Các hãng điện tử Nhật "một thời vang bóng" đã bị Hàn Quốc hạ gục như thế nào?

    PV,  

    Trong khi các công ty điện tử Nhật Bản “vang bóng một thời” như Toshiba, Sharp hay Panasonic giờ chỉ là những “zombie” sống dựa vào sự cứu trợ của chính phủ, thì các đối thủ đến từ những quốc gia láng giềng Hàn Quốc lại đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

    Nhật Bản thất thế

    Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, cuộc chiến giá cả đã khiến các nhà sản xuất hàng điện tử Nhật Bản bị hạ “knock-out” khỏi đấu trường thế giới. Cách đây vài năm, những thương hiệu Nhật Bản như Panasonic Toshiba và Sony thống trị thị trường điện tử, đặc biệt là thị trường TV. Với nhưng model bóng bảy, các công ty này khiến những đối thủ đến từ châu Âu cũng phải ghen tị. Thế nhưng khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, khách mua đã quay lưng lại với các sản phẩm đến từ Nhật Bản và hướng sự quan tâm của mình tới những thiết bị giá rẻ hơn, thông số hấp dẫn hơn từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

    Do áp lực của của chiến giá cả, tháng 2/2015, Panasonic tuyên bố rút khỏi thị trường TV quốc tế. Những sản phẩm giá rẻ hơn của hãng này với thương hiệu Sanyo, vốn được bán tràn lan ở các siêu thị từ Việt Nam đến Walmart của Mỹ, cũng đã chỉ còn là thứ mà người Nhật “tự sản tự tiêu”. Toshiba cũng ngừng sản xuất và bán TV tại Bắc Mỹ từ tháng 3/2015 vì một lý do tương tự: không thể cạnh tranh về giá cả cũng như thông số với các đối thủ khác. Ngược lại, tập đoàn Sony lại lựa chọn tách mảng sản xuất TV ra thành một công ty con hoạt động độc lập.

    Theo ông Peter Richardson, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint: “Lý do các công ty Nhật Bản có ngày nay chính là do chiến lược. Các thương hiệu Nhật như Sony và Panasonic luôn chú trọng vào chất lương, nhưng thực sự họ lại không có năng lực trong việc sản xuất các tấm màn hình LED và LCD. Họ không có khả năng đem lại sự khác biệt đến thị trường. Ngoài ra, cơ cấu kinh doanh tốn kém và phức tạp khiến các hãng điện tử Nhật Bản khó thu về lợi nhuận đáng kể”.

    Panasonic và Toshiba đã chuyển hướng tập trung vào thị trường trong nước khi nhu cầu đối với các sản phẩm màn hình lớn và lợi nhuận cao vẫn còn, nhưng chắc chắn là không nhiều như trước. Sự trung thành với thương hiệu TV trong nước tại quốc gia này vẫn rất cao và những chiếc TV “made in Japan” chiếm tới 90% thị phần tại Nhật. Trái lại, LG chỉ giành được 2% thị phần còn TV Trung Quốc thì gần như là một khái niệm không tồn tại.

    Mặc dù các thương hiệu Nhật Bản không phải chịu áp lực từ cuộc chiến giá cả như tại các thị trường khác, thế nhưng doanh thu của các công ty này tại quê nhà cũng sụt giảm đáng kể. Doanh số tụt từ 24,8 triệu chiếc năm 2010 xuống chỉ còn 5,6 triệu chiếc trong năm 2014.

    Hàn Quốc và Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ

    Trước sự yếu thế từ Nhật, các hãng sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc vươn mình trỗi dậy, giành được thị phần lớn hơn nhờ tập trung vào các sản phẩm giá rẻ và chấp nhận mức lợi nhuận thấp.

    Khoảng trống về thiết kế của Nhật Bản trong thời gian này đã được các công ty Hàn Quốc như Samsung và LG lấp đầy. Với mức giá cạnh tranh hơn cũng như các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, doanh số của LG trên toàn cầu trong năm 2014 đã tăng từ 800 triệu won lên 174 tỷ won. Ông Richardson cho biết thêm: “Các thương hiệu Hàn Quốc, Samsung và LG đi tiên phong trong chất lượng cũng như công nghệ tân tiến nhờ năng lực tự phát triển sản phẩm của mình. Điều này có nghĩa là họ có khả năng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với mức giá bán hợp lý so với các khoản đầu tư của mình”.

    Rất nhiều thương hiệu Trung Quốc cũng giành thêm được thị phần nhờ giá rẻ và chấp nhận lợi nhuận thấp. “Có rất nhiều thương hiệu trong nước Trung Quốc đã tung ra các sản phẩm TV thông minh giá rẻ, độ phân giải cao, chất lượng tốt như Xiaomi TV và Leshi TV. Họ có năng lực cạnh tranh rất tốt so với những đối thủ khác trên thế giới, đặc biệt là với những thương hiệu TV đắt tiền”, ông Ivy Jiang, nhà nghiên cứu phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Mintel, Trung Quốc cho biết.

    Sự đổi mới của công nghệ và nhu cầu giải trí tại nhà cũng đóng góp vào sự thay đổi trên thị trường toàn cầu. Nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi và họ nhanh chóng tiếp nhận những hệ thống mới với mức giá rẻ chưa từng thấy mà các hãng đưa ra. Ông Jiang cho biết thêm: “Dữ liệu về người tiêu dùng của Mintel cho thấy những người sử dụng TV tại Trung Quốc đã nhanh chóng thay đổi từ TV thường sang các loại TV HD, TV có khả năng kết nối internet, trong đó 55% người dùng sở hữu TV HD, con số này với TV kết nối internet là 36%. Trong khi đó, trong năm 2014, chỉ có 33% số người sử dụng còn dùng các TV thường.

    Bí quyết thành công của Hàn Quốc và Trung Quốc là gì?

    Theo nhà phân tích Eiichi Katayama của công ty chứng khoán Nomura, Hàn Quốc thành công là nhờ mua trang thiết bị và vật tư từ chính các công ty Nhật Bản, sau đó lại bán sản phẩm của mình tại những quốc gia mà Nhật đang làm ăn.

    Từ rất lâu, Hàn Quốc đã tỉnh táo nhận ra sự thay đổi của thị trường. Ông Katayama viết trong một bản báo cáo gửi tới các nhà đầu tư năm 2009: “Chúng tôi cho rằng sự thay đổi trong chiến lược của các công ty Hàn Quốc cũng như khả năng đưa ra các quyết định quản lý một cách nhanh chóng chính là bí quyết thành công. Ví dụ như, tất cả người tiêu dùng đều đổ tiền vào các sản phẩm TV màn hình phẳng. Tuy nhiên, trong khi Samsung thì tạo ra được lợi nhuận thực lớn hơn 10% còn Panasonic và Sony, hai ông lớn điện tử của Nhật Bản lại chật vật với khoản lỗ lên tới 2 con số”.

    Từ lúc đó, Samsung và LG đã nhận ra TV giá rẻ kiếm về nhiều lợi nhuận hơn so với những sản phẩm đắt đỏ và tính năng tiên tiến, từ đó nhanh chóng điều chỉnh dây chuyền sản xuất. Đó là lý do vì sao hai công ty này giành được thị phần lớn còn Sony và Sharp lại phải đối mặt với nguy cơ lỗ nặng.

     Một thành viên của nhóm Girls Generation trong quảng cáo TV LG

    Một thành viên của nhóm Girls Generation trong quảng cáo TV LG

    Sự trỗi dậy của Hàn Quốc không thể không kể đến công lao của những chiến dịch quảng cáo toàn diện. Chính phủ Hàn Quốc cũng như các công ty trong nước thực sự đã rất thông minh khi gửi gắm thông điệp quảng cáo qua mọi thứ, và đặc biệt là qua những bộ phim và video ca nhạc. Khi cơn sóng mang tên Hàn Quốc ập đến, mọi thứ thuộc về Hàn Quốc đều được coi là xu hướng. Từ quần áo, xu hướng tóc, trang điểm tới những món ăn, văn hóa, tới cả thiết bị điện tử họ cầm trên tay, họ sử dụng trong gia đình, tất cả đều được tô vẽ và tạo ra cảm giác thời thượng, hấp dẫn, chất lượng cao. Nếu nói về tiếp thị, quảng cáo, khó có hãng nào “chịu chơi” bằng Samsung. Biển quảng cáo các sản phẩm của hãng ở khắp mọi nơi, phim quảng cáo của hãng phủ ngập TV nhà bạn. Và Samsung đã chứng minh cho cả thế giới thấy, tiền đổ vào quảng cáo không hề vô nghĩa. Họ đã điều chỉnh được quan niệm của người tiêu dùng. Giờ Nhật không phải là nhất nữa, đồ Hàn cũng tốt ngang ngửa đồ Nhật mà giá lại còn rẻ hơn.

    Không quảng cáo mạnh tay như Samsung hay LG, TCL của Trung Quốc “đánh” thẳng vào túi tiền của khách hàng. Công ty này len lỏi vào nhưng vùng nông thôn, tới những người muốn có một sản phẩm hiện đại, chất lượng chấp nhận được nhưng giá phải rẻ. Và kế hoạch này của TCL cũng mang lại hiệu quả tốt. Thị phần của TCL trên thị trường TV tăng từ 2.3% năm 2008 lên 6,5% năm 2013.

     Thị phần TV từ năm 2008 đến 2014

    Thị phần TV từ năm 2008 đến 2014

    Trong cuộc chiến xuất khẩu TV, Hàn Quốc đã đánh bại Nhật Bản một cách ngoạn mục. Giờ đây Nhật Bản chỉ biết rút về thị trường trong nước và có lẽ các thế hệ “sinh sau đẻ muộn”sẽ chẳng tưởng tượng ra được Nhật đã từng có thời huy hoàng tới thế. Sau cuộc rút lui này, có lẽ Nhật Bản sẽ chẳng bao giờ trở lại được như trước. Thế nhưng có vẻ chính phủ Nhật không chấp nhận quan điểm này mà vẫn tiếp tục vung tiền nuôi những công ty đang “hấp hối”. Chính điều này đã tạo nên các “zombie” cho nền kinh tế, kìm hãm sự phát triển của các công ty mới.

    Sự ra đi của Nhật mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất khác như Samsung và LG. Bài học rút ra từ cuộc “chuyển giao” tàn khốc này đó là: với một chiến lược dựa trên công nghệ tiên tiến nhất, giá cả cạnh tranh và chiến dịch quảng cáo hiệu quả, các công ty có thể chiếm được bất cứ thị trường nào mình muốn.

    Theo IctNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày