CEO Amazon muốn chọn người kế vị bằng “đấu trường sinh tử”

    Nam Nguyễn,  

    Bổ nhiệm hai CEO đồng cấp với mình để tìm người kế vị, Jeff Bezos đang chứng tỏ mình là “hoàng đế” cá tính nhất giới công nghệ.

    Amazon đã bổ nhiệm hai CEO mới để điều hành hai mảng kinh doanh cốt lõi của công ty. Động thái này cho thấy Amazon đã mở ra một cuộc chiến không khoan nhượng để quyết định ai là người kế vị Jeff Bezos làm “trùm cuối” của công ty.

    Vào ngày 7/4, Jeff Wilke được bổ nhiệm làm CEO điều hành mảng bán lẻ trực trực tuyến và Andy Jassy được bổ nhiệm làm CEO điều hành mảng điện toán đám mây. Amazon cho biết động thái trên không nhằm tái cơ cấu bộ máy mà là để công nhận những thành tựu họ đạt được trong thời gian qua.

    Nhưng việc bổ nhiệm hai CEO này đã tạo ra một “đấu trường sinh tử” nhằm xác định người kế vị Bezos khi ông nghỉ hưu. Mặc dù Bezos mới chỉ 52 tuổi, ông lại tỏ ra hứng thú hơn với các dự án khác như là thương mại hóa công ty tên lửa Blue Origin và sở hữu tờ báo Washington Post. Chẳng khó để thấy ông sẽ nhường quyền điều hành hoạt động thường ngày của Amazon và lui về làm chủ tịch như Bill Gates đã làm ở Microsoft vào năm 2000.

    Để cho nhiều hơn hai ứng viên cạnh tranh với nhau không phải là một chiến lược mới, và điều đó thường có hiệu quả. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là cuộc đua kế nhiệm CEO Jack Welch của General Electric (GE). Trong cuộc đua tam mã này, Jeff Immelt cuối cùng đã giành chiến thắng trước Bob Nardelli và Jim McNerny vào năm 2000. Trong khi Immelt là một lãnh đạo kỳ cựu của GE trong hơn một thập kỷ, và McNerney đã có những thương vụ thành công với 3M và Boeing, Nardelli đã trải qua thời gian thảm họa ở Home Depot và Chrysler. Vậy nên GE lập ra quy trình tuyển chọn trên nhằm tránh kết quả không có lợi cho công ty.

    Mặt trái của “đấu trường sinh tử” kiểu này là nó định ra kẻ thắng và người thua một cách rõ ràng, dẫn đến việc làm tổn thương những người không được chọn. Việc này thường khiến người thua gói ghém hành lý và lôi kéo những tài năng cùng phe với mình ra đi. Sau khi Andrew Witty thắng cuộc chiến giành ngôi CEO của gã khổng lồ dược phẩm của Anh, GlaxoSmithKline vào năm 2008, một trong các đối thủ của ông, Chris Viehbacher đã bỏ công ty và chuyển sang làm cho Sanofi, bất chấp các nỗ lực giữ chân của Witty.

    Điều tương tự cũng xảy đến với hãng phim hoạt hình Disney. Tuần trước, giám đốc tác nghiệp (COO) Thomas Staggs, người được chọn kế nhiệm CEO Robert Iger của công ty đã nhận được tin dữ là hội đồng quản trị sẽ cân nhắc một vài ứng viên CEO nữa. Trước đó, Staggs đã giành chiến thắng trước giám đốc tài chính (CFO) Jay Rasulo, khiến Rasulo phải rời công ty mà đi. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy cuộc cạnh tranh cho vị trí CEO có thể đẩy thượng tầng công ty vào cảnh chia rẽ và bất ổn.

    Xét đến văn hóa “cạnh tranh sinh tồn” của Amazon, cuộc đua CEO dường như là cách ưa thích nhất của Bezos để lựa chọn người kế nhiệm mình. Nhưng ông phải chắc là ít nhất một trong hai vị giám đốc trên là người thích hợp cho vị trí CEO, nếu không ông có thể mất trắng cả hai.

    Tham khảo: qz.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ