Chàng trai "triệu view": "Mình khát khao được đưa tiếng Việt và văn hoá Việt Nam ra với thế giới"
Lê Văn Việt (SN 1994) rất nổi tiếng với những video dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
- Chân dung cổ đông lớn thứ 2 sau khi Tỉ phú Elon Musk thâu tóm Twitter
- 'Triều đại' của Big Tech đang lung lay khi Facebook, Amazon khiến các nhà đầu tư thất vọng
- Twitter sau khi có ông chủ mới: Quản lý cấp cao rời đi với hàng chục triệu USD bồi thường, nhân viên cấp thấp lo lắng chờ phán quyết
- Áp lực chi phí khiến những người 'sống trên mọi nẻo đường' nản lòng, muốn chuyển sang xe điện
- Chuyển đổi số của ngành Văn hóa: Cơ hội phục vụ gần 8 tỷ khách hàng tiềm năng
Với kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh gần 7 năm qua, Lê Văn Việt (SN 1994, thường gọi là thầy Lee) chắc hẳn không còn quá xa lạ trong cộng đồng học tiếng Anh. Điểm nổi bật của thầy giáo trẻ này là phong cách trẻ trung, hài hước, biết cách tạo động lực cho học sinh trong từng buổi học, vì thế mà tên tuổi của thầy Lee được nhiều học trò "truyền miệng" với nhau.
Không chỉ vậy, bằng chiếc bảng con vừa khít với khung hình điện thoại, cây bút lông, thầy Lee còn thường xuyên hướng dẫn các bạn học sinh ngoại quốc về tiếng Việt, văn hóa Việt. Điểm chung của tất cả những clip chàng trai này đăng tải đều thể hiện tinh thần thoải mái, hài hước. Nhờ thế mà người ta mới hiểu, việc học ngoại ngữ thì ra có thể thú vị đến thế!
LÊ VĂN VIỆT
Sinh năm 1994
Cựu sinh viên Đại học Thương mại
Chủ kênh TikTok 800.000 lượt theo dõi
Cải thiện vốn tiếng Anh bằng cách "săn Tây" ở bờ hồ, 6 tháng sau nói như gió
Trước khi sở hữu kỹ năng giao tiếp thành thạo với người nước ngoài như hiện nay, ít ai biết Lê Văn Việt từng là một cậu sinh viên bị mất gốc tiếng Anh. Việt chia sẻ bản thân từng 2 lần trượt môn tiếng Anh ở Đại học và điểm môn này thời phổ thông chưa bao giờ vượt quá 6,5.
Năm 2012, khi đang ở cuối năm nhất đại học, giống như nhiều sinh viên khác, Việt đi làm thêm. Công việc của Việt khi ấy là phục vụ bàn cho một khách sạn hạng sang ở Hà Nội. Với cường độ làm việc 8 tiếng/ngày, Việt được trả công 100.000 đồng. Trong một lần chứng kiến đồng nghiệp làm công việc "bellman" (vận chuyển hành lý cho khách) đón khách nước ngoài ở sảnh được trả 10 đô la (khoảng 200.000 đồng) nhờ chỉ nói một vài câu tiếng Anh đơn giản, Việt quyết định xin nghỉ để tập trung học tiếng Anh.
"Cậu ấy làm 5 phút bằng mình làm vất vả 2 ngày, đó là lần đầu tiên mình nghĩ rằng mình cần phải học tiếng Anh ngay lập tức. Từng nghe nhiều người nói về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, nhưng mãi đến tận khi đó, mình mới thấy thấm thía", Việt tâm sự.
Lê Văn Việt từng là một cậu sinh viên bị mất gốc tiếng Anh, vốn từ vựng lúc đó của anh gần như bằng 0
Không có tiền đi học tiếng Anh tại trung tâm, Việt cải thiện vốn ngữ pháp và từ vựng bằng cách học qua YouTube và tham khảo cách học của các bạn ở xóm trọ xung quanh - nơi có rất nhiều sinh viên ngoại ngữ. Để nâng cao kỹ năng giao tiếp, Việt còn quyết định lao vào công cuộc đi... "săn" du khách nước ngoài ở Hồ Gươm. Bởi Việt nghĩ, chỉ có luyện tập giao tiếp nhiều mới giúp bản thân thành thạo và tự tin khi sử dụng ngôn ngữ này.
"Gia đình mình cũng không khá giả để có điều kiện cho mình đi học thêm, nên hồi đó mình thường xuyên đạp xe từ Phạm Văn Đồng đến Hồ Hoàn Kiếm để luyện tiếng Anh với người nước ngoài. Mình ra nhiều đến mức mà các bác bán hàng rong ở đó còn quen mặt mình luôn. Thậm chí bây giờ mỗi khi có dịp mình dắt học sinh ra Hồ Gươm để luyện tiếng Anh hay đi chơi thôi mà các bác vẫn nhận ra", Việt kể.
Trải nghiệm "săn Tây" này kéo dài tổng cộng 4 tháng. Có những tuần Việt đi cả ngày, có tuần thì đi 1-2 ngày, tùy thuộc vào sức khỏe và lịch học trên trường. Chủ đề mà Việt thường chọn để giao tiếp với người nước ngoài chủ yếu liên quan đến văn hóa, du lịch, ẩm thực, địa danh nổi tiếng của Việt Nam bởi anh chàng nghĩ rằng 90% khách Tây đến đây chủ yếu là du lịch nên chủ đề nói chuyện phải khéo léo và gần gũi thì mới có thể duy trì được mạch nói không bị đứt quãng.
Thời gian đầu, Việt bắt chuyện nhưng không nhận được hồi đáp từ người đối diện. Chỉ sau một vài phút, cuộc trò chuyện đã kết thúc chỉ với một vài từ "Hello" (Xin chào) và "How are you?" (Bạn có khỏe không?). Nhưng không vì thế mà Việt nản lòng, kết quả là chỉ sau 6 tháng kiên trì, từ một anh chàng sinh viên mù tịt tiếng Anh, Việt đã có thể tự tin nói chuyện trôi chảy với người nước ngoài.
"Trong quá trình luyện tập, mình cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn nhất định, đó là không biết chính xác bản thân phát âm đúng hay sai, bởi chưa chắc người nước ngoài họ có hiểu mình đang nói gì hay không.
Đồng thời là sự ngại ngùng khi giao tiếp, ai gặp khách Tây vẫn có độ run nhất định. Mình còn là người mới tiếp xúc với ngoại ngữ nữa thì vấn đề đó cũng không thể tránh được. Nhưng mình thấy rằng mỗi lần ra hồ Gươm gặp một người mới, mình lại có thêm động lực để tiếp tục cố gắng, biết mình nói sai ở chỗ nào để có thể sửa được, và cảm hứng học tiếng Anh lại càng tăng dần" , Việt chia sẻ.
Quãng thời gian đi "săn" Tây ở bờ hồ giúp Lê Văn Việt tới 80-90% trong việc giao tiếp thành thạo tiếng Anh
Hành trình mang tiếng Việt ra khắp thế giới của TikToker "triệu view"
Khi đã tự tin với khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình, Việt dừng lại trải nghiệm "săn Tây" và bắt đầu công việc hướng dẫn viên du lịch đặc biệt qua một nền tảng kết nối nhằm mục đích giao lưu văn hóa. Suốt 6 năm qua, anh chàng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với hơn 200 người nước ngoài đến từ 40 quốc gia khác nhau: Canada, Mỹ, Anh, Đức, Úc,...
Việt cũng xây dựng cho mình một kênh TikTok riêng và đến nay đã hút hơn 800.000 lượt theo dõi. Nội dung chính của kênh TikTok là những clip với nội dung dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Những clip giao lưu này nhận sự hưởng ứng vô cùng sôi nổi từ cư dân mạng. Mọi người không khỏi thích thú khi thấy những người bạn ngoại quốc ở đủ lứa tuổi xuất hiện trong clip của Việt và hào hứng học những câu tiếng Việt đơn giản, theo "trend" hiện nay như: "đỉnh của chóp", "được của ló", "thích thì chiều",... Thậm chí, Việt còn hướng dẫn họ hát nhạc Việt hay đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Lê Văn Việt hiện đang sở hữu kênh TikTok với hơn 800.000 lượt theo dõi và hơn 12 triệu lượt thích
Đáng chú ý, những người xuất hiện trong clip của Việt đa số là lần đầu gặp gỡ, hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước. Khi được Việt đề nghị học tiếng Việt, họ hào hứng tham gia, thoải mái gọi nhau là thầy trò:
"Mình có thể tặng họ những món quà truyền thống của Việt Nam như nón lá, áo dài, nhưng rồi theo thời gian các vật dụng đó sẽ hỏng dần. Nhưng nếu họ biết và nhớ được một chút về tiếng Việt thì đó sẽ điều đọng lại trong ký ức họ mãi mãi".
Anh Việt truyền cảm hứng học tiếng Việt đến nhiều người bạn nước ngoài
Anh Steven (Quốc tịch Nam Phi) - một "học trò" học tiếng Việt của Việt tâm sự ban đầu anh không có quá nhiều ấn tượng với tiếng Việt. Trong một lần vô tình gặp được thầy Việt, được thầy hướng dẫn cho một vài câu tiếng Việt, đồng thời lồng ghép những trò chơi rất hay và thú vị khiến Steven thấy đây là ngôn ngữ không quá khó so với tưởng tượng.
"Hiện tại mình đang ở Việt Nam, mình sinh sống tại Hà Nội, mình cũng đã trải nghiệm được kha khá thứ tại nơi đây như: đời sống, thực phẩm, thời tiết. Đối với mình Việt Nam như là quê hương thứ 2 sau Nam Phi. Đặc biệt là sau khi có duyên được học thầy Lee, mình như được khai sáng, thầy là người thầy cũng như người bạn tốt của mình giúp mình hiểu sâu hơn về con người và đất nước Việt Nam", Steven chia sẻ.
Steven (Quốc tịch Nam Phi) là “học trò” học tiếng Việt của anh Việt
Bên cạnh việc đăng tải các clip với nội dung dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Việt cũng thường xuyên mở các bài giảng miễn phí kéo dài 30 - 45 phút qua các nền tảng như Facebook, Zoom. Phần kiến thức được anh chọn để chia sẻ thường sẽ mang tính ứng dụng thực tế để người xem dễ nắm bắt. Có những bài giảng của anh thu hút 5.000 - 10.000 người xem cùng lúc.
Ở một diễn biến khác, là giáo viên tiếng Anh gần 7 năm qua, nhưng Việt mới thi chứng chỉ IELTS cách đây hơn 2 năm. Chỉ có 5 ngày để chuẩn bị cho bài thi và trước đó chưa từng ôn luyện hay luyện đề cho bài thi này nhưng cuối cùng kết quả của Việt vẫn rất cao, đặc biệt ở 2 kỹ năng Nghe - Nói với số điểm lần lượt là 8.5 và 8.0.
"Mình nghĩ rằng việc học IELTS không quá khó như mọi người nghĩ, chỉ cần các bạn giao tiếp tốt, đủ vốn từ vựng, và luôn tự tin thì bằng nào cũng có chứ không quan trọng điểm số là bao nhiêu cả", Việt tiết lộ.
Thời gian sắp tới, thầy giáo trẻ dự định sẽ tiếp tục làm thêm những video trên nhiều nền tảng MXH theo mong muốn của nhiều học viên để cung cấp thêm những kiến thức bổ ích về tiếng Anh cũng như giới thiệu tiếng Việt, mang văn hóa Việt đến với bạn bè trên khắp thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời