Bạn muốn mua hoặc bán tai nghe cũ? Hãy nằm lòng 8 lời khuyên sau đây

    L.H.C,  

    Bạn làm thế nào để biết được chính xác liệu một chiếc tai nghe đã qua sử dụng có còn thực sự mới như lời khẳng định của người bán? Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi mua bán từ xa?

    Nhưng trong khi thị trường tai nghe cũ có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cho người chơi, hàng second hand lúc nào cũng đi kèm nhiều rủi ro. Ở đây, chúng ta đang nói đến những tranh chấp có giá hàng triệu đồng: Làm thế nào để chơi tai nghe theo kiểu tiết kiệm chi phí mà vẫn an toàn?

    Hãy điểm qua một vài nguyên tắc không phải ai cũng biết.

    1. Cho người mua: Đoán biết tuổi thọ của sản phẩm

    Cách đơn giản nhất để biết tuổi thọ của tai nghe hoặc amp/DAC là thông qua hóa đơn mua hàng. Vấn đề là ở chỗ không phải người bán nào cũng giữ lại hóa đơn (hoặc muốn cung cấp lại cho người mua). Trong trường hợp này, hãy yêu cầu người bán chụp ảnh số serial (thường có trên tai nghe/amp/DAC) và gửi mail trực tiếp tới nhà sản xuất để hỏi về thông tin của sản phẩm. Rất nhiều công ty mà đặc biệt là các hãng amp/DAC trẻ tuổi như JDS, Burson, iFi hỗ trợ người dùng rất tốt và sẽ sẵn sàng trả lời câu hỏi của bạn.

    Lưu ý rằng đây chỉ là một cách tương đối để đoán biết tuổi thọ sản phẩm bởi nhiều nhà sản xuất chỉ theo dõi ngày họ xuất xưởng tới nhà phân phối. Tuy vậy, trong trường hợp (ví dụ) một chiếc tai nghe phổ biến được phát hiện là xuất xưởng là vào 2013 nhưng người bán lại nói mới chỉ mua vài tháng trước, rất có khả năng người này đang nói dối.

    Ngoài ra, hãy nhớ rằng trên thị trường có rất nhiều mẫu tai nghe đã ngừng sản xuất và đã hết hàng tại nước ngoài từ lâu, ví dụ như các mẫu tai nghe đời i-series của Grado chẳng hạn. Trong trường hợp này, nếu người bán nói món hàng xách tay của họ là mới mua, hãy điều tra kỹ hơn bằng cách yêu cầu receipt hoặc số serial được khắc trên tai.

    2. Cho người mua: Đoán biết mức độ sử dụng của sản phẩm

    Gần như chắc chắn bất cứ một người nào khi bán sản phẩm đã qua sử dụng nhưng ngoại hình còn mới đều sẽ nói rằng họ rất ít động đến chiếc tai nghe đó vì một lý do nào đó nghe rất hợp lý. Người mua thì rất muốn tin, nhưng chắc hẳn bạn cũng biết rằng không phải ai bán hàng cũng nói đúng sự thật.

    Những chiếc Grado vỏ gỗ có một điểm đặc biệt: khi còn mới, chúng rất... thơm.
    Những chiếc Grado vỏ gỗ có một điểm đặc biệt: khi còn mới, chúng rất... thơm.

    Vậy thì làm thế nào khi cặp pad (đệm) tai còn mới và phần vỏ nhựa vẫn láng bóng? Hãy để ý một số dấu hiệu sau đây:

    - Tai không kẹp chặt đầu: gần như chắc chắn chiếc tai nghe cỡ lớn nào được sử dụng nhiều cũng sẽ đều giãn bớt thay vì kẹp chặt như khi mới mua. Thông tin về mức độ kẹp của tai nghe mới luôn luôn có sẵn trên Google.

    - Jack cắm đã không còn mạ vàng: biểu hiện của việc tai nghe bị tháo rút nhiều lần.

    - Pad (đệm tai) đã mềm: pad sử dụng lâu vẫn có thể lành lặn và không nhìn quá cũ. Tuy vậy, bất cứ một loại đệm tai nào cũng sẽ bị mềm đi sau một thời gian chịu lực kẹp của headband.

    - Mùi hương: nghe lạ lùng nhưng một số mẫu tai nghe mà đặc biệt là tai vỏ gỗ sẽ có mùi thơm thoang thoảng trong vòng nửa năm hoặc một năm đầu. Ở phía ngược lại, bạn có thể hình dung về mức độ sử dụng của những chiếc tai nghe nhìn thì mới nhưng lại ám mùi thuốc lá, mùi khói hay mùi thức ăn.

    3. Cho người bán: Không nên đưa ra lời hứa "bảo hành cá nhân"

    Từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi cho rằng "bảo hành cá nhân" là một lời hứa quá rủi ro cho bên bán. Không có gì đảm bảo rằng người mua đã vô tình làm hỏng chiếc tai nghe đã mua vì "tháo nóng" khi đang cắm amp chẳng hạn. Tệ hơn, một số người còn sẵn sàng đánh tráo linh kiện hoặc tự làm lỗi để trả về sản phẩm vì bỗng dưng... hối hận sau khi mua.

    Do đó, hãy quên chuyện "bảo hành cá nhân" và hãy thỏa thuận rõ trước khi hẹn người mua đến xem hàng rằng bạn cho phép họ "Test thoải mái trước khi tiền trao cháo múc". Đây là cách rõ ràng nhất, minh bạch nhất, đảm bảo quyền lợi nhất cho cả hai bên.

    4. Mua bán từ xa: Hãy tìm người trung gian

    Việc mua bán từ xa tiềm ẩn rất nhiều rủi ro: người mua có thể nhận hàng rồi kêu hàng lỗi và "ỉm" đi không thèm trả tiền cho người bán; người bán có thể cố tình chuyển... cục gạch cho người mua v...v...

    Bởi vậy nên cách tốt nhất để thực hiện giao dịch từ xa là tìm tới một người trung gian. Người mua sẽ gửi tiền tới người trung gian. Người bán sẽ gửi hàng tới người trung gian xác nhận chất lượng. Khi đã xác nhận chất lượng hàng cho người mua và đã nhận tiền thay người bán, người trung gian sẽ thực hiện nốt phần còn lại.

    Vậy làm sao để tìm được người trung gian? Đầu tiên, hãy tìm tới các shop xem họ có cung cấp dịch vụ trung gian hay không. Nếu không tìm được shop ưng ý, hãy theo dõi các chợ tai nghe để tìm ra các thành viên uy tín rồi nhờ họ giúp đỡ với vai trò trung gian. Lưu ý rằng cả hai bên nên đặt vấn đề hậu tạ với người trung gian để họ thực sự có trách nhiệm với công việc đang được "nhờ vả".

    5. Trước khi bị lừa đảo: Save lại trang Facebook của người còn lại

    Nếu không thể tìm được người trung gian, bạn buộc phải tính đến tình huống xấu nhất là người còn lại sẽ lừa đảo mình. Hãy thực hiện các bước sau để giảm thiểu thiệt hại nếu sự cố xảy ra:

    - Yêu cầu chụp ảnh chứng minh thư hoặc add face. Lưu ý rằng họ hoàn toàn có quyền từ chối bạn vì lý do riêng tư.

    - Vào trang Facebook của người còn lại và quan sát xem có các bức ảnh cá nhân hay không. Khi đang ở trên trang face này, nhấn nút Ctrl S để lưu lại toàn bộ các nội dung ảnh, bạn bè v...v...

    - Lưu ý tới Facebook ID (con số hoặc cụm từ đứng đằng sau chữ "facebook.com/" trên thanh địa chỉ của trình duyệt). Nếu Facebook ID không phải là một con số ngẫu nhiên, bạn có thể an tâm rằng kể cả nếu người này có thể block bạn thì những người khác vẫn có thể thay bạn tìm ra danh tính của kẻ lừa đảo.

    - Để ý tới các câu bình luận ở dưới các bức ảnh/bài viết công khai. Nếu đó là những câu nói thân mật, người bình luận sẽ là manh mối để bạn tìm được danh tính của kẻ lừa đảo.

    Cần phải chỉ ra rằng chúng tôi đang hướng dẫn bạn khai thác các lỗ hổng về quyền riêng tư của bên còn lại. Với những người có ý thức bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trên Facebook (bao gồm cả chính người viết), toàn bộ các bước này sẽ là vô ích và điều đó cũng không có nghĩa rằng họ chắc chắn sẽ lừa đảo bạn. Dù sao, trong trường hợp không thể tìm được người cung cấp dịch vụ trung gian và cũng chẳng thể xác nhận danh tính của bên còn lại, bạn hoàn toàn có thể đăng bài hỏi các thành viên còn lại của group/diễn đàn mua bán về tính xác thực của người này.

    Nếu ngay cả bước này cũng thất bại nốt, bạn sẽ phải tự định mức rủi ro dựa vào thông tin tài khoản ngân hàng hoặc địa chỉ nhận hàng mà họ cung cấp cho bạn.

    6. Đóng gói hàng với tinh thần "niêm phong"

    Để tránh gian lận từ phía dịch vụ ship, hãy bọc giấy xung quanh món hàng, dán hồ/keo, ký tên lên các vị trí có thể mở để lấy hàng bên trong và dùng băng dính trong dính lên trên. Nói một cách đơn giản, hãy bọc hàng theo cách mà nếu kẻ gian có muốn bóc ra tráo hàng trong quá trình vận chuyển thì dấu vết để lại vẫn là cực kỳ rõ ràng. Lưu ý rằng bạn nên thực hiện những bước cuối cùng này tại nơi gửi hàng (vốn thường có camera theo dõi).

    Trường hợp bị tráo hàng tại Việt Nam không phải là không có; đáng lo ngại hơn là có những kẻ gian nhận hàng rồi báo lại với người bán rằng hàng bị đánh tráo trong khi vận chuyển. Do đó, bạn cần phải yêu cầu người nhận chụp ảnh gói hàng trước khi mở.

    7. Mua bán từ xa: Hãy luôn chọn để người nhận trả tiền dịch vụ ship

    Nếu người gửi trả phí thì quá trình ship sẽ gặp khá nhiều rủi ro. Đã có lần chúng tôi chọn địa chỉ nhận hàng là tại công ty: shipper đến giao tai nghe tại lễ tân và chẳng thèm gọi cho người nhận, đến khi người gửi báo cho người nhận rằng hàng đã đến nơi và người nhận xuống hỏi lễ tân thì lại không tìm thấy. Người gửi sau đó mất rất nhiều thời gian để hỏi thông tin từ phía dịch vụ ship và kèm theo những câu trả lời không rõ ràng vì có quá nhiều bên liên quan (trạm trường, shipper 1, shipper... thay ca cho shipper 1) là một sự khó chịu vô bờ bến. Cuối cùng thì may mắn là hàng đã đến lễ tân thật, nhưng người gửi ghi thiếu một chữ số trên số điện thoại của người nhận còn người nhận thì lại dùng tên thật chứ không dùng... bút danh Genk để giao dịch.

    Do vậy, để chắc chắn rằng giao dịch từ xa diễn ra thành công, hãy luôn chọn để người nhận trả tiền dịch vụ ship. Nếu có những trục trặc giời ơi đất hỡi như trường hợp của chúng tôi ở trên, shipper tỏ ra trách nhiệm hơn và ít nhất là sẽ báo về người gửi – tốt hơn là để hai bên mua-bán phải đau đầu với kiểu phục vụ chưa thực sự hoàn thiện tại Việt Nam. Đây cũng là cách để đảm bảo rằng món hàng sẽ đến tay đúng đối tượng nhận chứ không phải là một kẻ giả danh nào đó.

    8. Những điều hiển nhiên

    Ở phía trên, chúng tôi đã đề cập tới một số "mẹo" mà không phải người mua tai nghe nào cũng biết. Dưới đây là một số lời khuyên có lẽ là ai cũng biết nhưng nhắc lại vẫn không thừa:

    - Luôn tìm hiểu kỹ về sản phẩm định mua. Nếu chịu khó Google thật kỹ trước khi mua bạn sẽ biết trước được rằng một số sản phẩm bị lỗi cố hữu, ví dụ như chiếc HD598 màu đen do Amazon độc quyền thường bị rè bass (bản trắng không bị) hoặc chiếc amp Cayin C5 hay bị hiện tượng nhiễu âm.

    - Yêu cầu người bán chụp ảnh mọi góc độ của sản phẩm định mua.

    - Minh bạch thông tin về món hàng trước khi bán là cách dễ nhất để bán được hàng. Bạn sẽ không muốn người mua đến nhà mình rồi mặc cả vài trăm nghìn vì một vết xước bạn "quên" không nhắc tới.

    - Nên kiếm một người "sành" đi cùng, bất kể là mua hay bán. Họ biết những ngóc ngách mà bạn không biết.

    - Độn thật nhiều giấy. Nếu không có giấy báo hay xốp hơi để độn, hãy sử dụng giấy vệ sinh, rẻ tiền nhưng vẫn hiệu quả.

    - Khi đi mua tai nghe, bạn nên mang amp/DAC/DAP của mình đi. Đây là cách tốt nhất để xác định giá trị mà chiếc tai nghe định mua sẽ mang lại cho bạn.

    Bạn có kinh nghiệm nào khác để chia sẻ với những người chơi tai nghe 2nd tại Việt Nam hay không?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ