Cuộc đời điên rồ của John McAfee, huyền thoại an ninh mạng vừa tự tử trong tù

    Du Lam (Tổng hợp), Ictnews 

    John McAfee xây dựng một trong các hãng phần mềm diệt virus lớn nhất từ trước tới nay, song những chương sau của cuộc đời mới biến ông thành “huyền thoại”.

    Nếu lần gần nhất nghĩ về John McAfee là khi nhìn thấy thông báo “cập nhật phần mềm diệt virus của bạn”, bạn không cô đơn. Tuy nhiên, đã tới lúc để đọc lại tin tức vì câu chuyện của ông McAfee đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, đầy kịch tính và lạ lùng hơn bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào khác.

    Hôm nay, luật sư xác nhận ông McAfee đã tự sát trong một nhà tù Tây Ban Nha ở tuổi 75, chỉ vài giờ sau khi một tòa án nước này tuyên bố ông có thể bị dẫn độ về Mỹ để chịu tội danh trốn thuế. Cái chết bất ngờ khiến mọi người một lần nữa tò mò về cuộc đời đầy tranh cãi của ông, một huyền thoại trong giới công nghệ.

    Cuộc đời điên rồ của John McAfee, huyền thoại an ninh mạng vừa tự tử trong tù - Ảnh 1.

    John McAfee sinh tại Anh vào ngày 18/9/1945, nhưng gia đình chuyển tới Mỹ sinh sống khi ông còn nhỏ. Thuở thiếu thời, ông sống khá khó khăn. Bố của ông là kẻ nghiện rượu. Khi ông 15 tuổi, bố ông tự sát. Ông học tại Cao đẳng Roanoke, cũng là nơi bắt đầu uống rượu. Dù vậy, ông cũng chứng tỏ bản lĩnh doanh nhân khi còn trẻ. Công việc đầu tiên của ông là bán tạp chí tận cửa, giúp ông tiết kiệm được khoản tiền nhỏ.

    Ông làm việc tại một công ty mã hóa hệ thống thẻ đục lỗ vào cuối những năm 1960, công việc dạy ông những thứ cơ bản của máy tính. Nhờ thông tin này, ông xin được việc tại công ty tàu hỏa Missouri Pacific, nơi ông giúp sử dụng máy tính IBM để hiệu chỉnh lịch trình tàu.

    Cũng trong thời gian này, ông thử nghiệm nhiều loại thuốc gây nghiện hơn và mất việc cũng vì nó. Những năm 1970, ông chuyển đến Silicon Valley, kinh qua nhiều vị trí tại các hãng công nghệ khác nhau. Điều đáng ngạc nhiên là ông vẫn phê pha với ma túy và rượu. Đến năm 1983, ông mới nhận thức được mọi việc và tỉnh táo lại. Chia sẻ với tạp chí Wired, ông nói cảm thấy cô đơn, lo sợ và quyết định tìm sự giúp đỡ.

    Những năm 1980, ông làm cho Lockheed. Khi đó, máy tính còn tương đối mới mẻ. Năm 1986, virus đầu tiên tấn công máy tính. Ông đọc về các chương trình xâm nhập máy tính và quyết định mở công ty riêng chống lại virus. McAfee Associates cất cánh. Cuối thập niên 80, công ty kiếm được 5 triệu USD/năm, một số công ty lớn nhất thế giới cũng dùng nền tảng diệt virus của ông.

    Ông tiếp tục thành công hơn nữa, nhất là khi virus máy tính Michelangelo ra đời năm 1992. Ông gọi nó là một trong những virus nguy hiểm nhất, ước tính ảnh hưởng đến 5 triệu máy tính. Khi đó, phần mềm diệt virus không phải thứ nhiều người sẽ mua. Song, nhờ Michelangelo, cơn sốt bảo vệ máy tính trước virus ra đời. Điều đó giúp McAfee trở nên nổi tiếng và trở thành doanh nghiệp hàng triệu USD.

    Cuộc đời điên rồ của John McAfee, huyền thoại an ninh mạng vừa tự tử trong tù - Ảnh 2.

    Năm 1994, ông từ chức khỏi công ty mình sáng lập. Hai năm sau đó, ông bán cổ phiếu, thu về 100 triệu USD. Ông tương đối kín tiếng sau khi rời công ty. Ông chỉ đưa lời khuyên cho các startup, giảng dạy tại một trường của Harvard, theo đuổi dự án riêng. Ông còn phát triển hai mạng xã hội là PowWow và Tribal Voice nhưng không thành công.

    Năm 2008, khủng hoảng kinh tế khiến ông lao đao. Một bài báo cho rằng, tài sản của ông giảm từ 100 triệu USD xuống 4 triệu USD. Cuối những năm 2000, ông quyết định bán đất, chuyển tới Belize. Tại đây, ông muốn gia nhập thế giới thuốc kháng sinh. Với sự giúp đỡ của nhà vi sinh vật học Allison Adonizio, ông tin có thể làm ra sản phẩm từ thực vật chống lại bệnh tật. Ông mở công ty mang tên Quorumex.

    Dù vậy, mọi thứ ở Belize bắt đầu trở nên kỳ lạ. Ông McAfee bị thuyết phục rằng mình luôn bị theo dõi. Ông thường ghé qua quán Lover’s Bar, ngồi xem mọi người ra vào hàng ngày. Ông rút lui dần khỏi mọi thứ. Ông bị ám ảnh với việc quan sát mọi người trong thị trấn nghèo khổ này. Sau 6 tháng, ông nói mình không còn bất kỳ kết nối nào với xã hội nữa. Ông còn kể lại việc tiểu tiện công khai vào ban ngày tại thị trấn.

    Năm 2012, ông bị xem là đối tượng có liên quan khi hàng xóm Gregory Faull bị bắn chết. Ông bỏ trốn sau khi bị chính quyền Belize thẩm vấn. Ông bị bắt tại Guatemala “nhờ” một sai sót của trang tin Vice. Phóng viên Vice đi theo ông để phỏng vấn nhưng đăng ảnh McAfee kèm thông tin GPS. Không lâu sau đó, cảnh sát Guatemala đã bắt giữ ông với tội danh nhập cảnh bất hợp pháp. Khi bị giam, ông gặp hàng loạt vấn đề về tim mạch. Cuối cùng, ông bị trục xuất và giải về Mỹ.

    Sau chuyện này, ông thành nhân vật được truyền thông ưu ái. Mọi người tò mò muốn biết ông là ai, ông đã ở đâu và ông có bị điên hay không. Bản thân ông cũng tự gây khó dễ cho mình bằng các hành vi kỳ quặc. Chẳng hạn, năm 2013, ông đăng video kỳ quái có tiêu đề “Cách gỡ bỏ phần mềm diệt virus McAfee”. Trong video, vây quanh ông là nhiều cô gái đang cố gắng gỡ phần mềm diệt virus mà ông phát minh. Video còn có súng và ám chỉ việc dùng ma túy, sử dụng súng.

    Tháng 8, McAfee bị bắt do say rượu lái xe và sở hữu súng trái phép. Trên Facebook, ông thừa nhận lái xe dưới ảnh hưởng của Xanax, nhưng đổ lỗi cho bác sỹ vì không kê rõ tác hại của thuốc.

    Tháng 9/2015, ông nộp hồ sơ tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 và tuyên bố thành lập Đảng riêng “The Cyber Party”. Ông tự giới thiệu bằng video trên YouTube. Kết quả cuối cùng, ông không thành công, thậm chí không được đề cử.

    Ông McAfee được bổ nhiệm là Chủ tịch kiêm CEO một công ty công nghệ bí ẩn, MGT Technologies. Ban đầu, công ty đầu tư vào game kỳ ảo và game di động, nhưng chuyển hướng sang an ninh mạng. Họ cũng đầu tư vào một nhà sản xuất thuốc nhỏ không liên quan tới bảo mật.

    Tháng 10/2020, thay mặt chính phủ Mỹ, Tây Ban Nha tiến hành bắt McAfee . Ông bị cáo buộc trốn thuế trong 4 năm dù kiếm được hàng triệu USD từ công việc cố vấn, tiền ảo và bán thông tin đời tư. Ông cũng bị tố che giấu tài sản khi du thuyền và bất động sản khai dưới tên người khác. Vào tháng 3/2021, ông gánh thêm tội danh lừa đảo, rửa tiền khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ông và đối tác lừa nhà đầu tư hơn 13 triệu USD vì quảng bá sai sự thật về tiền ảo. Ông từ chối bị dẫn độ sang Mỹ, với lý do sẽ đối mặt với đàn áp chính trị. Tòa án Tây Ban Nha phán quyết việc dẫn độ phải diễn ra và vài giờ sau ông tự tử trong tù, khép lại một cuộc đời nhiều biến động.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ