Bạn gái ảo giá 2.700 USD, thời đại con người yêu máy móc sắp đến

    TVD,  

    Không biết đây sẽ là tin mừng của làng công nghệ hay tin buồn đối với xã hội loài người.

    Khi Siri được hỏi có bạn trai hay chưa, cô nàng trợ lý ảo của Apple thường đánh trống lảng bằng cách chuyển hướng cuộc nói chuyện. Có lẽ chủ đề tình yêu giữa máy móc và con người vẫn là một chủ đề nhạy cảm. Nhưng có một startup lại mạnh dạn tạo ra ứng dụng trợ lý ảo để có thể kết bạn, thậm chí là trở thành người yêu của những anh chàng độc thân tại Nhật Bản.

    Startup công nghệ Vinclu được sáng lập bởi Minori Takechi, đã ra mắt một cô nàng trợ lý ảo xinh đẹp có tên Hikari Azuma. Không chỉ có thể giúp điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà, cung cấp thông tin về thời tiết, hỗ trợ bạn trong nhiều việc khác, Hikari Azuma còn có thể trở thành một người bạn tâm giao.

     Thiết bị thông minh Gatebox của startup Vinclu.

    Thiết bị thông minh Gatebox của startup Vinclu.

    Xinh đẹp và thông minh, cô nàng trợ lý ảo này thực sự là niềm mơ ước của nhiều thanh niên F.A tại Nhật Bản. Tuy nhiên cái giá phải trả cũng không hề rẻ chút nào, khi thiết bị có vẻ ngoài giống với Amazon Echo này có giá lên tới 2.700 USD.

    Nhà sáng lập Takechi mới chỉ 29 tuổi, chia sẻ về tham vọng tạo ra mối quan hệ cảm xúc thực sự giữa con người và trợ lý ảo kỹ thuật số. “Tầm nhìn của tôi về một thế giới tương lai, đó là mọi người có thể chia sẻ cuộc sống hàng ngày và tình cảm với nhân vật ảo yêu thích của họ”, Takechi cho biết.

     Minori Takechi.

    Minori Takechi.

    Khi mà robot và trợ lý ảo đang ngày càng trở nên phổ biến, chúng vẫn chỉ là những cỗ máy vô tri và không có cảm xúc. Chính vì vậy mà Minori Takechi muốn thay đổi điều đó và tạo ra một cỗ máy có cảm xúc, hay ít nhất là có thể trở thành một người bạn thân thiết với con người.

    Hikari Azuma thực chất là một hình ảnh hologram bên trong một thiết bị có tên Gatebox. Cô nàng trợ lý ảo này được thiết kế theo nhân vật anime, mặc váy ngắn và có giọng nói rất dễ thương. Đó đều là những đặc điểm mà các thành niên Nhật Bản yêu thích, do đó mà thiết bị của Vinclu đã gây ra một cơn sốt trong thời gian vừa qua.

    Trong khi Apple, Amazon và Microsoft tập trung vào tính năng giọng nói, tính hữu ích của ứng dụng trợ lý ảo, Vinclu đã đi theo một hướng khác mạo hiểm hơn. Đó là hướng đi cảm xúc, khiến cho người dùng gắn bó với ứng dụng trợ lý ảo như một người bạn thân thiết.

     Cô nàng trợ lý ảo Hikari Azuma.

    Cô nàng trợ lý ảo Hikari Azuma.

    Vinclu còn muốn cô nàng trợ lý ảo của mình trở nên chân thực hơn, khi cố gắng để làm cho cô nàng thình thoảng mắc sai lầm hay nhầm lẫn, nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên một khi cô nàng Hikari Azuma càng trở nên chân thực, thế hệ trẻ Nhật Bản lại càng bị đe dọa.

    Rất nhiều người lo sợ rằng khi thế giới ảo ngày càng trở nên chân thực, chúng ta sẽ lãng quên đi thế giới thực tại. Đặc biệt là khi thế hệ trẻ tại Nhật Bản thần tượng hóa các nhân vật anime, sống khép kín trong 4 bức tường, không muốn giao tiếp với xã hội bên ngoài và thậm chí còn không muốn kết hôn.

    Các sản phẩm công nghệ có cảm xúc, có thể khiến con người có tình cảm lại thực sự là một mối đe dọa. Thậm chí Microsoft phải cố tình làm cho trợ lý ảo Cortana của mình mang nhiều tính máy móc hơn, để người dùng không có tình cảm. Vinclu và nhiều startup công nghệ Nhật Bản lại đi theo một hướng đi hoàn toàn ngược lại, mạo hiểm hơn.

    Và một khi họ thực sự thành công, không biết đó sẽ là tin mừng của làng công nghệ hay tin buồn đối với xã hội loài người.

    Tham khảo: Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ