Tìm hiểu về các công nghệ in không dây hiện nay

    MT,  

    (GenK.vn) - In qua WiFi thông thường, Cloud Print của Google, và AirPrint của Apple...là những chuẩn in không dây phổ biến hiện nay.

    Hiện nay, khi công nghệ ngày càng phát triển thì các loại máy in cũng đã bắt đầu hỗ trợ in ấn không dây. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng các loại máy in khác nhau có thể hỗ trợ những chuẩn in khác nhau. Hiểu về các công nghệ in không dây sẽ giúp bạn lựa chọn được loại máy in phù hợp hơn với nhu cầu cũng như điều kiện của mình. Ví dụ như nếu bạn sở hữu máy tính Mac, iPhone...bạn có thể chọn mua các mẫu máy in được chứng nhận AirPrint để in ấn một cách dễ dàng mà không cần phải cài đặt driver - thao tác mà bạn sẽ phải làm nếu sử dụng máy in không được "gán mác" này...

    In qua WiFi

    add-wifi-printer-to-windows

    Mạng WiFi đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta ngày nay và điều đó lý giải vì sao in ấn qua WiFi cũng đang rất phổ biến. In WiFi thực chất là biến thể "không dây" của in ấn qua dây USB. Và cũng giống như phương pháp in ấn thông qua dây kết nối thông thường, bạn sẽ phải cài đặt driver (trình điều khiển) trên máy tính để máy tính và máy in "nhận" ra nhau trước khi thực hiện công việc in ấn.

    Các máy in hỗ trợ WiFi có thể kết nối tới mạng WiFi của bạn, giúp các thiết bị trong cùng 1 mạng đó có thể sử dụng máy in này. Tuy tiện lợi như vậy nhưng có một điểm yếu đó là bạn vẫn phải cài đặt driver cho từng thiết bị nếu muốn in ấn từ thiết bị đó. Ngoài ra, in qua WiFi có thể sẽ tạo ra sự bất tiện nếu bạn muốn in tài liệu lưu trữ trên các thiết bị di động như smartphone hay tablet. Lúc này bạn sẽ lại phải tìm hiểu xem có driver của máy in nào đó hỗ trợ điện thoại, máy tính bảng của mình hay không.

    In qua Bluetooth

    windows-add-printer

    Một số máy in hỗ trợ in ấn không dây qua Bluetooth, mặc dù chúng không thể phổ biến như in ấn WiFi. Để in ấn thì điện thoại, tablet, hay laptop của bạn phải hỗ trợ Bluetooth, sau đó tiến hành "kết cặp" thiết bị của mình với máy in qua Bluetooth giống như cách kết nối thông thường. Ngoài ra, bạn cũng phải để máy in và thiết bị đủ gần để máy in và thiết bị không bị mất kết nối. Do những hạn chế về khoảng cách này nên in ấn Bluetooth không phổ biến được như WiFi.

    Apple AirPrint

    airprint-from-ipad

    AirPrint là công nghệ in không dây của Apple với những ưu điểm như không cần phải cài đặt driver -điểm yếu của in ấn WiFi, cho phép in ở khoảng cách xa - điểm yếu trên in Bluetooth. Tuy nhiên, do là công nghệ của Apple nên AirPrint chỉ hỗ trợ các thiết bị của họ như iPhone, MacBook...Rất may là các loại máy in hỗ trợ AirPrint cũng sẽ hỗ trợ song song các chuẩn in không dây khác, do đó, bạn cũng có thể sử dụng chúng để in ấn từ các thiết bị không phải của "Táo khuyết".

    Để sử dụng AirPrint, bạn đơn giản chỉ cần kết nối máy in với mạng WiFi giống như các máy in WiFi thông thường. Sau đó, bạn kết nối iPad, iPhone, iPod Touch, hoặc Mac của mình vào cùng mạng WiFi với máy in. Các thiết bị của Apple sẽ tự nhận diện máy in AirPrint và tự động in mà không cần bạn thực hiện bất kì thao tác thiết lập nào nữa.

    Google Cloud Print

    Nếu như AirPrint là công nghệ in không dây của Apple thì Cloud Print là công nghệ in không dây của Google nhằm khắc phục những điểm yếu của các công nghệ in truyền thống. Khi sử dụng các máy in hỗ trợ Cloud Print, máy in sẽ kết nối tới mạng không dây của bạn giống như các máy in WiFi khác. Sau đó bạn liên kết máy in với tài khoản Google của mình. Máy in sẽ kết nối tới Internet thông qua tài khoản Google đó của bạn.

    google-cloud-print-on-android

    Từ đây, bạn có thể tiến hành in ấn qua Cloud Print từ bất kì thiết bị nào, miễn là bạn đăng nhập vào tài khoản Google. Cloud Print được tích hợp khá chặt chẽ với Android và Chrome, cũng như với các ứng dụng trên iOS và hệ thống in ấn của Windows. Khi in ấn với các máy in Cloud Print, tài liệu của bạn sẽ được gửi tới Google qua Internet, sau đó Google sẽ gửi trả lại máy in và tiến hành in ấn. Sự tiện lợi của Cloud Print là bạn có thể dễ dàng chia sẻ máy in bạn bè thông qua tài khoản Google, hay bạn không cần phải thao tác "chuyển cộng" (port-forwarding) khá lằng nhằng và phức tạp với người dùng phổ thông.

    Không như AirPrint, Cloud Print hỗ trợ nhiều hệ điều hành khác nhau. Thậm chí bạn có thể kích hoạt để biến máy in hiện tại của mình trở thành máy in hỗ trợ Cloud Print.

    Các giải pháp in không dây của nhà sản xuất máy in

    Các nhà sản xuất máy in cũng phát triển những công nghệ in không dây của riêng họ. Trong số này chúng ta có thể kể tới các công nghệ như Epson iPrint, HP ePrint. Ý tưởng của các công nghệ này là bạn tải về một ứng dụng của nhà sản xuất máy in phát hành trên các app store di động. Ví dụ như ứng dụng Epson iPrint hay ứng dụng HP ePrint. Từ đây bạn có thể in không dây trên máy in của các nhà sản xuất này. Đây có thể là một giải pháp hữu ích, đặc biệt là khi bạn đã sở hữu cho mình 1 chiếc máy in WiFi nhưng nó không hỗ trợ AirPrint hay Cloud Print. Tuy nhiên, điểm yếu là có thể bạn sẽ không thể in ấn mọi loại tài liệu mà mình mong muốn. Một điều khá khó hiểu là hiện nay là ông lớn Microsoft hiện vẫn đứng ngoài cuộc đua in ấn không dây. Nếu sở hữu thiết bị chạy Windows Phone, bạn sẽ phải sử dụng giải pháp in không dây của nhà sản xuất máy in, bởi Microsoft chưa phát triển chuẩn in không dây cho riêng mình.

    Các chuẩn in không dây hiện nay vẫn đang khá "rối loạn". Tuy nhiên, rất may là chúng không phải là các chuẩn độc quyền của từng nhà sản xuất. Nhờ đó, bạn có thể mua các loại máy in hỗ trợ cả in WiFi truyền thống, lẫn AirPrint và Cloud Print, cũng như giải pháp in không dây của nhà sản xuất, để lựa chọn giải pháp in phù hợp nhất với điều kiện, thiết bị của mình.

    Tham khảo: Howtogeek

    NỔI BẬT TRANG CHỦ