra giữa nhận diện khuôn mặt 3D và cảm biến vân tay dưới màn hình. Và thất bại có lẽ sẽ thuộc về cảm biến vân tay.

    Bảo mật

    Bất lợi lớn nhất của cảm biến vân tay nằm ở chỗ công nghệ này thuần túy là bảo mật. Thế nhưng, toàn bộ ngành bảo mật lại đang gặp phải một vấn đề rất lớn: người dùng smartphone không mấy quan tâm đến bảo mật.

    Tại sao lại nói người dùng không quá quan tâm đến bảo mật? Hãy để ý mỗi lần Android bị công bố các lỗ hổng, các ứng dụng lọt lên Google Play, doanh số của các hãng chưa bao giờ bị ảnh hưởng cả. Chất lượng gia công, thiết kế đẹp xấu... mới là thứ ảnh hưởng đến doanh số smartphone. Ngoại trừ Samsung, chẳng có hãng Android nào đầu tư vào các công nghệ bảo vệ người dùng cả. Thay vào đó, họ còn mải mê chạy theo nhiều tính năng của Apple.

    Thành bại của smartphone chưa bao giờ do bảo mật quyết định cả.
    Thành bại của smartphone chưa bao giờ do bảo mật quyết định cả.

    Tương tự, hãy nhớ rằng Touch ID cũng bị hack chỉ vài ngày sau khi công bố vào năm 2013. Doanh số Apple vẫn tăng tốc đều đặn qua từng năm. Riêng vân tay của Android thì chưa bị hack, nhưng có lẽ điều này xuất phát từ hiện trạng bảo mật quá kém cỏi của các hãng Android nói chung: chưa cần hack đến vân tay, Android đã tiềm tàng vô số lỗ hổng rồi.

    Sinh trắc học

    Nói như vậy không có nghĩa rằng bảo mật sinh trắc học không quan trọng. Trái lại, bảo mật sinh trắc học đang là lý do duy nhất cho phép người dùng có thể... thờ ơ với bảo mật trên smartphone.

    Dù chưa hoàn hảo, sinh trắc học vẫn mang đến một lợi thế đặc biệt so với mật khẩu truyền thống: Muốn phá vỡ, phải tiếp cận vật lý tới nạn nhân.
    Dù chưa hoàn hảo, sinh trắc học vẫn mang đến một lợi thế đặc biệt so với mật khẩu truyền thống: Muốn phá vỡ, phải tiếp cận vật lý tới nạn nhân.

    Bởi nói một cách đơn giản, tiếp cận trực tiếp với “nạn nhân” để thu thập thông tin vân tay, chụp hồng ngoại mống mắt hay quét 3D khuôn mặt sẽ là một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều so với việc khai thác các lỗ hổng như KRACK, Heartbleed hay Janus. Trong thời đại Bitcoin, ai ai cũng có thể lên mạng và tự biến mình thành “hacker” bằng cách mua lại các công cụ hack đã có sẵn. Thậm chí, thành tích kém cỏi của Google và khả năng sideload tùy tiện cũng có nghĩa rằng các nhà phát triển có ý đồ xấu vẫn có thể dễ dàng thu thập thông tin người dùng từ xa. Không có lý do gì để đến tận nơi và cầm công cụ quét 3D... quơ quơ trước mặt nạn nhân cả.

    Ngay cả trong trường hợp tội phạm số có thể làm như vậy, bảo mật sinh trắc học vẫn an toàn hơn một bậc so với mật khẩu. Bất kỳ một ai đứng đằng sau lưng bạn cũng có thể nhìn thấy mật khẩu bạn nhập vào smartphone, nhưng nếu bạn đăng nhập bằng vân tay hay mống mắt, kẻ đó dù thấy bạn đang thanh toán trước mắt cũng không thể làm gì cả.

    Ý nghĩa của khuôn mặt

    Những nỗ lực ăn theo có thể coi là minh chứng cho sức hấp dẫn của các công nghệ 3D trên khuôn mặt.
    Những nỗ lực ăn theo có thể coi là minh chứng cho sức hấp dẫn của các công nghệ 3D trên khuôn mặt.

    Đứng trước những thực trạng đáng buồn của bảo mật, cuộc đấu giữa nhận diện khuôn mặt 3D và cảm biến vân tay “chìm” sẽ buộc phải nằm ngoài lĩnh vực bảo mật. Và đó là lý do vì sao nhận diện khuôn mặt sẽ thắng thế.

    Bởi một cảm biến vân tay nằm dưới màn hình sẽ chỉ có ý nghĩa duy nhất khi người dùng mở khóa. Kể cả trong trường hợp cách mở khóa này tiện dụng hơn, sự khác biệt này chỉ là vài giây và cũng không phải là yếu tố sống còn khi mua smartphone.

    Còn nhận diện khuôn mặt 3D thì không chỉ dùng cho bảo mật. Những ứng dụng Animoji giả mạo tràn ngập trên chợ Google Play, quyết định công bố một phiên bản Animoji... chưa hoàn thiện của Huawei hay những nỗ lực ăn theo lố bịch đến nực cười của nhiều hãng Trung Quốc cho thấy hiệu ứng khuôn mặt là tính năng được nhiều người dùng thèm muốn.

    Nhận diện khuôn mặt 3D không phải là một công nghệ đơn lẻ mà là sự kết hợp của rất nhiều công nghệ có tiềm năng ứng dụng cao.
    Nhận diện khuôn mặt 3D không phải là một công nghệ đơn lẻ mà là sự kết hợp của rất nhiều công nghệ có tiềm năng ứng dụng cao.

    Dĩ nhiên, khả năng ứng dụng không chỉ nằm ở những hiệu ứng vui nhộn. Nếu đã đọc được chuyển động khuôn mặt, các nhà phát triển ứng dụng có thể phán đoán cảm xúc hoặc lời nói chính xác hơn. Những tính năng này hàm chứa rất nhiều tiềm năng cho cuộc cách mạng AI, trợ lý ảo và “y tế số” đang tiềm ẩn trước mặt.

    Không dừng lại ở đây, các công nghệ dùng cho nhận diện khuôn mặt 3D (camera 3D và neural network) có thể ứng dụng vào rất nhiều tình huống sử dụng khác. “Neural engine” trên chip A11 Bionic vừa có thể dùng cho Face ID, vừa có thể dùng để phân tích thói quen người dùng và tự động tối ưu RAM. Camera 3D hoặc thuật toán nhận diện khuôn mặt có thể dùng để nhận diện các loại bề mặt khác và góp phần quan trọng vào sự trỗi dậy của AR.

    Cảm biến vân tay có tính ứng dụng nào ngoài bảo mật?
    Cảm biến vân tay có tính ứng dụng nào ngoài bảo mật?

    Tất cả những tính năng này đều gần như không dính dáng chút nào đến cảm biến vân tay. Nói cách khác, nếu theo đuổi AI và AR, các nhà sản xuất gần như chẳng được thêm lợi lộc gì khi tích hợp vân tay dưới màn hình. Cũng giống như nút Home “chìm” trên iPhone 7, cảm biến vân tay đặt dưới màn hình của Synaptics sẽ chỉ là một nỗ lực vô vọng nhằm bấu víu lấy quá khứ mà thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ