Moto M vẫn thể hiện mình là một sản phẩm tốt trong phân khúc tầm trung.
Sau sự thành công của sản phẩm cao cấp Moto Z cùng với bộ phụ kiện Moto Mod tuyệt vời vào năm ngoái, Lenovo đã tiếp tục cho ra mắt một sản phẩm ở mức tầm trung hoàn toàn mới kể từ khi sở hữu thương hiệu Motorola này - Moto M với giá bán đề xuất là 6.990.000 VNĐ. Chúng tôi xin gửi tới độc giả những đánh giá chi tiết về sản phẩm sau một vài ngày sử dụng.
Về thiết kế
Cảm giác đầu tiên khi cầm máy trên tay cho cảm giác rất chắc chắn bởi thiết kế nhôm nguyên khối và được hoàn thiện tỉ mỉ từng chi tiết. Trên tay phiên bản màu đen cho cái nhìn mặt trước hoàn toàn liền mạch giữa phần màn hình và phần cạnh trên dưới của máy. Moto M được trang bị màn hình 5.5-inch Full HD với tấm nền IPS LCD. Khung viền máy được hoàn thiện tỉ mỉ với đường diamond cắt ở cả phía mặt lưng và sát mặt kính 2,5D tạo cảm giác trải nghiệm liền mạch từ phần màn hình sang mặt lưng.
Thiết kế sang trọng, tinh tế
Phía trên cùng là dải loa được bao quanh bởi một đường kim loại tinh tế tại vị trí cân đối chính giữa. Phía bên trái dải loa là camera trước với độ phân giải 8MP. Các cảm biến dường như đã được đặt ẩn đi.
Logo “moto” được đặt ở phần viền dưới nổi bật, dải phím điều hướng vẫn được đặt phía trong màn hình. Mặt lưng máy nổi bật với cụm camera và đen flash LED kép hơi lồi so với độ mỏng của máy. Thiết kế phần này khá giống với Nokia 6. Ngay dưới là cảm biến vân tay một chạm với độ nhạy cao. Phần dưới của mặt lưng vẫn có logo của Motorola chứ không phải là Lenovo. Cách thiết kế mặt lưng bo cong hai bên vẫn mang dáng dấp quen thuộc của những chiếc điện thoại Motorola trước đây. Tuy vậy, tác giả vẫn thấy sự khác biệt đôi chút, và thiên hướng giống với những chiếc smartphone của các hãng Trung Quốc gần đây.
Mặt lưng của Moto M với thiết kế cong quen thuộc.
Cạnh trên là jack cắm tai nghe 3.5mm và mic phụ.
Cạnh dưới máy được làm đối xứng với cổng USB Type-C chính giữa, hai bên là loa ngoài (phải) và micro (trái).
Cạnh phải là phím tăng giảm âm lượng và phím nguồn được hoàn thiện tỉ mỉ với đường cắt vát và làm nhám ở phím nguồn.
Cạnh trái chỉ có khay cắm thẻ sim. Máy có 2 tùy chọn 2 nano sim hoặc 1 sim và 1 thẻ nhớ.
Cảm biến vân tay một chạm rất nhạy, hỗ trợ quét 360 độ.
Tính năng
Không có nhiều thứ đặc biệt ở giao diện của Moto, bởi từ trước tới nay các sản phẩm của Moto đều sử dụng giao diện thuần Google. Moto M cũng vậy, máy sử dụng Android 6.0 Marshmallow. Các ứng dụng cài sẵn khá đơn giản, chủ yếu chỉ là các sản phẩm của Google. Moto M đặc biệt hơn khi có thêm bộ phần mềm từ Microsoft gồm: Word, Exel, PowerPoint, OneNote, OutLook, Skype và OneDrive phục vụ nhu cầu làm việc và học tập mọi lúc mọi nơi.
Bộ công cụ từ Microsoft được cài đặt sẵn
Màn hình của chiếc Moto M cho hình ảnh trong trẻo, độ sắc nét cao, màu sắc được tái tạo khá chuẩn, sinh động. Tuy nhiên, nếu màu sắc vẫn chưa đủ sặc sỡ nịnh mắt bạn thì thiết bị cũng cho phép tùy chỉnh màu sắc ở dạng Tiêu chuẩn hoặc Sống động (màu sắc sẽ rực hơn). Dải phím điều hướng khá lớn nên phần diện tích màn hình cũng bị thu hẹp đáng kể. Nhưng khi sử dụng các ứng dụng, chế độ toàn màn hình sẽ tự động kích hoạt, khi đó thanh Status Bar và 3 phím điều hướng đều bị ẩn đi, chỉ khi vuốt từ dưới lên chúng mới hiện trở lại.
Màu sắc hiển thị rất trung thực (Xem video ở định dạng 4K trên máy).
Camera
Moto M được trang bị camera 8MP phía trước và 16MP ở camera sau với đèn flash LED 2 tông màu cho khả năng chụp thiếu sáng khá tốt. Giao diện camera của Moto M khá đơn giản, có hỗ trợ nhiều filter nằm trong một Menu nhỏ, giao diện quay phim không có thêm tùy chỉnh đặc biệt nào.
Giao diện chụp ảnh và quay phim.
Trải nghiệm thực tế cho thấy các filter mặc định này cho chất lượng rất tốt, bức hình sau khi chụp không cần phải thêm công đoạn hậu kì phức tạp qua các phần mềm thứ ba. Màu sắc của những bức ảnh cho ra từ thiết bị khá trung thực, khi áp dụng filter sẽ có phần rực và có chiều sâu hơn.
Giao diện chụp ảnh với nhiều filter có sẵn.
Phần Cài đặt camera có hỗ trợ thêm thước đo cân bằng ba trục, và đặc biệt hơn có cả khung Xoắn ốc đẳng giác cho những người chụp ảnh chuyên nghiệp, thay vì chỉ có Lưới kẻ như những smartphone thông thường. Ở chế độ Chuyên nghiệp, máy cho phép chỉnh cả EV, ISO (từ 100-1600), phơi sáng tối đa ⅔ giây, cân bằng trắng và chỉnh lấy nét cho chụp macro và chụp phơi sáng (lấy nét ở vô cực). Thử nghiệm chế độ macro cho chất lượng rất tốt, không thua kém gì những bưc ảnh chụp từ máy ảnh kĩ thuật số chuyên nghiệp. Ở điều kiện thiếu sáng, hình ảnh có nhiều chi tiết noise và khá bệt. Tuy vậy, ta cũng không thể đòi hỏi nhiều ở một sản phẩm tầm trung.
Ảnh chụp dùng filter
Ảnh chụp dùng chế độ Macro.
Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng, khá nhiều noise.
Ảnh chụp trong nhà, màu sắc khá nhạt.
Nhận xét chung về camera trên sản phẩm cho chất lượng khá tốt, những bức ảnh trong điều kiện đủ sáng rất tuyệt vời. Với điều kiện thiếu sáng, bạn nên sử dụng chế độ chụp Cảnh đêm nghệ thuật, hoặc phơi sáng trong chế độ Chuyên nghiệp để có những bức hình đẹp nhất.
Hiệu năng
Tuy ở phân khúc tầm trung, nhưng Moto M vẫn sở hữu một cấu hình khá cao. Máy được trang bị con chip Helio P15 với 8 nhân cùng đồ họa Mali T-860, 4GB RAM và 32GB bộ nhớ trong. Do đó, hầu hết những tác vụ cơ bản đều được xử lý rất nhanh và không có độ trễ. Thử nghiệm chơi các game nặng như Asphalt 8, Liên quân,... các game online đều cho chất lượng rất tốt, ngay cả ở chế độ cài đặt cấu hình cao nhất.
Với nền Android 6.0 cùng 4GB nên việc chiếc máy xử lý đa nhiệm rất tốt là điều tất yếu. Khi mở khoảng hơn 30 ứng dụng khác nhau (tất cả ứng dụng có sẵn và một số ứng dụng cài thêm, bào gồm cả game) vẫn chưa thấy đạt giới hạn số lượng, không có một ứng dụng nào phải load lại cả.
Thực hiện chấm điểm bằng phần mềm AnTuTu Benchmark cho điểm số của sản phẩm khá cao với gần 50000 điểm, điểm 3D đạt hơn 8000 (một con số cao so với hầu hết smartphone cùng tầm giá).
Qua một vài thông số cũng như trải nghiệm đều cho thấy đây là một chiếc điện thoại đáp ứng rất tốt các như cầu hàng ngày của một người dùng bận rộn, vừa làm việc và giải trí tốt.
Pin
Với mức dung lương pin 3050mAh tuy không quá lớn so với nhiều smartphone hiện nay, nhưng đây là mức pin phổ biến, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng hàng ngày từ sáng tới tối. Ngoài ra, máy còn có hỗ trợ công nghệ sạc nhanh nên việc hết pin không còn là mối lo ngại. Khi sử dụng với các ứng dụng công việc, xem phim, chơi game, kết hợp sử dụng mạng xã hội, chiếc máy vẫn đáp ứng tốt cho đến tối (tất nhiên tác giả không thể sử dụng liên tục cả ngày dài).
Âm thanh
Điểm nổi bật trên chiếc Moto M nằm ở chất lượng âm thanh xuất sắc khi sở hữu công nghệ Dolby Atmos cho sắc âm tương tự như trong rạp chiếu phim. Trải nghiệm xem phim trên Moto M mang lại cảm giác như đang ở rạp chiếu phim với âm thanh 3D vậy. Trong máy có sẵn ứng dụng Dolby Atmos để tùy chỉnh phù hợp với các chế độ Xem phim, Nghe nhạc,.. khác nhau. Khi mở Trình Tạo lập Âm thanh nổi trong app, tiếng nhạc hay âm thanh trong phim sẽ được tái tạo lại dạng 3D âm thanh vòm, mang đến cảm giác như đang ngồi tận hưởng trong căn phòng chiếu chuyên nghiệp vậy. Âm lượng chung và âm bass đều được tăng cường, do đó, tác giả có thể cảm nhận rõ chất lượng ngay cả khi xung quanh có tiếng ồn, khi nghe buổi tối, chỉ cần để âm lượng ở mức thấp nhất.
Trình tạo âm thanh Dolby Atmos.
Ngoài ra, Moto M còn có một số điểm nổi bật khác như khả năng chống thấm nước, cảm biến vân tay một chạm và hỗ trợ quét 360 độ, dù xoay tay ở hướng nào, máy vẫn nhận dạng và mở khóa rất nhanh.
Tổng kết, ở phân khúc tầm trung, chiếc Moto M có mức độ hoàn thiện rất tốt, và mang dáng dấp của những sản phẩm cao cấp hơn. Đồng thời, cấu hình máy cũng cho khả năng sử dụng ngay cả ở mức độ cao, các game thủ cũng có thể coi đây là một lựa chọn tốt. Camera tuy không quá xuất sắc nhưng cũng ở mức khá tốt trong phân khúc tầm trung. Nếu bạn yêu thích một chiếc điện thoại đẹp, pin “trâu”, camera không cần chuyên nghiệp, hiệu năng tốt thì đây đúng là một lựa chọn không tồi!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời