Chân dung kỹ sư mù 22 tuổi đang cùng Apple thay đổi thế giới
Nữ kỹ sư trẻ tuổi Jordyn Castor của Apple chưa bao giờ để hoàn cảnh khó khăn chi phối bản thân.
Bị sinh non 15 tuần, chỉ nặng chưa đầy 1 kg, ông của Castor thậm chí còn có thể nâng được cô bé trong lòng bàn tay. Bác sỹ nói Jordyn rất khó có cơ hội sống sót.
Thế nhưng những nỗ lực của Castor lại khiến tất cả mọi người kinh ngạc.
Năm nay 22 tuổi, bị mù từ khi sinh ra nhưng suốt thời niên thiếu, cha mẹ Castor đã luôn khuyến khích cô thách thức những giới hạn của bản thân và động viên cô đam mê khám phá những thứ quanh mình.
Đây chính là tinh thần thôi thúc Castor khám phá công nghệ, cho dù đó là chiếc máy tính bàn bố mẹ mua cho năm cô bé học lớp 2 hay những chiếc máy tính các giáo viên khuyến khích cô sử dụng ở trường.
Castor kể lại rằng mọi người thường hay đưa cho một dụng cụ gì đó rồi bảo cô chỉ cách sử dụng. Dần dần “tôi nhận ra rằng mình có thể code trên máy tính để ‘bảo’ chúng thực hiện các tác vụ mình mong muốn. Với máy tính và công nghệ, tôi có thể góp phần thay đổi cuộc sống của người khuyết tật, mang công nghệ đến gần hơn với những khiếm thị như mình.”
Hiện tại, Castor đang đảm nhận việc nâng cấp các tính năng như VoiceOver cho người dùng khiếm thị của Apple.
Mang góc nhìn cá nhân vào những sáng tạo của Apple
Nhiều môi trường làm việc hiện nay vẫn chưa thực sự đa dạng vì thiếu vắng những người khuyết tật, những nhóm đối tượng đặc biệt với quan điểm cũng như sáng kiến mới lạ.
Luôn đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng khiếm thị chính là chìa khóa cho những sáng tạo giúp công nghệ chạm đến gần hơn mọi ngóc ngách của con người của Apple. Và Castor chính là bằng chứng cho thấy những người tạo sự đa dạng như cô có thể nâng cao sức mạnh cho công ty như thế nào.
Jordyn Castor
Khi Castor mới được giới thiệu tới Apple tại hội chợ việc làm Minneapolis năm 2015, cô vẫn đang là sinh viên ĐH Bang Michigan. Castor đã rất lo lắng khi bước đến gần và biết chắc những nhà tuyển dụng của cô đang ở ngay trước mặt.
Castor suy nghĩ đơn giản: “Không thử sao biết được. Nếu không nói với họ thì sẽ không bao giờ biết được chuyện gì sẽ xảy ra…đi thôi nào.”
Cô nói với những người đại diện từ Apple cảm giác tuyệt vời của mình khi nhận được món quà sinh nhật là chiếc iPad năm cô 17 tuổi. Chính thiết bị này đã thổi lên niềm đam mê công nghệ trong cô gái nhỏ - một phần cũng vì khả năng truy cập dễ dàng của chiếc máy tính bảng.
Castor chia sẻ: “Mọi thứ đều hoạt động mượt mà và có thể truy cập được ngay trên tấm bảng đó. Đây là thứ tôi chưa từng trải nghiệm trước đây.”
Sarah Herrlinger, giám đốc mảng sáng kiến và chính sách truy cập toàn cầu của Apple cho biết một trong những phần chính yếu trong kế hoạch khiến các thiết bị của mình dễ dàng truy cập với tất cả mọi người chính là việc công ty luôn cố gắng biến nhưng tính năng dễ dàng sử dụng cho cả người khuyết tật trở thành chuẩn mực trong các sản phẩm chứ không còn là một thứ đặc sản trên một phiên bản đặc biệt cho người khuyết tật. Điều này cho phép các tính năng này vừa dễ sử dụng vừa giữ được mức giá thành thấp cho sản phẩm (so với các thiết bị dành riêng cho người khuyết tật).
Sarah Herrlinger
Những tính năng này luôn có mặt trên thiết bị của bạn, không phân biệt là bạn có phải đối tượng cần chúng hay không. Việc có mặt trên mọi thiết bị cũng khiến những tính năng này trở nên phổ cập và miễn phí. Trước đây, những người khiếm thị thường phải mua thêm một số dụng cụ khác mới có thể sử dụng được các công nghệ trên smartphone.
Tại hội chợ việc làm năm đó, niềm đam mê của Castor đối với việc phổ cập công nghệ cho cả những nhóm đối tượng khuyết tật cũng như đối Apple đã hiển hiện rõ ràng trên gương mặt cô. Castor sau đó nhanh chóng được mời về làm thực tập sinh mảng VoiceOver, một trong những tính năng Apple phát triển cho người khiếm thị.
Khi kỳ thực tập kết thúc, kỹ năng cũng như đam mê của Castor khiến Apple không thể để cô ra đi. Castor được nhận vào làm việc tại bộ phận Accessibility design (chuyên thiết kế và kiểm tra các tính năng cho người khuyết tật) mà theo cô mô tả thì là “một nhóm kỹ sư hết sức đam mê và tận tâm.”
Đóng góp cho cộng đồng
Tăng cường khả năng truy cập cho tất cả các nhóm người dùng, cho dù họ có bình thường hay khuyết tật là một trong những nguyên tắc hoạt động Apple luôn tuân theo, đúng theo tôn chỉ “Hãy lấy việc thiết kế cho tất cả các nhóm đối tượng khơi nguồn cho mọi đột phá sáng tạo.”
Herrlinger cho biết công ty luôn yêu thích những gì các kỹ sư đang thực hiện và muốn tất cả mọi người có thể tiếp cận được những tính năng tuyệt vời đó. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải thiết kế vì lợi ích của tất cả các nhóm người dùng tại Apple.
Tuần trước, khi tham dự một buổi hội thảo của Hiệp hội khiếm thính quốc gia, Castor đã rất vui mừng khi mọi người ở đây ai cũng sử dụng VoiceOver (tính năng đọc các đoạn văn bản trên màn hình). “Cảm giác được đóng góp cho xã hội qua một sản phẩm ai cũng sử dụng thật sự rất tuyệt vời” - Castor tâm sự.
Cô cũng muốn đóng góp tầm nhìn và kỹ năng của mình cho việc đào tạo thế hệ lập trình viên tiếp theo qua game giáo dục Swift Playgrounds Apple chuẩn bị cho ra mắt vào mùa thu này.
Castor chia sẻ các ứng dụng dựa trên các tác vụ nhỏ và đầy tính tương tác đã từng có ảnh hưởng rất lớn tới cô trước đây, nên chương trình Swift Playground này cũng sẽ mô phỏng lại những chi tiết thú vị đã từng khuấy động niềm đam mê khám phá trong cô khi xưa.
Sau cùng, Castor chia sẻ: “Mù lòa có thể trở thành một phần tính cách con người bạn nhưng sẽ không thể giới hạn được những gì bạn có thể đạt tới trong cuộc sống.”
Tham khảo Mashable
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín