Chi giả đã đạt tới một cấp độ mới, đem tới khả năng di chuyển tự nhiên như thật cho người khuyết tật

    Thiên Long,  

    Chi giả trong tương lai sẽ trở thành một bộ phận quan trọng của những người khuyết tật khi đem tới cho họ cảm giác hoạt động như thể người thường, đồng thời xua tan những đau đớn mà họ từng phải chịu trước và sau cắt cụt chi.

    Theo một nghiên cứu mới đây của Viện công nghệ Massachusetts (MIT), kỹ thuật cắt cụt chi đã được cải tiến lên một tầm cao mới, khi đó con người có thể kiểm soát cánh tay và đôi chân của họ tự nhiên hơn.

    Một nhóm các nhà sinh vật học và kỹ sư tại MIT đã thành công trong việc tạo ra một chi giả giúp người đeo có cảm giác tự nhiên như một phần cơ thể của chính mình.

    Trong cách tiếp cận mới với kỹ thuật cắt cụt chi, các nhà khoa học đã xây dựng một cách chi tiết mối liên kết giữa các cơ đối lập, sau đó khéo léo áp dụng lên chi giả. Chi giả mới sau khi được tối ưu có thể giúp người tàn tật cảm nhận được sự hiện diện của chi giả trên cơ thể, học được cách phân biệt vị trí, chuyển động chi mà không cần phải nhìn vào chúng.

    Shriya Srinivasan, một trong số các thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ, kỹ thuật cắt cụt chi đã không tiến triển nhiều kể từ khi Nội chiến Mỹ xảy ra. Đó là lý do thúc giục Srinivasan và các đồng nghiệp tìm hướng phát triển chi giả mới, giúp tăng sự tương thích giữa con người và máy móc.

    Một bệnh nhân chia sẻ: “Nó như thể việc bạn đặt xương trở lại bàn chân vậy”. Anh này cũng cho biết anh có thể điều khiển để ngọ nguậy bàn chân bằng chính những tín hiệu thần kinh gửi đi từ não bộ. Sự chậm trễ giữa tính hiệu truyền đi từ não bộ và chi giả bên dưới là không đáng kể.

    Tyler Clites, người đứng đầu nhóm nghiên cứu MIT cùng các đồng nghiệp đã tiến hành các thử nghiệm trên 7 người được lắp chi giả. Trong thử nghiệm, những người đó được yêu cầu phải ngọ nguậy chi giả, leo lên bậc thang và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Kết quả họ nhận thấy, sự chậm trễ khi đưa ra quyết định tới đôi chân robot dường như không đáng kể.

    Nghiên cứu trên của nhóm các nhà khoa học tại MIT đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu chân tay giả. Về lâu dài, mục tiêu của nghiên cứu sẽ góp phần khôi phục lại hoàn toàn quyền chủ động khi di chuyển cho người khuyết tật. Hơn hết, chi giả sẽ trở thành một công cụ đắc lực, hỗ trợ cho những người không may phải cắt cụt chi vì một lý do bất khả kháng.

    Tham khảo Futurism

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ