Lũ trẻ đôi khi không nhận thức được những gì chúng đang nói.
Khi bạn hỏi một đứa trẻ dưới 3 tuổi: "Con yêu bố hay yêu mẹ hơn?". Có tới 64-85% cơ hội đứa trẻ đó sẽ trả lời là "Mẹ". Vậy thì có một mẹo nhỏ dành cho những ông bố, hãy đảo ngược lại câu hỏi: "Con yêu mẹ hơn hay yêu bố hơn?".
Bạn có thể đoán được câu trả lời chứ? Nghiên cứu cho thấy khi bạn đưa ra cho những đứa trẻ 2 sự lựa chọn, chúng sẽ thiên vị và chọn sự lựa chọn thứ hai, là từ được phát ra sau cùng và cũng là những gì chúng nghe thấy rõ ràng nhất.
Hiện tượng này được gọi là vòng lặp âm vị trong trí nhớ của trẻ. Ngay cả khi lựa chọn thứ hai là lựa chọn những đứa trẻ không thích, chúng vẫn có xu hướng chọn lựa chọn này hơn lựa chọn đầu tiên.
"Con thích ăn sô cô la hay ăn rau?", đó là một câu hỏi hiệu quả để giúp những đứa trẻ chọn ăn rau.
Khi bạn hỏi một đứa trẻ dưới 3 tuổi: "Con thích bố hay thích mẹ hơn?". Có tới 64-85% cơ hội đứa trẻ đó sẽ trả lời là "Mẹ".
"Người trưởng thành có thể phân biệt được các lựa chọn với nhau, và thường sẽ chọn lựa chọn đầu tiên. Điều này được gọi là thiên kiến ưu tiên chuẩn", nhà nghiên cứu khoa học nhận thức Emily Sumner từ Đại học California Irvine cho biết.
"Nhưng trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi dưới 3 tuổi, những đứa trẻ có thể chưa hoàn thiện khả năng ngôn ngữ, sẽ thiên vị khi trả lời các câu hỏi bằng lời nói. Có nghĩa là chúng sẽ thường chọn lựa chọn cuối cùng được đưa ra".
Để có được khám phá mới này, Sumner và các đồng nghiệp đã thiết kế một loạt thí nghiệm với 24 đứa trẻ 2 tuổi. Họ hỏi chúng 20 câu hỏi, mỗi câu hỏi gồm có hai sự lựa chọn.
Một số câu hỏi liên quan đến một con gấu trắng bắc cực tên là Rori, chẳng hạn: "Rori sống trong nhà tuyết hay lều da?". Trong khi những câu khác liên quan đến một con gấu xám Bắc Mỹ tên là Quinn, ví dụ: "Quinn nên đeo ba lô hay mang hộp cơm tới trường?".
Những đứa trẻ có thể trả lời câu hỏi bằng hai cách: Trả lời bằng cách nói ra bằng miệng hoặc chỉ vào các hình vẽ trên bảng trắng.
Sau khi hỏi hết một lượt 20 câu, các nhà nghiên cứu sẽ đặt lại các câu hỏi tương tự, nhưng lần này đảo lại vị trí của các lựa chọn. Chẳng hạn như câu hỏi ngược sẽ là: "Quinn nên mang hộp cơm hay đeo ba lô tới trường?".
Và đây là lúc mà kết quả thú vị xuất hiện. Những đứa trẻ chọn trả lời bằng việc chỉ vào hình vẽ có tỷ lệ gần như 50/50 trong việc đưa ra lựa chọn. Đó là một tỷ lệ tự nhiên.
Trong khi đó, những đứa trẻ trả lời bằng cách nói ra bằng miệng có 85% sẽ chọn đáp án thứ hai, nghĩa là lựa chọn được nói ra ở vế sau, bất kể đáp án đó là gì và con gấu trong câu hỏi là Quinn hay Rori.
"Khi một đứa trẻ trả lời bằng cách chỉ vào hình vẽ, chúng có thể thấy cả hai tùy chọn và sau đó sẽ chọn câu trả lời chúng thực sự thích", Sumner nói. Điều này không thể xảy ra với những đứa trẻ chỉ được hỏi bằng lời nói.
Giả thuyết cho rằng những đứa trẻ 2 tuổi chưa có khả năng nhận thức trọn vẹn ngôn ngữ. Chúng cũng sẽ không bắt kịp tốc độ câu hỏi nên chỉ lướt qua được lựa chọn thứ nhất, trong khi tâm trí của chúng bị giữ lại ở lựa chọn sau cùng.
Các nhà khoa học gọi đó là vòng lặp âm vị, một thành phần của bộ nhớ xử lý thông tin thính giác. Sumner và các đồng nghiệp của cô đã thiết lập một thí nghiệm thứ hai để một lần nữa kiểm tra khả năng sử dụng vòng lặp âm vị của trẻ mẫu giáo.
Lần này, họ tiếp tục tuyển chọn 24 đứa trẻ. Nhiệm vụ trong thí nghiệm mà chúng phải thực hiện là đặt tên cho các con vật đồ chơi. Hai cái tên vô nghĩa sẽ được đưa ra để lựa chọn. Ví dụ: "Chúng ta nên đặt tên cho đồ chơi này là Stog hay Meeb?" và ngược lại "Chúng ta nên đặt tên cho đồ chơi này là Meeb hay Stog?".
Kết quả vẫn cho thấy những đứa trẻ tiếp tục lựa chọn cái tên thứ hai, nghĩa là cái tên được nói ra sau nhiều hơn. Khi các từ vô nghĩa càng dài, sự thiên vị càng lớn.
"Những đứa trẻ hiểu cách lời nói được phát ra nhưng chúng chưa chắc đã hiểu những từ ngữ đó có nghĩa là gì", Sumner nói. "Vì vậy, khi trả lời, chúng chỉ nói lại sự lựa chọn được hỏi sau cùng".
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện các bằng chứng cho thấy vòng lặp âm vị tồn tại trong thực tế ở quy mô lớn, chứ không phải chỉ là các thí nghiệm bên trong phòng thí nghiệm. Họ đã nghe lại băng ghi âm 543 câu hỏi dạng lựa chọn trong một cơ dữ liệu của Hệ thống trao đổi dữ liệu ngôn ngữ trẻ em (CHILDES).
Kết quả cho thấy có tới 64% những đứa trẻ 1-2 tuổi sẽ chọn lựa chọn thứ hai. Trong khi đó, trẻ 3-4 tuổi có tỷ lệ chọn đúng theo xác suất tự nhiên 50-50.
Mặc dù sự chênh lệch trong thực tế tương đối nhỏ, các nhà nghiên cứu cho biết 64% cũng là một con số có ý nghĩa. Sự thiên vị trong vòng lặp âm vị của trẻ không biến mất cho tới khi chúng 3 tuổi.
Vì vậy, nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi với trẻ. Nó không chỉ có tác dụng khi bạn hỏi những câu bông đùa như "Con thích bố hay thích mẹ hơn?", "Lớn lên con thích làm công an hay làm bác sĩ?".
Hãy tưởng tượng đến một tình huống, trong đó bạn phải hỏi những câu như: "Con hay em đã làm vỡ bình?", "Con vô tình hay là cố ý?"... Đảo lại câu hỏi lúc này sẽ là cần thiết.
Lũ trẻ đôi khi không nhận thức được những gì chúng đang nói. Nếu không tinh tế trong việc đặt câu hỏi, có thể bạn sẽ trách phạt nhầm những đứa trẻ ngây thơ này.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí PLOS One.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời