Chiêu PR của Google+: "Bổn cũ soạn lại"

    PV, Minh Lết  

    Câu chuyện về ngón nghề câu khách được áp dụng cho Google + và những bình luận về tương lai của 1 mạng xã hội non trẻ. Liệu có phải "Facebook killer" vừa mới ra đời?

    Tôi còn nhớ, cách đây 5, 6 năm gì đó khi lần đầu tiên Google cho phép người dùng internet trên toàn cầu được đăng ký dịch vụ Gmail với 1 điều kiện: Phải có thư mời. Thư mời ở đây được hiểu là các lời giới thiệu mà những người đang sử dụng dịch vụ của Google phát ra cho bạn bè, người thân của mình. Những ngày đầu tiên, Google yêu cầu những người dùng mới đăng ký phải sử dụng Gmail trong 1 khoảng thời gian nhất định (vài ngày) thì mới được nhận 10 thư mời để phát cho bạn bè hoặc những người quen biết có nhu cầu đăng ký Gmail.


    Vào thời điểm đó, 10 lá thư mời này có giá trị rất lớn, có thể nói gần như là 1 hiện tượng vì từ trước chưa từng có tiền lệ về chuyện người ta có thể "phát cuồng" đi săn lùng một món đồ ảo (thời đó Game online chưa phát triển như bây giờ). Trong số 10 lá thư mời đầu tiên mà tôi được quyền phân phát, có 1 lá tôi gửi cho anh bạn ở Singapore chỉ quen biết qua mạng. Mấy tuần sau, anh bạn này về Việt Nam mời tôi đi cafe. Mãi đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi thư từ qua lại. Tất cả đều bắt đầu từ chuyện một lá thư mời của Gmail.


    Một thời gian sau, Google liên tục mở rộng hạn mức cung cấp thư mời cho những người dùng Gmail. Đầu tiên là 10, sau đó 20 rồi 50... Nhưng đến lúc ấy, dường như thư mời của Gmail không còn được ai tìm kiếm nữa vì nó đã quá thừa thãi, và những người quan tâm hầu như đều đã có 1 hòm Gmail cho riêng mình. Dần dần tôi cũng chẳng để ý tính năng thư mời trong Gmail biến mất lúc nào. Chỉ biết đến một hôm khi đăng ký hòm Gmail mới tôi mới nhận ra Google đã "thả cửa" để người sử dụng thoải mái đăng ký sử dụng dịch vụ Email của hãng.


    Thế nhưng kí ức của tôi về chuyện Gmail phát thư mời, không hiểu sao, lại in dấu rất sâu và hầu như đã trở thành 1 ấn tượng không thể phai đi được. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác vui sướng khi lần đầu tiên xin được invitation từ 1 người bạn, cảm giác háo hức khi được thử sử dụng một dịch vụ mà mình phải lùng sục mất mấy ngày trời mới có cơ hội được dùng thử.

    Và mấy hôm nay tôi lại cảm thấy hình như tình cảnh cũ đang lặp lại: Các diễn đàn công nghệ trong nước đã bắt đầu có các topic nói về việc phát miễn phí thư mời Google , bạn bè tôi hỏi han nhau về invitation của Google và thậm chí cả bản thân tôi cũng bất giác thấy mình vào Google đánh từ khóa "Google plus invitation free" để tìm một thư mời vào "ngó" thử xem mạng xã hội của Google có gì thú vị.


    Cứ từ bản thân mình mà suy, tôi tin chắc rằng không có mấy người trong số chúng ta không cảm thấy tò mò về Google . Và đó có lẽ cũng chính là cốt lõi của chiến dịch PR mà Google dành cho sản phẩm mới ra lò của mình. Về nguyên tắc, chiến dịch quảng cáo của Google nghe có vẻ rất ngược đời: 1 mạng xã hội có chức năng giúp mọi người kết nối với nhau lại chỉ cho phép một số rất nhỏ trong cộng đồng được sử dụng. 

    Tuy nhiên chính sự ngăn cấm này lại gây ra hiệu ứng kích thích sự tò mò của người sử dụng. Những người được dùng thử Google sẽ nhanh chóng tìm cách "khoe khoang", những người chưa được sử dụng sẽ cảm thấy nóng lòng muốn gia nhập cộng đồng khép kín đó. Cái vòng luẩn quẩn này rút cục sẽ đem đến hệ quả là số lượng thông tin về Google tăng vọt, đồng thời "độ nóng" của thư mời cũng sẽ tăng theo.


    Và rõ ràng là chiến dịch PR mà Google đang làm với Google đã chứng minh những hiệu quả trông thấy: thậm chí thư mời của Google Plus còn xuất hiện cả trên Ebay với cái giá không hề rẻ chút nào: xấp xỉ 20$ (400 nghìn đồng). Ở Việt Nam cũng xuất hiện rất nhiều thành viên trên các diễn đàn tuyên bố sẽ phân phát miễn phí invitation của dịch vụ này.

    Cơ chế giới hạn đăng ký của Google cộng với các đánh giá khá tích cực từ phía những người đang được dùng thử MXH này lại càng tăng thêm độ nóng cho Google . Cách làm này cũng tương tự như việc những câu lạc bộ chỉ kết nạp những thành viên đạt 1 tiêu chuẩn nào đó thay vì chấp nhận tất cả những người muốn tham gia. Các CLB mang tính chất "tuyển lựa" kiểu này đem lại cho những ai được chọn cảm giác mình độc đáo, may mắn hoặc vượt trội. Còn đối với những người chưa được tham gia, nhu cầu muốn tìm mọi cách để "thâm nhập" vào CLB kể trên lại càng lớn.

    Cách thu hút sự chú ý của người sử dụng bằng cách giới hạn đăng kí thông qua thư mời đã góp phần giúp Gmail trở thành dịch vụ email miễn phí lớn nhất toàn cầu. Không có lý do gì để nghi ngờ sự thành công của Google , nhất là khi những bước đi đầu tiên của MXH này đã chứng tỏ rằng nó là một sản phẩm đầy tiềm năng của gã khổng lồ tìm kiếm.

    Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu Google có nối gót được Gmail, lật đổ Facebook để giành lấy ngôi vị số 1 trong cuộc chạy đua của các mạng xã hội?

    Có 3 câu trả lời cho câu hỏi trên.

    Nếu có thì cũng không phải là ngay trong ngày mai


    Facebook hiện tại có trên 700 triệu người sử dụng, tính toán sơ sơ chúng ta sẽ thấy, cứ 10 người trên trái đất thì có hơn 1 người là thành viên của Facebook. Và MXH này đã đạt được con số ấn tượng trên trong 1 khoảng thời gian rất ngắn. Vâng, và vấn đề chính là ở 2 chữ "rất ngắn". Người ta thấy sự trỗi dậy của Facebook chỉ sau 1 vài năm vì thế cái ấn tượng rằng MXH này bỗng nhiên nhảy vọt lên vị trí số 1 chỉ sau 1 đêm bỗng nhiên rất sâu đậm. Sự thực là từ khi Facebook bắt đầu "thả cửa" cho người dùng trên toàn thế giới đăng kí đến nay đã là 5 năm trời (2006-2011), chưa kể mấy năm trước 2006 Facebook chỉ cho phép 1 số lượng hạn chế các sinh viên của một vài trường đại học trên thế giới sử dụng. Nếu tính cả khoảng thời gian ấy, có lẽ Facebook đến nay đã bước sang tuổi đời thứ 7.

    Phải mất 7 năm trời để Facebook bước lên bục vinh quang, mà khi ấy MXH này không gặp trở lực nào quá lớn vì gần như không có đối thủ xứng tầm. Con đường mà Google hiện nay sắp phải đi sẽ gập ghềnh chông gai hơn thế rất nhiều. Và nếu Google có tìm được cách hạ bệ Facebook thì chuyện đó cũng sẽ không xảy ra ngay ngày mai mà có lẽ cũng phải giống như Facebook, mất 5,6 năm trời. Trong thời gian Google lên ngôi, Facebook sẽ phải thu hẹp dần đến kích cỡ của MySpace bây giờ.

    Nếu Google thất bại, Google sẽ không bỏ cuộc

    Google Wave từng là một thất bại cay đắng của gã khổng lồ tìm kiếm.

    Đây là 1 bài học rút ra từ lịch sử. Google từng rất nhiều lần thử "mon men" đến gần thị trường mạng xã hội. Google Orkut, Google Wave rồi Google Buzz... Tất cả đều là những nỗ lực của gã khổng lồ tìm kiếm trong việc chiếm lĩnh thị trường béo bở này, tuy nhiên tất cả đều không khẳng định được vị trí của mình. Tuy nhiên Google chưa một lần từ bỏ tham vọng đối với MXH, và Google là 1 minh chứng hùng hồn cho quyết tâm của hãng. 

    Và ai cũng thừa hiểu rằng Google không có sự lựa chọn nào khác. Google đã và đang thống trị mảng tìm kiếm trên internet suốt 1 thập kỉ qua, tuy nhiên giờ đây 1 công ty ở tầm cỡ của Google sẽ rất khó để có thể bành trướng hơn ở 1 lĩnh vực đã bị "cày xới" quá kĩ càng. Tốc độ tăng trưởng của Google thời gian gần đây đang chững lại, giá cổ phiếu treo lơ lửng trong đà giảm. Google cần 1 chiếc "cần câu cơm" hiệu quả hơn, và MXH hầu như là sự lựa chọn duy nhất để gã khổng lồ chuyển mình sang một thời kỳ mới của internet.

    Vì thế có thể tin tưởng rằng dù số phận Google có ra sao đi chăng nữa thì Google cũng không bao giờ từ bỏ nỗ lực chiếm lĩnh thị trường MXH bằng các sản phẩm khác.

    Không có kết quả hòa


    Đặc thù của ngành công nghiệp công nghệ thông tin là luôn có 1 "ông lớn" nắm giữ đến 60-70% thị trường hoặc nhiều hơn nữa. Lý do khá đơn giản: Ai cũng muốn máy tính của mình tương thích với càng nhiều người càng tốt. Việc thị trường bị xé lẻ cho nhiều nhà sản xuất ở nhiều nền tảng khác nhau chỉ khiến người sử dụng chịu thiệt thòi. Lấy lại hình ảnh về 1 chiếc Macbook giữa 1 rừng PC không thể chia sẻ dữ liệu qua mạng LAN theo cách thông thường, khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu giữa 2 HĐH khác nhau... Nhìn vào đó và bạn sẽ hiểu vì sao tất cả đều muốn đổ xô về 1 nền tảng có nhiều người sử dụng nhất.

    MXH còn đặc thù hơn thế. Bạn sử dụng 1 MXH là để liên lạc với tất cả bạn bè, gia đình, các mối quan hệ xã hội. Không ai muốn khi cần xem một bức ảnh của người thân thì lên 1 trang mạng Facebook chẳng hạn, khi cần cập nhật status lại lên 1 trang mạng khác tỉ dụ như Zing Me... Chính vì mong muốn tất cả các mối quan hệ đều được gộp vào 1 vị trí của người sử dụng đã dẫn tới việc các MXH sẽ hầu như chỉ có 1 sản phẩm nắm vai trò chủ đạo với trên 90% thị phần. Đây cũng chính là lý do vì sao khi Facebook phát triển thì các MXH cạnh tranh như MySpace phải lụi tàn.

    Vì thế có thể tin tưởng trận đối đầu giữa Google và Facebook sẽ không có kết quả hòa. Hoặc một trong 2 bên sẽ chiến thắng và khi ấy bên còn lại sẽ phải ngậm ngùi ra đi.

    Kết

    Dù chỉ mới được mấy ngày tuổi, nhưng Google đã chứng tỏ rằng nó là một đối thủ rất tiềm năng của Facebook. Nhìn xung quanh bạn bè tôi, rất nhiều người "rục rịch" muốn chuyển nhà sang MXH của Google vì 1 lẽ đơn giản: không còn gặp khó khăn trong việc truy cập Google như đối với Facebook nữa.

    Nhưng ngoài người Việt muốn sử dụng Google vì lý do kể trên, cộng đồng mạng quốc tế cũng đang rất hào hứng với Google Plus.  Uy tín của Google trong việc tạo ra các sản phẩm chiều lòng người sử dụng rõ ràng đã tạo nên một cái mác đảm bảo rất vững chắc cho chất lượng của Google .

    Nói gì thì nói, việc đầu tiên tôi muốn làm trong ngày hôm nay là tìm ngay cho mình 1 thư mời của Google để bắt đầu tự mình trải nghiệm mạng xã hội mới này. Còn bạn thì sao? Google hay Facebook?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ