Đôi nét trải nghiệm về giao tiếp Thunderbolt trên nền tảng Windows

    Leopard, Leopard 

    Nhanh, gọn, đa năng và... đắt tiền!

    Vào hồi đầu 2011, Intel có một công nghệ tương đối đình đám và đôi lúc được thổi lên như là tương lai của PC. Nhưng dần dần về sau ít thấy ai nhắc lại nó nữa. Vâng, bạn đọc không cần phải đoán già đoán non vì tên của nó nằm sẵn trên title của bài, Thunderbolt (TB).


    Đôi ưu phiền

    Một phần lý do khiến nó nổi lên nhanh và chóng "chìm xuồng" thực chất không nằm ở bản thân công nghệ. Mà nằm ở người "đẻ" ra nó, Intel. TB ban đầu chỉ được Intel giới thiệu trên các dòng sản phẩm có liên quan tới chữ Mac của Apple, mà nhất là chỉ những chiếc Mac được sản xuất trong 2011. Chi tiết này khiến cho TB "thoạt nghe thì thật là hay, hỏi ra mới biết đắng cay ít nhiều": bạn không thể tìm được chiếc PC nào hỗ trợ TB trong suốt năm trước.

    Không phải ai cũng sẵn lòng bỏ 1.000 USD mua màn hình như vầy.

    Và không chỉ thế, số lượng các thiết bị ngoại vi khác có hỗ trợ TB cũng rất hiếm hoi. Vì là kỹ thuật giao tiếp mới, lại do một mình Intel phát triển (được trợ lực thêm bởi Apple), hầu hết các nhà sản xuất (NSX) công nghiệp khác hoàn toàn không có ý niệm nào về TB. Tức chỉ ai "được" Intel "gửi gắm" mới hay về nó, và từ đấy mới có sản phẩm hỗ trợ TB. Cho đến nay, chiếc màn hình duy nhất hỗ trợ TB chỉ do Apple sản xuất và chỉ có một số rất ít các HDD gắn ngoài của LaCie, Seagate, Promise là hỗ trợ giao tiếp này.

    Hạn chế về số lượng sản phẩm hỗ trợ, song chi tiết đang thất vọng nhất đến từ Intel: nền tảng Sandy Bridge cho Windows của hãng không hề có TB. Tức hoặc bạn phải là người dùng Mac OS, hoặc bạn sẽ chẳng được gì. Quá buồn!

    Sơ nét kỹ thuật

    TB về bản chất công nghệ, không mới. Đó là sự kết hợp giữa 2 giao tiếp vốn đã có trên thị trường: PCIe và DisplayPort (DP). Trong khi PCIe là giao tiếp giúp truyền tải dữ liệu (chủ yếu từ thiết bị ngoại vi), DP lại nhắm đến khả năng hiển thị cho màn hình. Ý đồ của Intel là kết hợp băng thông khá lớn của bản thân từng giao tiếp, tính tiện ích của mỗi giao tiếp (PCIe vốn là loại bus liên kết phổ biến trong máy tính hôm nay, DP lại có đầu cắm mini hết sức gọn) vào thành 1 giao tiếp / đầu cắm duy nhất. Vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa hạn chế sự lằng nhằng của nhiều giao tiếp có mặt trên cùng 1 thiết bị.


    Do dựa trên PCIe, TB cung cấp một băng thông tối đa lên đến 40 Gbps (10 Gbps cho mỗi kênh, một kênh có thể up / down 2 hướng). Con số này hoàn toàn áp đảo mức 5 Gbps của USB 3.0. Song sự hạn chế về thiết bị hỗ trợ đã khiến TB không thể phát huy được tối đa lợi ích của mình (cắm cọng cáp vào đâu trên mainboard ?).

    Ngoài ra, "tương truyền" dự án ban đầu về TB là sử dụng cáp quang, có tên gọi Light Peak. Nhưng không rõ vì sao nó lại chuyển thành cáp đồng và Intel đã đổi tên thành TB cho "đỡ đụng chạm" về mặt ngữ nghĩa.

    Không kèm con chip này thì không có TB gì cả.

    Vì sử dụng đầu cắm mini-DP, TB có lợi thế dễ triển khai hơn về đầu cắm vật lý. Song vẫn còn trở ngại về cáp nối và controller nhận diện. Sản phẩm nào không kèm controller (do Intel sản xuất) thì cổng mini-DP (nếu có) trên nó cũng không hỗ trợ TB. Và kể cả không dùng cáp đặc biệt (hỗ trợ tín hiệu PCIe) thì khả năng streaming các dữ liệu khác (ngoài DP) hoàn toàn không có.

    TB trên Windows

    Rồi sau cùng, Intel cũng đã triển khai TB trên nền tảng PC. Một số mainboard (MB) mới dùng chipset series 7 (nền tảng Ivy Bridge) có thể sẽ kèm theo giao tiếp này. Ví dụ trong bài này là Z77A-GD80 của MSI. So với các model MB khác, Z77A-GD80 có thêm con chip điều khiển TB "khép mình" ở phía sau back I/O panel. "Hiện thân" của nó chính là chiếc cổng mini-DP "bé tẹo" nằm bên dưới cổng D-Sub (VGA).

    Back I/O panel của Z77A-GD80. 

    Nhưng đừng "thấy nhỏ mà ăn hiếp", chiếc cổng đấy cho băng thông cao hơn bất kỳ cái cổng nào đang đứng xung quanh nó. Kể cả so với cổng HDMI gần đấy nếu chiếc cổng TB dùng "hết công suất".

    Trải nghiệm đầu tiên, dĩ nhiên chưa cần biết "nhanh" như thế nào, đã kèm DP thì phải xuất được tín hiệu DP. Chiếc màn hình 27-inch Thunderbolt Display do Apple tung ra trong 2011 (giá 1000 USD) được lôi ra dùng. Độ phân giải 2560 x 1440 không là vấn đề gì cho chiếc cổng này. Chi tiết "thất vọng" lại không nằm ở chiếc cổng "be bé", mà ở nhân đồ hoạ HD 4000 của Intel: nó không xuất cùng lúc tín hiệu ra 3 cổng khác nhau được như đã quảng cáo. Hoặc TB và HDMI, hoặc TB và D-Sub, hoặc HDMI và D-Sub. Dù sao, vấn đề này không phải của chiếc cổng.


    Tính năng Virtu của Lucid hoàn toàn không gặp vấn đề gì. GPU của card rời xử lý đồ hoạ, GPU tích hợp trên CPU xuất tín hiệu đồ hoạ qua các cổng (HDMI, D-Sub, TB). Và cổng TB "nói chuyện" với màn hình. Mọi thứ OK.

    Như vậy là xong "bài 1". Nhưng "bài 2" thì sao? Thực sự điểm "ăn tiền" của TB là có thể stream được nhiều loại dữ liệu khác nhau, chứ không chỉ để hiển thị màn hình. Lúc này vai trò của bus PCIe bộc lộ. "Bài 2" ở đây được thể hiện chủ yếu qua khả năng truyền dữ liệu với các HDD gắn ngoài. Và đây là lúc vấn đề xuất hiện...


    Khác với Mac OS, vấn đề nhận diện và hoạt động trên Windows gặp trục trặc do driver. Song bạn chú ý đây không phải lỗi của Microsoft: Intel phát triển & kiểm định TB ban đầu trên Mac, không phải Windows. Vì thế Intel đã không kiểm định được hết với Windows. Các thiết bị gắn ngoài trong thử nghiệm của AnandTech không "gắn nóng" (hot plug) được. Điểm này khiến cho TB mất đi lợi thế trước USB 3.0: bạn phải khởi động lại Windows mới có thể nhận được thiết bị.


    Một vấn đề khác trong trải nghiệm về TB, nhưng tôi quên đề cập: khả năng kết nối chuỗi (daisy-chain). Khả năng này thực chất "mượn" từ DP, vốn cho phép nhiều thiết bị cùng sử dụng chung 1 cổng DP để truyền tín hiệu ("đầu" cáp này gắn vào "đít" thiết bị kia). USB không có khả năng này nên không thể so sánh. Dù sao, khi nối quá nhiều thiết bị vào "chuỗi" thì vấn đề quá tải băng thông nảy sinh. Và điều này xảy đến trên cả Mac lẫn Windows. Khắc phục thì đơn giản: bạn gỡ bớt thiết bị ra để duy trì được mức băng thông cần thiết.

    Sơ kết

    Dù là xuất hiện trễ, song TB trên Windows làm việc khá tốt so với Mac. Điểm trừ duy nhất ở đây là khả năng hot-plug. Intel cho biết họ sẽ sớm tung ra các bản driver mới để khắc phục tình trạng trên. Dĩ nhiên là cả các đối tác của Intel nữa.


    Vấn đề sau cùng, như đã nêu, không phải "tội" của giao tiếp này, mà của Intel. TB vẫn còn quá hiếm trên thị trường. Kể cả có tốt bao nhiêu nhưng bạn không có điều kiện dùng nó thì cái tốt ấy chỉ nằm trên giấy. USB 3.0 đã gần như được toàn thị trường hỗ trợ còn TB vẫn là cái gì xa xăm phương trời. Như vậy khó nói được TB sẽ là "tương lai của PC".

    Tất nhiên, "tội" của Intel chỉ có thể do Intel "xin" chứ chẳng ai giúp được...

    Tham khảo AnandTech.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày