Apple đứng trước những cáo buộc đang hủy hoại hành tinh xanh
Hiệp hội đòi quyền được sửa chữa cáo buộc Apple gây khó dễ cho những tiêu chuẩn tạo ra sản phẩm "xanh".
Chiếc iPhone lung linh chẳng thể tồn tại mãi ngay cả khi bạn gìn giữ cẩn thận cỡ nào đi nữa. Màn hình có thể bị trầy xước, pin chai dần cùng nhiều tổn thương khác. Chưa kể một số bản cập nhật iOS còn làm máy chạy chậm hơn. Đến khi không còn được hỗ trợ, chiếc iPhone của bạn đã thật sự lỗi thời.
Việc cần làm là mua một chiếc điện thoại mới trừ phi bạn không muốn bỏ ra 700 đô mỗi vài năm, hay giả như lo lắng cho nguồn tài nguyên khoáng sản của hành tinh ngày càng cạn kiệt và tỏ ra ái ngại với hàng tấn rác điện tử độc hại tuồn tới các nước đang phát triển.
Một báo cáo dài 43 trang của The Repair Association công bố hôm thứ Năm đã phô bày thực trạng đáng báo động. Họ muốn mọi người chú ý tới các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo đã tạo khe hở cho nhà sản xuất lách qua mà không hề tính tới việc cân bằng giữa túi tiền của khách hàng và môi trường.
Bởi vì sao? Bản báo cáo nói rằng những công ty như Apple thích tiền hơn bất cứ thứ gì nên vấn đề khác chỉ là thứ yếu. Khi người dùng thay điện thoại vài năm một lần hoặc tham gia chương trình iPhone Upgrade Program để có cơ hội sở hữu chiếc iPhone mới mỗi 12 tháng thì việc xử lý thiết bị cũ trở thành bài toán đau đầu. Điều này chẳng có gì lạ trong thời đại các tập đoàn công nghệ làm mưa làm gió. Nhưng thế giới cần tìm ra giải pháp nhằm cân bằng giữa việc đảm bảo quyền lợi về chi phí của người tiêu dùng lẫn bảo vệ hành tinh họ đang sống.
Gian nan đòi quyền sửa chữa
Điều này nghe chẳng có vẻ gì hấp dẫn cả, nhưng vấn đề cốt lõi là phải tuân theo các tiêu chuẩn về môi trường. Các nhóm vận động và tổ chức phi lợi nhuận đã hối thúc các tập đoàn như Apple phải áp dụng ngay chính sách giúp người dùng dễ dàng sửa chữa thiết bị, nhưng họ lại không đủ sức gây ảnh hưởng. Bởi Cơ quan quản lý tiêu chuẩn phần lớn bị các công ty kiểm soát với những luật lệ ràng buộc.
Kyle Wiens, CEO công ty sửa chữa nổi tiếng iFixit cho biết: “Các nhà sản xuất nắm giữ hầu như tất cả số phiếu. Vì thế về cơ bản, họ tự viết ra các tiêu chuẩn”.
“Quyền được sửa chữa” trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong nhiều năm. Logic cơ bản ai cũng hiểu là nếu dễ dàng có quyền thay pin điện thoại hoặc được hỗ trợ công cụ và hướng dẫn chi tiết thì thiết bị sẽ kéo dài tuổi thọ hơn. Điều này có lợi cho người dùng và hành tinh chúng ta, nhưng cuối cùng lại chẳng ích gì với Apple.
Nhiều công ty công nghệ hiện bán sản phẩm mà không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về sửa chữa và tái chế. Điện thoại được sản xuất bởi ốc vít độc quyền đòi hỏi công cụ đặc biệt, chưa kể bên trong còn đầy keo dính để gắn chặt các bộ phận lại với nhau. Điều này góp phần tạo ra những thiết bị đẹp mắt nhưng lại rất khó sửa chữa.
Sarah Westervelt, Giám đốc chính sách của tổ chức phi lợi nhuận Basel Action Network cho biết: “Tăng tuổi thọ sản phẩm đồng nghĩa các nhà sản xuất sẽ bán được ít hàng hóa hơn. Nếu khách hàng nhận thức rõ hơn về khái niệm sản phẩm xanh bao gồm yếu tố được xây dựng với tuổi đời cao, dễ sửa chữa, nâng cấp và pin có thể thay thế thì xã hội sẽ làm chậm lại đà tăng của ‘product churn’ (mô hình kinh doanh với việc bán nhiều sản phẩm hơn là có lợi cho khách hàng).”
“Điều đó (product churn) hình thành lượng chất thải độc hại lâu dài ngoài sức tưởng tượng đối với toàn thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển, nơi mà rác điện tử bị đổ dồn về”, bà Sarah Westervelt chia sẻ.
“Quả táo thối”
Apple luôn trở thành đề tài bàn tán của giới hoạt động môi trường. Công ty đạt lợi nhuận cao nhất thế giới nhưng lại không đưa ra những hành động tương xứng. Hãng thích đề cao tiêu chí xanh trong chiến lược kinh doanh của mình, như việc dùng hộp iPhone 7 từ chất thải có thể tái tạo được.
Tuy nhiên, mỗi chiến dịch “hô hào” như vậy lại giống như trò đùa bỡn cợt hòng rút cạn túi tiền người dùng và phủ “bụi mù” lên hành tinh. Như báo cáo của cây viết Andy Cambell của HuffingtonPost vào năm ngoái cho biết, Apple liên tục vận động hành lang chống lại các đạo luật hỗ trợ kéo dài tuổi đời thiết bị, quyền kiểm soát toàn bộ của người dùng sau khi đã mua sản phẩm.
Đồng thời, Táo khuyết dường như cũng ngăn cản các tiêu chuẩn môi trường nhiều hơn những đối thủ cạnh tranh khác. Theo bản báo cáo của The Repair Association, Apple đã phản đối mạnh mẽ biện pháp khích lệ các công ty xây dựng smartphone với pin tháo rời.
“Một nhà sản xuất đã kiên quyết phản đối đề nghị này và từ chối bỏ phiếu để đưa vào bộ tiêu chuẩn, đó là Apple”, báo cáo nói rõ.
Khi tờ Mashable gửi bài viết của The Repair Association, Apple đã trả lời: “Thiết kế cao cấp tích hợp cho phép chúng tôi tạo ra những sản phẩm không chỉ đẹp, mỏng, mạnh mẽ mà còn rất bền, vì thế chúng có thể dùng trong nhiều năm. Khi cần sửa chữa, các nhà cung cấp dịch vụ được nhượng quyền có thể đảm bảo hỗ trợ khách hàng. Và lúc sản phẩm hết hạn, Apple sẽ có trách nhiệm tái chế chúng một cách an toàn”. Hãng còn nhắc tới các phương pháp để tháo rời sản phẩm cũ như robot Liam trong hoạt động tái chế cần thiết giúp bảo vệ tài nguyên Trái đất.
Robot Liam của Apple tháo rời các bộ phận của iPhone
Nhưng nên nhớ, không phải bộ phận nào trên iPhone cũng có thể tái sử đụng. Chưa kể, Liam chỉ xử lý những chiếc điện thoại được trả về cho Apple, phần lớn số còn lại chẳng thể thống kê nổi. Có ý kiến cho rằng, công ty không hành động gì cho một nền điện tử bền vững ngoài việc quan tâm tới sản phẩm của mình.
Mark Schaffer, tác giả của bản báo cáo cho biết: “Chừng nào một nhà sản xuất vẫn kiểm soát được tiêu chuẩn thì việc sửa chữa sẽ không thể giải quyết”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung đã ứng dụng AI để định hình trải nghiệm giải trí thông minh trên AI TV như thế nào?
Tương tự dòng điện thoại Galaxy, Samsung AI TV thể hiện rõ khát vọng của thương hiệu điện tử Hàn Quốc trong việc “đưa AI đến với tất cả mọi người,” mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ di động đến TV.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"