Bạn không tin rằng Trái Đất này hình cầu? Vậy đây là những sự thật chứng minh điều đó

    Dink,  

    Địa Cầu, chứ không phải Địa Mâm hay Địa Đĩa.

    Trên thế giới này đã xuất hiện một nhóm người đánh mất niềm tin vào khoa học, các nghiên cứu từ các giáo sư nổi tiếng, rằng Trái Đất này tròn. Người ta không tin vào một thứ mang tên “Địa Cầu” – với từ khóa là từ “cầu”, mà lại nghĩ rằng mình đang sống trên một thế giới phẳng “địa đĩa”, “địa mâm” hay tương tự vậy.

    Đáng buồn là nhiều người vẫn tin như vậy, thậm chí họ còn tụ họp với nhau để thành lập nên hội những người tin vào một Trái Đất phẳng. Dù người ta còn tin như thế nào đi nữa, thì việc Trái Đất là một quả cầu tròn (thực chất không tròn lắm, hơi "béo" ở phần giữa) là trung tâm của hàng trăm ngàn thứ công nghệ có quanh ta: từ công việc của nhiều người cho tới chiếc điện thoại sử dụng công nghệ vệ tinh trên tay bạn. Trong vòng 30 năm tới, cái cộng đồng Trái Đất phẳng ấy mà lớn mạnh hơn thì tương lai của con người có vẻ sẽ không tươi sáng cho lắm.

    Và vì thế, ta có những cách thức này để mà chứng minh được rằng Trái Đất này không phẳng – một biện pháp đề phòng cho những tâm hồn non nớt có thể bị ảnh hưởng bởi cộng đồng mang quan điểm lệch lạc kia.

    Khái niệm ngày, đêm và độ dài của chúng

    Cả ba khái niệm trên chỉ đúng khi mà Trái Đất này hình cầu. Nếu không, tức là nếu Trái Đất này mà phẳng, thì đứng tại bất kì đâu, ta cũng có thể thấy được Mặt Trời. Hãy tưởng tượng trong một sân bóng với một dàn đèn ở chính giữa giống với Trái Đất phẳng với Mặt Trời trên cao, bất kì ai cũng có thể nhìn thấy hệ thống đèn ấy. Tất nhiên là sự kiện 7 tỉ người cùng chiêm ngưỡng Mặt Trời không thể xảy ra, hiển nhiên là Trái Đất không phẳng. Nếu bạn có người bạn nào đang sống cách nửa vòng Trái Đất, hãy cứ gọi hỏi họ xem trời lúc này tối hay sáng.

    Nếu như từng đó bằng chứng vẫn chưa đủ để thuyết phục bạn (dù không cần thiết) rằng Trái Đất tròn, và những người mất niềm tin kia vẫn nghĩ rằng bằng một cách nào đó, một quả cầu lửa nóng ngàn độ C trên cao kia không thể nào cung cấp nhiệt cho một hòn đá giữa không trung phủ chút nước. Nếu vậy, bạn vẫn phải giải thích được tại sao Mặt Trời lại tắt dần khi xuống dưới đường chân trời – cái này sẽ sớm được giải thích dưới đây. Trước hết, nói về độ dài của ngày đã.

    Nếu, đây là nếu nhé, họ tìm ra được cách giải thích sự tồn tại của ngày và đêm với một Trái Đất phẳng, vậy làm sao để giải thích được độ dài của ngày hay đêm phụ thuộc vào vị trí mà đang đứng trên bề mặt Trái Đất? Khi Bán Cầu Bắc đang là mùa hè thì Bán Cầu Nam sẽ là mùa đông, ngày ở nửa bắc sẽ dài hơn khi càng tiến về Cực Bắc và ngược lại với nửa nam; đó là do trục Trái Đất nghiêng, khiến Trái Đất hướng về Mặt Trời. Chẳng có lời giải thích nào cho sự kết hợp độc đáo ấy cả, ngoài việc Trái Đất là một hình cầu.

    Bão, gió và những thứ liên quan

    Bão hay lốc về cơ bản là như nhau: chúng đều là một khối lớn hút hơi ẩm từ đại dương, ném lượng hơi ẩm ấy lên những con người vô tội là chúng ta đây, và không quên phá hủy mọi thứ trên đường đi của mình.

    Gió bão luôn luôn thổi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ ở Bán Cầu Bắc. Bạn có thể theo dõi ở hình dưới đây.

    Tuy nhiên, tại Bán Cầu Nam, gió bão lại đi theo chiều kim đồng hồ, ngược với Bán Cầu Bắc. Đây là hình ảnh của cơn bão Catarina, một cơn bão hiếm có tại nửa nam của Địa Cầu.

    Việc hai luồng gió tại Bắc và Nam xoay như vậy là do chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Coriolis – Trái Đất quay ảnh hưởng nhiều tới hướng thổi của gió. Nếu như Trái Đất không xoay, gió sẽ thổi thẳng vào tâm lốc, bão từ mọi hướng. Nhưng vì Trái Đất quay và quay nhanh hơn ở quỹ đạo so với hai cực, và bởi phần giữa Trái Đất phải đi khoảng cách xa nhất với mỗi lần Trái Đất xoay, gió đi lên hướng Bắc hoặc hướng Nam sẽ bị ảnh hưởng khi chúng thổi từ vùng quay chậm sang phần quay nhanh của Địa Cầu. Những địa điểm khác nhau sẽ có hướng gió khác nhau.

    Nếu, lại là nếu, Trái Đất là là một chiếc đĩa lớn quay trong Vũ trụ với Cực Bắc nằm tại trung tâm của nó, lúc đó mọi cơn lốc cơn bão sẽ xoay theo cùng một hướng, và hình dáng của nó sẽ càng xoáy khi càng phía phía Nam – hay càng rời xa trung tâm và ra phần rìa, nói với giả định Trái Đất phẳng.

    Hơn nữa, với những vận tốc khác nhau ở những phần Trái Đất khác nhau, các lục địa sẽ bị xé đứt ra bởi vận tốc quay của Trái Đất ấy. Nghe chẳng hợp lý chút nào.

    Và hình dáng của mọi thứ cũng chứng minh Trái Đất này hình cầu

    Lên bất kì chuyến bay nào, bạn cũng có thể tự nhìn thấy được rằng Trái Đất chúng ta có những đường cong gợi cảm. Cứ đi thẳng về hướng Tây chẳng hạn (Tây Du Kí?), sau một khoảng thời gian nhất định nào đó, bạn sẽ lại trở lại điểm xuất phát cho xem.

    Đứng trên bờ biển chẳng hạn, nhìn một con thuyền rời bờ về phía chân trời và dần dần, con thuyền ấy sẽ đi khuất xuống phía dưới đường chân trời ấy. Ít nhất thì Trái Đất cũng phải cong cong một chút điều đó mới xảy ra, chứ chưa nói tới chuyện (hiển nhiên) là Trái Đất mang hình cầu. Nhiều người còn tin rằng đó chỉ là từ góc nhìn của con người thì nó thế thôi, vậy thì cái góc nhìn ấy hoàn toàn có thể được mở rộng với chỉ một cặp ống nhòm.

    Có lẽ những người tin vào việc Trái Đất này phẳng cũng chẳng tiêm vaccine cho con họ đâu.

    Tham khảo Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ