Các nhà khoa học vừa phát minh ra một loại cảm biến siêu nhỏ, siêu tiết kiệm điện chỉ dùng 1/10.000.000.000 watt để chạy

    Tuấn Hưng,  

    Loại cảm biến "thần kỳ" này có khả năng hoạt động với chỉ 113 picowatt.

    Nhiều khả năng là bạn đọc không biết gì mấy về picowatt và cũng chẳng tìm hiểu nhiều về nó. Không, đây không phải tên một loại Pokémon màu vàng đâu, mà đây là đơn vị điện tương đương với 1/1.000.000.000.000 (1 nghìn tỷ) watt. Để bạn đọc dễ hình dung, một ngọn đèn điện thông thường sẽ sử dụng khoảng 60 watt, đủ để bạn tưởng tượng được 1 picowatt nhỏ đến thế nào.

    Ấy vậy mà những kỹ sư chuyên ngành điện học tại Đại học California, San Diego đã phát triển thành công một loại cảm biến nhiệt độ “thần kỳ” có khả năng hoạt động với chỉ 113 picowatt. Đây là một thành tựu vô cùng ấn tượng, bởi nó tiêu thụ ít hơn 628 lần so với công nghệ trước, và con số này bằng 1/10.000.000.000 (10 tỷ) watt mà thôi.

    “Về cơ bản, thứ chúng tôi tạo ra là một máy đo nhiệt độ vận hành mà gần như chẳng tiêu tốn chút điện năng nào,” Patrick Mercier, giáo sư chuyên ngành kỹ thuật điện tại đại học California, San Diego cùng với tác giả chính khác của nghiên cứu này chia sẻ với tờ Digital Trends.

    “Thông thường, cảm biến nhiệt độ số được áp dụng để giám sát nhiệt độ của môi trường xung quanh, như nhiệt độ cơ thể người hay nhiệt độ nước biển, các thiết bị công nghiệp hay hàng loạt những ứng dụng khác, thường sẽ rất tốn điện. Điều này đồng nghĩa với việc các thiết bị đó sẽ phải được trang bị viên pin khổng lồ để tích trữ dung lượng lớn, hoặc sẽ phải sử dụng pin đặt trong tường – điều sẽ khiến kích thước của máy lớn hơn mức cần thiết.”

    Vậy thì phát minh ra cảm biến nhiệt độ không cần năng lượng để làm gì? Câu trả lời đó chính là: Các thiết bị đeo. Với một cảm biến không chỉ tiêu tốn cực ít điện, nhưng lại có kích cỡ siêu nhỏ, chỉ 1 mm vuông, tiềm năng của nó gần như là vô hạn. Nó sẽ hoạt động được trong thời gian dài với chỉ một viên nhỏ 0 hay thậm chí vẫn tiếp tục vận hành với năng lượng của môi trường xung quanh.

    Bước tiếp theo của dự án này? Mercier nói rằng đội ngũ các nhà khoa học của ông muốn cải thiện độ chính xác của cảm biến cũng như khả năng đo nhiệt độ của nó trong điều kiện khắc nghiệt hơn.

    “Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thử nghiệm việc tích hợp cảm biến này lên các thiết bị đeo và hệ thống máy tính để theo dõi nhiệt độ cơ thể người trong lĩnh vực thể thao và y tế,” ông nói.

    Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về công nghệ này trong bài nghiên cứu được xuất bản bởi tờ Scientific Reports.

    Theo Digital Trends

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ