Chỉ liệt kê toàn thất bại, vì sao CV của vị giáo sư này lại rất đáng để chúng ta học hỏi?

    Kuroe,  

    Bản CV thất bại này khiến chúng ta nhận ra rằng: nên chia sẻ một cách cởi mở hơn về những thất bại của bản thân mình, thay vì che giấu chúng và coi chúng như điều gì đó đáng xấu hổ.

    Viết CV xin việc là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, và trên mạng hiện nay có rất nhiều hướng dẫn tập trung vào việc "làm thế nào để có một bộ CV đẹp nhất có thể". Hầu hết những hướng dẫn này đều khuyến khích bạn tập trung vào những kỹ năng bạn có, những gì bạn đã học được, những kinh nghiệm mà bạn đã từng trải qua - từ đó khiến cho bạn có cơ hội cao hơn để lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển dụng.

    Nhưng có một điều mà hầu như bất cứ ai khi viết CV cũng đều muốn tránh, đó là liệt kê những thất bại của mình vào trong đó.

    Chỉ liệt kê toàn thất bại, vì sao CV của vị giáo sư này lại rất đáng để chúng ta học hỏi? - Ảnh 1.

    "Hầu như", bởi đã có một giáo viên tại trường đại học Princeton danh giá đã viết ra một bản CV liệt kê đầy đủ những thất bại của mình trong đó. Bản "CV thất bại" này được giáo sư Johannes Houshofer viết cho các học sinh của mình từ vài năm trước, nhưng phải đến tận tháng 4 năm 2016, ông mới đăng bản CV này lên mạng, với hy vọng sẽ khiến nhiều người hơn nữa nhận ra rằng: "Trên con đường dẫn đến thành công của mỗi người luôn luôn có dấu tích của những sự thất bại".

    Bản "CV thất bại" này nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng, và lan tỏa rất nhanh - trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Trong CV này, giáo sư Johannes đã liệt kê đầy đủ tất cả những thất bại của mình từ tận cuối những năm 90: bao gồm những lần hụt học bổng, những chương trình học đã từ chối nhận ông, những lần bị các tạp chí nghiên cứu từ chối đăng báo cáo, và đặc biệt có một "thất bại" nhỏ khác ở dưới cùng - rằng tất cả những nghiên cứu khoa học mà ông làm từ trước đến nay chẳng nhận được nhiều sự chú ý bằng cái CV liệt kê toàn những thất bại này.

    Chỉ liệt kê toàn thất bại, vì sao CV của vị giáo sư này lại rất đáng để chúng ta học hỏi? - Ảnh 2.

    Chỉ liệt kê toàn thất bại, vì sao CV của vị giáo sư này lại rất đáng để chúng ta học hỏi? - Ảnh 3.

    Toàn bộ nội dung bản "CV thất bại"

    Và nguyên nhân khiến cho bản CV này trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều sự chú ý đến như thế, hoàn toàn có cơ sở khoa học.

    Hầu như tất cả mọi người đều nắm rất rõ những thất bại của bản thân mình, đồng thời tin rằng những con người thành công ngoài kia sẽ không bao giờ gặp phải những thất bại như thế. Đây là kiểu tư duy mà giáo sư Johannes đang hết sức cố gắng để phá bỏ.

    "Hầu như mọi điều tôi thử làm đều dẫn đến thất bại, nhưng những thất bại thường không thể hiện rõ ra ngoài như sự thành công. Chính điều này khiến những người ngoài nhìn vào cảm thấy rằng mọi chuyện tôi đều có thể thuận lợi vượt qua, trong khi sự thật không phải như vậy."

    Giáo sư Johannes không phải là học giả duy nhất có ý kiến như vậy. Bản thân ý tưởng về một bản "CV thất bại" của ông đến từ một nghiên cứu được giáo sư Melanie Stefan tại Đại học Edinburgh đăng tải trong tạp chí Nature, rằng: một bản "CV thất bại" giúp chúng ta nhận ra thất bại chỉ là một phần rất bình thường của cuộc sống, và nó không phải chuyện đáng xấu hổ.

    Bên cạnh đó, việc nhận ra và sẵn sàng đương đầu với thất bại của bản thân thay vì xấu hổ và giấu kín nó đi, còn trở thành động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực phấn đấu hơn nữa.

    Chỉ liệt kê toàn thất bại, vì sao CV của vị giáo sư này lại rất đáng để chúng ta học hỏi? - Ảnh 4.

    Hồi đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Columbia đã chia 400 sinh viên của mình ra thành 3 nhóm: nhóm 1 được kể về những thành công vĩ đại của Albert Einstein, Marie Curie và Michael Faraday; nhóm 2 được kể về những khó khăn của các nhà khoa học; và nhóm cuối cùng được học về những thất bại trong quá trình nghiên cứu và thí nghiệm của 3 nhà khoa học danh tiếng nói trên.

    Và kết quả cuối kỳ của các sinh viên này cho thấy rằng: sinh viên nhóm 2 và 3, những người được học từ thất bại, sở hữu kết quả tốt hơn những sinh viên nhóm 1.

    Bên cạnh đó, còn có một vấn đề khác phát sinh, đó là sinh viên nhóm 1 thậm chí còn có kết quả kém hơn chính bản thân họ trước khi tham gia vào thí nghiệm này. Lý giải cho hiện tượng này, nhà nghiên cứu Anderson cho biết: "Những sinh viên chỉ được nghe và học về thành công của các nhà khoa học có kết quả kém hơn, bơi họ tin rằng những nhà khoa học danh tiếng trong lịch sử sở hữu trí tuệ thiên phú, là những thiên tài - và những người bình thường như họ sẽ không bao giờ có được thành công như thế."

    Vậy nên, chúng ta có lẽ cũng nên dần học cách chia sẻ cởi mở hơn về chính những thất bại của bản thân mình với người khác, đồng thời nên nhận ra rằng không có ai là hoàn hảo cả, và ai cũng phải đương đầu với thất bại - kể cả là những con người hết sức thành công ở ngoài kia. Điều này có lẽ sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc phát triển sự nghiệp của chính bản thân, bởi như ông bà ta đã từng dạy: "Thất bại là mẹ thành công".

    Tham khảo Science Alert.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ