Cửa hàng trực tuyến đầu tiên của Apple tại Việt Nam: Khó cạnh tranh với ngành bán lẻ?
Trước thông tin Apple chính thức mở cửa hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, động thái lạc quan từ các nhà bán lẻ lớn cho thấy điều này không ảnh hưởng mạnh tới ngành bán lẻ nói chung.
Sáng ngày 12/5, Apple chính thức công bố ra mắt cửa hàng Apple Store trực tuyến đầu tiên tại thị trường Việt Nam, bước đầu trong việc mở rộng sự quan tâm của "Táo cắn dở" đối với thị trường 100 triệu dân. Được biết, cửa hàng này sẽ sớm đi vào hoạt động kể từ ngày 18/5 tới đây.
Với việc triển khai cửa hàng trực tuyến, Apple sẽ cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dòng sản phẩm mới nhất, cũng như hỗ trợ tiếng Việt đầy đủ, đồng thời có dịch vụ hỗ trợ cá nhân hoá theo từng khu vực.
"Chúng tôi vinh dự khi có cơ hội mở rộng tại Việt Nam, cũng như vô cùng phấn khởi khi có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ vượt trội của Apple đến cho khách hàng với sự ra mắt của Apple Store trực tuyến," Deirdre O'Brien, Phó Chủ Tịch Cấp Cao mảng Bán Lẻ của Apple cho biết. "Với cửa hàng trực tuyến, khách hàng tại Việt Nam giờ đây có thể khám phá nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời của chúng tôi, kết nối với những chuyên gia đầy kinh nghiệm, cũng như trải nghiệm những tinh hoa của Apple nhiều hơn bao giờ hết."
Câu hỏi đặt ra là việc Apple mở một kênh phân phối trực tuyến một cách chính thức liệu có ảnh hưởng lớn tới ngành bán lẻ nói chung đang cực kỳ sôi nổi tại Việt Nam, nơi mà các cửa hàng đang cạnh tranh nhau gay gắt về giá bán của các dòng sản phẩm Apple, đặc biệt là iPhone.
Chuỗi bán lẻ lạc quan
Trao đổi với phóng viên, đại diện hệ thống CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy đồng khẳng định việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại quốc gia hình chữ S là kết quả của sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng chính hãng trong những năm gần đây và cũng là dấu hiệu cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ hơn, tập trung hơn cho thị trường Việt Nam của chính Apple.
Điều này giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và trải nghiệm những dịch vụ cao chuẩn mực quốc tế của hãng. Về phía các đại lý bán lẻ, ông Huy cho biết các cửa hàng sẽ có cơ hội được học hỏi và nâng cấp những trải nghiệm của khách hàng.
Với việc Apple mở kênh phân phối trực tuyến, trong khi tỷ trọng doanh số bán hàng theo mô hình này chiếm trung bình chỉ khoảng 15 - 20%, đại diện hệ thống CellphoneS bày tỏ thái độ lạc quan rằng mức ảnh hưởng của cửa hàng trực tuyến Apple sẽ không cao và phần lớn phụ thuộc vào giá bán mà kênh phân phối này đề xuất tới khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện truyền thông Viettel Store cho biết thông tin Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam đã được các chuỗi bán lẻ dự đoán từ lâu, đồng thời khẳng định việc kinh doanh và chính sách giá bán của chuỗi bán lẻ này sẽ không bị ảnh hưởng sau chính sách mới của Apple.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động FPT Shop cho biết việc Apple gia nhập thị trường Việt Nam sẽ giúp toàn ngành có một mức giá chung để tham chiếu, đặc biệt trong bối cảnh giá bán iPhone biến động từng ngày.
"Động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng", ông Nguyễn Thế Kha nhận định.
Thực chất, việc các chuỗi bán lẻ bày tỏ thái độ lạc quan trước thông tin có thêm cửa hàng trực tuyến Apple gia nhập thị trường là điều có thể dự đoán trước được. Đa số các kênh bán lẻ hiện tại đều được chia thành 2 hình thức: trực tiếp và trực tuyến, người dùng đều có thể tới tận cửa hàng gần nhất để trải nghiệm trước khi mua sắm, một yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người dùng. Cũng chính bởi điều này mà phần lớn khách hàng tại các chuỗi bán lẻ đều chọn hình thức mua hàng trực tiếp, chỉ khoảng 15 - 20% lượng khách hàng lựa chọn mua hàng trực tuyến.
Khó cạnh tranh kể cả khi bán giá rẻ
Lợi thế của kênh phân phối trực tuyến nằm ở việc cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết (chi phí mặt bằng, chi phí nhân viên, chi phí bảo trì...), do đó mức giá bao giờ cũng sẽ rẻ hơn so với khi phân phối trực tiếp.
Tuy nhiên tại Việt Nam, bên cạnh các chuỗi bán lẻ vốn đều sở hữu cả kênh trực tiếp và trực tuyến, thì còn có sự cạnh tranh tới từ các sàn thương mại điện tử. Điển hình như Shopee và Lazada, đây luôn là 2 trang mua hàng ưa chuộng của nhiều người Việt nhờ các chính sách trợ giá cực kỳ mạnh tay và đều đặn tới từ 2 "ông lớn" trong ngành thương mại điện tử.
Lấy ví dụ cụ thể, iPhone 14 Pro Max đang được niêm yết giá bán tại cửa hàng Apple Flagship Store trên Shopee là 27,49 triệu đồng. Với mức trợ giá hấp dẫn từ Shopee, người dùng hoàn toàn có thể mua được chiếc máy này với giá bán chỉ từ hơn 26 triệu đồng, thậm chí còn giảm nhiều hơn trong các ngày sale.
Trong khi đó tại các chuỗi bán lẻ lớn, giá bán của iPhone 14 Pro Max cũng đã chạm ngưỡng 26,3 - 26,5 triệu đồng. Chưa kể, các đại lý này còn tung ra nhiều chương trình hấp dẫn mà Apple tại Việt Nam chưa làm được, bao gồm hình thức trả góp 0%, chương trình thu cũ đổi mới trợ giá cao, khuyến mại nhà mạng đi kèm hay thậm chí nhiều ngân hàng cũng tung ưu đãi cho khách hàng thanh toán bằng thẻ của mình tại các cửa hàng hoặc sàn thương mại điện tử cụ thể...
"Tận dụng ưu thế từ nhà mạng bán máy và chính sách giá kèm các phương thức thanh toán, khách hàng mua hàng tại Viettel Store sẽ được ưu đãi và có mức giá tốt hơn nữa", đại diện Viettel Store tự tin về các chương trình ưu đãi.
Cho tới khi Apple chính thức mở cửa hàng Apple Store trực tiếp tại Việt Nam, khi đó trải nghiệm mua sắm của người dùng Việt mới thực sự được "nâng cấp" theo một chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, nếu xét theo xu hướng thị trường hiện tại, kể cả khi có một cửa hàng Apple Store hoàn chỉnh đi vào hoạt động tại Việt Nam, việc này cũng sẽ khó tác động mạnh lên ngành bán lẻ nói chung, cũng như khó thay đổi được cách mà người dùng Việt mua sắm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4