Đa dạng hình thức giao hàng không tiếp xúc tại Trung Quốc

    Du Lam, Theo ICTNews 

    Là quốc gia khởi phát Covid-19, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, một trong số đó là giao hàng không tiếp xúc.

    Do tính chất lây nhiễm của Covid-19, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sớm khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc khi nhận hàng. Tại đỉnh dịch, hơn một nửa dân số cả nước – khoảng 760 triệu người – sống trong nhiều cấp độ phong tỏa khác nhau. Chính vào lúc này, hạ tầng thương mại điện tử khổng lồ đã phát huy tác dụng. Dù người dân sống ở đâu, những đơn hàng của họ cũng có thể được giao trong khoảng 20 phút với đồ ăn, thực phẩm và vài tiếng với bưu phẩm loại khác.

    Tất nhiên, vào thời kỳ đầu của dịch bệnh, các gã khổng lồ chuyển phát của Trung Quốc cũng gặp khó khăn khi nhiều thành phố đóng cửa, nhà máy dừng hoạt động, vận chuyển, nhân viên không thể quay lại cơ quan do mắc kẹt từ Tết Nguyên đán. Dân cư tại các thành phố nhỏ đối mặt với tình trạng chờ đợi mòn mỏi khi một số con đường bị chặn.

    Đa dạng hình thức giao hàng không tiếp xúc tại Trung Quốc - Ảnh 1.

    Nhân viên giao hàng treo đồ ngoài cửa nhà khách hàng. (Ảnh: Meituan)

    Dù vậy, họ vẫn có nhiều lợi thế mà các nước khác không có được. Quan trọng nhất là hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm qua ứng dụng. Năm 2019, thị trường bán lẻ trực tuyến tại đây trị giá gần 2 tỷ USD, theo thống kê của eMarketer, chiếm gần 35,3% tổng doanh số bán lẻ, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Hệ thống của họ có thể đáp ứng lượng lớn nhu cầu cùng một lúc ở thời điểm bình thường.

    Đa dạng hình thức giao hàng không tiếp xúc tại Trung Quốc - Ảnh 2.

    Thẻ nhân viên ghi rõ nhiệt độ của người chế biến món ăn và nhân viên giao hàng. (Ảnh: Meituan)

    Để giúp khách hàng và nhân viên giao hàng trong mùa dịch, doanh nghiệp Trung Quốc giới thiệu mô hình không tiếp xúc, theo đó, đơn hàng sẽ được đặt tại cửa nhà, trong tủ khóa hoặc tại một điểm được thống nhất từ trước trong khu dân cư, văn phòng. Một số ứng dụng giao hàng còn đi xa hơn khi cung cấp thông tin về nhiệt độ của đầu bếp, nhân viên giao hàng.


    Nền tảng thực phẩm tươi sống Missfresh còn xây dựng một khu vực lưu trữ tại các cộng đồng dân cư lớn để mọi người tới nhận đồ đã đặt. Trong khi đó, các chuỗi đồ ăn nhanh như KFC, Pizza Hut… thông báo nhân viên giao hàng sẽ chờ tới khi khách hàng xuất hiện rồi mới lấy đồ ăn ra khỏi túi (đề phòng đồ ăn nguội) và đặt tại một điểm. Sau đó, họ lùi lại và chờ ở khoảng cách ít nhất 2m, còn khách hàng nhận đồ và rời đi. Việc thanh toán thực hiện qua WeChat một cách nhanh chóng.

    Tài xế tuân thủ mọi nguyên tắc phòng dịch, thường xuyên khử khuẩn túi giao hàng, rửa tay.

    Các dịch vụ giao đồ ăn và thương mại điện tử lớn cũng đầu tư mạnh mẽ vào tự động hóa kho bãi, máy bay không người lái chở hàng, robot chuyển phát. Những động thái này nhằm giảm chi phí về lâu dài và giúp công ty chống đỡ tốt hơn trong trường hợp thiếu hụt lao động. Theo Yu Enyuan, nhà sáng lập dịch vụ giao hàng không người lái Neolix, nhận thức của mọi người về giao hàng không người lái đã thay đổi 180 độ trong dịch bệnh khi họ nhận ra những phương tiện đó có thể làm công việc nguy hiểm thay con người.

    Tỉ lệ đặt hàng qua mạng tại Trung Quốc luôn cao và không ngừng tăng, một phần vì Alibaba và JD.com rất thành công khi tích hợp trải nghiệm mua sắm online và offline cùng dịch vụ logistics, bao gồm tận dụng tối đa các cửa hàng bán lẻ làm trung tâm hoàn tất đơn hàng.

    Hệ sinh thái của các ông lớn hoàn toàn liên thông. Từ các chợ điện tử như Taobao, Tmall đến chuỗi siêu thị Freshippo, tất cả đều dùng chung công nghệ, hệ thống logistics, ID người dùng cá nhân. Trong thời gian “tâm dịch” Hồ Bắc bị phong tỏa, Freshippo đã xử lý nhu cầu tăng vọt bằng cách tận dụng xe buýt chở hàng, tháo dỡ các hộp quà tặng để bán lẻ, tuyển dụng hàng ngàn nhân viên bán lẻ và nhà hàng thất nghiệp.

    Đa dạng hình thức giao hàng không tiếp xúc tại Trung Quốc - Ảnh 3.

    Tủ thông minh có tính năng diệt khuẩn và giữ nhiệt với hàng thực phẩm. (Ảnh: Meituan)

    Theo ông Wang Zhibin, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Kỹ thuật quốc gia về Công nghệ thông tin logistics, dù lý do ban đầu người tiêu dùng chọn giao hàng không tiếp xúc là giảm nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp, nhu cầu của họ với loại hình này sẽ dẫn đến tăng trưởng của tủ thông minh (smart locker).

    Chẳng hạn, vào đầu mùa dịch, Meituan cung cấp 1.000 bữa ăn miễn phí mỗi ngày cho nhân viên y tế tại Vũ Hán, cùng với nguyên vật liệu nấu ăn. Các tủ thông minh được lắp đặt tại bệnh viện khắp thành phố để nhân viên đặt hàng vào đây, sau đó nhân viên y tế sẽ mở khóa tủ bằng mã QR. Tủ có tính năng khử khuẩn tự động bằng tia cực tím và giữ nhiệt. Nếu không có người nhận trong vòng 12 tiếng, tủ sẽ gửi thông báo về cho nhà vận chuyển.


    Ông Wang cho rằng giao hàng không tiếp xúc là diễn tiến tự nhiên của ngành chuyển phát, giúp cho dịch vụ trở nên hiệu quả và an toàn hơn. Ông tin tưởng nó sẽ kích thích phát triển tủ thông minh, phương tiện không người lái trong tương lai. Theo Cục Bưu chính quốc gia Trung Quốc, năm 2019, có hơn 406.000 tủ thông minh được lắp đặt tại các thành phố lớn ở Trung Quốc năm 2019, tăng từ 127.000 năm 2018.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ