[Cà phê GenK] Sách giấy liệu có cạnh tranh được với e-book? (P.2)

    Leopard, Leopard 

    Ngày mai của hôm qua và ngày mai cho hôm nay.

    Ở phần trước, tôi có nhắc đến sự thay đổi mà CNTT nói chung và điện toán mây nói riêng đã gây ra cho cả thế giới. Nhưng điều ấy ảnh hưởng gì tới sự tồn tại của sách giấy nói riêng và công nghệ in ấn nói chung? Phần này sẽ trả lời câu hỏi trên.

    Offline một thứ online

    10 năm trước, chúng ta quen với các nội dung offline hơn. 10 năm sau, rất nhiều thứ chúng ta xem chúng ở dạng online. Khi còn "mê" chơi phần cứng PC, tôi và đám bạn vẫn thường đảo xe vòng vòng ở khu Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng của Sài Gòn, đến các cửa hàng và... lấy một bảng báo giá. Còn hôm nay, vào trang web của cửa hàng đó và tìm mục báo giá, tôi có thể biết sản phẩm ấy như thế nào và tốn bao nhiêu tiền.

    10 năm trước, một phóng viên đi thực tế và chụp ảnh, nếu dùng máy chụp phim thì anh ta có thể phải lui cui trong buồng tối để làm ra những bức ảnh, còn dùng máy số thì thời gian được rút ngắn hơn, song để đưa tấm hình ấy tới công chúng vẫn phải mất vài ngày hoặc vài tuần, tuỳ theo quyết định của toà soạn. Còn hôm nay, sự kiện xảy ra ban sáng, chiều bạn đã biết mọi thứ và thậm chí còn chạy ra tận nơi để xem "còn không".

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2

    Hôm nay, sau khi đi ăn chơi cùng chúng bạn, nếu có ai đó chụp hình lại, có lẽ câu cuối cùng bạn hoặc ai đó sẽ nói khi chia tay là "nhớ up lên face nghen mày"! Vì sao bạn nói thế? Đơn giản là bạn có thể lên face để xem rồi tải ngược về máy của mình nếu muốn, thậm chí in ra để gửi về quê cho người thân xem. Việc bạn đang làm là "offline hoá" một nội dung online. Điều tương tự khi bạn vào nhaccuatui hay Zing MP3 để nghe nhạc hoặc tải về máy của mình.

    Nếu bạn có thể online hoá một tài liệu, tất bạn cũng có thể offline hoá nó. Kể lại mấy năm về trước, tôi thường ra hàng net để... lưu các bài viết rồi copy vào đĩa mềm hoặc ổ flash USB để mang về nhà đọc dần! Khi tôi học ĐH, nhiều giảng viên sử dụng máy chiếu để giảng bài và đám sinh viên bọn tôi hay hỏi xin file. Up chúng lên mail chung của lớp hoặc một dịch vụ lưu trữ đám mây nào đó là cách mọi người chia sẻ tài liệu. Cố nhiên, mọi người có quyền in ra để đọc nếu không có máy hoặc không thích ngồi trước màn hình. Nhưng cốt yếu của sự tiện nghi này chính là online hoá nội dung. Những người bạn ở Hà Nội của tôi vẫn có thể vào mail lớp để ôn lại "kỷ niệm xưa" mà không cần lặn lội vào Sài Gòn gặp tôi để "xin xỏ".

    Sự xuống dần của báo giấy

    Nền công nghiệp báo giấy truyền thống đang gặp các vấn đề tương tự như nội dung offline thuần tuý.

    Tính cập nhật của nó không bằng báo mạng. Ngay cả với nhật báo cũng không thể đuổi kịp tốc độ ra mắt tin mới của báo mạng. Dĩ nhiên vẫn có những người cho rằng việc tin lên dồn dập của báo mạng khiến họ cảm thấy "ngộp" chứ không "đều đều" mỗi ngày vài trang như báo giấy. Song theo tôi quan điểm này rất khiên cưỡng vì không ai quy định bạn phải vào kiểm tra tin tức liên tục cả ngày cả.

    Mỗi ngày tôi chỉ bỏ ra 2 - 3 lần vào VnExpress để đọc tin và không hề thấy "dồn dập". Đơn giản với tôi đấy chỉ là nhịp sống của mỗi người và hoàn toàn điều chỉnh được. Nếu bạn đọc tin theo feed thì các feed reader đều cho biết tin đấy thuộc về ngày nào và được đưa lên giờ nào. Bạn có thể nhận feed từ rất nhiều báo rồi chương trình đọc sẽ phân chia theo thời gian hay tựa báo giùm bạn. Tự bạn chủ động vấn đề đọc lúc nào và ở đâu mà không cần sợ "ngộp" vì báo mạng.

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2
    Đọc ngay tại chỗ hay "gom" để đọc cả ngày là do bạn, không do bản chất của thiết bị.

    Nhược điểm thứ hai của báo giấy là tính chia sẻ. Ba tôi vẫn thường mua đọc Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Nhưng khi ông đang đọc tờ này thì tờ đấy không ai đọc được. Giả dụ nếu có ai đó mượn tờ báo đi mất thì tôi cũng không đọc tiếp được. Nhưng báo mạng, bạn chỉ cần gửi link lên face. Chia sẻ nội dung online rất đơn giản.

    Vẫn có một nét chung giữa báo giấy và mạng: khách hàng. Với báo giấy, sự thành công thể hiện qua doanh số bán ra. Với báo mạng, sự thành công thể hiện qua lượng truy cập. Song chi phí sản xuất của cả hai lại hoàn toàn khác nhau. Cùng một nội dung, nếu muốn đưa đến 1.000 người đọc cùng lúc, báo giấy cần có 1.000 bản in, nhưng báo mạng chỉ cần một cú click xuất bản. Nếu tin của ngày đó hay, cả báo giấy và mạng đều thành công. Nhưng nếu tin không hay, báo giấy thiệt thòi hơn cả vì không có người mua vẫn phải tốn chi phí in ấn và phát hành. Báo là dạng sản phẩm không thể "trữ trong kho chờ lên giá".

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2
    Tin tức là để đọc trong vài ngày, không để "dành" tới tháng sau.

    Và còn một nhược điểm nữa nhưng tôi "để giành" cho sách giấy vì tác động của nó lớn hơn so với báo giấy. Còn nhìn chung lại, chi phí sản xuất cao trong khi doanh số ngày càng giảm vì báo giấy không tiện chia sẻ như báo mạng đã khiến cho ngành công nghiệp báo giấy dần thoái trào. Đặc biệt khi nền kinh tế suy thoái nhưng chi phí sản xuất không hề giảm mà đôi khi còn tăng lên do giá thành giấy in, mực in tăng, xăng tăng, điện tăng lại như một nhát dao khoét sâu thêm vết thương lòng của báo giấy.

    Nỗi lo dài cho công nghiệp in ấn

    Bạn có thể cho rằng giữa báo và sách vẫn có khác biệt. Trong khi báo cần tiêu thụ liên tục thì sách để 10 năm tái bản đem bán vẫn được. Và in càng nhiều thì chi phí trên từng quyển càng giảm. Rõ ràng sách giấy có những lợi thế hơn hẳn báo giấy mà các toà soạn rất "khao khát". Hơn nữa vẫn có những người thích đọc sách giấy với thao tác lần giở từng trang và cảm nhận mùi tươi mới của từng giọt mực in hay giấy sách. Đặc điểm này còn gợi cho bạn cảm giác "tự do" khỏi giới công nghệ và "đời thực" hơn. Tôi hoàn toàn không phản đối gì vì thực ra tôi cũng thích thế.

    Nhưng sách giấy vẫn có nhược điểm "chết người" khác.

    Thứ nhất, khả năng trình hiện nội dung kém. Ngoài chữ và ảnh tĩnh, sách giấy không thể hiện được các nội dung động như video hay ảnh động. Giả dụ bạn đọc một quyển vật lý thiên văn, với trang đấy đang mô tả chuyển động quay của các hành tinh, sách giấy sẽ khó lòng giúp bạn mường tượng ra mọi thứ thế nào, nhưng e-book lại đơn giản hoá vấn đề đó nếu bản thân thiết bị hỗ trợ nội dung động. Đồ thị hàm số và bước sóng quá khô khan? Sao không thử xem các ảnh GIF mô tả để hiểu hơn bài toán? Và điều tuyệt hơn là các file flash hoặc powerpoint, sách giấy không có cách nào thể hiện được các hiệu ứng.

    Có người từng nói rằng "một hình ảnh giá trị bằng cả ngàn lời", thì một ảnh động có vài chục khung hình có lẽ đáng giá vài chục ngàn lời. Nếu bạn cho rằng sách vở là để truyền lại tri thức cho nhân loại, vậy truyền tải được càng nhiều thì càng tốt phải không?

    Thể hiện hiện trạng biến đổi khí hậu của Trái Đất có thể trực quan bằng một hình ảnh tĩnh không?

    Thứ hai, lợi nhuận biên luôn thấp hơn e-book nếu cùng giá thành. Nói gì thì nói, kinh doanh vẫn đặt lợi nhuận lên trên. Một mô hình kinh doanh sách giấy có thể tóm gọn như sau: người viết / dịch nhà in nhà phát hành. Còn với e-book, chỉ còn người viết / dịch nhà phát hành. Nên về nguyên tắc, e-book sẽ tăng phần lãi lên cho cả chính người tạo ra sản phẩm lẫn người phân phối. Bản thân tác giả e-book cũng không cần quan tâm phải in bao nhiêu cuốn, sách dày bao nhiêu trang, bao lâu thì tiêu thụ hết ngần ấy đống sách đã in, cũng phần nào đỡ lo nếu giả dụ cuốn sách không được cho phép phát hành thì "thiệt thòi" phần chi phí ban đầu.

    Ấy là chưa kể tác giả có quyền thoải mái sáng tạo nội dung vì giờ đây không phải lo về độ dày của tác phẩm. Người viết có thể canh ke, trang trí, tô điểm như thế nào đó cho đứa con tinh thần của mình mà không ngại bị cắt xén bớt khi xuất bản (vì quá dài). Những ai từng viết cho báo giấy hẳn sẽ hiểu cảm giác "ức chết" khi thấy bài của mình bị cắt giảm đi nội dung chỉ vì... canh cho vừa ô của trang báo! Dĩ nhiên vấn đề lúc này chỉ là nội dung có "phù hợp với luật pháp" hay không. Và kể cả, nếu một tác phẩm được xuất bản sang nước khác, tác giả cũng không phải bận tâm chi phí vận chuyển hoặc nỗi lo bị trả lại vì chính phủ sở tại không cho phép lưu hành.

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2

    Thứ ba, chi phí bảo trì thấp. Tôi vẫn không quên được tủ sách cũ của gia đình. Có rất nhiều sách hay nhưng một lượng lớn trong số chúng đã bị ngả màu, bị ẩm mốc hoặc bị gặm nhấm. Một số trang bị mất hoàn toàn hoặc không đọc được nữa. Với người yêu sách, đó là một nỗi đau khó diễn tả thành lời. Điều tệ hơn là... mất sách! Tôi vẫn tiếc hùi hụi bộ truyện Doraemon của mình, sau khi cho bạn mượn đã... ra đi vĩnh viễn! Nếu đấy là quyển sách hiếm, bản thân chủ sở hữu sẽ có cảm giác như mất cả gia tài. Nên tình trạng này phát sinh ra sự... keo kiệt của vài người - sợ mất sách nên không dám cho mượn. Với tôi, hành động này khiến quyển sách mất hoàn toàn giá trị tri thức.

    Tất cả những điều đáng tiếc trên đều được khắc phục bởi e-book. Không lo mối gặm, không lo mất, không lo mang tiếng keo kiệt, không sợ sách ngả màu, hoàn toàn rất dễ chia sẻ. Dĩ nhiên nếu thích, cứ in ra đóng thành sách giấy cực kỳ tiện. Nếu đó là tác phẩm mua online, thì bản lưu vẫn còn trên server và bạn vẫn có hoá đơn xác nhận đã mua sách. Còn sách giấy ngoài đời mất là mất vĩnh viễn, tôi không đảm bảo tờ hoá hơn của bạn vẫn còn mà nếu còn thì sao chứ? Nhà sách đâu có chịu trách nhiệm trong việc bạn làm mất sách? Còn nếu là tác phẩm nội bộ? Vẫn có nhiều cách sao lưu như ghi ra DVD, lưu trên mail hoặc các dịch vụ lưu trữ mây khác. Chi phí cho những thứ này cực rẻ so với xây cả thư viện vài chục mét vuông và mua về vài cái tủ đắt tiền để giữ sách.

    Nếu bạn hỏi tới vấn đề bản quyền thì sao? Tôi trả lời rằng sách giấy vẫn in lậu ầm ầm. Chẳng đâu xa, có bao nhiêu bạn sinh viên thực sự mua giáo trình in ấn đàng hoàng, hay lại mượn của ai đó để photo? Hành vi photo của bạn có phát sinh lợi nhuận cho tác giả cuốn sách không? Ngay cả việc bạn mượn lại để đọc hoặc ghi lại thì bạn cũng không mua ủng hộ cho người viết.

    Vẫn còn nhiều thứ cho e-book

    E-book không phải tốt hơn sách giấy hoàn toàn, nó vẫn có nhược điểm song có thể khắc phục dần theo thời gian.

    Như ở phần trước tôi có bàn về báo mạng 10 năm trước. Một lý do khiến nó nhạt nhoà là khả năng tiếp cận kém với người dùng. Cần có Internet ở mọi nơi và cần nhất là có nội dung để đọc. Ngay cả e-book có tiện lợi nhưng số thiết bị tới được tay người dùng thấp và lượng đầu sách để đọc ít thì e-book vẫn còn kém. Đây là lý do tại sao e-book dù được nêu từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa trở thành sản phẩm chủ đạo.

    Trước hết e-book cần có nhiều thiết bị (reader) hỗ trợ hơn. Mà tốt nhất là có sự chuẩn hoá ở các reader: khả năng thể hiện cùng một tác phẩm giống nhau, định dạng file xài chung cho mọi thiết bị và có nhiều nhà sản xuất để tạo nguồn cung cho thị trường.

    Tiếp đến e-book cần thu hút được nhiều tác giả hơn, vì phải có nội dung người tiêu dùng mới đầu tư sắm thiết bị. Muốn như thế bản thân nhà sản xuất nên đóng vai trò chung với nhà phát hành. Hiện nay chúng ta có Amazon là điển hình cho điều này - cung cấp reader lẫn e-book cho thị trường.

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2
    Số lượng tác phẩm sẽ là yếu tố chính quyết định thành công cho e-book.

    Các reader vẫn có một điểm yếu: màn hình hiển thị và pin. Do dùng LCD hoặc OLED, các tablet và smartphone thậm chí cả PC đều tốn điện và gây cảm giác mỏi mắt vì tần số quét màn hình. Riêng Amazon áp dụng e-ink cho Kindle tỏ ra rất hiệu quả trong vấn đề thời lượng pin và cảm giác mắt. Ngay cả khi hết pin, e-ink vẫn lưu lại trang cuối mà người đọc xem. E-ink chỉ dở khi thể hiện nội dung nhiều màu hoặc ảnh động. Ở đây tôi cho rằng một thiết bị kết hợp cả hai loại màn hình sẽ giải quyết tốt hơn vấn đề.

    Chung cuộc là bản quyền. Mặc dù nói sách giấy cũng in lậu nhưng không có nghĩa bỏ qua bản quyền cho e-book. Đơn giản là việc này đảm bảo tiền nhuận cho người viết, vốn sẽ kích thích họ nghiêng về e-book hơn. Về góc độ kỹ thuật, thực hiện kiểm tra bản quyền hoàn toàn không khó. Một token key đặc biệt để xác định có phải reader và e-book cùng một chủ không là điều khá dễ dàng cho nhà phát hành.

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2
    Một tác phẩm hay có thể chẳng đem lại lợi nhuận cho chính tác giả vì nạn... copy!

    Câu chuyện môi trường

    Có một mảng mà ít người chú ý đến, song thực sự có ảnh hưởng đến tương quan giữa sách giấy và e-book: chi phí môi trường. Vì là một kỹ sư môi trường nên tôi khá rõ vấn đề này. Bạn có thể nói ngay rằng sản xuất ra e-book reader cũng ảnh hưởng tới môi trường. Điều này đúng. Và sách giấy cũng không khác. Điểm cốt yếu ở đây: cái nào ảnh hưởng nhiều hơn cái nào?

    Chúng ta hãy nói như thế này. Bạn mua một chiếc e-book reader, bạn dùng trong bao lâu? Cá nhân tôi không cho rằng một phụ huynh trang bị một thiết bị như thế cho con em họ sẽ đổi "xoành xoạch" từ năm này qua năm khác. Nếu SGK được in ấn đúng một chuẩn suốt 12 năm (và thậm chí giáo trình ĐH cũng vậy) thì không có lý do khả dĩ gì để mua một thiết bị mới. Chỉ trừ khi các cơ quan giáo dục chuyển sang chuẩn "mới" nằm ngoài khả năng trình hiện của thiết bị cũ thì chúng ta mới cần thiết bị mới. Hãy nói kiểu như phim 3D chẳng hạn? Khoan! Sách giấy liệu có khả năng tuỳ biến này như e-book reader hay không? Xem phim 3D, nghe MP3, chạy hiệu ứng...? Nên tính năng gì một chiếc e-book reader "cũ" có thể không có, sách giấy lại càng không!

    Như vậy hãy làm bài toán đơn giản. Bạn mua một chiếc reader cho con bạn, nó có thể dùng suốt 12 năm. Hãy nhớ con số 12 năm. Quay lại với tuổi học trò của bạn, tổng số SGK mà bạn đã mua là bao nhiêu? Ngoài ra SGK của Việt Nam lại rất thường được "cải tiến". Tôi lấy ví dụ từ bản thân, bộ SGK mà tôi từng dùng không thể dùng lại cho đứa em tôi. Điều này có nghĩa bộ sách mà tôi đã dùng hiện không dùng lại được nữa. Trừ phi "rảnh rỗi" tôi đem ra đọc lại (hoặc ai đó), còn không thì giá trị sử dụng của bộ sách cũ gần như là zero. Song môi trường vẫn phải trả giá cho đống zero ấy. Bạn dùng hay không dùng sách cũ thì cái cây bị chặt đi để làm ra quyển sách cũng không mọc lại được.

    Hãy đi vào tiểu tiết thêm một chút: chất lượng trang in. Muốn trang giấy càng đẹp, càng trắng, quá trình xử lý hoá chất để tẩy càng nhiều. Và tin tôi, hết thảy chúng đều là hoá chất công nghiệp. Tẩy xong thì thuốc tẩy trở thành chất thải, được đẩy ra ngoài. Có xử lý nó triệt để hay không lại tuỳ thuộc "đạo đức" của nhà sản xuất giấy. Về khoản này tôi không dám nói chắc mọi chuyện kết cục như nào. Riêng tôi thì rõ có những khu công nghiệp lén đổ nước thải ra kênh rạch, không ít thì nhiều.

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2
    Để có được bản in đẹp như vầy đã có nhiêu hoá chất chảy ra sông?

    Lại tiếp vấn đề chất lượng trang in. Ngoài chuyện làm trắng giấy, còn vấn đề nội dung quyển sách, hay mực in. Theo bạn để có mực in tốt thì nhà sản xuất phải làm gì? Hoá chất, vấn đề có thể diễn giải đơn giản là vậy. Tuỳ theo chất lượng quyển sách mà loại hoá chất được dùng sẽ thay đổi. Và dĩ nhiên, đã sản xuất sẽ phải có chất thải (bài học cơ bản về môi trường). Hoàn toàn không nghi ngờ chuyện sản xuất mực in có tác động xấu lên môi trường.

    Nói dài nói dai như vậy, chúng ta quay lại với e-book reader. Làm ra sản phẩm này cũng là một ngành công nghiệp, hiển nhiên nó cũng phát sinh chất thải và ô nhiễm. Song hãy xem xét về mức độ. Bạn mua một chiếc reader và có thể dùng tới vài chục năm, so với việc mỗi năm bạn mua vài chục - vài trăm quyển sách, cái nào sẽ tác động nhiều hơn?

    Cốt yếu ở nhà sản xuất

    Cho tới đây bạn vẫn có thể phản biện lại rằng: "dù thế nào tôi vẫn thích cầm sách giấy hơn"! Tôi không phản đối gì điều này (cá nhân tôi cũng thích cầm tờ giấy hơn). Vì rõ ràng tiền trong túi bạn, mua gì là quyết định của bạn. Phiền nỗi cỗ máy kinh tế không chạy theo ý của bạn hay một ai đó. Cỗ máy kinh tế chạy theo lợi nhuận...

    Hãy nói như vầy: trong quá khứ có rất nhiều sản phẩm tốt, và giá thực sự rẻ, nhưng đến nay không còn được sản xuất nữa. Bản thân bạn có thể tự kiểm chứng lấy điều này. Tôi ví dụ chiếc bếp điện do Soviet (CCCP) sản xuất mà gia đình tôi dùng 20 năm trước. Nó rất bền bỉ và gần như không gặp trục trặc đáng kể, chỉ là theo thời gian thì dây dẫn bị hao mòn mà thị trường không còn linh kiện thay thế. Nhà tôi buộc phải bỏ đi và mua một chiếc bếp khác. Song những chiếc bếp phổ thông do Trung Quốc sản xuất bán tại Việt Nam có chất lượng phải nói là cực tệ. Gia đình tôi rất muốn mua một chiếc như chiếc cũ song không còn ai để làm mà mua nữa...

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2
    Không phải máy đánh chữ không tốt, mà vì bàn phím máy tính và phần mềm soạn thảo tiện dụng hơn.

    Từ đây bạn có thể tự rút ra kết luận: việc bạn "muốn" và bạn có tiền không chắc đã giúp bạn có được thứ bạn cần. Ngoài "cầu" ra còn phải có "cung". Không thiếu các ví dụ bạn rất muốn mua một thứ nhưng thứ ấy không có bán tại đây, bạn phải đặt hàng từ nước ngoài. Và ngay cả khi bạn đặt hàng được, không có nghĩa mọi người đều có thể làm như bạn. Trong kinh doanh chúng ta khó nói chuyện chỉ chạy theo đam mê mà không cần quan tâm doanh số. Mua được trong ngày hôm nay không đảm bảo sẽ mua được vào ngày mai...

    Tôi kết thúc một câu đơn giản: ai cũng bàn về iPad Mini, nhưng Apple không sản xuất ra thì bạn mua bằng gì? Sách giấy tương tự, khi nó không tạo ra đủ lợi nhuận cho một số người, họ sẽ phải tìm cách sống khác.

    Tre mọc măng già

    Việc e-book sẽ thay dần sách giấy là một điều tất yếu. Vấn đề ở đây chỉ là thời gian, "nước chảy" bao lâu đủ để "đá mòn". Tôi không bảo rằng sách giấy kém, mà là sách giấy đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Tạm bỏ qua các loại công nghệ in ấn thô sơ với sản lượng thấp, ngành công nghiệp này đã có những đóng góp rất lớn cho sự tiến bộ của nhân loại từ thế kỷ 15. Sách giấy đã giúp liên kết lịch sử, liên kết những con người của thời đại với thời đại trước, của châu lục này với châu lục trước. Nhưng đã đến lúc nó không còn mạnh mẽ trước sự trỗi dậy của nội dung số.

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p2
    Trường Giang sóng sau xô sóng trước...

    Trong dự đoán của tôi, nếu mọi thứ tiếp diễn như hiện tại, e-book sẽ thế vị trí chủ đạo trong lưu trữ thông tin của con người giùm sách giấy trong khoảng 10 năm tới. Các em nhỏ học sinh khi đến trường không phải kéo theo một cái ba lô nặng cả chục kg chỉ sách với sách, một điều cực kỳ phản khoa học lẫn giáo dục. Chỉ một e-book reader có thể chứa toàn bộ SGK của mọi môn và mọi lớp. Thậm chí các em học sinh có thể dùng mãi cho tới khi không còn pin để đọc thì thôi.

    Mang vác ít hơn, học được nhiều hơn, đấy chẳng phái ý nghĩa chính của sách sao? Bỏ bao tâm huyết, đầu tư nhiều công sức để làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh, có tác giả nào lại không muốn đứa con tinh thần của mình đến với thật nhiều bạn đọc?

    Đôi lời mạn đàm bên ly cà phê.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ