5 tính năng được Android fan chờ đón trên Android 11 trong năm 2020

    Tấn Minh,  

    Sẽ thật tuyệt nếu Google lắng nghe người dùng và mang chúng lên phiên bản Android tiếp theo.

    Chính thức ra mắt vào tháng 9/2019, Android 10 quả thực là một phiên bản hệ điều hành di động với những cải tiến đáng kể. Chế độ tối toàn hệ thống mà nó mang lại chính là thứ mà người dùng đã kêu gọi trong suốt nhiều năm qua, hệ thống cử chỉ mới là một sự cải thiện đáng kể so với nỗ lực nửa vời trên Android 9 Pie, và giao diện cấp phép ứng dụng được làm mới cho thấy một bước tiến lớn giúp bạn nắm quyền kiểm soát sâu hơn đối với dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân.

    Đến thời điểm này, với nhiều người, Android 10 có lẽ vẫn còn khá mới mẻ, đặc biệt khi nhiều điện thoại mới chỉ được cập nhật cách đây chưa lâu, hoặc vẫn đang chờ đợi bản cập nhật từ nhà sản xuất. Nhưng điều đó không có nghĩa bắt đầu nhắc đến Android 11 lúc này là còn quá sớm.

    Google thường tung ra bản developer preview đầu tiên cho phiên bản Android mới vào tháng 3 hàng năm, và đối với Android 10, đó cũng là thời điểm bản beta đầu tiên ra mắt. Có nghĩa là chỉ trong vài tháng ngắn ngủi nữa thôi, chúng ta sẽ được trên tay Android 11, và khi nó xuất hiện, đây sẽ là những tính năng được nhiều người trong đợi nhất:

    Hẹn giờ kích hoạt chế độ tối

    5 tính năng được Android fan chờ đón trên Android 11 trong năm 2020 - Ảnh 1.

    Như đã nói ở trên, một trong những điểm hấp dẫn của Android 10 là chế độ tối. Chỉ cần một cú nhấn, bạn có thể kích hoạt giao diện tối huyền bí cho mọi thành phần hệ thống và bất kỳ ứng dụng nào có hỗ trợ

    Chế độ tối ở thời điểm hiện tại khá thú vị, nhưng có một điểm quan trọng còn thiếu: tính năng hẹn giờ kích hoạt.

    Trên Android 10, bạn chỉ có thể bật/tắt chế độ tối thủ công bằng cách vào phần cài đặt của hệ thống. Việc này khá dễ dàng, nhưng sẽ tiện hơn nhiều nếu Android 11 tích hợp tính năng cho phép bật và tắt chế độ này một cách tự động.

    Tương tự như các giao diện Android tùy biến của các nhà sản xuất, cũng như trên iOS 13, Android 11 có thể sẽ cho phép bạn lên lịch kích hoạt chế độ tối, hoặc tự động bật/tắt nó dựa trên thời gian bình minh/hoàng hôn. Đây là một thay đổi hết sức đơn giản nhưng sẽ giúp chế độ tối trở nên hữu dụng và hoàn thiện hơn đáng kể.

    Cử chỉ vuốt quay lại tùy biến được

    5 tính năng được Android fan chờ đón trên Android 11 trong năm 2020 - Ảnh 2.

    Trong hai bản cập nhật Android vừa qua, Google đã giới thiệu các loại hình điều hướng mới. Android 9 Pie có hệ thống điều hướng lai 2 nút bấm, còn Android 10 là hệ thống điều hướng cử chỉ hoàn toàn.

    Một số người có thể không thích các cử chỉ trên Android 10, nhưng sau khi sử dụng một thời gian, bạn sẽ thấy nó khá tiện lợi.

    Nhưng vấn đề lớn nhất với hệ thống cử chỉ này là thao tác vuốt để quay lại. Nó được thực hiện bằng cách vuốt từ bất kỳ vị trí nào ở hai bên cạnh trái/phải của màn hình, và dù quá trình thực hiện việc này không gặp vấn đề trở ngại gì, nó lại vô tình khiến menu trượt (còn gọi là menu hamburger vì có biểu tượng hình 3 vạch ngang như chiếc bánh kẹp) trở nên vô dụng.

    Trên Android 11, sẽ tốt hơn nếu Google cho phép tùy biến cử chỉ vuốt quay lại này. Tương tự như cách hoạt động của hệ thống cử chỉ trên OxygenOS của OnePlus, Google có thể chừa lại một phần màn hình không dùng vào việc kích hoạt cử chỉ để mở menu hamburger. Google cũng có thể cho phép người dùng tự quyết định phần nào của màn hình có thể dùng vào việc mở menu hamburger, phần nào dùng để nhận diện cử chỉ quay lại.

    Không phải ai cũng hài lòng với cách Google triển khai hệ thống cử chỉ trên Android 10, nhưng chắc chắn chẳng ai muốn Google tạo ra một hệ thống điều hướng mới cho Android một lần nữa. Nếu Android 11 mang lại tinh chỉnh nhỏ trong hệ thống điều hướng cử chỉ như đã đề cập ở trên, có lẽ sẽ có nhiều người chào đón nó hơn so với thời điểm hiện tại.

    Tích hợp sẵn chức năng quay phim màn hình

    5 tính năng được Android fan chờ đón trên Android 11 trong năm 2020 - Ảnh 3.

    Trong các bản beta của Android 10, có một tùy chọn ẩn trong mục dành cho nhà phát triển cho phép kích hoạt tính năng quay phim màn hình. Tuy nhiên khi bản Android 10 hoàn thiện được tung ra, tính năng này đã không cánh mà bay.

    Chúng ta chỉ có thể hi vọng Google không "chơi khăm" người dùng lần nữa trên Android 11 - trên thực tế, chẳng có lý do chính đáng nào để từ chối tích hợp một trình quay phim màn hình vào Android cả!

    Đây cũng là một tính năng nhỏ, thêm vào cũng đơn giản thôi. Có thể bạn sẽ không dùng nó mỗi ngày, nhưng khi cần đến, nó sẽ luôn ở đó thay vì buộc bạn phải vào Play Store và tìm một ứng dụng bên thứ 3 để cài đặt.

    Chụp ảnh màn hình các nội dung dài

    5 tính năng được Android fan chờ đón trên Android 11 trong năm 2020 - Ảnh 4.

    Android đã có sẵn tính năng chụp ảnh màn hình, nhưng nếu nó cho phép bạn kéo dài ảnh chụp đó để đưa thêm vào các nội dung nằm ngoài phạm vi hiển thị của màn hình thì sẽ tốt biết bao.

    Đây là một tính năng đã có trên một số giao diện Android tùy biến của các nhà sản xuất khác. Ví dụ, OnePlus đã trang bị tính năng này cho OxygenOS từ lâu, bạn chỉ cần nhấn nút chụp ảnh màn hình một lần là đã có thể chụp lại toàn bộ nội dung một trang web hiển thị vượt quá chiều dài của màn hình.

    Google hoàn toàn có thể (và nên) thêm tùy chọn này vào Android 11: người dùng có thể chụp ảnh màn hình bình thường như họ vẫn làm, nhưng nếu muốn chụp thêm phần nội dung còn thiếu, họ có thể nhấn một nút trên màn hình để kéo dài ảnh chụp bao nhiêu tùy ý.

    Tối ưu giao diện chọn ứng dụng mặc định

    5 tính năng được Android fan chờ đón trên Android 11 trong năm 2020 - Ảnh 5.

    Android cho phép bạn thiết lập các ứng dụng mặc định để mở các đường link nhất định. Ví dụ, nếu bạn bấm vào một đường link Twitter, bạn có thể để nó mở trong ứng dụng Twitter thay vì trong trình duyệt web.

    Trước đây, quá trình này diễn ra khá đơn giản. Ví dụ, với Twitter, chỉ cần chạm vào một đường link Twitter, một pop-up sẽ hiện lên để hỏi bạn muốn mở nó trong Chrome hay Twitter. Bạn có thể chọn "Just Once" để mở một lần, hoặc chọn "Always" và từ đó về sau, đường link đó sẽ luôn được mở trong ứng dụng bạn đã chọn làm mặc định.

    Trên Android 10, mọi thứ đã thay đổi, và chẳng rõ tại sao Google lại làm điều đó.

    Cụ thể, khi bạn chọn "Always" để mở đường link trong một ứng dụng nhất định, bạn sẽ được chuyển sang phần thiết lập "Open by default". Tiếp đó bạn phải bấm nút "Open supported links" và chọn "Open in this app". Tức bạn phải bấm thêm hai lần trong một trang thiết lập hoàn toàn khác, thay vì chỉ cần xác nhận một lần trong pop-up hiện ra như trước.

    Tại sao Google lại khiến quy trình này trở nên rối rắm đến thừa thãi như vậy? Rõ ràng nó chẳng hề dễ sử dụng chút nào, và hi vọng mọi thứ sẽ đơn giản hơn trên Android 11.

    Tham khảo: AndroidCentral

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ