Sài Gòn, ngày 25 tháng 11, năm 2018.
Có lẽ đã hơn 10 năm nay, người dân ở mảnh đất phương Nam chưa từng biết tới mùi bão cho tới khi đụng độ con quái vật mang tên Usagi. Quốc lộ 1 thành sông, Quận 8 biến mất trên bản đồ, xe máy và ô tô kẹt cứng giữa những dòng nước dữ, khiến người Sài Gòn vừa bất ngờ, vừa có phần… thích thú trước trải nghiệm thiên tai lạ lùng này.
Tuy nhiên, đó không phải cơn bão duy nhất trong ngày hôm qua ở thành phố phương Nam.
Khuôn viên tầng ba của trung tâm GEM Center ngày hôm qua đã chật cứng từ 1 giờ chiều với sự có mặt của rất đông những bạn trẻ chấp nhận đội mưa, đội gió tới để tham dự sự kiện thi đấu vòng bảng AIC 2018 - còn được biết tới là giải Chung kết thế giới của bộ môn Liên Quân Mobile. Rất nhiều những cái tên sừng sỏ đã có mặt vào 3 ngày của sự kiện, họ tới từ Đài Bắc Trung Hoa, Thái Lan cho tới cả Ấn Độ, Châu Âu, Bắc Mỹ và Hàn Quốc. Thế nhưng trái tim của người hâm mộ Việt Nam đều hướng về SWING PHANTOM - đội tuyển hạt giống thứ hai đại diện cho nước chủ nhà.
Dù đã đủ điều kiện để tiếp tục đi thi đấu tại vòng chung kết thế giới sẽ tổ chức ở Thái Lan vào tháng 12 này, thế nhưng trận thua 2-0 trước đại diện quá mạnh tới từ Hàn Quốc đã khiến tâm trạng của những chàng trai SWING PHANTOM phần nào chùng xuống. Thế nhưng, người hâm mộ tin rằng họ sẽ nhanh chóng vực dậy tinh thần để tiếp tục chiến đấu vì đây không phải là lần đầu tiên mà đại diện của Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn to lớn.
Kỳ thực, ngay cả ở bên ngoài phòng thi đấu, cuộc sống của mỗi thành viên trong SWING PHANTOM đã là một trận chiến cam go mỗi ngày.
“Cơm áo không đùa với khách thơ”
Khi gõ cái tên SWING PHANTOM lên các thanh công cụ tìm kiếm, kết quả trả về sẽ khiến nhiều người khó mà tin được đây đang là đại diện hàng đầu cho làng thể thao điện tử Việt ở bộ môn LQM. Hơn nữa, họ còn là đội tuyển có lịch sử lâu đời nhất trong các giải thi đấu chuyên nghiệp quốc nội, thế nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao trong các kỳ chuyển nhượng.
Bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn khi đi sâu tìm hiểu từng thành viên của SWING PHANTOM, để rồi phát hiện ra tổ chức thể thao điện tử này dường như là một tập hợp chắp vá của những số phận tưởng chừng chẳng liên quan, sau cùng tìm thấy nhau qua sợi dây liên hệ duy nhất mang tên “đam mê”. Ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, nơi mà gamer đã được tính là một nghề “chân chính”, các tuyển thủ của họ không cần kiếm sống bằng nghề chân phụ, có những gaming house đầy đủ tiện nghi sinh hoạt để chuyên tâm tập luyện; có lẽ chẳng có mấy người hàng ngày phải đi hơn 70km chỉ để chơi game như “Zeref” Nguyễn Thanh Lâm.
Nhắc tới Nguyễn Thanh Lâm là nhắc tới trụ cột thời kỳ đầu tiên của SWING PHANTOM thời điểm hiện tại. Lâm không được may mắn đường học vấn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, phải bỏ học từ sớm để phụ giúp gia đình kiếm ăn từng ngày, thành ra game chính là công cụ kết nối cậu tới bạn bè đồng trang lứa, đồng thời cũng là nguồn vui sau công cuộc mưu sinh mệt mỏi mỗi ngày.
Ở Việt Nam, nơi mà “chơi điện tử” vẫn là cái gì đó bị cộng đồng đánh giá kém nghiêm túc thì một người đã có vợ, lại là trụ cột kinh tế của gia đình mà cứ hở ra là ôm lấy cái điện thoại ngồi bấm bấm thì chắc hẳn khó mà có được cái nhìn thiện cảm từ xã hội, có khi lại ế dài dài chẳng có người yêu. Thanh Lâm thì may mắn hơn khi nhờ chính Liên Quân Mobile mà anh gặp được người bạn gái tâm đầu ý hợp. Khi hỏi Lâm làm sao chơi điện tử mà kiếm được vợ hay vậy, ông bố trẻ chỉ cười xòa: “Câu này nhiều người hỏi em lắm, chỉ có vợ là không hỏi thôi. Vợ ủng hộ em theo đuổi eSport chuyên nghiệp vì đây là đam mê của em, đồng thời công việc này cũng đem tới thu nhập ổn định cho gia đình.”
Thế nhưng, quen nhau thì qua game, còn cưới nhau là chuyện ngoài đời, khi quyết định hẹn ước trăm năm với bạn gái cũng là thời điểm mà Lâm bắt đầu con đường thể thao điện tử chuyên nghiệp; và buồn cho cậu, gia đình nhà vợ hoàn toàn không ủng hộ con đường eSport vẫn chưa thực sự có đất sống ở Việt Nam của Lâm, nhất là khi khoản “thu nhập ổn định” kia không một bước có ngay vào những ngày Thanh Lâm chập chững bước vào sự nghiệp. Thêm nữa, là người thành lập đội tuyển, vào thời kỳ đầu sơ sài và thiếu thốn của bộ môn mới nổi lên vài năm nay, Thanh Lâm nghiễm nhiên phải kiêm luôn chức vụ đội trưởng, lo liệu ít nhiều cho đội hình sơ khai của mình vào thời điểm ấy, trong khi vẫn phải lo toan công việc nhà, gồng gánh kinh tế cho cả gia đình.
“Hồi ấy, mỗi lần muốn luyện tập với cả đội là phải chạy từ nhà ở tận Bình Dương lên Sài Gòn, rồi kiếm quán cafe rồi bỏ cả trăm ngàn ra ngồi ăn uống. Mình làm gì có nhiều tiền mà tiêu như vậy, nhưng ngồi chơi bằng 3G thì không ổn định nên phải bỏ tiền vào quán để nhờ wifi; bữa nào mà mạng chập chờn là coi như nghỉ khỏe luôn à!” - Thanh Lâm tâm sự về những ngày đầu tạo lập nền móng của SWING PHANTOM.
Trong thể thao điện tử, nếu bạn không phải là kẻ mạnh nhất thì bạn chẳng là gì cả. SWING PHANTOM, hay Saigon Phantom ngày ấy tuy có tiềm năng nhưng không đạt được những thứ hạng cao chót vót ngay từ đầu, thành ra cũng chẳng có nhà tài trợ, đồng nghĩa với không lương, không trợ cấp, không một chốn luyện tập cho ra hồn. Một bên là gia đình và vợ - những người không hoàn toàn ủng hộ; một bên là sự nghiệp chưa được xã hội công nhận, xuất phát điểm khó khăn đến nản lòng, đã có những thời điểm, “Bố bỉm sữa” (tên in-game của Lâm) nản trí và muốn từ bỏ.
Trận chiến khốc liệt bên ngoài Đấu trường danh vọng
Tuy hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt nhưng cũng như Zeref thì Blake1, NTB và Yamate đều đã có lúc muốn từ bỏ đam mê bởi những lý do rất khác nhau.
Nếu như Thanh Lâm “Zeref” là chàng trai vượt khó để theo đuổi đam mê thì Lê Thiên Hà “Yamate” lại có hoàn cảnh trái ngược hoàn toàn. Gia đình có điều kiện, học trường con nhà giàu RMIT, ra trường đi làm nghề IT, Lê Thiên Hà nghiễm nhiên trở thành “con nhà người ta” đáng mơ ước của nhiều ông bố bà mẹ Việt, đồng thời cũng là “rich kid” thứ thiệt. Nhà có điều kiện thì chơi tí cũng chẳng sao, Lê Thiên Hà cũng thích chơi game, từng đi thi đấu giải với bộ môn Liên Minh Huyền Thoại nhưng rồi lại từ bỏ đam mê vì lý do rất đơn giản: “trưởng thành”.
“Mình nghĩ rằng không phải ai cũng xác định được đam mê của bản thân là gì. Biết được đam mê là gì rồi có dám theo đuổi và cháy cùng đam mê nữa không lại là câu chuyện khác.” - Lê Thiên Hà chia sẻ về quyết định theo đuổi đam mê của mình, vậy nhưng một cách kỳ lạ, nó lại ứng nghiệm với khoảng thời gian lưng chừng, dở dang của sự nghiệp eSport. Dĩ nhiên chẳng ai nói lớn rồi thì không được chơi điện tử nữa, thế nhưng tốt nghiệp Đại học, lại ở trong một gia đình có điều kiện thì dĩ nhiên kỳ vọng mà bố mẹ đặt vào Thiên Hà là rất lớn, vô hình chung tạo ra một áp lực cho chàng trai trẻ. Đứng trước hai ngã rẽ con đường: một là ra trường với tấm bằng ưu, đi làm công sở như bố mẹ mong muốn và hai là đam mê mới manh nha thành hình sự nghiệp với các giải đấu nay đây, mai đó đa phần chưa ổn định, dễ hiểu khi Thiên Hà đã chọn con đường an toàn của một “con nhà người ta” khi gác lại đam mê để theo con đường chính chuyên.
Nguyễn Tấn Bảo “NTB” và Nguyễn Việt Anh “Blake1” thì cùng chung cảnh ngộ không được gia đình ủng hộ, nhưng lý do khiến hai người muốn tử bỏ game lại khác hẳn nhau.
Tấn Bảo “NTB” thường được bạn bè gọi đùa là Bê Bất Cần do cái cá tính mạnh mẽ có phần ngang ngạnh, bướng bỉnh. Có thể coi là thành viên có thành tích thể thao điện tử tốt nhất trong cả team khi từ rất sớm đã đi thi đấu với thành tích quán quân Việt Nam và Á Quân thế giới bộ môn “Chiến dịch huyền thoại”, vậy nên Tấn Bảo dù có không được gia đình cảm thông ủng hộ thì cũng mặc kệ, cứ phăng phăng mà nghe theo tiếng gọi nơi con tim mình thôi. “Cuộc đời mình mà, ai sống hộ được!” - Bảo cười, lý giải cho con đường ngang ngạnh thẳng tắp của mình. Ngay cả khi chịu sức ép tâm lý từ gia đình, Tấn Bảo vẫn đàng hoàng sống tiếp bằng chính thu nhập của mình từ game, dần dà tiện thể chứng minh luôn đam mê lẫn khả năng của mình trong lĩnh vực thể thao điện tử.
Thế nhưng, Bảo cũng có lúc phải chịu thua, trên đấu trường chuyên nghiệp lẫn trong những góc tối u uất của bất cứ người trẻ nào mưu đồ một sự nghiệp lừng lẫy.
Thế nhưng, Bảo cũng có lúc phải chịu thua, trên đấu trường chuyên nghiệp lẫn trong những góc tối u uất của bất cứ người trẻ nào mưu đồ một sự nghiệp lừng lẫy.
“Khoảng thời gian đó thuộc mùa giải Đấu Trường Danh Vọng mùa Đông 2017. Mình được đội tuyển bổ sung vào những vòng cuối của mùa giải và ngay lập tức nhận thất bại đáng quên tại trận play off. Sau đó thì cả nhóm ai cũng chán nản, giận đến mức không thèm nói chuyện với nhau cả tháng trời. Bản thân mình thì chỉ muốn nằm luôn trong phòng, cảm giác bất lực tràn trề, bất lực với bản thân và với cả các thành viên khác nữa. Đợt đó mình tính không thi đấu chuyên nghiệp nữa.” - Tấn Bảo chia sẻ về quãng thời gian mệt mỏi và bất lực của mình.
Saigon Phantom ra mắt không mấy thành công, thậm chí có phần bết bát sau giải mùa Đông năm 2017 dẫn đến việc giải tán, thế là “Bê Bất Cần” cũng… bất cần, chán nản tính chuyện bỏ cuộc với mối hoài nghi to lớn với chính tiền đồ của bản thân.
Nguyễn Việt Anh - Blake1 - thì từ bỏ vì lý do mà bậc ông bà bố mẹ nào cũng thích đem ra răn đe con cháu mình: “chơi game là học dốt”. Từng một thời nghịch phá, bị liệt vào thành phần học sinh cá biệt, thế nhưng Việt Anh đã lột xác thần kỳ trong suốt quãng thời gian cấp 3 để rồi trở thành thủ khoa khối B trường ĐH Công nghiệp Thực Phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Nhiêu đó thôi là đủ để thấy tiềm năng khổng lồ từ anh chàng này: đã tập trung học là chắc chắn sẽ giỏi, và cái tập trung đó mà đem đi chơi game thì cũng hết ý. Từ bén duyên LQM cho vui, Việt Anh nhanh chóng thăng hạng rồi tham gia giải game, giành luôn cả chức vô địch một cách dễ dàng.
“Mình có 1 nguyên tắc là khi xác định được mục tiêu hoặc đam mê thì sẽ dồn hết sự tập trung cho nó. Như hồi cấp 3 mình rất thích các môn toán, hóa, sinh nên vùi đầu vào học và rất bất ngờ khi biết được thủ khoa khối B trường đại học Công Nghiệp Thực Phẩm.
Còn game là niềm đam mê ngay từ nhỏ, sau khi tham gia vài giải sinh viên thì mình đã lờ mờ có cảm giác “go-pro”. Đúng lúc đó Liên Quân Mobile mới ra mắt nhưng đã lập tức được hưởng ứng rộng rãi, nhận thấy cơ hội này nên mình đã chủ động tham gia bộ môn này từ sớm.” - Việt Anh nói về quyết định chuyển vai từ chàng thủ khoa Đại Học sang gamer chuyên nghiệp với đôi chút tính toán của kẻ học giỏi môn Tự nhiên. Thế rồi, tỉ lệ nghịch với danh tiếng đi lên không ngừng trong làng game chính là thành tích học tập ngày càng đi xuống - điều này càng khủng khiếp hơn khi chỉ mới một năm trước thôi, Việt Anh còn là chàng thủ khoa sáng giá của trường, còn là kỳ vọng lớn lao của gia đình. Cộng thêm những hạn chế về cơ sở vật chất và cuộc sống chật vật của nghề game non trẻ ở Việt Nam, Việt Anh - Blake1 cũng quyết định từ bỏ, như Thanh Lâm “Zeref”, Thanh Hà “Yamate” hay Tấn Bảo “NTB”.
Bạn chẳng thể lạc lối, khi đam mê là nguồn sáng trong tim
Có câu chạy trời không khỏi nắng, hay dân dã hơn là “Tổ nghề gọi ai người nấy dạ”, bằng một cách kỳ diệu nào đó mà những Blake1, Zeref, Yamate hay NTB sau cùng đều chẳng thể trốn tránh khỏi niềm đam mê bỏng cháy như khối mặt trời sáng rực rỡ trong lồng ngực; SWING PHANTOM cũng nhờ đó mà đã vượt qua tất cả để trở thành tổ chức thể thao điện tử ngập tràn sinh khí ở thời điểm hiện tại.
Thanh Lâm “Zeref” chia sẻ về nàng nội tướng, chẳng giấu được niềm vui mừng kèm sự tự hào kéo căng gương mặt thấm đẫm mưu sinh lẫn đam mê thể thao điện tử. Thế nhưng, ẩn sâu trong nụ cười đó là những ngày tháng dài lăn lộn với game lẫn việc phải làm tròn vai một ông bố; hàng trăm chuyến đi liên tỉnh chỉ để tìm một quán cafe ngồi hí hoáy chơi game, những nỗ lực trên đấu trường danh vọng để dần khẳng định tên tuổi cũng như tiềm năng của bản thân.
“Cực thì cực, nhưng được theo đuổi đam mê thì vui lắm.” Thanh Lâm cười tươi chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời thi đấu chuyên nghiệp của mình. Đợt đó, đang thi đấu, thậm chí đang ngồi ngay tại bàn ban-pick thì nhận được tin vợ lâm bồn thành công, mẹ tròn con vuông cùng cặp sinh đôi xinh xắn. Vợ của Thanh Lâm cũng như gia đình dần thông cảm cho đam mê bỏng cháy của anh, thấu hiểu cho niềm đam mê to lớn lâu nay vẫn bị đánh đồng với thú chơi trẻ con - dăm ba cái trò chơi điện tử mà khiến một ông bố bỉm sữa đích thực phải gồng mình tới 200% công lực, nửa để chăm lo cho gia đình đích thực, một nửa để vun đắp cho ngôi nhà thứ hai được xây nên cùng những người đồng đội thân thiết.
Yamete “Thiên Hà” cũng chẳng thể làm ngơ với đam mê rực lửa trong lồng ngực. Cậu quyết định tiếp tục sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp theo cái cách y như trong phim: chấp nhận thách thức từ người cha nghiêm khắc.
“Ba nói làm gì thì làm, chơi gì thì chơi nhưng phải đứng thứ nhất. Còn không thì dẹp.” - Thiên Hà kể lại cái giây phút mặt đối mặt để đón chờ quyết định từ ba. Tuy bị gia đình phản đối, cắt viện trợ nhưng Hà hiểu, ba chỉ muốn điều tốt nhất cho mình; và ngay trong câu nói có phần tiêu cực thái quá kia của ba cũng đã để ra một sinh lộ cho tương lai bấp bênh của Yamate. “Phải đứng thứ nhất mới được ba công nhận, thế nên mình phải trở thành giỏi nhất!”
Chức vô địch Đấu trường Danh Vọng mùa Xuân 2018 đã xóa bay những nghi ngờ của gia đình Thiên Hà về cậu quý tử của mình. Từ đó, Hà được toàn thời gian và tâm ý chăm chút cho ước mơ của mình. Nhờ sự quyết tâm từ Yamate và Zeref - hai trụ cột đời đầu của đội tuyển SWING PHANTOM, tinh thần của cả team nhanh chóng được vực dậy, soi sáng con đường giúp Tấn Bảo và Việt Anh quay về với đam mê của mình.
Để bỏ cuộc, người ta cần rất nhiều dũng khí. Còn để tiếp tục, người ta cần lòng dũng cảm đích thực.
Có lẽ vào thời điểm tính đến việc từ bỏ, bất cứ thành viên nào của SWING PHANTOM đều đã phải đấu tranh, dằn vặt rất nhiều. Họ không từ bỏ do kém nghị lực, họ từ bỏ vì yêu thương và tôn trọng những người xung quanh; bỏ cuộc vì quan tâm tới tương lai của chính mình. Để có được dũng khí trở lại và giữ vững cuộc chơi của đam mê, tất cả các thành viên SWING PHANTOM đều đã phải dũng cảm và cố gắng rất nhiều, nhất là khi họ chẳng có gì, ngoại trừ niềm tin vào sáu người còn lại cũng như một nền eSport non trẻ đang lớn mạnh nhưng cũng khó lường.
“Không chỉ mình mà các đồng đội đều tin vào sự phát triển mạnh mẽ của eSport trong tương lai. Điều này không chỉ thể hiện ở cộng đồng hâm mộ đông đảo, các giải đấu quy mô ngày càng nhiều hơn, tạo ra nhiều công việc đa dạng mà còn mang đến nguồn thu nhập ổn định cho game thủ chuyên nghiệp.” - Trần Anh Tuấn “Tisus” chia sẻ về niềm tin của mình và đồng đội vào sự nghiệp gamer - thứ niềm tin mạo hiểm phải đem đánh đổi bằng cả thanh xuân. Chơi game thì vui thật đấy, nhưng khi phải cân nhắc đem nó làm công việc mưu sinh, không chắc rằng bạn còn cảm thấy vui mỗi khi cầm lấy bàn phím hay chiếc điện thoại. Điều kỳ diệu của SWING PHANTOM là, họ đã tìm được một đội ngũ hội tụ đầy đủ những gã mộng mơ cùng đam mê mãnh liệt, đủ sức vượt qua rào cản khó khăn của cuộc sống để hết mình với sự nghiệp bấp bênh.
Bảy con người, bảy mảnh ghép riêng biệt. Gặp nhau trong game, rời phòng tập lại trở về với cuộc sống riêng, người thì an nhàn, người thì vất vả. Trần Anh Tuấn - Tisus, Nguyễn Gia Phong - Honn hay Võ Hoàng Huy - POLO - họ là những mảnh ghép chưa được đề cập trong bài viết này, và là phần tất yếu quan trọng để đưa SWING PHANTOM lên tới vị trí đáng mơ ước tại thời điểm hiện tại. Tất cả đều có những câu chuyện riêng, những tâm sự riêng nhưng điểm chung đoàn kết họ lại là sự cố gắng không ngừng và niềm đam mê bất tận với Liên Quân Mobile. Chính đó là lý do đã khiến Tisus sống trọn từng phút giây để hết mình cống hiến cho đồng đội cũng như khán giả những màn trình diễn xuất sắc; là động lực giúp Honn vượt qua chấn thương nghiêm trọng ở tay, chơi game bằng một ngón duy nhất suốt hàng tuần liền để bắt kịp bạn bè trong giai đoạn luyện tập; đồng thời cũng khiến POLO cởi bỏ những giới hạn, những nóng nảy của bản thân để trưởng thành trong tập thể SWING PHANTOM.
“Phía gia đình mình lúc trước phản đối kịch liệt không cho mình chơi game, nhưng mình đã cố gắng cân bằng giữa lịch học tập và thi đấu, sau khi có những thành tựu nhất định ở các giải đấu lớn thì gia đình đã chuyển sang ủng hộ luôn rồi.” - Tisus.
“Ngoài chấn thương thể chất mình còn phải đối mặt với vấn đề tâm lý khá nặng khi nhận được quá nhiều kì vọng từ đồng đội. Đây cũng là lần đầu tham gia thi đấu chuyên nghiệp, lại bước chân ra ngay đấu trường quốc tế và gặp ngay những đối thủ mạnh nhất, với một người mới như mình thật sự là áp lực rất lớn. Nhưng may mắn có sự động viên của gia đình, bạn bè và sự hỗ trợ hết mình của đồng đội khiến mình yên tâm hơn.” - Honn.
“Thời điểm khó khăn nhất với mình là giải mùa Đông 2017, sau một loạt những thất bại và mâu thuẫn thì nội bộ team rạn nứt, mọi người giận và không muốn nói chuyện với nhau nên mình muốn bỏ team luôn, chán nản lắm.
Lúc đó, Yamate, Zeref và NTB đã cố gắng động viên mình mặc dù ai cũng có cái tôi lớn. Sau đó, mọi người đều cố gắng nhường nhịn nhau hơn, để rồi dần dần hòa hợp như một gia đình thực thụ, không chỉ trong game mà trong cuộc sống nữa.” - POLO.
Cần phải nói rằng, bên cạnh những nỗ lực bản thân để vượt qua trận chiến cả ở bên trong lẫn ngoài Đấu trường danh vọng thì chính Tisus, Honn hay POLO cũng là nguồn động lực lớn lao giúp gắn kết SWING PHANTOM thành một tập thể thống nhất, mạnh mẽ; trở thành mặt trời soi sáng để không một ai bị lạc lối lại phía sau lưng.
09 - top20_swing phantom_logo_intro_outro
Con đường dài vẫn còn ở phía trước
Những ngày đầu tháng Mười Hai vừa qua, bảy chàng trai SWING PHANTOM đã mang trên vai niềm tự hào quốc gia và lá cờ đỏ sao vàng đi thi đấu ở đẳng cấp thế giới, trực tiếp mưu cầu danh dự Tổ quốc ở nước bạn. Đem chuông đi đánh xứ người, hành trang của mỗi thành viên SWING PHANTOM là những kỳ vọng đau đáu từ người thân và gia đình, là nỗi lo mưu sinh vẫn thường trực, chẳng hề biến mất trong mấy tuần đánh giải quốc tế. Và trên hết, trong lồng ngực họ giờ đây là một nguồn sáng tự tin và rực rỡ, một vầng mặt trời ẩn trong tim mang tên gọi: “Đam mê”.
Nhưng chỉ “Đam mê” thôi là chưa đủ. Thất bại chóng vánh từ vòng bảng trước một người khổng lồ Flash Wolves quá mạnh mẽ và chuyên nghiệp đã buộc tập thể bảy chàng David phải tạm dừng bước nơi đấu trường quốc tế. SWING PHANTOM có lẽ sẽ buồn, sẽ thất vọng, nhưng chừng đó có khiến họ một lần nữa chán nản và từ bỏ như ở Đấu trường Danh vọng mùa Đông năm nào?
Câu trả lời có lẽ là không.
Giờ đây, họ không còn lẻ loi trên con đường chinh phục sự nghiệp thể thao điện tử chuyên nghiệp. Bảy chàng trai có nhau - những người đồng đội đã kiến tạo nên một tập thể tuyệt vời; có một lượng fan hâm mộ đông đảo hùng hậu và quan trọng nhất, là sự ủng hộ hết mình từ gia đình và người thân. Vạn sự khởi đầu nan, hành trang của SWING PHANTOM giờ đây là những kinh nghiệm quý giá, một hậu phương vững chắc và trên hết, chính là thứ đam mê mãnh liệt đã được khẳng định như vàng nung lửa đỏ.
Vậy thì, tội gì mà không hy vọng, phải không?