Có đám mây và microSD nhưng bạn sẽ luôn bị "trói" vào bộ nhớ trong trên iPhone và Galaxy S7
Thật may mắn, công nghệ 3D NAND đang ngày một phổ biến sẽ giải quyết vấn đề này.
Bộ nhớ smartphone đang được chia làm 3 loại hình chính: bộ nhớ trong, thành phần không thể thiếu của thiết bị di động; thẻ microSD, tính năng được tất cả các fan thèm muốn và cuối cùng là đám mây, xu hướng của thời đại mới. Mỗi loại hình lưu trữ đều có thế mạnh riêng, từ giá thành, mức độ tiện dụng, tốc độ, mức độ dễ tiếp cận, độ ổn định/bảo mật và cuối cùng là khả năng sinh lời cho nhà sản xuất.
Bất kể một cuộc đấu nào cũng đều không thể có người chiến thắng rõ ràng, và chúng ta đang kết hợp sử dụng cả 3 loại hình bộ nhớ của smartphone. Song, cuối cùng thì người dùng sẽ luôn bị trói buộc vào lựa chọn mà họ chắc chắn sẽ sử dụng: bộ nhớ trong trên smartphone.
Trời quang mây tạnh
Dù được ca ngợi rất nhiều nhưng công nghệ lưu trữ đám mây vẫn chưa trở thành tiêu chuẩn của thời đại mới khi 75% người tiêu dùng vẫn chỉ lưu trữ dữ liệu trên bộ nhớ trong. Đám mây đã và đang thu hút sự chú ý của con người, nhưng ở thời điểm hiện tại chưa ai biết liệu các giải pháp đám mây thuần túy có trở thành tiêu chuẩn tương lai hay không.
Gino Skulick, nhà sáng lập của công ty chuyên về công nghệ bộ nhớ Micron bày tỏ sự hoài nghi về tương lai của công nghệ lưu trữ đám mây: “5 năm trước chúng ta tưởng rằng tất cả mọi thứ sẽ được đưa lên mây, nhưng sự thật không phải vậy. Người dùng muốn truy cập nhanh vào dữ liệu của họ. Họ không muốn chờ đợi. Vậy nên bộ nhớ trong sẽ mãi mãi tồn tại”.
Bất kể là do các lo ngại về bảo mật hay khả năng tiếp cận thì sự thật vẫn là đám mây chưa chiếm lĩnh thế giới, ít nhất là trong lĩnh vực lưu trữ. Con người ngày càng sử dụng đám mây nhiều hơn, nhưng đám mây của họ thường nằm ẩn giấu trong những lĩnh vực không ai nhận ra như email, mạng xã hội hay dịch vụ phát nhạc trực tuyến. Với riêng các dịch vụ lưu trữ, người dùng có vẻ muốn bày tỏ sự chống đối quyết liệt để ngăn cản một tương lai nơi đám mây bao trùm lên toàn bộ cuộc sống số của họ. Điều đó rất có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Cách mạng thẻ nhớ
Nếu không hiểu rõ rằng người dùng Android rất cần thẻ nhớ, các nhà sản xuất sẽ phải trả giá. Minh chứng rõ rệt nhất cho lập luận này là chiếc Galaxy S6 của Samsung. Mang trong mình một thiết kế mới đặc biệt cao cấp so với các dòng Galaxy S trước đó, S6 vẫn gặp phải sự phản đối kịch liệt vì thiếu đi thẻ nhớ. Một năm sau, Galaxy S7 ra mắt và đưa thẻ nhớ trở lại với các fan của Samsung. Kết quả là S7 và S7 edge lập kỷ lục doanh số dù vẻ ngoài gần như không thay đổi so với đàn anh S6.
Vì sao microSD không thể trở thành lựa chọn bộ nhớ của tương lai? Chúng ta luôn nghe những lời phàn nàn về tốc độ đọc dữ liệu, độ bền và các vấn đề bảo mật tiềm ẩn trên thẻ nhớ. Song, thực tế là dù cho Samsung đã từng “chữa thẹn” rằng việc loại bỏ thẻ nhớ sẽ giúp tạo ra trải nghiệm người dùng mượt mà hơn, chuẩn microSD UHS-II vẫn tạo ra tốc độ đọc/ghi tốt hơn bộ nhớ trong của Galaxy S6. Với người dùng có nhu cầu nâng cấp tối đa dung lượng, mua thẻ nhớ cũng sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với mua tùy chọn smartphone có giá cao hơn.
Giá thành và lợi nhuận
Những tranh cãi về vấn đề bộ nhớ trong và bộ nhớ ngoài cuối cùng chỉ có bản chất là lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Những vấn đề tiềm ẩn của bộ nhớ ngoài như mức độ ổn định và an toàn dữ liệu không đủ để ngăn phần đông người dùng tìm đến tùy chọn lưu trữ có giá thành rẻ mạt này. Người tiêu dùng luôn muốn tìm ra được điểm cân bằng giữa hiệu năng, mức độ ổn định, mức độ bảo mật và các mức giá có thể cho là “hợp lý”.
Vậy bộ nhớ ngoài liệu có luôn giữ được chỗ đứng trên smartphone hay không? Dù chúng ta đã được chứng kiến nhiều dòng smartphone trở lại với microSD sau khi từ bỏ, sự tồn tại của loại bộ nhớ này vẫn là không chắc chắn. Bất chấp sự thật rằng nhiều nhà sản xuất đã lên lịch trình phát triển có tính toán tới cả 2 khả năng (chỉ sử dụng bộ nhớ trong và cho phép bộ nhớ ngoài), lựa chọn số 1 của họ vẫn sẽ luôn là bộ nhớ trong. Hãy thử nghĩ tới Samsung: bán ra smartphone có bộ nhớ 64GB họ sẽ thu thêm 100 USD, nhưng cùng một khoản tiền đó có thể dùng để mua... 5 chiếc thẻ nhớ EVO có cùng dung lượng.
Tương lai 3D
Chắc chắn các nhà sản xuất sẽ luôn ưu tiên bộ nhớ trong, nhưng công nghệ bộ nhớ trong phổ biến nhất hiện tại (2D NAND) đang bắt đầu chạm tới mức giới hạn thông thường là 128GB. Thật may mắn, Thung lũng Silicon đã tìm ra lời giải: chip nhớ 3D NAND, một công nghệ về bản chất là không có giới hạn nào cả. Bạn chỉ cần đặt thêm các lớp mới lên trên để cho phép mật độ lưu trữ gia tăng đáng kể.
Vậy 3D NAND là gì và tại sao công nghệ này lại hứa hẹn tới vậy? Nói một cách ví von, 3D NAND giống như những lớp bánh tráng: thay vì phải dừng lại ở một lớp bộ nhớ như chip 2D NAND, bạn chỉ cần đặt thêm các lớp chip nhớ khác lên trên. Công nghệ 3D NAND sẽ cho phép tạo ra các bộ nhớ có dung lượng cao gấp 3 lần công nghệ NAND hiện tại, đồng thời gia tăng tốc độ đọc/ghi theo cấp số mũ
Đáng chú ý hơn, công nghệ chip nhớ mới cũng không quá tốn kém. Skulick khẳng định: “3D NAND không đòi hỏi các thiết bị tối tân nhất. Do đó 3D NAND chưa hẳn đã đắt đỏ hơn. Nếu bạn so sánh một sản phẩm 3D tầm thấp với một sản phẩm 2D, bạn sẽ thấy 3D có giá cao hơn. Nhưng khi bạn gia tăng số lớp và tăng tần suất lưu trữ của 3D NAND, chi phí cho mỗi bit lưu trữ sẽ giảm xuống”.
Do đó, nếu như chi phí người dùng phải gánh chịu để chuyển từ 2D NAND lên 3D NAND là không đáng kể, câu hỏi cuối cùng sẽ nằm ở nhu cầu của người dùng. Cuối cùng thì bao nhiêu GB bộ nhớ là đủ?
Nền tảng sáng tạo cho tương lai
Người dùng smartphone giờ đây đã trở thành những người sáng tạo nội dung: những bức ảnh chụp độ phân giải cao và các đoạn video 4K tự quay đã bắt đầu phổ biến trên toàn cầu. Sân chơi smartphone không chỉ dành cho các nước phát triển mà là cả các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ.
Và không có một thị trường nào “chê” những chiếc smartphone có bộ nhớ “khủng” cả. Tại các quốc gia đang phát triển, sự xuất hiện và bành trướng của các hãng giá rẻ như Xiaomi và OPPO đã khiến cho sự kỳ vọng của người dùng tăng cao khi bỏ tiền mua điện thoại. Lựa chọn bộ nhớ 16GB đã không còn hiếm gặp trên smartphone giá rẻ, và sau này chắc chắn người dùng cũng sẽ mong muốn được mua những chiếc smartphone có cấu hình ngang ngửa với smartphone cao cấp ở mức giá bằng một nửa.
Đi kèm với nhu cầu lưu trữ ngày một gia tăng là nhu cầu về điện năng. Thật may mắn, 3D NAND cũng đi kèm với những lời giải cho vấn đề pin. Cũng giống như mật độ bộ nhớ, “Công nghệ tiết kiệm điện năng sẽ luôn tiếp tục tiến hóa”, Skulick khẳng định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín