Chip Itanium, CPU 64-bit đầu tiên của Intel, từng một thời được kỳ vọng thay thế vi xử lý x86 đã chính thức suy tàn

    Nguyễn Hải,  

    Cái chết của chip Itanium đã được báo trước từ lâu.

    Hẳn bạn còn nhớ con chip Itanium – nỗ lực đầu tiên của Intel để tiến vào lĩnh vực bộ xử lý máy chủ 64 bit từ nhiều thập niên trở về trước? Trong quý 2 năm 2017 này, Intel sẽ phát hành bốn CPU Itanium mới thuộc series 9700, dựa trên nền kiến trúc Kittson và các con chip này đều là những bộ xử lý Itanium mới nhất đang chuẩn bị được xuất xưởng.

    Tuy nhiên, phát ngôn viên của Intel đã xác nhận với trang PC World rằng đây là điểm kết thúc cho dòng chip Itanium, vốn đi kèm với một thỏa thuận với hãng HP rằng công ty này sẽ trả tiền cho Intel để phát triển con chip Itanium tới cuối năm 2017.

     Con chip Itanium 9300 của Intel.

    Con chip Itanium 9300 của Intel.

    Trong khi vẫn chưa có lời đề nghị nào nhằm mở rộng thỏa thuận, nhưng dường như không còn nhiều người quan tâm đến việc duy trì sự sống cho con chip Itanium tại thời điểm này. Trang IT World cho biết rằng, hiện hãng Hewlett-Packard Enterprise là nhà cung cấp duy nhất dự kiến sẽ xuất xưởng các máy chủ sử dụng những CPU mới này.

    Ngoài Kittson, sẽ không còn con chip nào thuộc dòng Itanium ra đời nữa, đại diện Intel khẳng định trong email. Điều đó đánh dấu sự kết thúc của hành trình kéo dài 16 năm của Itanium - từng một thời được kỳ vọng thay thế chip x86 trong các máy PC và máy chủ 64 bit

    Các con chip Kittson sẽ có kiến trúc 4 và 8 lõi CPU, được sản xuất trên quy trình 32nm từ những năm 2010 của Intel, giống với quy trình đã sản xuất ra những con chip i3, i5, i7 đời đầu tiên. Tất cả các con chip Kittson đều hỗ trợ Hyperthreading và ECC DDR3. Những con chip 4 lõi sẽ có TDP (công suất tỏa nhiệt) khoảng 130W, trong khi phiên bản chip 8 lõi sẽ có TDP khoảng hơn 170W.

    Các kế hoạch ban đầu cho kiến trúc Kittson là thiết kế chân socket của chúng tương thích với hệ thống chip Xeon, cho phép người dùng Itanium tận dụng lợi thế của những chipset mới nhất và bộ nhớ tốc độ cao hơn, cũng như cung cấp các lợi thế khác của một nền tảng hiện đại hơn. Vào năm 2013, các kế hoạch này chính thức bị thu hẹp trở lại, và chuyển hướng những con chip Itanium cũ 9500 và 9300 của kiến trúc Kittson sang sử dụng socket LGA 1248.

     Socket LGA 1248 trên con chip Itanium 9300 của Intel.

    Socket LGA 1248 trên con chip Itanium 9300 của Intel.

    Itanium và kiến trúc IA-64 là nỗ lực đầu tiên của Intel nhằm chuyển dịch từ điện toán 32-bit sang 64-bit. Trong khi đa số PC người dùng thông thường vào đầu những năm 2000 vẫn chưa vượt qua giới hạn 4G RAM của hệ điều hành 32-bit, những sản phẩm đầu tiên của dòng CPU này là các con chip máy chủ.

    Dù mục đích ban đầu dành cho IA-64 là nhằm thay thế hoàn toàn các tập lệnh x86 cũ, nhưng vấn đề là kiến trúc IA-64 đó không tương thích ngược với mã x86, làm cho bất kỳ quá trình chuyển đổi cũng trở nên quá tốn kém và phiền phức.

    Dấu hiệu đầu tiên cho cái chết của Itanium đến vào năm 2003, khi AMD phát hành Opteron, con chip 64-bit đầu tiên dựa trên nền kiến trúc K8 của AMD. Tập lệnh AMD64 của con chip này được giới thiệu hỗ trợ các đoạn mã 64-bit nhưng không làm mất đi tính tương thích với các đoạn mã 32-bit x86 thông thường, cho phép các phần mềm có thể chạy thẳng trên phần cứng 64-bit mà không cần phải viết lại trên nền 64-bit nữa.

    Cách tiếp cận của AMD đã thành công đến nỗi Intel phải chấp nhận cách mở rộng của AMD, tạo nên tập lệnh x86-64, tiêu chuẩn thống trị ngành công nghiệp điện toán ngày nay. Điều này từ lâu đã bắt đầu cho cái chết từ từ chậm rãi của Itanium.

    Tham khảo Arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ