Microsoft Surface có thể thay đổi toàn bộ nền công nghiệp. Có thể... (P.2)

    Leopard, Leopard 

    Ở phần này, chúng ta sẽ tiếp tục nội dung trên nhưng ở hướng "thực tế": với các đặc thù riêng của MS, họ có ưu nhược điểm gì nếu chọn con đường sản lượng lớn.

    Trước khi tiếp tục phần này, tôi xin làm rõ lại một ý mà nhiều bạn đọc đã nhầm lẫn khi tôi viết phần đầu. Có nhiều bạn cho rằng tôi đang nói về năng lực sản xuất hiện tại của cả MS lẫn Apple. Song đấy là hiểu nhầm, vì tôi muốn bàn đến một kịch bản giả định trong tương lai, rằng MS nên làm gì để Surface có thể thực sự thành công. Nói cách khác, những vấn đề tôi nêu ở đây thuộc về tương lai. Nhưng để minh hoạ cho các ý thì tôi mượn các ví dụ của thực tại hoặc quá khứ. Các ví dụ đấy không đồng nghĩa rằng tương lai mọi thứ sẽ y hệt như vậy. Trân trọng!

    Đơn thương độc mã hay giang hồ quần hùng?

    Trong một bài trước, một đồng nghiệp của tôi cho rằng MS nên đi theo mô hình "độc mã" của Apple. Tức là mô hình kinh doanh theo "chiều dọc": tự sản xuất từ đầu tới cuối mọi thứ từ kiểu dáng, phần cứng, phần mềm... Cách đi này không tệ, vì rõ ràng Apple đã áp dụng nó rất thành công với Mac và iDevice. Ngoài ra, MS cũng rất thành công trên mảng game console và giải trí gia đình bằng Xbox và tương lai có thể là Kinect. Song điều tương tự có thể áp dụng với Surface?

    Một lần nữa, hãy nhắc lại câu "MS muốn gì"?

    Các thị trường vốn chỉ dành cho số ít người dùng dễ kiểm soát hơn các thị trường phổ thông.

    Tại sao Mac thành công? Tại vì nó nhắm đến một thị trường nhỏ (niche market). Các model Mac có giá thành cao và chỉ một lượng nhỏ người tiêu dùng (tương đương sản lượng thấp) có thể mua được. Apple hiểu điều này và họ tập trung làm ra những chiếc Mac tốt nhất, từ đấy tạo ra một thương hiệu có giá trị cao ở phân khúc cao cấp. Và tại sao Apple không "dám" tiến xuống phân khúc bình dân? Vì họ không thể cạnh tranh nổi về mặt sản lượng với các NSX khác. Lợi nhuận thấp hơn trong khi các vấn đề rủi ro phát sinh (bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng, hậu mãi...) sẽ phá vỡ guồng máy làm ăn của Apple. Đấy là lý do mà bạn không tìm thấy chiếc Mac có giá thành 600 USD hoặc thấp hơn (không bàn đến hàng 2nd).

    Xbox cũng vậy, thị trường game console cũng là một niche market. Người dùng không cần phải nâng cấp liên tục, thậm chí gamer có thể chia sẻ chiếc console của họ với người khác, không giống với PC chỉ dành riêng cho "ai đó". Thành công của MS với Xbox tương tự thành công của Apple với Mac - tập trung vào một niche market.

    Vậy còn Surface? Quan trọng là MS muốn đưa nó lên một sản phẩm cao cấp hay một sản phẩm phổ thông? Nếu theo hướng cao cấp, có nghĩa Surface sẽ có giá thành cực cao (tôi lấy mức 1.500 USD làm giới hạn dưới) và hãng này có thể áp dụng mô hình "chiều dọc" vì số lượng phát hành không cao, hãng này có thể đảm đương được các khâu hậu mãi, chăm sóc khách hàng... Tức sẽ "đơn thương độc mã".

    Còn theo hướng phổ thông? Sản lượng là thắc mắc đầu tiên. Kế đến là số kênh phân phối. Tiếp nữa là mạng lưới chăm sóc khách hàng. Và sau cùng không thể bỏ qua: lợi nhuận biên. Với một công ty "quen" hái được nhiều lãi từ bán phần mềm như MS, làm ra phần cứng giá rẻ có phải cách hay với các cổ đông, những người luôn xem lợi nhuận là trên hết?

    Windows PC nên là "PC"

    Một trong các khác biệt cơ bản giữa Windows / Linux PC và Mac PC là phần cứng hỗ trợ. Bạn muốn nâng cấp phần cứng? Với Windows / Linux PC, vấn đề ấy không quá phức tạp. Không có model hoặc thương hiệu mà bạn tìm? Hãy qua thương hiệu khác. Chỉ nói đơn giản thay card đồ hoạ, với Windows PC rất dễ dàng vì driver hỗ trợ hầu như luôn có. Còn trên Mac, không chắc sẽ được (nhiều người không cài được Hackintosh cũng chỉ vì chuyện này). Trong khi đó muốn cài Windows lên Mac PC lại cực kỳ đơn giản. Khả năng hỗ trợ nhiều phần cứng là điểm mạnh của Windows PC so với Mac PC.

    Khả năng này lại dẫn tới một khác biệt khác: phần cứng dùng được cho Windows thường rẻ hơn và chủng loại phong phú hơn, nhiều thương hiệu để lựa chọn hơn. Điều này tương đương với có nhiều NSX thiết bị cho Windows PC hơn và có một thực tế là họ "thích chơi" với MS hơn là Apple. Nói cách khác, MS có một lượng "chư hầu" phần cứng cực kỳ đông đảo. Vậy tại sao phải "phản bội" họ bằng cách tự làm ra hết mọi thứ?

    Kinh doanh theo chiều ngang, hãng này tạo ra thị trường cho hãng kia là cách MS đã thành công với Windows.

    Tôi chia sẻ chung quan điểm với đồng sáng lập của Acer: việc ra mắt Surface chỉ là điểm khởi đầu cho một dòng Windows tablet PC mới, về sau MS sẽ rút chân khỏi thị trường này và để các NSX PC "tự bơi". Việc phải đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm, nhân công sản xuất... thực sự không phải thứ mà MS "có tay nghề". Chưa nói tới việc quay mặt lại với các đối tác truyền thống là một điều nguy hiểm: họ sẽ xa rời MS và tiến tới gần GG. Chắp vây thêm cánh cho đối thủ liệu có phải hướng đi hay? 

    Cá nhân tôi cho rằng Surface chỉ là "demo" của MS với các đối tác phần cứng. Theo kiểu "này các chú, làm là phải làm như này này"! Nói theo kiểu nào đấy, thay vì để các hãng "loay hoay" tự thiết kế model của riêng mình rồi tiếp tục "chết chìm" vì không tạo ra "xu thế chung", MS "chỉ đường cho hươu chạy" nhằm đảm bảo tạo ra được một thế lực thực sự trên tablet. Mà thiết kế của MS, nhất là chiếc dock, đặc biệt ấn tượng với tôi. Bạn cứ xem thử "độ lỳ" của nó thì biết.

    Chiếc dock là điểm đáng giá nhất trên Surface.

    Rất chắc chắn phải không? Và tôi nghĩ rằng MS nên đăng ký bản quyền (có lẽ đã làm rồi) nhưng sau đấy cấp phép sản xuất chiếc dock này cho các đối tác phần cứng. Vừa là đảm bảo GG lẫn Apple không "chôm chỉa" được, nhưng vừa giúp "chuẩn hoá" thiết kế của mình trên toàn bộ thị trường. Cố nhiên NSX phần cứng có thể tuỳ chỉnh để tạo ra nét riêng cho họ, nhưng kiểu "hút chạm" (có lẽ là nam châm) này thực sự khiến tôi cảm thấy "tiếc" nếu chỉ có duy nhất MS làm ra nó.

    Sau cùng vẫn là giá thành

    Nói gì thì nói, giá thành vẫn là yếu tố quyết định nhất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng. Nếu chỉ nhằm vào một niche market, thì khả năng cao Surface sẽ không rẻ. Ở chừng mực ấy tôi cho rằng phiên bản Pro sẽ có giá trên 1.500 USD. Cố nhiên, đấy là điều không mấy khách hàng mong muốn. Song nếu chọn kịch bản số lượng lớn, thường thì giá thành sẽ không cao. Đơn giản vì khi ấy NSX phải tìm đầu ra cho sản phẩm của mình và nếu giá cao thì lượng hàng tồn đọng sẽ rất lớn, doanh số thấp và không có lợi để quay vòng vốn nhằm tái sản xuất, đầu tư.

    Khi nhiều người đọc tin đồn về giá của Surface từ Pegatron, một số đã phản ứng rằng giá này nó quá "đắt" so với iPad hoặc các model Android. Nhưng tôi nghĩ ngược lại: nó quá "rẻ" so với những gì tôi hình dung. Lý do? Một số người chỉ nghĩ Surface là "iPad Killer". Nhưng tôi cho nó là "Ultrabook Killer".

    Một sản phẩm phổ thông thường có giá thành thấp và ngược lại.

    Một lần nữa, tôi tạm gác phiên bản RT dùng chip ARM qua một bên, vì còn khá sớm để nói Windows 8 trên kiến trúc ARM sẽ "ngon" hoặc "dở" hơn Android hoặc iOS. Thứ tôi quan tâm là phiên bản Pro dùng chip x86 và những gì nó có thể đem lại. Bạn có bàn phím rời, bạn chạy được mọi ứng dụng x86 legacy, đặc biệt là MS Office, bạn có thể kết nối với bất kỳ thiết bị USB nào như một chiếc PC thông thường, bạn thậm chí có thể sạc pin cho cả chiếc iPhone, sync dữ liệu với nó, chạy Dropbox cực ổn. Những điều trên iDevice hay Android-vice có thể làm được? Thực tế Surface hệt như một chiếc laptop, laptop siêu mỏng. Và... ồ chờ chút... "laptop siêu mỏng", CPU Ivy Bridge, ổ SSD... hình như những thứ này là của Ultrabook (UB)?

    Một chiếc UB hiện có giá thành bao nhiêu? Acer Aspire S3 hiện được rao tại Newegg với giá 800 USD, HP Folio 13 giá 850 USD, ASUS Zenbook từ 1.000 - 1.500 USD. Chúng cũng có ổ SSD, có bàn phím thật, có kích thước mỏng... nhưng không có màn cảm ứng. Vậy theo bạn Surface bản Pro có giá ngang UB thì có gì là "đắt đỏ" không?

    Và lợi ích, không cần nói nhiều thì với Surface Pro, bạn mua 1 mà được 2. Bạn được 1 chiếc laptop có màn cảm ứng, bạn được 1 chiếc tablet chạy Windows 8. Thử tưởng tượng bạn mua 2 thiết bị riêng biệt, 1 chiếc iPad và 1 chiếc IdlePad, liệu giá thành chung có thấp hơn, trong khi ba lô của bạn bị dày lên gấp đôi? Tôi cũng không cho rằng mua 2 chiếc iPad thì bạn sẽ có được thứ tương đương 1 chiếc Surface, và không cần bàn thêm về laptop.

    Mức 800 USD có thể không phải mức thật, nhưng kể cả là 1.200 USD, tôi vẫn nghĩ nó "xứng đáng" với các giá trị mang lại. Dĩ nhiên, nếu có thể mua được bản Pro với giá càng thấp thì tôi "rất vui lòng". Chưa nói các vấn đề crack "quen thuộc" ở Việt Nam thì không cần bàn thêm chi phí tổng (cộng cả phần mềm).

    Cơ hội cho Intel & AMD

    Hai hãng x86 trên có thể chưa nổi bật ở mảng điện toán di động. Đơn giản vì các thiết kế chip của họ chưa định hướng nhiều cho thị trường này. Song điều này không có nghĩa họ "mãi mãi" không chuyển hướng. Trong các lộ trình mới nhất của cả Intel & AMD tôi đọc được, cả hai đều xác định tương lai sẽ là mobile. Việc AMD thay CEO gần đây cũng xuất phát từ lý do này: vị "thuyền trưởng" cũ không có ý tiến vào mobile. Và người mới đã thay đổi điều đó. Trong các quý gần đây, doanh thu chính của AMD đến từ dòng chip APU. Bản thân hãng này cũng đã bán ra được hơn 40 triệu chip APU. Hãy chú ý rằng 1 chip APU / CPU tương đương 1 sản phẩm sau cùng. Tức có hơn 40 triệu desktop, laptop, tablet (Windows 7) dùng APU đã được xuất xưởng.

    Chip 40nm của AMD chạy tốt Android 4.0.

    Tôi còn nhớ hồi CES đầu năm nay, một hãng sản xuất xứ Đài Loan đã demo khả năng chạy Android 4.0 (ICS) trên nền tảng Brazos của AMD. Con chip được dùng ở đây là C-50 APU gồm 2 nhân x86 chạy ở xung 1 GHz và 1 nhân GPU Radeon HD 6250. Và gần đây, chiếc smartphone Lava Xolo X900 dùng chip Medfield của Intel có hiệu năng khá ấn tượng so với các đối thủ ARM khác trên cùng nền tảng Android. Vấn đề mấu chốt ở đây là đa phần các ứng dụng Android chạy trên máy ảo Dalvik VM và Android framework. Và chỉ cần Android hỗ trợ kiến trúc điện toán nào thì các ứng dụng Dalvik VM đều có thể chạy trên kiến trúc ấy. Phần còn lại, các ứng dụng được viết từ NDK (Native Development Kit) sẽ không chạy với kiến trúc khác ngoài ARM.

    Intel đã có nhiều nỗ lực nhằm giúp Android chạy tốt trên x86.

    Tuy vậy, x86 nói chung và Intel nói riêng đã nỗ lực trong việc tạo ra bộ chuyển mã nhị phân (Binary Translator hay BT), cho phép các ứng dụng NDK chuyển các mã ARM sang x86 và thực thi. Dĩ nhiên phương pháp chuyển mã / giả lập này sẽ không tối ưu như chạy trên mã gốc, song Intel có thể khắc phục bằng cách nâng hiệu năng của chip lên cao cho đến mức ngang bằng / vượt qua ARM. Nếu bạn từng chơi các game NES trên bộ giả lập (emulator) cho Windows, hẳn bạn sẽ nhận ra điều này.

    Nhưng Intel & AMD thì ảnh hưởng gì tới "hoà bình tablet"? Vì họ là những hãng sản xuất chip lớn nhấn thế giới. Nếu hai hãng này cùng nhắm đến thị trường mobile một cách "nghiêm túc", đấy sẽ là vấn đề đau đầu cho các hãng chip ARM. Theo tôi chỉ có ba hãng ARM là "đủ sức" đối đầu với hai hãng trên: Samsung (đây là hãng làm chip ARM cho Apple), Qualcomm và STMicroelectronics (ST). Song đấy là cuộc đối đầu của các hãng chip, không phải cuộc đối đầu của MS với GG hay Apple, nên chúng ta tạm không bàn xem x86 và ARM, ai hơn ai thua. Vấn đề ở đây: nếu MS không "mặn mà" với x86, họ sẽ "mặn nồng" với Android.

    ARM đối đầu với x86, nhưng cả hai đều là cơ hội cho MS tiến vào tablet PC.

    Với dân công nghệ, chắc bạn cũng ít nhiều nghe qua cụm WinTel, vốn để ám chỉ sự hợp tác chặt chẽ giữa MS và Intel trên mảng PC. Mối hợp tác này là nguyên nhân chính dẫn tới sự thành công của cả hai nền tảng x86 và Windows cho tới nay. Trên quan điểm của tôi, nếu MS có thể tiếp tục duy trì được điều này khi tiến vào lãnh địa bị nắm giữ bởi Apple lẫn GG, thì hãng này sẽ có "một vé đi vào trận chung kết" mặc cho là "kẻ đến sau". Như đã nói ở phần trước, sản lượng là vấn đề chính. Để Intel & AMD làm chip; để Acer, ASUS, HP, Dell... làm ra chiếc máy (đã được chuẩn hoá); còn bản thân chỉ cần bán phần mềm và phát triển kho ứng dụng. Đấy là cách MS đã thành công trên PC (kinh doanh chiều ngang).

    Lời kết

    Kinh doanh chiều ngang không chỉ có MS. Thực ra GG cũng đã đi theo hướng này. GG có những thành công, song cũng có nhiều thất bại. Các thất bại của GG chủ yếu không đến từ chính họ, mà từ "tuổi đời" của GG. Họ có trình độ nhưng sản phẩm của họ chưa "đủ lớn" và "đủ chín" như Windows của MS. Một sản phẩm công nghệ được phát triển trong 1/4 thế kỷ và chiếm lĩnh đa số thị trường là một trở ngại lớn cho bất kỳ đối thủ nào. Trong khi đó, Android "chỉ" có 7 năm tuổi đời và vẫn trong giai đoạn "học nói học viết" thực sự sẽ rất vất vả khi gã "sinh viên già" kia đang dòm ngó "tô cơm" của mình.

    Nhìn qua Apple, mô hình kinh doanh chiều dọc cũng có cái hay của riêng nó. Song không phải không có cái dở. Cái dở đầu tiên là anh phải đầu tư thêm khá nhiều thứ từ sản xuất cho phân phối, PR và hậu mãi. Và mô hình này chỉ thực sự hiệu quả nếu lợi nhuận từ đấy cao (để bù đắp các rủi ro). Vì nếu không thì quá trình hoàn vốn sẽ rất dài. Điều này lại hoàn toàn không có lợi cho kinh doanh nhất là không có gì đảm bảo sản phẩm của anh sẽ cực kỳ bán chạy. Hãy chú ý rằng ngay cả với Apple, trước khi làm "ngập" truyền thông bằng iPad với iPhone, hãng này đã bắt đầu với iPod với thời gian kéo dài tới 5 năm. Nếu iOS không đạt được thành công từ iPod, hôm nay chúng ta sẽ khó thấy sự thành công của iPhone lẫn iPad.

    Tạo ra được quan hệ tốt trong kinh doanh không phải điều dễ dàng
    MS đã tạo được một ecosystem cực tốt trên PC "truyền thống", sao không mang chúng xuống tiếp "bên dưới"?

    Với MS, hơn 25 năm kinh doanh phần mềm, đi theo mô hình chiều ngang và đưa được sản phẩm đến với mọi phân khúc người dùng, đấy là một mô hình thành công. Bằng cách "chia sẻ" bớt "khó khăn" lẫn "lợi tức" với các đối tác phần cứng, cho đến nay vẫn chưa hãng nào đánh bật được MS ở mảng PC "truyền thống". Đi theo mô hình chiều dọc cũng có thể đạt kết quả nếu MS áp dụng cho Surface, nhưng sản phẩm này sẽ khó thay đổi được toàn bộ nền công nghiệp (game changer). Trên quan điểm của tôi, tiếp tục theo chiều ngang với số lượng lớn & giá thành hợp lý, cộng thêm với "chút" phẩm chất của người lãnh đạo (bằng cách tạo ra các thiết kế tiên phong), MS mới có thể thay đổi được thị trường tablet thông qua Surface.

    Surface có thể chỉ là cái tên trong một phút "xuất thần" của MS. Nhưng nếu nó truyền cảm hứng được cho toàn bộ nền công nghiệp, thì bất kỳ chiếc Windows tablet nào đến từ Acer, ASUS, HP, Lenovo... cũng sẽ mang trong mình một phần "linh hồn" của Surface - Tablet PC lại vẫn là PC!
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ