Những tay cầm “vô tích sự” trong lịch sử ngành game

    PV, Vân Hương 

    Nhiều khi những ý tưởng xa lạ với cuộc sống con người lại đẻ ra những "thảm hoạ công nghệ".

    Lịch sử tiến hoá của chiếc tay cầm game giống như câu chuyện dài thú vị. Có những phụ kiện làm nên cách mạng trong cách chơi game. Nhưng cũng không ít thử nghiệm trở thành thảm hoạ. Người trong cuộc thì cố gắng quên đi, còn giới game thủ được một mẻ cười. Hãy cùng thử liệt kê những tay cầm đắt giá còn để lại “tiếng thơm” cho hậu thế...
     
    Intellivision Keyboard
     
    Tác giả thảm hoạ: Mattel
     
    Thời gian: 1979
     
    Với game thủ thời nay, Mattel là cái tên hoàn toàn xa lạ. Có chăng, hãng được biết đến với sản phẩm búp bê Barbie. Tuy vậy, ngay từ thập kỷ 80, Mattel đã trở thành tên tuổi đồ chơi lớn của Mỹ. Intellivision Keyboard ra đời với tham vọng cạnh tranh với Atari, Sega - những nhà sản xuất game thống trị thời đó.
     
     
    Có lẽ vì tham vọng cao vút, người ta cố tình thêm vào Intellivision Keyboard quá nhiều tính năng “hại điện”. Rốt cuộc, Mattel chào hàng sản phẩm nửa bàn phím, nửa điện thoại để bàn. Nếu đem so sánh tay cầm của Sega, Mattel nghiễm nhiên chiến thắng với số phím bấm và trọng lượng.
     
    Siêu phẩm ra đời và bán được 3 triệu chiếc. Nghe nói giá của chúng đắt hơn cả chiếc điện thoại cao cấp và máy đánh chữ cộng lại. Nhưng sau thời gian ngắn, Mattel đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của người tiêu dùng về những bất tiện mà Intellivision Keyboard gây ra: tương tác kém, rắc rối, tốn điện, khó di chuyển.
     
     
    Cảm thấy sản phẩm này nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, Uỷ ban Thương Mại Liên bang đã buộc Mattel ngừng sản xuất kèm theo khoản tiền phạt 100.000 USD. Cuối cùng hãng này lỗ nặng và không dám trở lại cuộc chơi tay cầm game nữa. Mattel sực tỉnh, tập trung vào mục tiêu thiết thực hơn: sản xuất búp bê cho các bé gái!
     
     
    The Dream Machine
     
    Tác giả thảm hoạ: Australia Simulation Control System
     
    Chưa phát hành
     
    Dân Úc gọi thiết bị này là cỗ máy Giấc mơ, đáng tiếc thay nó lại đem đến ác mộng cho chủ nhân. Ban đầu ý tưởng thật tốt đẹp: chiếc máy để cả gia đình cùng chơi, nhưng cách thực hiện quá tồi. Dream Machine nhìn chẳng khác nào chiếc vó tôm, với chỉ một chỗ ngồi cho người chơi chính. Những thành viên còn lại đành phải “bám càng” hai bên.
     
     
    Sản phẩm đầy đủ khả năng rung, lắc, nghiêng, được “chém gió” thích hợp với game đua xe và tác dụng giảm cân. Tuy nhiên, những ai đã trót ngồi lên Dream Machine sẽ cảm thấy “bỏng rát” với mức giá 1.700 USD - tương đương chiếc ôtô cũ. Như vậy, họ có thể dành tiền mua xe cho vợ con và chạy bộ để giảm cân. Cuối cùng, sản phẩm kỳ cục này “im thin thít và lặn mất tăm”. Thật đúng là làm game... kiểu Úc!
     
     
    Mindwire
     
    Tác giả thảm hoạ: Mindwire
     
    Thời gian: 2007
     
    Mindwire là bộ sản phẩm trang bị rất nhiều phụ kiện. Nhà sản xuất quảng cáo chỉ khi đầu tư hoàn chỉnh, bạn mới trải nghiệm game một cách chân thực nhất. Mindwire gồm một máy shock điện nhỏ, các miếng dán, rất nhiều đầu nối và dây rợ lằng nhằng khác.
     
     
    Tiếc thay, khi vài nạn nhân khờ khạo đeo đầy đủ phụ kiện, họ vẫn chẳng trải nghiệm được gì ngoài cảm giác tê tê vì điện giật! Chưa hết, một nghiên cứu còn chỉ ra xài Mindwire sẽ rất nguy hiểm cho những ai mắc bệnh tim. Người tiêu dùng không đắn đo thải loại ngay sản phẩm “tiên phong” của Mindwire. Tất nhiên, 200 USD đã bay qua cửa sổ!
     
     
    Steel Battalion Dashboard
     
    Tác giả thảm hoạ: Capcom
     
    Thời gian: 2002
     
    Nhìn vào lịch sử phát triển vẻ vang của Capcom, ông lớn cũng từng có lần phiêu lưu sang lĩnh vực sản xuất phần cứng. Steel Battalion Dashboard thoạt trông khá phức tạp. Cụm tay cầm khá giống bảng điều khiển điện ở các trung tâm, riêng phần chân đạp có tới 3 chân, thoải mái cho người chơi đoán mò. Tóm lại, để điều khiển được món đồ khó hiểu này, bạn phải vận dụng hết tứ chi.
     
     
    Cũng giống như các model thất bại khác, phát minh nhà Capcom quá thừa nút bấm, cồng kềnh và thiếu độ nhạy. Một phần của Steel Battalion Dashboard được cấu tạo bằng kim loại, vừa dễ dẫn điện vừa khiến người chơi vã mồ hôi di chuyển.
     
    Chắc hẳn vì dùng nhiều kim loại (không phải nhựa như những thiết bị đương thời), Steel Battalion Dashboard có giá đến 200 USD (sau này giảm xuống 100 USD). Lác đác một số sản phẩm vẫn còn được rao bán trên eBay. Tuy vậy, với kiểu công nghệ này, cho không chưa chắc đã đắt hàng!