Chúng ta đang lãng phí một mỏ vàng với hàm lượng vàng cao gấp 80 lần các mỏ tự nhiên ngay trong nhà mình mà không biết

    Le Min Kop,  

    Chính bản thân mỗi người chúng ta chứ không phải ai khác đang góp phần làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt bằng thói quen tưởng chừng rất đỗi bình thường.

    Federico Magalini, một chuyên gia về chất thải điện tử vừa tiết lộ thông tin bất ngờ khi cho biết, hàm lượng vàng trong một tấn điện thoại di động cao gấp 80 lần so với trong một mỏ vàng. Điều đó đồng nghĩa lợi ích của việc tái chế đồ điện tử là rất lớn, nhưng hầu hết trong chúng ta lại cản bước quá trình này bằng việc vứt điện thoại cũ không dùng tới ở ngõ ngách nào đó.

    Gần đây, sự quan tâm tới đồ điện tử cũ dần tăng cao. Tuần trước, Apple ra mắt chú robot Daisy tự tháo rời iPhone để tái chế vật liệu. Tờ Reuters còn đăng tải bài viết giới thiệu về một nhà máy chuyên thu hồi kim loại quý từ pin xe hơi tại Hàn Quốc. Thậm chí, tài liệu gần đây công bố trên tạp chí Environment Science & Technology còn trích dẫn một nghiên cứu cho rằng, việc thu hồi nguyên liệu từ thiết bị điện tử thải loại, hay còn được biết đến với cái tên “Khai thác đô thị”, sẽ đem lại tính kinh tế hơn là khai thác vật liệu mới trên Trái đất.

    Chúng ta đang lãng phí một mỏ vàng với hàm lượng vàng cao gấp 80 lần các mỏ tự nhiên ngay trong nhà mình mà không biết - Ảnh 1.

    Khái niệm rác điện tử rộng hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.

    Nhưng phải hiểu rác thải điện tử như thế nào mới chính xác? Đó có phải chỉ là điện thoại cũ và pin, hay thứ gì khác nữa? Rồi cả việc máy tính của chúng ta muốn tái chế thì phải đưa đi đâu? Hay chúng ta có thể thu lợi bao nhiêu từ tái chế, và “khai thác đô thị” đã thay đổi như thế nào? Tất cả những câu hỏi này sẽ được giải đáp qua cuộc phỏng vấn của tờ The Verge với Magalini, nhà nghiên cứu rác thải điện tử và là giám đốc điều hành công ty Sofies.

    PV Angela Chen: Thưa ông, ông có thể định nghĩa rác thải điện tử là gì không? Nếu nghĩ đó là điện thoại và máy tính cũ liệu có quá hạn hẹp hay không?

    Federico Magalini: Định nghĩa đúng nhất về rác thải điện tử phải là bất kỳ sản phẩm nào bạn không dùng đến nữa mà vẫn đang hoạt động, được nối với phích cắm và có pin. Điều này cũng bao gồm các thiết bị tạo ra điện, như tấm pin năng lượng mặt trời. Như vậy sẽ có rất nhiều sản phẩm và mọi người nên tính thêm các tiện ích khác trong nhà. Con số này ước tính khoảng 80 thiết bị cho mỗi gia đình. Nhưng khi nói với mọi người con số này, phần lớn họ sẽ không tin bạn đâu.

    Vậy nên tôi có thể nói rằng, hãy lấy một mảnh giấy ra rồi bắt đầu đếm thử coi. Khi hoàn thành danh sách, bạn hãy thử ngẫm lại những thứ có trong ngăn kéo thì chắc rằng sẽ tìm được thêm ít nhất từ 10 đến 15 sản phẩm nữa so với lúc ban đầu, như bàn chải đánh răng chạy điện hoặc dụng cụ máy móc, đèn điện khác. Điều đó thật không thể tin nổi phải không.

    Chúng ta đang lãng phí một mỏ vàng với hàm lượng vàng cao gấp 80 lần các mỏ tự nhiên ngay trong nhà mình mà không biết - Ảnh 2.

    Tỷ lệ vàng trong điện thoại di động còn hơn trong các mỏ với cùng khối lượng vật chất.

    PV Angela Chen: Tôi từng đọc được tài liệu thống kê nói rằng, điện tử đang trở thành nguồn phát thải tăng nhanh nhất và vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn. Tất nhiên tôi phải chịu một phần trách nhiệm vì chẳng xử lý chiếc laptop cũ. Tôi giữ nó lại rồi để vậy.

    Federico Magalini: Đúng chính xác, đó chính là vấn đề. Hãy suy nghĩ một chút về điều này: Liệu bạn có để thực phẩm thừa, rác nhựa hay bao bì trong nhà không. Dĩ nhiên, bạn sẽ muốn tống khứ chúng đi càng sớm càng tốt. Nhưng với đồ điện tử lại khác. Thật dễ để tìm được nơi cất giữ chúng chứ không như rác thải thực phẩm. Vì chúng ta gắn bó với điện thoại, máy tính và máy ảnh của mình thời gian dài, nên rất khó để vứt chúng.

    Ngay cả khi chúng hỏng rồi, đôi khi mọi người vẫn muốn giữ lại làm kỷ niệm. Trên thực tế, đó lại là nguồn nguyên liệu khổng lồ cho ngành tái chế. Mỗi người vô tình lại giữ rác điện tử ở nhà và ngăn nguồn tài nguyên thiên nhiên quay trở lại chu kỳ của chúng.

    PV Angela Chen: Ý tưởng tái chế rác thải điện tử hoặc theo cách gọi khác là “khai thác đô thị” không phải là chủ đề mới phải không, thưa ông?

    Federico Magalini: Vâng, đó không phải là xu hướng gì mới mẻ cả, nhưng thuật ngữ “khai thác đô thị” đã được đưa ra gần đây để giải thích cho một khái niệm cụ thể hơn. Lấy ví dụ về vàng. Vàng hiện diện trong tự nhiên, trung bình mật độ vàng vào khoảng 0,5 gram cho mỗi tấn vật chất nói chung. Đó là mật độ trung bình trên Trái đất. Tức về lý thuyết, nếu đi quanh khu vườn rồi đào một tấn đất đá lên thì bạn có cơ may tìm thấy nửa gram vàng.

    Tất nhiên ở một số nơi, vàng sẽ tập trung nhiều hơn, như các mỏ vàng chẳng hạn. Vì vậy nếu đào một tấn đất đá ở đây thì bạn có thể tìm thấy 5 đến 6 gram vàng là chuyện thường.

    Chúng ta đang lãng phí một mỏ vàng với hàm lượng vàng cao gấp 80 lần các mỏ tự nhiên ngay trong nhà mình mà không biết - Ảnh 3.

    Apple vừa giới thiệu robot Daisy phục vụ cho việc tháo rời iPhone cũ

    Bây giờ, bạn hãy nhìn vào lượng vàng có trong một chiếc điện thoại di động, tất nhiên nó không nhiều. Nhưng trung bình một tấn điện thoại thường có khoảng 350 gram vàng. Tỷ lệ này cao gấp 80 lần mật độ vàng có trong các mỏ tự nhiên. Đó là lý do chúng ta nói tới khái niệm “khai thác đô thị”. Chúng tôi nhận thấy việc chiết xuất vàng từ rác thải điện tử hiệu quả hơn nhiều.

    PV Angela Chen: Những nguyên liệu mà chúng ta đang cố để tái chế là gì? Liệu chúng có phải đều là kim loại?

    Federico Magalini: Phần lớn rác thải điện tử chứa hàm lượng kim loại lớn: như sắt, đồng, nhôm và sau đó mới đến nhựa. Chiếm số lượng nhỏ hơn có các kim loại quý, như bạc, vàng, palladium, iridi và kim loại đất hiếm. Và tất cả những kim loại mà giới công nghệ ưa thích đều được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp điện tử. Đó là lithium, coban…

    Từ bao đời nay, kim loại luôn là vật liệu có giá trị và bạn có thể tái chế chúng mãi mãi. Nhưng đối với nhựa lại khác, mỗi lần tái chế thì tính chất cơ học của nhựa không còn được giữ nguyên.

    PV Angela Chen: Vòng đời của những sản phẩm như laptop như thế nào? Chúng sẽ đi về đâu khi không sử dụng nữa?

    Federico Magalini: Tại châu Âu, nhà sản xuất trả tiền để thu mua hàng cũ rồi tái chế lại chính sản phẩm họ tạo ra. Bạn có thể trả lại máy tính xách tay cho cửa hàng đã bán chúng hoặc mang tới điểm thu gom địa phương.

    Ở Hoa Kỳ, hệ thống sẽ khác nhau tùy từng tiểu bang. Nếu ở California khi mua máy tính mới, bạn sẽ phải trả thêm một số tiền cho việc tái chế. Chúng được ghi trong hóa đơn, có thể là 2 hay 3 đô. Số tiền này được chuyển vào quỹ do chính phủ bang California quản lý, dùng để chi trả cho những người thu gom và tái chế rác thải. Ở các tiểu bang khác, hệ thống sẽ gần giống những gì tôi miêu tả ở châu Âu, tức các nhà sản xuất sẽ phải chi trả cho quá trình thu gom này.

    Chúng ta đang lãng phí một mỏ vàng với hàm lượng vàng cao gấp 80 lần các mỏ tự nhiên ngay trong nhà mình mà không biết - Ảnh 4.

    Tại châu Âu, nhiều cửa hàng bán sản phẩm sẽ chịu trách nhiệm thu gom rác điện tử.

    PV Angela Chen: Điều gì xảy ra sau khi các cửa hàng và trung tâm tái chế xử lý máy tính? Và nhân viên cần loại bằng cấp nào để thực hiện công việc này?

    Federico Magalini: Có những người chuyên chở máy tính đến một nhà máy tái chế để tháo rời chúng. Về cơ bản, thiết bị sẽ được tách thành các mảnh nhỏ rồi phân loại từng phần, sau đó gửi đến từng bộ phận xử riêng riêng, kiểu như trung tâm tái chế kim loại hay tái chế nhựa.

    Đối với công đoạn tháo gỡ thủ công, bạn chẳng cần bằng kỹ sư hay gì vẫn thực hiện được nhưng phải qua vài buổi đào tạo để làm việc theo đúng chuẩn. Riêng laptop thì người thợ phải cẩn thận tránh làm vỡ màn hình và gây rò rỉ thủy ngân ảnh hưởng tới môi trường. Ngoài màn hình của máy tính thì các chi tiết như bo mạch chủ, bàn phím, modem và máy in chỉ đơn giản là tán nhỏ rồi phân loại để chuyển đến bộ phận khác.

    Thường thì có khoảng 2 đến 3 công ty thay phiên tái chế vật liệu để sản xuất một thứ gì đó. Như sắt với đồng thì chúng được đưa vào lò nung. Các bản mạch thì đến khu xử lý phức tạp hơn để thu hồi vàng và bạch kim. Tất nhiên trong một số trường hợp, nhân viên cần đánh giá loại sản phẩm nào sẽ được tân trang thay vì băm nhỏ và tái chế.

    PV Angela Chen: Các công nghệ mới nào góp phần giúp cho rác thải điện tử dễ dàng xử lý hơn?

    Federico Magalini: Quá trình tái chế, đặc biệt ở khâu thu hồi kim loại quý, là rất phức tạp không kém gì sản xuất ra chúng. Các cơ sở thu hồi kim loại quý đều sử dụng hệ thống công nghệ cao. Ở đó có các kỹ sư thiết kế công nghệ và quy trình tái chế.

    Ví dụ như các công ty ở châu Âu đang cố gắng tìm cách tự động hóa việc phá hủy màn hình LCD vì đó là quy trình tốn nhiều công sức. Cũng có công nghệ đang được phát triển để tái chế CRT cũ (các ống tia âm cực sử dụng làm màn hình). Mọi người đều cố gắng tìm ra phương pháp thông minh hơn để khai thác nguồn nguyên liệu tái chế vốn rất tiềm năng về mặt giá trị kinh tế.

    Chúng ta đang lãng phí một mỏ vàng với hàm lượng vàng cao gấp 80 lần các mỏ tự nhiên ngay trong nhà mình mà không biết - Ảnh 5.

    Rác thải điện tử nếu được đưa vào quy trình tái chế sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế và môi trường rất lớn.

    PV Angela Chen: Ở góc độ môi trường, có phải việc sữa điện thoại cũ để dùng sẽ tốt hơn là mua cái mới, ngay cả khi cái cũ được tái chế theo đúng quy trình, thưa ông?

    Federico Magalini: Vâng, từ góc độ môi trường mà nói thì sẽ tốt hơn nếu bạn gìn giữ sản phẩm lâu vì hạn chế dùng tới nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhưng nếu mọi người đảm bảo điện thoại cũ được đưa vào quy trình tái chế thì cũng không tồi chút nào.

    Tái chế tạo ra việc làm, nếu thực hiện đúng cách sẽ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đó là cơ hội để giữ môi trường được trong sạch, giúp tài nguyên đi vào một vòng lặp tuần hoàn, do đó chúng ta sẽ thấy rõ lợi ích xã hội của việc tái chế.

    Điều tồi tệ nhất xảy đến là khi lượng điện thoại mới xuất xưởng liên tục, nhưng khi chúng cũ đi lại bị bỏ lại trong ngăn kéo từng hộ gia đình. Điều đó làm cạn kiệt dần nguồn tài nguyên. Nếu chúng ta “kìm chân” chúng trong nhà thì thế giới sẽ đối mặt với vấn đề lớn trong chuỗi cung ứng.

    PV Angela Chen: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ