[Đánh giá] Motorola RAZR - Vang bóng một thời

    Minh Lết, Minh Lết  

    Liệu chiếc smartphone với chiều dày chỉ 7,1 mm có đủ sức vực dậy cả 1 huyền thoại đã chìm trong dĩ vãng suốt 5 năm qua?

    Có lẽ rất nhiều bạn đọc còn nhớ thời kỳ những chiếc điện thoại thời trang siêu mỏng lên ngôi hồi những năm 2004-2005. Ngày đó iPhone còn chưa ra đời và tiêu chuẩn cái đẹp của điện thoại thời ấy thật hết sức đơn giản: Mỏng. Chiếc Motorola V3 là 1 trong những đại diện quan trọng nhất của dòng điện thoại thời trang. Khi V3 ra mắt, cả thế giới phải trầm trồ trước màn hình mỏng đến... khó tin của chiếc điện thoại nắp gập này, và hầu như ngay lập tức V3 định chuẩn cho 1 cuộc chạy đua mới của thế giới di động: Độ mỏng.

    Tất cả các hãng bị cuốn vào vòng xoáy của việc cố gắng "đẽo gọt" sao cho sản phẩm của mình... mỏng dính, mỏng đến mức mà chuyện những "siêu mẫu" như Samsung X820 dễ dàng gãy gập khi nhét vào túi chật không phải là hiếm gặp. Nói một cách ngắn gọn, Motorola V3 đã trở thành 1 biểu tượng của thời trang, sành điệu và công nghệ cao trong suốt 5 năm trời.

    Đến giờ nhìn lại nhiều người cho rằng sự thành công của V3, nói theo 1 cách nào đó, chính là thất bại lớn nhất của Motorola. Suốt 4 năm trời V3 và các biến thể của nó giữ ngôi vị bán chạy số 1 thị trường, Motorola không hề cảm thấy áp lực phải cách tân, cải tiến.

    Phiên bản cuối cùng trong dòng nắp gập siêu mỏng RAZR của hãng là V13 cũng không khác với V3 là mấy. Sự thành công của V3 đã khiến Motorola trì trệ và thiếu sáng tạo, những yếu điểm chết người khi iPhone khởi động 1 cuộc chạy đua mới: smartphone. Motorola không bắt kịp cuộc đua smartphone, những sản phẩm bom tấn của hãng như Droid, Atrix hoặc thành "bom xịt" hoặc nhanh chóng bị các đối thủ tiếm ngôi. Và kết quả, như chúng ta đã biết, Motorola Mobility phải "bán mình" cho Google vì kết quả kinh doanh quá bết bát.

    Mặc dù thất thế, nhưng Motorola rõ ràng sẽ không chịu rời sàn đấu một cách cam chịu. Chiếc smartphone Android mới nhất được đóng mác của dòng sản phẩm từng "vang bóng 1 thời" RAZR chính là minh chứng rõ rệt nhất về quyết tâm giành lại những gì đã mất của Motorola. Liệu hệ điều hành Android cộng với kinh nghiệm của nhà sản xuất thiết bị di động lâu đời nhất thế giới có đủ để RAZR khôi phục lại hào quang của những bậc tiền nhiệm? Câu trả lời sẽ tới trong bài viết dưới đây.

    Cảm quan

    Hiện RAZR đang có giá bán 14,1 triệu đồng do CellphoneS (117 Thái Hà, tham khảo ngày 21/11) phân phối đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Với tầm giá này, RAZR nằm vào phân khúc smartphone hạng sang, sánh vai với Samsung Galaxy S II, HTC Sensation và các smartphone Android lõi kép khác. Và phải nói rằng ngay từ cái nhìn đầu tiên RAZR cũng chứng tỏ rằng mình rất xứng tầm là 1 sản phẩm cao cấp. Màn hình cảm ứng bóng lộn, bộ khung viền bằng kim loại, mặt lưng đan bằng sợi Kevlar siêu bền, một vài điểm nhấn bằng kim loại có vân ở các chi tiết như loa thoại, nút nguồn... Tất cả đều khiến RARZ toát lên 1 vẻ cứng cáp, sang trọng và mạnh mẽ.

    RAZR rất bỏng bẩy và ưa nhìn với dáng máy rắn rỏi, nam tính.

    Thiết kế của RAZR cho cảm giác bóng bẩy tới độ máy đẹp ngay khi... chưa bật màn hình. Và bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng cầm RAZR đi trên phố bạn sẽ nhận được rất nhiều ánh mắt tò mò của người đi đường.
    Máy nhìn rất sang và khỏe khoắn. Tuy nhiên mặt lưng to với hoa văn Kevlar có thể khiến máy nhìn hơi lạ.

    Độ mỏng của RAZR chỉ có 7,1 mm khiến nó trở thành chiếc smartphone Android mỏng nhất thế giới, và phải thừa nhận rằng thiết kế mỏng luôn để lại những ấn tượng rất mạnh cho người lần đầu tiên tiếp xúc với máy. Thân vỏ được chế tác từ vật liệu cao cấp khiến cảm giác cầm nắm của RAZR rất chắc chắn bất chấp chiều dày khiêm tốn. Nếu so sánh với 1 sản phẩm "siêu mẫu" khác là Galaxy S II thì rõ ràng chất lượng thân vỏ của RAZR tốt hơn hẳn, máy cho cảm giác đầm, chắc chắn và không hề bị ọp ẹp hay rẻ tiền như thiết kế vỏ nhựa của Galaxy S II. Đây là 1 điều mà nhà sản xuất Hàn Quốc chắc chắn sẽ cần phải học hỏi nhiều từ người đồng nghiệp Bắc Mỹ.

    Sườn máy làm bằng kim loại cho cảm giác rất chắc chắn và 1 trọng lượng thuyết phục.

    Tuy nhiên những ấn tượng tốt đẹp về bề ngoài bóng bẩy của máy lập tức tan đi khi tôi cầm máy lên lần đầu. Nếu như bạn từng cảm thấy khó chịu khi cầm Galaxy S II vì máy quá mỏng và các góc máy vuông vắn hơi gợn tay thì hãy nhân cảm giác đó lên 3,4 lần và bạn sẽ mường tượng được sự khó chịu khi cầm RAZR trên tay.


    Dù màn hình chỉ có 4,3 inch lại có tỉ lệ khung hình khá thanh mảnh 16:9 giống như Sensation, nhưng viền quanh màn hình của RAZR khá dày khiến bề ngang của máy lớn hơn các smartphone 4,3 inch khác, thêm vào đó mặt lưng hoàn toàn phẳng cộng với các mép máy gập vuông khiến RAZR "cấn" lòng bàn tay của người cầm.

    Nút nguồn và volume hơi ngắn và dồn về 1 phía rất khó thao tác.

    Thậm chí do máy quá mỏng nên khi thao tác máy bằng 1 tay tôi luôn "nơm nớp" sợ làm tuột máy. Rất may là mặt lưng Kevlar của RAZR có cảm giác mềm và bám tay như cao su nên cũng hỗ trợ rất nhiều cho người sử dụng trong việc thao tác trên máy bằng 1 tay. Bên cạnh đó nút nguồn và các phím tăng giảm âm lượng được bố trí hẹp, ngắn và dồn hết về 1 bên thân máy cũng gây khó khăn cho việc thao tác. Thêm vào đó việc máy sử dụng Micro-SIM có thể cũng sẽ khiến rất nhiều người ngại ngùng.


    Nói tóm lại, RAZR là 1 chiếc smartphone đẹp và sang, rất phù hợp với nam giới. Tuy nhiên để làm quen với cảm giác lạ tay của RAZR bạn sẽ cần rất nhiều thời gian. Nói cho cùng, cái gì cũng có giá của nó, và lần này ở RAZR người sử dụng phải chấp nhận đánh đổi cảm giác cầm nắm của máy lấy độ mỏng "vô địch" và 1 thiết kế phá cách.

    Màn hình

    Sử dụng công nghệ màn AMOLED với phân giải qHD, tuy nhiên màn hình của RAZR lại gây cho tôi khá nhiều thất vọng. Mặc dù màu sắc và độ sáng của màn hình trên RAZR vẫn rất rực rỡ và không có gì đáng để phàn nàn, nhưng độ nét của màn hình thì thực sự lại là 1 vấn đề. Tôi từng nghe 1 vài người bạn làm trong ngành kháo nhau rằng RAZR sử dụng màn hình có chất lượng kém hơn để đảm bảo độ mỏng của máy, dù chưa thể kiểm chứng được điều này nhưng tôi có thể khẳng định rằng màn hình của RAZR là 1 trong những màn hình 4,3 inch với phân giải qHD có chất lượng kém nhất mà tôi từng nhìn thấy.


    Sử dụng panel PenTile, yếu điểm rỗ mắt màn và răng cưa thể hiện rất rõ trên RAZR. Đặc biệt khi bạn đọc các dòng text trắng trên nền đen, hiện tượng răng cưa sẽ lộ ra gây cảm giác rất tức mắt. Tất nhiên không phải bao giờ chúng ta cũng nhìn chăm chăm vào màn hình chỉ để xem chữ có bị răng cưa hay không và hiện tượng này không ảnh hưởng đến việc hoạt động bình thường của máy, nhưng tôi cho rằng Motorola sẽ cần chăm chút hơn nhiều cho sản phẩm của mình để những hạt sạn như thế này không còn tái diễn. Các tác vụ như xem ảnh, xem phim sẽ không bị ảnh hưởng bởi rỗ mắt màn và răng cưa, nhưng khi đọc ebook thì hiện tượng này sẽ là 1 vấn đề thực sự. Công bằng mà nói, nếu bạn không phải là 1 người quá khó tính và khắt khe tới từng điểm ảnh thì màn hình của RAZR vẫn sẽ thỏa mãn bạn với kích thước và màu sắc của mình.

    Hiện tượng rỗ mắt màn khá rõ.

    Bên cạnh đó màn hình của RAZR cũng có 1 điểm mà tôi cảm thấy rất hài lòng đó là có mức tiêu thụ năng lượng rất thấp: Chỉ khoảng 40% ngay cả với mức sáng màn hình thiết lập tối đa. Đây thực sự là 1 điều đáng mừng vì các smartphone màn 4,3 inch khác thường màn hình "cắn" tới 60-70% lượng pin của máy ở thiết lập độ sáng 50%.

    HĐH và giao diện

    Giao diện mà Motorola sử dụng trên các sản phẩm chạy Android của hãng được đặt tên là Blur. Và cũng giống như truyền thống của các phiên bản trước đó, Blur dùng trên RAZR cũng "sở hữu" những yếu điểm truyền thống của dòng giao diện này. Về tổng quan, Blur có vẻ rất thô kệch khi so sánh với các đối thủ như Sense, TouchWiz... Các widget, ứng dụng đều được thiết kế vuông vắn với các góc cạnh sắc lẹm, icon rất màu mè và các hiệu ứng chuyển 3D dù mượt nhưng thường là được trình bày rất... rườm rà. Thậm chí bạn có thể cảm thấy... sốt ruột khi phải chờ hiệu ứng Zoom khi mở trang All Apps hiển thị xong.

    Blur khá màu mè và rườm rà.

    Một vài tính năng trên Blur cũng không được trực quan cho lắm, đơn cử như trình quản lý ứng dụng đa nhiệm đi kèm máy, sau gần 5 phút vọc vạch tôi vẫn không biết cách nào để tắt tất cả các ứng dụng đang chạy đi từ Task Manager cài sẵn trên máy. Cuối cùng giải pháp của tôi là tải... Task Killer từ market về và mọi chuyện lại đau vào đấy.

    Quick Dial của máy không thông minh lắm khi thường xuyên đoán sai contact tôi muốn tìm.

    Tuy nhiên vẫn phải thừa nhận rằng 1 số chi tiết trên Blur của RARZ được thiết kế khá thú vị và đẹp, đơn cử như màn hình khóa hoặc các widget như favourite contact hoặc Social. Bên cạnh đó 1 tính năng cũng thú vị của RAZR là Smart Actions cho phép người dùng tự "lập trình" các hành vi của máy.

    Màn hình khóa rất thẩm mỹ.

    Chẳng hạn như tự động tắt chuông khi người dùng đang ở những vị trí nhất định như trường học, cơ quan (vị trí được xác định bằng GPS) hoặc nếu như máy không được cắm sạc trong đêm thì các tính năng không cần thiết trong đêm khuya như email Facebook sẽ tự động được vô hiệu hóa để tiết kiệm pin v...v... Smart Actions có thể giúp RAZR thông minh hơn rất nhiều và việc "lập trình" các hành vi này cũng rất đơn giản, chỉ cần chọn các điều kiện cần và sau đó là hành vi của máy bằng cách kéo thả. Tuy nhiên việc Smart Actions không hỗ trợ backup các Actions người dùng vừa tạo mới sẽ khiến những ai thường "vọc máy", up ROM như tôi cảm thấy rất phiền phức khi phải làm lại tất cả từ đầu sau mỗi lần flash ROM mới.

    Các MXH được tích hợp rất sâu vào Blur.

    Bên cạnh đó các tính năng mxh cũng được tích hợp rất sâu trên Blur, bạn có thể xem ảnh của bạn bè trên Facebook, Picasa ngay từ ứng dụng Gallery của máy hoặc chat Skype mà không cần cài thêm ứng dụng Skype.

    Nhìn chung giao diện Blur của RAZR để lại những ấn tượng lẫn lộn với tôi, tốt có xấu có. Bạn sẽ cần khá nhiều thời gian để làm quen với Blur, nhưng khi đã quen rồi thì bạn sẽ cảm thấy nó cũng rất hữu ích. Và dĩ nhiên là nếu bạn không thích Blur thì còn rất nhiều launcher khác đang chờ bạn khám phá.

    Hiệu năng và giải trí

    Tôi không phải là 1 người thường chơi game trên di động, hình thức giải trí thường xuyên nhất trên smartphone của tôi là phim, nghẹ nhạc và duyệt web. Và với những nhu cầu như thế, RAZR có những thể hiện rất xuất sắc, phần lớn là nhờ vào màn hình 4,3 inch màu sắc tươi tắn của máy.

    Việc đọc web rất thoải mái trên màn hình lớn.

    Đặc biệt trình duyệt đi kèm của RAZR rất tốt với những bổ sung hữu ích như tự động canh lề text vào khung màn hình khi zoom lên giúp đọc web dễ dàng hơn. Tốc độ load và cuộn trang trên RAZR cũng rất nhanh, thậm chí tôi còn có cảm giác nhanh và mượt hơn các smartphone lõi kép khác như Galaxy S II. Kích thước màn hình của RAZR cũng rất lý tưởng cho việc duyệt web, trang web tải nhanh và hiển thị đầy đủ, nhất là trong chế độ màn hình ngang vì độ phân giải chiều ngang của RAZR lên tới 960px, tương đương cả các màn hình máy tính cỡ nhỏ.

    RAZR đủ sức "gánh" các video 1080p mkv tải qua torrent khá dễ dàng, bên cạnh đó việc giải trí với các game 3D khá nặng như Dungeon Hunters, Samurai II cũng rất thoải mái với khung hình mượt và ổn định.

    Mặc dù có CPU lõi kép 1,5GHz trên nền Cortex A9 nhưng RAZR lại sử dụng 1 GPU đã lỗi thời là PowerVR 540 (cùng bản sử dụng trên HummingBird của Galaxy S nhưng chạy ở xung nhịp cao hơn). Hiệu năng của PowerVR 540 mặc dù vẫn đủ sức gánh vác tất cả các game năng nề nhất hiện tại nhưng về lâu về dài RAZR sẽ "đuối sức" trước các game mới hơn. Qua 1 số bài benchmark tập trung stress GPU tôi thấy hiệu năng đồ họa của RAZR chỉ bằng khoảng 50% so với Galaxy S II dùng GPU Mali-400.

    Máy có jack cắm tai nghe 3,5 mm và cổng HDMI để xuất video ra màn hình lớn.

    Tuy nhiên tôi rất nghi ngờ việc trong thời điểm hiện tại bạn có thể "vắt kiệt" sức của RAZR với các tác vụ thường ngày như duyệt web, xem phim, chơi game.

    Chụp ảnh


    Camera lại là 1 điểm gây thất vọng của RAZR. Ảnh từ RAZR có âm hưởng chung là tối và màu sắc ảm đạm. Ảnh nội cảnh của RAZR đặc biệt kém, máy thường xuyên bị rung và mất nét dù tôi đã cố gắng hết sức để giữ yên máy khi chụp. Bù lại độ nét của ảnh khá tốt và trong điều kiện đủ sáng ảnh từ RAZR cho chất lượng khá dù màu sắc vẫn rất u ám.

    Âm hưởng chung từ ảnh của RAZR là u ám và ảm đạm. (Click vào camera sample để xem ảnh lớn)

    Tốc độ bắt ảnh của RAZR rất chậm ngay cả ở điều kiện ngoại cảnh.

    Màu của ảnh từ RAZR rất thật, nhưng cũng vì thế mà không được bắt mắt cho lắm.


    Ảnh nội cảnh thường xuyên bị tình trạng rung và nhòe.

    Rất may là ảnh của RAZR vẫn rất chi tiết.

    Video 1080p quay từ RAZR có độ nét cao, frame rate ổn định nhưng cũng có chung yếu điểm là tối và màu sắc nhợt nhạt.

    Video 1080p quay từ Droid RAZR.
    Thời lượng pin

    Nắp lưng của RAZR không tháo rời được khiến người sử dụng không thể thay nóng được pin, tuy nhiên viên pin gắn cố định của máy cũng sẽ đủ sức gánh vác 1 ngày làm việc với cường độ cao của bạn. Thêm vào đó màn hình tiết kiệm pin cũng giúp RAZR "sống sót" khá lâu: tới 17 tiếng sau khi sạc 100% với mức sử dụng nặng: 3G, Wifi và push mail liên tục, đọc văn bản Office khoảng nửa tiếng, chơi Angry Bird nửa tiếng, xem 1 bộ phim dài 110 phút qua DNLA và nghe gọi khoảng 20 phút, nhắn 6 tin SMS.

    Kết luận

    RAZR là 1 chiếc smartphone khá độc đáo, tuy nhiên chắc chắn nó sẽ không thể làm được những gì mà các bậc tiền bối trong dòng RAZR từng làm được. Thị trường smartphone giờ đây đã không còn như 5 năm trước. Để thành công 1 sản phẩm cần nhiều hơn là 1 dáng máy "mi nhon". Dù vẫn còn nhiều yếu điểm như màn hình, Camera... nhưng những người yêu thích 1 sản phẩm thời trang và có nhu cầu sử dụng smartphone cho công việc, giải trí sẽ cảm thấy RAZR vẫn rất đáng tiền.

    Chắc chắn với sư có mặt của RAZR, thị trường smartphone cuối năm 2011 sẽ thêm phần sôi động.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày