BlackBerry đón sinh nhật 16 tuổi: còn lại gì sau những cơn giông?

    Yến Thanh,  

    Để chúc mừng sinh nhật tròn 16 tuổi cho BlackBerry, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những thăng trầm mà ông lớn này đã trải qua từ thuở sơ khai.

    Có thể nói, dù so về tuổi tác hay danh tiếng, BlackBerry là 1 trong những thương hiệu lâu đời trong làng di động thế giới, và mới đây, Dâu đen đã chính thức đón sinh nhật 16 tuổi của mình với không ít những thành công và mất mát.

    Tính cho tới thời điểm hiện tại, BlackBerry không còn là "ông hoàng" năm xưa, thậm chí, đã có lúc tưởng chừng như sụp đổ, thế nhưng, với sự lãnh đạo của CEO John Chen, Dâu đen đã bước ra từ "cửa tử".

    Bằng những hành động quyết liệt như: đẩy mạnh mảng bảo mật hay phát triển hệ thống cho tổ chức/doanh nghiệp, tiếp tục duy trì thiết kế độc đáo trên BlackBerry Passport hay Classic, hãng đã phần nào lấy lại được lòng tin từ phía người dùng.

    Vậy qua 16 năm, đâu là điểm nhấn của thương hiệu Dâu đen đình đám, đâu là những điều còn sót lại sau những cơn sóng xô bờ...

    BlackBerry tròn 16 tuổi: 1 tượng đài và 6 cột mốc đáng nhớ

    - Nếu là 1 tín đồ yêu cộng nghệ nói chung, hay 1 fan cứng của BlackBerry nói riêng, chắc hẳn bạn sẽ biết tiền thân của BlackBerry là công ty Research In Motion (RIM) tại Waterloo, Canada, được thành lập vào năm 1984 bởi Mike Lazaridis và Douglas Fregin. Tuy nhiên, hướng đi ban đầu của hãng không phải là các thiết bị di động mà là việc phát triển công nghệ dữ liệu không dây dựa theo chuẩn Mobitex. Trong đó, RIM phát triển modem và máy nhắn tin, mở đường cho thiết bị di động trong tương lai.

    Vào ngày 19/1/1999, chiếc điện thoại BlackBerry đầu tiên chạy... pin tiểu ra mắt. Ở tuổi 16, BlackBerry đã xa rời thời đại hoàng kim với trị giá 80 tỷ USD nhưng đã thoát khỏi tình cảnh sống dở chết dở để trở lại mạnh mẽ với chiếc Passport.

    - BlackBerry chính thức gia nhập thị trường viễn thông quốc tế vào năm 1996 khi RIM giới thiệu Inter@ctive Pager, còn được biết đến với tên gọi RIM 900, thiết bị di động đầu tiên với bàn phím của RIM. Nó cũng có thể gửi và nhận email tuy nhiên phải tới năm 1998, RIM 950 Wireless Handheld mới là chiếc điện thoại BlackBerry đầu tiên. Từ đây, dịch vụ email BlackBerry tiếp tục ra mắt trong năm kế tiếp. Sau đó, công ty lên sàn Nasdaq và thu được hơn 150 triệu bảng Anh.

    - Năm 2005 - 2006: RIM cán mốc 4 triệu người dùng. Cặp đôi CEO của công ty, Balsillie và Lazaridis được vinh danh là nhân vật quyền lực nhất thế giới trong năm do tạp chí Time bình chọn. Cho tới 1 năm sau, RIM giới thiệu BlackBerry 8100, chiếc điện thoại đầu tiên của hãng được trang bị camera (1.3 megapixel) và bi lăn đặc trưng của dòng smartphone BlackBerry. Sau đó một năm, BlackBerry 8800 được ra mắt, là chiếc smartphone đầu tiên được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS.

    - Android yên lặng gia nhập thị trường vào cuối năm 2008. Đây là năm thiết bị màn hình cảm ứng đầu tiên của RIM, BlackBerry Storm, ra đời. Sản phẩm chống lại iPhone, HTC Dream và Palm Pre song không giành được thiện cảm vì vẫn còn nhiều lỗi, hiệu suất ì ạch và trải nghiệm cảm ứng tồi tệ. Dù vậy, đây là năm chứng kiến sự thành công rực rỡ của BlackBerry Bold, RIM được định giá cao nhất trong lịch sử: 49 tỉ bảng Anh.

    - Năm 2012: 2 CEO lâu năm của công ty Lararidis và Balsillie tuyên bố từ chức và được thay thế bởi Thorsten Heins (CEO hiện tại của BlackBerry). Chỉ ít tháng sau khi Heins nhậm chức, RIM đã tiếp tục cắt giảm thêm 5.000 nhân công và cho biết nền tảng di động BlackBerry 10, nền tảng được kỳ vọng sẽ giúp RIM vượt qua khủng hoảng, sẽ bị trì hoãn.

    - Điều gì rồi cũng phải đến, BlackBerry đã phải nhường chỗ cho những đại gia như Apple, Samsung, LG hay thậm chí là cả Xiaomi. Tưởng chừng như có lúc BlackBerry sẽ phải bán đi tất cả bởi nợ nần, thế nhưng, CEO John Chen - người được bình chọn là CEO xuất sắc nhất năm 2014 đã vực dậy Dâu đen với những con số đáng ghi nhận. Đồng thời, đây cũng là năm chứng kiến sự ra đời của bộ đôi smartphone thế hệ mới BlackBerry Passport và Classic.

    BlackBerry: tưởng như đã có lúc gục ngã

    Tiếp tục với thời điểm năm 2014, có khá nhiều nguyên nhân khiến Blackberry rơi vào tình trạng khốn đốn như vậy. Tuy nhiên, 2 lý do lớn nhất có thể quy kết lại chính bởi ban lãnh đạo vốn rất bảo thủ của Dâu và sự phát triển không ngừng của các hãng sản xuất khác. Tại sao vậy?

    Thứ nhất, thay vì lắng nghe người dùng - điều mà hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều thực hiện, thì ban lãnh đạo Blackberry lại thực hiện chính sách "một mình một ngựa" và quá ảo tưởng vào sức mạnh vốn đã bị suy yếu của thương hiệu này.

    Trong khi các nhà sản xuất như Apple hay Google tập trung vào việc phát triển ứng dụng và cải thiện trải nghiệm web cho người dùng thì Dâu đen chỉ chăm chăm vào việc tinh giản bàn phím, bảo mật và hiệu năng truy cập - vốn chỉ phù hợp với các khách hàng là doanh nghiệp lớn.

    BlackBerry Classic mạ vàng đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam

    Thứ hai, dù đã nỗ lực để tạo ra các sản phẩm bắt kịp xu hướng sau quãng thời gian sống trong "u mê" kể từ thời chiếc Storm 9500, nhưng các sản phẩm của Blackberry vẫn không thể đạt tới sự tối giản như mong đợi.

    Trong khi người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại đủ tốt để lướt web, duyệt mail, lên Facebook, chụp ảnh và chia sẻ nội dung với bạn bè thì xem ra hệ điều hành Blackberry OS đã quá già cỗi lại không thực sự làm tốt được điều này. Đến khi hãng bắt đầu hối hận, thì iOS cùng Android đã trở nên phổ biến và khó lòng đánh bại.

    Thế nhưng, may thay, CEO John Chen đã trở thành "vị chúa cứu rỗi" cho Dâu đen, giúp hãng phần nào thoát khỏi tình trạng sụt giảm nói trên. Đồng thời, vị CEO này cũng đưa ra khá nhiều quyết định táo bạo như chuyển đơn hàng sản xuất qua cho Foxconn, thanh lý các khối bất động sản, cắt giảm số lượng model máy.

    Bên cạnh đó, Chen được cho là còn giúp tập đoàn làm ăn "có lãi" những quý gần đây, và thậm chí còn kỳ vọng BlackBerry sẽ chính thức đi lên từ năm 2016.

    Giữ trọn giá trị cốt lõi của smartphone

    Không bởi những thua lỗ trong thời gian dài mà BlackBerry lại tỏ ra nản lòng với dòng smartphone sở hữu bàn phím QWERTY vật lý. Minh chứng là hãng đã liên tục cho ra những chiếc Passport hay Classic trong năm vừa qua - từng nhận rất nhiều chỉ trích từ giới chuyên gia và cả người dùng. Phần lớn những "đám đông" đều cho rằng việc chi đậm vào những thiết bị sở hữu phím cứng là sai lầm, là tự sát "lần 2".

    Thế nhưng, ít ai hiểu được, cách mà CEO John Chen dẫn dắt Dâu đen lại không đơn giản như "phần nổi" mà người dùng nhìn thấy. Theo đó, kể từ đây, BlackBerry hầu như sẽ chỉ cho ra những dòng sản phẩm thuộc loại cao cấp, trang bị phím QWERTY truyền thống - đánh vào những đối tượng là fan cuồng của hãng bấy lâu. Bởi với những đối tượng này, giá thành không hẳn là vấn đề lớn mà điểm mấu chốt ở đây là đam mê và "niềm kiêu hãnh".

    Thêm nữa, việc bán ra những sản phẩm thực sự cao cấp còn giúp BlackBerry tiếp cận với đối tượng người dùng "có tiền", có thể sử dụng giải pháp hệ thống cũng như bảo mật thông tin do chính Dâu đen cung cấp. Đây được coi là bước đi khôn ngoan của ngài John Chen bởi "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã".

    Còn đối với người dùng phổ thông, việc BlackBerry không kì vọng nhiều vào đối tượng này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ, so với các đối thủ của mình, những chiếc Passport hay Classic hoàn toàn không đủ khả năng để cạnh tranh trong lĩnh vực giải trí, nghe nhạc, chơi game trong bối cảnh màn hình cảm ứng lớn, camera khủng đang là xu thế hiện nay.

    Đặc biệt, chỉ có bán điện thoại BlackBerry cho những ai thực sự yêu thích nó mới giúp Dâu đen gìn giữ và quảng bá giá trị của mình. Và cũng vì thế, nét đặc trưng, điểm cốt lõi mà CEO John Chen cố "bảo tồn" bấy lâu mới có thể sống mãi. Còn nếu tiếp tục chạy đua với Android hay iOS, việc sử dụng hoặc tiếp cận công nghệ đi sau nhiều năm sẽ khiến hãng lún sâu vào vũng bùn mà các tiền nhân đi trước đã gặp phải.

    Sinh lời từ phần mềm và dịch vụ

    Xét cho cùng, smartphone vẫn không phải là cái đích mà Dâu đen hướng tới. Như đã đề cập ở trên, điểm mạnh và cũng là vị cứu tinh cho BlackBerry chính là hệ thống bảo mật và nền tảng Internet of Things mà hãng đang sở hữu.

    Minh chứng là BlackBerry đã và đang tỏ ra cực kỳ "thức thời" khi chính thức đặt 1 chân vào xu hướng Internet of Things bằng việc giới thiệu một nền tảng mới dành cho IoT trong doanh nghiệp. Theo đó, Dâu đen đã chào mời các công ty, tập đoàn, văn phòng sử dụng hệ thống BlackBerry IoT Platform là sự kết hợp từ hệ thống phần mềm QNX - phần cốt lõi của hệ điều hành BlackBerry 10, hệ thống bảo mật của BlackBerry cũng như các phần mềm quản lý vòng đời thiết bị từ chính hãng này.

    Theo đó, nền tảng IoT của Dâu đen cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp những tính năng đáng giá như việc tự tổng hợp/thu thập dữ liệu từ các thiết bị theo thời gian thực, phân tích và mô hình hóa dữ liệu, phân quyền truy cập, gửi/nhận thông tin.

    Bên cạnh đó, BlackBerry IoT Platform còn có một module chuyên dùng cho việc phát hành bản cập nhật, bật tắt thiết bị từ xa và thu thập lịch sử làm việc. Toàn bộ những ứng dụng được xây dựng dựa trên BlackBerry IoT Platform có thể sử dụng công nghệ điện toán đâm mây để hoạt động. Với nền tảng IoT, "khách hàng có cơ hội xây dựng những ứng dụng IoT trong một mơi trường an toàn, hiệu quả và dễ mở rộng".

    Đặc biệt, nền tảng thông minh của Dâu đen cũng mang tính ứng dụng cao, có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như quản trị tài sản và vận tải. Thậm chí, nhiều chuyên gia công nghệ còn đánh giá, nếu có thể phát huy thế mạnh của mình, BlackBerry có thể còn lấn sân sang cả lĩnh vực năng lượng hay y tế.

    Cú hích 7,5 tỷ USD từ Samsung: vui buồn lẫn lộn

    Ở tuổi cận kề 16, BlackBerry đã bị nghi "bán mình" với cái giá 7,5 tỷ USD cho 1 đại gia Hàn Quốc là Samsung, thế nhưng, sự thật cuối cùng ai rồi cũng rõ, tất cả chỉ là những tin đồn không xác thực. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra câu hỏi: tại sao lại có tin đồn trên, ai sẽ là người được lợi, con số 7,5 tỷ USD lấy ở đâu ra?

    Phải chăng, đây là 1 pha đánh tiếng từ 1 đại gia nào đó như Samsung hoặc bất kì ông lớn nào khác hay đơn giản là 1 chiêu kích cầu từ chính CEO John Chen. Bởi xét cho cùng, không chỉ nối tiếng với những chiếc smartphone phím vật lý, BlackBerry còn làm chủ khá nhiều các bằng sáng chế, hệ thống thông tin hay bảo mật trong doanh nghiệp.

    Do đó, việc định giá Dâu đen 7,5 tỷ USD là 1 tin vui cho chính hãng này, nhưng nếu so với các đại gia như Apple hay Samsung thì số tiền trên lại quá nhỏ bé. Mặc dù vậy, con đường tìm lại ánh hào quang khi xưa của BlackBerry vẫn còn đầy rẫy những chông gai. Dẫu sao, xin được chúc mừng Dâu đen và thầm mong một ngày nào đó hãng sẽ trở lại là chính mình.

    >>BlackBerry Classic mạ vàng đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày