Để lên Trái đất thứ 2 chúng ta cần chuẩn bị bao nhiêu tiền và đi mất bao lâu?

    PV,  

    Những con số hiện ra khi tính toán sẽ khiến bạn giật mình và... vỡ mộng.

    Mới đây, Tổ chức nghiên cứu Vũ trụ châu Âu tại bán cầu Nam ESO đã chính thức công bố về sự tồn tại của Proxima b - hành tinh được mệnh danh là một "Trái đất thứ 2" đúng nghĩa. Theo ESO, hành tinh này có khối lượng chỉ hơn Trái đất khoảng 1,3 lần, nằm cách ngôi sao chủ của nó là Proxima Centauri (Cận tinh) một khoảng vừa đủ để duy trì nước dạng lỏng trên bề mặt - điều kiện tiên quyết để sự sống tồn tại.

    Đặc biệt hơn nữa, Proxima b là hành tinh có thể nuôi dưỡng sự sống gần với Trái đất nhất hiện nay, vì Cận tinh chính là ngôi sao gần nhất, chỉ cách chúng ta 4,5 năm ánh sáng. Thậm chí, đây có thể là hành tinh đủ khả năng duy trì sự sống có khoảng cách gần đến vậy.

    Tuy nhiên, con số 4,5 năm ánh sáng nghe có vẻ tương đối mơ hồ. Rốt cục, quá trình "khăn gói quả mướp" đến Trái đất thứ 2 sẽ mất bao lâu? Và tốn bao nhiêu tiền nữa?

    Hành trình đến Trái đất thứ 2 gian nan hơn bạn tưởng...

    Ít nhất là về mặt thời gian, vì 4,5 năm ánh sáng là khoảng cách không hề đơn giản để chinh phục.

    Một năm ánh sáng là quãng đường mà ánh sáng có thể chạm đến trong vòng một năm. Và vận tốc của ánh sáng thì chắc chắn là nhanh rồi: 300.000km/s. Tức là trong một năm, ánh sáng đi được khoảng 9,5 nghìn tỉ km, và sau 4,5 năm sẽ là... 42,57 nghìn tỉ km, một con số quá khủng khiếp, gấp khoảng 100 triệu lần khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trăng.

    Đó mới chỉ là khoảng cách từ Trái đất tới Cận tinh thôi. Khoảng cách từ Proxima b đến Cận tinh rơi vào khoảng 7 triệu km nữa. Nghĩa là chúng ta có thể phải di chuyển thêm, hoặc cũng có thể rút ngắn đi 7 triệu km. Tuy nhiên với khoảng cách diệu vợi 4,5 năm ánh sáng kia, 7 triệu km này cũng chỉ giống như muối bỏ bể.

    Để cho bạn dễ hình dung hơn thì con tàu vũ trụ có tốc độ nhanh nhất là New Horizon, với vận tốc rơi vào khoảng 58.000km/h. Nghĩa là ngay cả với con tàu vũ trụ nhanh nhất, chúng ta cũng cần đến... 734 triệu giờ, tương đương 83 nghìn năm mới có thể tiếp cận được Cận tinh.

     Kể cả với New Horizon, quá trình tiếp cận Proxima Centauri cũng lên tới 83.000 năm

    Kể cả với New Horizon, quá trình tiếp cận Proxima Centauri cũng lên tới 83.000 năm

    Nhưng giả sử như chúng ta có thể chế tạo được tàu vũ trụ có vận tốc bằng khoảng 20% vận tốc ánh sáng đi, tức là quá trình di chuyển đến cận tinh chỉ mất 22,5 năm. Vậy câu hỏi đặt ra là: Sẽ tốn khoảng bao nhiêu tiền cho quá trình này?

    Sẽ cần đến một số tiền khổng lồ

    Điều này thì rõ ràng. Đến một chuyến đi lên Mặt trăng cũng khiến NASA phải tốn đến hàng tỉ USD cơ mà.

    Thực ra, số tiền tiêu thụ cho tàu vũ trụ và nguyên liệu sẽ không khác là bao so với các chuyến đi khác, vì lúc tốn nguyên liệu nhất là giai đoạn đưa tàu vũ trụ vào không gian. Theo các thông tin từ NASA, chi phí dành cho tàu vũ trụ kèm nguyên liệu rơi vào khoảng 2,5 tỉ USD.

    Trên tàu vũ trụ cần có lượng dưỡng khí và thực phẩm đủ cho chuyến đi kéo dài 20 năm. Tất nhiên với những chuyến đi dài ngày, tàu buộc phải trang bị khu vực cho phép phi hành đoàn tự cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển và duy trì không bao giờ là miễn phí. Theo NASA ước tính, con số sẽ rơi vào khoảng 5,9 tỉ USD/người dành cho thực phẩm, và 1,3 tỉ USD/người đối với dưỡng khí.

     Những lồng tự cung cấp thực phẩm này là bắt buộc đối với các chuyến du hành dài hơi như vậy

    Những lồng tự cung cấp thực phẩm này là bắt buộc đối với các chuyến du hành dài hơi như vậy

    Tiếp đến là nước uống, và vấn đề này có phần cấp bách hơn. Mỗi người trưởng thành cần khoảng 10,6 tấn nước mỗi năm trên vũ trụ. Ngoài ra, khu vực tự nuôi trồng thực phẩm cũng cần khoảng 3,6 tấn nước. Tất nhiên, phi hành đoàn phải có hệ thống tự lọc lại nước tiểu để tái sử dụng. Rốt cục, chi phí vận chuyển và duy trì nước uống sẽ rơi vào khoảng 43 tỉ USD/người.

    Chưa hết! Chúng ta chưa biết chính xác nước trên Proxima b có uống được không, khí quyển như thế nào, có thực phẩm không... Rốt cục, con người cần có cabin bảo vệ, với chi phí rơi vào khoảng 267 triệu USD/người.

    Tuy nhiên có một điều an ủi, đó là khi đặt chân lên "Trái đất thứ 2", chúng ta có thể tận dụng nguồn thực phẩm tự cung tự cấp sẵn có trong tàu vũ trụ. Nhưng dù sao về lâu dài, nhân loại vẫn phải mở rộng sản xuất, và để làm vậy thì cần đến máy móc. Chi phí vận chuyển máy móc theo tàu rơi vào khoảng 15,4 triệu USD.

     Mỗi cabin như thế này có giá khoảng 267 triệu USD

    Mỗi cabin như thế này có giá khoảng 267 triệu USD

    Đặc biệt, những người gửi lên Proxima b cần phải duy trì thông tin liên lạc với Trái đất. Và chi phí dành cho chuyện này thì... chưa thể tính rõ được. Chỉ biết rằng chi phí truyền tin đến sao Hoả rơi vào khoảng 100 USD/Mb.

    Tóm lại, một chuyến di cư lên Trái đất thứ 2 của chúng ta sẽ tốn khoảng 54 tỉ USD/người - khoảng 1,1 triệu tỉ VNĐ. Tuy vậy, nếu tính đến chi phí liên lạc thì tổng tiền chắc sẽ gấp khoảng...3 lần con số trên, hoặc thậm chí nhiều hơn thế.

    *Các chi phí được tính toán dựa trên ước tính của NASA.

    Theo Kênh 14/Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ