GeForce GRID - Giải pháp chơi game đồ hoạ đỉnh cao không cần card đắt tiền

    Leopard, Leopard 

    Đây sẽ là tương lai của công nghiệp game?

    Với hầu hết các gamer nếu lần đầu tiên đầu tư vào một hệ thống đáp ứng cho nhu cầu giải trí của mình, chọn PC hay console sẽ là một bài toán nan giải. Chất lượng đồ hoạ trên PC cao cấp hơn hẳn sẽ làm bạn trầm trồ xun xoe nhưng chi phí đầu tư quá cao và cần nâng cấp thường xuyên cũng khiến bạn phải chùn tay. Console tuy không mãn nhãn như PC song bạn chỉ cần mua game (tạm xét hệ thống nào cũng có bản quyền) là vô tư "chiến" đã thực sự gây phân vân khá nhiều...


    Nhưng đấy là "ngày hôm qua", "PC và console anh phải chọn" (nếu kinh phí hạn hẹp). Còn "hôm nay", bạn có thêm lựa chọn mới: điện toán mây (cloud computing). Đây là thứ mà NVIDIA vừa công bố, dưới cái tên GeForce GRID (tạm gọi GRID).

    Ý tưởng về điện toán mây để chơi game không phải quá mới. Thực tế các mô hình web game (như miniclip, gamevui, facebook...) là dạng sơ khai nhất của cloud gaming: server gửi (streaming) dữ liệu về client, client xử lý (dựa trên tương tác gamer) và gửi lại server. Nhưng mô hình này vẫn có hạn chế ở chỗ client phải xử lý và game có nhiều dữ liệu cần xử lý thì cấu hình client phải tương đối (game flash 3D là một điển hình).


    Dạng tiếp theo của cloud gaming xuất hiện cách đây vài năm, từng nổi lên với cái tên OnLive. Ở dạng này, server không chỉ thuần stream dữ liệu cho client, mà nó còn xử lý trước mọi thứ rồi chỉ gửi các frame video về client. Tưởng tượng rằng bạn đang xem phim nhưng có khả năng thay đổi diễn biến của bộ phim với tư cách là diễn viên. Dạng này được xem là cloud gaming đúng nghĩa vì từ đây, gamer không cần phải quan tâm tới cấu hình máy của mình như thế nào nữa. Desktop, laptop, netbook, thậm chí tablet, smartphone... miễn là thiết bị nào có khả năng kết nối Internet băng thông rộng và cho phép bạn tương tác với game.

    Song không có gì lại không cần đánh đổi. Cloud gaming có một nhược điểm kỹ thuật trước tiên là độ trễ (latency) cao. "Giang hồ hiểm ác không bằng mạng lag giữa chừng". Bên cạnh độ trễ từ mạng vốn có, cloud gaming còn có thêm độ trễ quá trình server nhận lệnh (capture & encode) và client giải mã (decode) video. Độ trễ cao là thứ mà NVIDIA muốn khắc phục khi giởi thiệu GRID.


    Theo NVIDIA, quá trình có độ trễ cao nhất là xử lý game (pipeline) sẽ được giảm còn 1/2 nhờ các "đám mây" sử dụng GPU của hãng này. Quá trình capture & encode cũng sẽ nhanh hơn nhờ bộ encoder mới mà hãng này tích hợp trong GPU của họ. Tốc độ streaming cũng sẽ được nâng cao nhờ sự cải thiện hạ tầng mạng (song điều này không do NVIDIA quyết định). Quá trình decode cũng sẽ được rút ngắn nhờ phần cứng mới phía client (điều này cũng không lệ thuộc NVIDIA). Tổng kết lại, các đám mây GRID về lý thuyết sẽ cho độ trễ (tổng) chỉ còn ngang với độ trễ khi bạn chơi trên console.


    Lẽ dĩ nhiên, GRID không thể nào nhanh hơn các hệ thống gaming PC. Phần cứng của PC mạnh hơn console nhiều và nó không gặp vấn đề độ trễ nào thuộc về mạng. Ngoài ra, nếu GRID ưu việt hơn cả PC nữa thì ai mua card cho NVIDIA đây?

    Tương lai? Cloud gaming sẽ dần trở thành xu hướng chủ đạo, đặc biệt với các dòng game multiplayer-over-Internet. Lý do đơn giản là bạn có thể chơi ở bất kỳ đâu, miễn là có đường truyền băng thông rộng và thiết bị trình hiện "vừa sức" như laptop... Bạn không cần phải đầu tư vào các phần cứng PC mới nhất mới có thể trải nghiệm được đồ hoạ đỉnh cao và cũng không cần phải lôi chiếc gaming PC cồng kềnh đi bất kỳ đâu cả. Chi phí phần cứng ấy bạn chỉ phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ cloud gaming là đủ.


    Nhược điểm của cloud gaming? Phải có Internet tốc độ cao. Và sâu hơn, chơi game có bản quyền cũng như phải có nhà phân phối tựa game đó trên cloud. Sau cùng, bạn hãy thử nhìn qua một chút GRID xem nó như nào ;-)


    Theo NVIDIA
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày