Quý 2 2012: NVIDIA thu về 1,04 tỷ USD

    Leopard, Leopard 

    Dòng sản phẩm Tegra khả quan hơn trong khi GeForce vẫn giữ được phong độ.

    NVIDIA là một trong số vài hãng có thời điểm công bố kết quả kinh doanh "lệch pha" so với các hãng khác. Tài khoá của NVIDIA đi sớm hơn lịch phổ thông một năm và kết thúc chậm đi một tháng so với tài khoá chung của các công ty Mỹ. Tài khoá Q2 2013 (tạm gọi Q2 2012) của nhà khổng lồ đồ hoạ kết thúc vào 29-07 vừa qua cho thấy một quý kinh doanh tương đối tốt với doanh thu đạt 1,04 tỷ USD.

    Chi tiết các con số (đơn vị USD)

    • Doanh thu 1,04 tỷ
    • Lợi nhuận sau thuế theo GAAP đạt 119 triệu, không theo GAAP đạt 170,4 triệu
    • Lời trên mỗi cổ phiếu theo GAAP đạt 19 cent, không theo GAAP đạt 27 cent
    • Hệ số lợi nhuận biên theo GAAP đạt 51,8%, không theo GAAP đạt 52%

    quy-2-2012-nvidia-thu-ve-104-ty-usd

    So với Q1 trước đó (tài khoá Q1 2013), tình hình Q2 này của NVIDIA tốt hơn khá nhiều. Doanh thu tăng 12,9% trong khi lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 100%, lời trên từng cổ phiếu cũng tăng tới 90%. Còn chi phí hoạt động chỉ tăng 2,7%. Dường như cả 2 dòng sản phẩm chính GeForce và Tegra đều kinh doanh tốt. CEO của NVIDIA, Jen-Hsun Huang, phát biểu:

    "Khoản đầu tư vào điện toán di động và điện toán đồ hoạ của chúng tôi đang bắt đầu cho trái ngọt. Tegra đạt được doanh số kỷ lục khi có nhiều tablet sử dụng chúng ra mắt. Còn mảng kinh doanh GPU của chúng tôi vẫn tăng trưởng tốt trong một thị trường yếu, được kích thích bởi kiến trúc mang tính bước ngoặt Kepler của chúng tôi. Nhìn về tương lai, chúng tôi rất lạc quan, khi các khoản đầu tư đã đưa hãng vào đúng vị trí trung tâm trong các phân khúc điện toán tăng trưởng nhanh nhất."

    So sánh với các quý trước

    Khó mà hình dung NVIDIA đã kinh doanh tốt như thế nào nếu không so sánh kết quả với các quý trước đấy. Một biểu đồ do AnandTech tổng hợp cho chúng ta được cái nhìn bao quát tình hình của hãng này suốt các quý trước. Để tiện theo dõi, bạn "trừ" bớt một đơn vị trong tài khoá của NVIDIA để ra quý thực (như Q1 FY11 là Q1 2010). Có thể thấy NVIDIA trở nên chật vật bắt đầu từ Q2 2010, với doanh thu mảng GPU đại chúng (GeForce) bị sụt đáng kể. Trong khi đó doanh thu từ mảng GPU chuyên dụng (Quadro & Tesla) có xu hướng ổn định và gần như không đổi. Chỉ riêng mảng SoC điện tử tiêu dùng (Tegra) đang chơi điệu disco.

    quy-2-2012-nvidia-thu-ve-104-ty-usd
    Doanh thu của NVIDIA tính từ 2010 cho tới nay.

    Bạn cần chú ý rằng Tegra là mảng kinh doanh mới xuất hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây của NVIDIA. Mảng này ra đời một phần vì Intel & AMD "chơi xấu" không cho NVIDIA sản xuất tiếp chipset dùng trên mainboard cho các chip x86 mới (một số người hẳn nhận ra cái tên nForce từng xuất hiện trên nhiều poster quảng cáo cho PC). Một phần khác vì di động đang trở thành xu thế mới của thị trường điện toán. Ban lãnh đạo NVIDIA nhận ra điều này cách nay 4 - 5 năm nên đã chuyển hướng thiết kế chipset sang SoC dựa trên nền tảng ARM. Thế hệ Tegra đầu không gây được chú ý lắm vì lượng thiết bị di động sử dụng nó quá ít.

    quy-2-2012-nvidia-thu-ve-104-ty-usd
    Hệ số lợi nhuận biên của NVIDIA trong các quý gần đây.

    Tegra 2 là một nỗ lực khác nhằm giành lấy "tiếng nói" trong mảng di động của nhà khổng lồ GPU này. Nó giành được khá nhiều thắng lợi về mặt thiết kế (design win) song doanh số không được khả quan, có một phần nguyên nhân vì Tegra 2 không hỗ trợ bộ tập lệnh SIMD NEON vốn có trong nhân Cortex-A9 của ARM. Năng lực đồ hoạ ULP của Tegra 2 kém cỏi càng khiến thị trường mất niềm tin vào sản phẩm này. Nhất là khi các mẫu SoC ARM từ các công ty khác như Qualcomm, TI cho thấy hiệu năng cao hơn hẳn.

    Chỉ đến khi Tegra 3 ra mắt, tình hình mảng SoC của NVIDIA mới dần khởi sắc. Có nhiều model trên thị trường và doanh số cũng tốt hơn.

    Giải mã thành công quý này

    Căn cứ theo biểu đồ trên, bạn có thể thấy tình hình của NVIDIA bị điều phối bởi 2 mảng GeForce và Tegra (Quadro và Tesla có doanh số ổn định không gây ra nhiều thay đổi). Trong quý vừa qua NVIDIA tung ra dòng GeForce 600 mới dựa trên kiến trúc Kepler 28nm. Mặc dù Kepler không mạnh trong GPGPU nhưng rất ấn tượng trong gaming và đồ hoạ phổ thông. Đặc biệt chip GK107 được NVIDIA ưu ái cho thị trường laptop đã giành được nhiều design win trên Ultrabook đã cải thiện tình hình nhiều hơn so với trước đấy. Cần chú ý rằng các mẫu MacBook 2012 của Apple đều dùng GPU của NVIDIA.

    Song vấn đề sản lượng wafer 28nm (do TSMC gia công) đã khiến số lượng GPU Kepler không sản xuất ra được nhiều. Bản thân các đối tác 28nm khác của TSMC cũng gặp tình trạng tương tự, điển hình là Qualcomm với sản lượng Snapdragon S4 không đáp ứng được cầu của thị trường.

    quy-2-2012-nvidia-thu-ve-104-ty-usd
    Một mẫu smartphone dùng Tegra 3.

    Nhưng vấn đề 28nm của TSMC lại là cơ hội cho NVIDIA toả sáng. Có lẽ vì ý thức được hiện trạng không cấp đủ wafer 28nm của hãng gia công chip lớn nhất thế giới, NVIDIA đã chơi "con bài" 40nm nhằm thoả mãn thị trường. Do hầu hết các hãng đều "đú đởn" lên 28nm, dây chuyền 40nm của TSMC bị thiếu hợp đồng gia công và đây là lúc NVIDIA "tận thu" những gì TSMC "thừa thãi". Tegra 3 sản xuất trên tiến trình 40nm "cũ" có được sản lượng vượt trội. Một thực tế không phủ nhận được là hàng loạt mẫu smartphone mới do không có đủ chip Snapdragon S4 để dùng đã phải chuyển qua xài chip Tegra 3 của NVIDIA.

    Tất nhiên cách "chơi chiêu" này của NVIDIA không làm thay đổi hoàn toàn cục diện thị trường chip SoC cho smartphone, song nó góp phần khẳng định vị thế của nhà khổng lồ GPU trên trận địa này. Giờ đây NVIDIA hoàn toàn có quyền tự hào trước các đối thủ lâu năm khác như Qualcomm, TI, Apple, Freescale, Broadcom...

    Nhìn về tương lai

    Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Khó nói được NVIDIA có tiếp tục duy trì được tình hình của Q2 vừa qua hay không. Song có vài điểm sáng đáng chú ý:

    • Mẫu tablet cực rẻ Nexus 7 của Google dùng chip Tegra 3 của NVIDIA
    • Chip Tegra được Microsoft chọn làm một trong số các chip SoC ARM chính thức cho mẫu tablet Surface dùng Windows RT
    • Dòng sản phẩm Kepler cho laptop tiếp tục giành được hợp đồng cung cấp cho Apple, Acer, ASUS, Dell, HP, Sony...

    Nhưng AMD vừa công bố một loạt sản phẩm FirePro chuyên dụng mới dựa trên các GPU GCN, bắt đầu thu hút mối quan tâm từ thị trường khỏi phía NVIDIA. Kiến trúc Kepler hiện tại không mạnh về GPGPU có thể khiến các doanh nghiệp lớn bớt quan tâm đến sản phẩm của hãng này. Nhất là khi Intel tung ra dòng sản phẩm Xeon Phi cũng rất hứa hẹn ở GPGPU.

    quy-2-2012-nvidia-thu-ve-104-ty-usd
    Chiếc card FirePro W9000 mới của AMD.

    Việc dùng 40nm để che lấp sản lượng 28nm chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài các hãng gia công chip khác sẽ bắt đầu cải thiện sản lượng 28nm và NVIDIA không áp dụng được cách này mãi được. Đặc biệt khi các thiết kế SoC dựa trên nhân Cortex-A15 ra mắt thì tình hình sẽ còn rất khác. Đấy sẽ là lúc chúng ta xem thử liệu chip Tegra 4 (tên mã Wayne) cũng dựa trên A15 có làm nên "cơm cháo" gì không.

    NVIDIA hy vọng kết quả kinh doanh của Q3 tới này sẽ đạt doanh thu từ 1,15 - 1,25 tỷ USD.

    Tham khảo NVIDIA, AnandTech.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ