Chuyện về hãng ô tô Made in China: Từ 'kẻ vô danh' bị Elon Musk chê cười đến khoản đầu tư lãi gấp gần 40 lần của Warren Buffett

    Chi Lan, Nhịp sống thị trường 

    Hãng xe điện này đã gây bất ngờ cho thị trường khi trở thành nhà sản xuất EV lớn nhất thế giới vào năm 2022 và từng là một khoản đầu tư "vô danh" của Warren Buffett cách đây 15 năm.

    Chuyện về hãng ô tô Made in China: Từ 'kẻ vô danh' bị Elon Musk chê cười đến khoản đầu tư lãi gấp gần 40 lần của Warren Buffett - Ảnh 1.

    Elon Musk từng cười phá lên khi được hỏi về khả năng cạnh tranh với BYD - công ty đã ra mắt xe chạy bằng pin ở miền nam Trung Quốc trước Tesla 3 năm. Điều khiến Musk chê cười là chiếc xe e6 - dòng xe nhỏ gọn, được thử nghiệm để chạy 370 km trong 1 lần sạc, chỉ mất hơn 8 gây để từ trạng thái dừng tăng tốc lên 97 km/h.

    Câu chuyện trên diễn ra vào tháng 11/2011, chỉ nửa năm sau khi Tesla niêm yết trên sàn Nasdaq, giúp Musk trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Đến 12 năm sau, BYD mới là "kẻ chiến thắng lớn nhất" trên thị trường xe điện.

    Hãng sản xuất ô tô điện này đã giao 1,86 triệu ô tô hybrid chạy điện vào năm 2022. Trong khi đó, Tesla chỉ giao hơn 1,31 triệu xe. Và BYD đã trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

    Các nhà đầu tư tin tưởng vào khoản đầu tư của Berkshire Hathaway vào BYD trong năm 2008 cũng đang hưởng lợi lớn. Giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp 40 lần kể từ khi phó Chủ tịch Charlie Munger quyết định đầu tư khi BYD là một doanh nghiệp vô danh. Hiện tại, vốn hoá của BYD là 98 tỷ USD, gần bằng giá trị của General Motors và Ford Motor cộng lại.

    Vậy, "cánh tay phải" của Warren Buffett đã nhìn thấy tiềm năng gì ở BYD, trong khi Musk không ngại chế giễu công ty này?

    Hãng xe điện "khủng" nhất thế giới đã phát triển ra sao?

    Jeff Cai, trưởng nhóm cố vấn của JD Power China, cho biết: "BYD sở hữu nhiều lợi thế, đầu tiên là pin có hiệu suất cao hơn so với các đối thủ. Thứ hai, BYD có nhiều loại sản phẩm và thiết kế hợp thời nên tiếp cận được khách hàng hiệu quả hơn."

    BYD sản xuất hàng chục mẫu xe trong 2 phân khúc. Dòng Dynasty - bao gồm các mẫu được đặt tên theo các vị vua của Trung Quốc từ thời nhà Hán đến nhà Nguyên, có 17 mẫu xe nhắm đến các hộ gia đình trung lưu. Còn dòng Ocean có kiểu dáng thể thao, thu hút người mua trẻ tuổi.

    Chuyện về hãng ô tô Made in China: Từ 'kẻ vô danh' bị Elon Musk chê cười đến khoản đầu tư lãi gấp gần 40 lần của Warren Buffett - Ảnh 2.

    Charlie Munger, Warren Buffett, Bill Gates tại sự kiện ra mắt xe M6 của BYD năm 2010.

    Đối với BYD, bí quyết thành công của họ là giữ vững niềm tin rằng một ngày nào đó, pin sẽ là nguồn năng lượng "thống trị" mọi thứ, thậm chí thay thế cả nhiên liệu hoá thạch cho ô tô.

    Ban đầu, BYD là một công ty sản xuất pin khô và pin cho điện thoại di động. Họ chỉ là một công ty mới trong lĩnh vực ô tô, đến năm 2003 mới mở rộng sang mảng này sau khi mua giấy phép từ Xi'an Tsinchuan Auto từ chính quyền tỉnh Thiểm Tây và nhà thầu Norinco Group.

    Mẫu xe đầu tiên của họ là F3, một chiếc ô tô kiểu dáng nhỏ, đơn giản, với động cơ xăng 1,6 lít và được bán với giá 40.000 tệ (5.850 USD). Nhờ giữ mức giá thấp hơn nhiều so với mốc 100.000 tệ mà nhiều người cân nhắc, BYD trở thành thương hiệu được những người mới mua xe lựa chọn nhiều hơn, giúp họ có lợi thế so với các đối thủ sừng sỏ như Toyota và Honda.

    Kể từ đó, BYD đã phát triển nhanh chóng. Khi Musk bật cười lúc nhắc đến BYD, công ty này đã có 8 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô và là nhà lắp ráp lớn thứ 6 Trung Quốc. Sau đó, đại lục đã nhanh chóng vượt Mỹ để trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

    Trong thập kỷ theo theo, BYD đầu tư mạnh vào pin, sử dụng xe hybrid xăng-điện để thay thế dần những chiếc xe chạy hoàn toàn bằng xăng mà mình đang sản xuất. Năm ngoái, họ thông báo sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất xe động cơ đốt trong và chuyển sang xe chạy điện.

    Chuyện về hãng ô tô Made in China: Từ 'kẻ vô danh' bị Elon Musk chê cười đến khoản đầu tư lãi gấp gần 40 lần của Warren Buffett - Ảnh 3.

    Tàu trên cao chạy trong khuôn viên của BYD tại trụ sở Thâm Quyến.

    Dẫu vậy, hành trình lên đỉnh cao của BYD vẫn gặp phải những rào cản. Trước khi e6 ra mắt thị trường, BYD đang phát triển F3e, phiên bản chạy điện của chiếc F3 nổi tiếng của hãng. BYD nhắm mục tiêu sạc tới 70% dung lượng pin chỉ trong 10 phút và di chuyển được 300 km, với giá 150.000 tệ.

    Dự án F3e đã bị huỷ bỏ vào năm 2010 trước khi đi vào sản xuất. Nguyên nhân là do thị trường xe điện của Trung Quốc vẫn còn non trẻ, thiếu mạng lưới trạm sạc để phục vụ khách hàng.

    Nắm giữ gần như mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng

    Tuy nhiên, nhà sáng lập BYD Wang Chuanfu vẫn kiên trì. 2 giám đốc điều hành giấu tên cho biết, ông Wang luôn kiên định với nỗ lực đầu tư vào sự đổi mới, phát triển các mẫu xe mới và tăng năng lực sản xuất cho đến khi đạt được mục tiêu.

    Với BYD, điều quan trọng là đổi mới. Trong những đầu tiên, BYD đã tìm ra cách sản xuất pin điện thoại ở nhiệt độ phòng, trong khi các đối thủ cần lắp đặt trong phòng khô và rất tốn kém. 2 thập kỷ sau, công ty đã tăng quy mô để đổi mới xe điện. Pin Blade của BYD có khả năng chống cháy tốt hơn đối thủ, mà không ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của xe điện.

    Năm 2022, BYD đã sản xuất 70,4 GWh pin, tương đương 13,6% thị trường toàn cầu. Theo đó, họ trở thành nhà sản xuất pin xe điện lớn thứ 3 thế giới sau CATL và LG.

    Chuyện về hãng ô tô Made in China: Từ 'kẻ vô danh' bị Elon Musk chê cười đến khoản đầu tư lãi gấp gần 40 lần của Warren Buffett - Ảnh 4.

    Nhà sáng lập BYD Wang Chuanfu.

    Tesla cũng "choáng" với sức tăng trưởng của BYD, đến mức họ cũng sử dụng pin Blade cho Model Y sản xuất tại Berlin vào năm ngoái. Đầu tháng này, Tesla thông báo sẽ xây dựng một nhà máy bên cạnh Gigafactory ở Thượng Hải để lắp ráp pin Megapack, song phủ nhận thông tin ngừng dùng pin Blade.

    Điều quan trọng hơn là BYD sở hữu toàn bộ chuỗi cung ứng pin xe điện, từ khoáng chất và nguyên liệu thô cho đến pin được hoàn thiện. Việc này giúp BYD kiểm soát chi phí, tỷ suất lợi nhuận và việc giao hàng một cách hiệu quả hơn. Công ty cũng điều hành bộ phận lưu trữ năng lượng và thiết kế chip riêng.

    Nhờ đó, BYD vẫn phát triển mạnh mẽ vào năm ngoái, trong bối cảnh các đối thủ từ NIO đến Tesla đều gặp khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. BYD ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán hàng tăng 150%.

    Han EV là dòng xe điện hạng sang của BYD. Đây là mẫu xe sedan 4 cửa, có phạm vi di chuyển khoảng 715 km sau 1 lần sạc và có thể tăng tốc từ trạng thái dừng lên 100 km/h trong 3,9 giây. Chiếc xe này có tay lái bọc da Nappe cùng hoạ tiết gỗ dùng để trang trí và có giá khoảng 300.000 tệ.

    Chuyện về hãng ô tô Made in China: Từ 'kẻ vô danh' bị Elon Musk chê cười đến khoản đầu tư lãi gấp gần 40 lần của Warren Buffett - Ảnh 5.

    Xe Han EV của BYD.

    Tuần này, BYD cũng cho ra mắt hệ thống kiểm soát thân xe có tên DiSus để giữ người lái cố định 1 chỗ khi xe cua ở tốc độ cao và ngăn xe bị lật.

    Theo Wang, đây là nhà sản xuất ô tô đầu tiên của Trung Quốc sở hữu và phát triển công nghệ nội bộ ấn tượng đến vậy, một "bước đột phá giúp lấp đầy khoảng cách giữa công nghệ trong nước và nước ngoài."

    BYD vẫn còn chặng đường dài để đi

    Song, BYD vẫn còn nhiều nhiệm vụ phía trước, Chen Jinzhu, CEO của hãng tư vấn Shanghai Mingliang Auto Service, cho hay. Ông nói rằng nhà sản xuất ô tô này thậm chí còn không có mặt trong top 10 bảng xếp hạng trí tuệ công nghệ (technology intelligence) của JD Power về xe điện Trung Quốc.

    Chen nói: "BYD vẫn chưa đủ tiềm lực để phát triển hệ thống lái tự động và buồng lái kỹ thuật số", đây là những tính năng hiện đã trở thành tiêu chuẩn khi ô tô điện trở thành phương tiện thông minh.

    Trong khi đó, BYD đang "dốc toàn lực" để giúp những chiếc xe điện của mình trở nên thông minh hơn như, như "siêu điện thoại có bánh xe" để cạnh tranh với các đối thủ hạng sang.

    BYD đã hợp tác với nhiều đối tác để phát triển mục tiêu này. Công ty tham gia dự án Apollo của Baidu vào năm 2017 để sử dụng một nền tảng mở, nhằm phát triển khả năng tự lái. Han EV đang sử dụng hệ thống HiCar với hệ điều hành Harmony của Huawei Technologies.

    Công ty đang tích cực quảng bá các mẫu xe của mình tại Nam Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông. Tại Mỹ, BYD đã sản xuất xe buýt chạy pin tại Lancaster, California từ năm 2017.

    Musk đến nay đã thay đổi thái độ của mình với BYD. Trong buổi công bố kết quả kinh doanh tháng 1, vị tỷ phú cho biết "một số công ty Trung Quốc" sẽ là đối thủ đáng gờm nhất với Tesla. Ông nói: "Chúng tôi ngưỡng mộ các công ty ô tô Trung Quốc. Họ có khả năng cạnh tranh cao nhất thế giới."

    Các giám đốc điều hành của BYD lại có những lời phát biểu khiên tốn hơn. Họ lưu ý chỉ 1.4 trong số 26,86 triệu xe mới bán ra vào năm ngoái ở Trung Quốc là xe điện.

    Brian Luo, trợ lý tổng giám đốc phụ trách thương hiệu và quan hệ công chúng của BYD, cho biết: "Chúng tôi còn nhiều yếu tố cần phát triển thêm. Tôi đã nghe nói mọi người so sánh BYD với Tesla, gọi chúng tôi VW của Trung Quốc hay GM của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ so sánh mình với bất kỳ doanh nghiệp nào, vì chúng tôi không chỉ là một nhà sản xuất ô tô."

    Tham khảo SCMP

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ