“Trên tai” SteelSeries Siberia 200 Forged Red: Sống lại một huyền thoại

    Nội Tâm,  

    Nếu đã từng yêu mến dòng tai nghe Siberia nói riêng và SteelSeries nói chung, Siberia 200 là một sản phẩm bạn nhất định phải nghe thử.

    Sau khi SteelSeries Siberia V3 ra mắt, cựu binh Siberia V2 đã chính thức bị khai tử, và đương nhiên rất nhiều game thủ không thích điều này. Mặc dù Siberia V3 là một chiếc tai nghe tốt, song không phải ai cũng thích sự thay đổi chất âm đột ngột như vậy.

    Driver 50 mm, chất lượng hoàn thiện, chức năng sử dụng cực tiện lợi, cộng thêm một chút nhạc tính là những yếu tố khiến Siberia V2 luôn nằm trong top các tai nghe Gaming tốt nhất, tạo thành cái bóng quá lớn cho người kế nhiệm. Đáp lại lòng mong mỏi của game thủ, SteelSeries đã hồi sinh lại sản phẩm đình đám này nhưng với một tên gọi khác: Siberia 200. Đây là một sự trở lại hết sức sặc sỡ khi Siberia 200 được bán ra tới 7 màu sắc khác nhau: Đen, trắng, đỏ (Forged Red), xanh lá (Gaia Green), vàng (Proton Yellow), tím (Sakura Purple) và vàng gold (Alchemy Gold).

    Tại Việt Nam 2 phiên bản đen và trắng đã được nhập về khá nhiều, nhưng các màu còn lại rất tiếc lại chưa có mặt. Tuy nhiên với sự hỗ trợ nhiệt tình từ SteelSeries Việt Nam cũng như đơn vị bán Gaming Gear Hanoi Computer, chúng tôi đã có dịp trên tay chiếc Siberia 200 Forged Red độc nhất vô nhị tại Việt Nam này.

    Thông số kỹ thuật

    Tai nghe:
    - Driver Neodymium 50 mm
    - Dải tần đáp ứng: 10 - 28000 Hz
    - Độ nhạy: 112 dB

    Microphone:
    - Tần số đáp ứng: 50 - 16000 Hz
    - Microphone đơn hướng
    - Độ nhạy: -38 dB
    - Trở kháng: 2200 Ohm

    Kết nối:
    - Cáp 1,8 m
    - 2 jack 3,5 mm hoặc 1 jack tích hợp

    Đóng hộp và phụ kiện

    Siberia Forged Red được đóng hộp khác biệt so với đàn anh V2, phảng phất nét thiết kế của V3. Toàn bộ hộp được đóng kín chứ không khoe khoang qua cửa sổ trong suốt như trào lưu tai nghe hiện nay. Mặt trước hộp là hình ảnh chiếc tai nghe nổi bật trên nền xám.

    Mặt sau hộp giới thiệu thông số và chức năng sản phẩm.

    Siberia 200 được thiết kế tương thích với cả 2 dòng hệ điều hành Windows và Mac.

    Phụ kiện đi kèm gồm sticker, sách hướng dẫn và bộ gộp micro headphone thành 1 jack dùng cho điện thoại / laptop.

    Chi tiết sản phẩm

    Chiếc tai nghe mang đậm dáng dấp của huyền thoại Siberia V2, đặc biệt là chiếc headband nhìn không lẫn vào đâu được.

    Theo cảm giác của tôi thì headband này có vẻ hẹp hơn một chút so với Siberia V2.

    Củ tai nghe được thiết kế mở (Open) hơn so với phiên bản cũ, giúp không khí lưu thông tốt, cải thiện âm trường và âm hình, nghe lâu cũng đỡ mệt hơn so với dạng đóng kín cổ điển. Tuy nhiên kiểu Semi-Open Back này có nhược điểm là lọt âm ra ngoài, có thể làm phiền đến người bên cạnh.

    Lớp đệm da được làm dày hơn 1 chút, chất liệu vẫn là giả da như Siberia V2, hi vọng độ bền cũng tốt tương tự.

    Microphone gấp gọn trong củ tai, có thể kéo dài ra khi sử dụng. Đây vẫn là loại microphone đơn hướng chống ồn như Siberia V2.

    Controller huyền thoại của Siberia V2 xuất hiện trở lại, bao gồm cuộn chỉnh âm lượng và nút bật - tắt microphone.

    Tai nghe sử dụng 2 jack 3,5 mm: 1 cho tai nghe và 1 cho microphone. Cả 2 đều được mạ vàng chống nhiễu tín hiệu và oxy hóa.

    Thử nghiệm & Chất âm

    Siberia 200 có cáp nối cơ bản 1,8 m - đủ để sử dụng đối với đa số trường hợp. Chiều dài như vậy khá gọn gàng, không bị lòng thòng dây nhợ, tuy nhiên nếu PC nhét sâu trong gầm bàn thì game thủ phải mua thêm dây nối dài mới có thể sử dụng được.

    Siberia 200 có khối lượng nhẹ hơn Siberia V2 một chút, cùng thiết kế Semi-Open nên khi sử dụng cho cảm giác thoải mái hơn các tai nghe Closed Back, nghe lâu đỡ mệt hơn. Lực ép từ headband không nhiều, đủ để giữ tai nghe mà vẫn không làm đau 2 bên đầu. Sau khi đeo khoảng 3 giờ đồng hồ người viết vẫn không cảm thấy bị bí tai. Phần mút đệm rất mềm, những bạn đeo kính có thể thoải mái sử dụng mà không lo gọng kính bị ép chặt làm đau đầu (bản thân tôi cũng cận nặng phải đeo kính).

    Điểm nâng cấp lớn nhất của Siberia 200 chính là âm trường và âm hình, thể hiện rõ rệt ngay từ những phút đầu “trên tai”. Tiếng nhạc cụ, giọng hát... đều có độ “xa” và hướng nhất định chứ không cho cảm giác sát vào tai. Bass dày và đánh gọn hơn V2, lực tốt hơn. Treble lên cao hơn, cải thiện “game tính” nhưng nhạc tính lại giảm.

    Thử nghiệm với CS:GO, tiếng bước chân được thể hiện tách bạch và rõ ràng. Tiếng súng, bomb đạn khá chân thực bởi dải bass được làm dày hơn và đánh tập trung hơn.

    Đối với âm nhạc, đây vốn là điểm mạnh của Siberia V2 so với đa số tai nghe Gaming, Siberia 200 được điều chỉnh về chất âm theo thiên hướng Gaming nhiều hơn còn nghe nhạc có phần kém hơn người tiền nhiệm, dải mid hơi khô và lùi. Tuy vậy, trong làng Gaming Headset nói chung, chiếc tai nghe này vẫn nghe nhạc thuộc vào loại tốt nhất.

    Microphone của Siberia 200 không có nhiều cải tiến, chất lượng đàm thoại ở mức ổn tuy nhiên hơi thiếu âm lượng. Bạn cần bật Microphone Boost ở mức 10 trở lên để có thể giao tiếp game một cách tốt nhất.

    Kết luận

    Nếu đã từng yêu mến dòng tai nghe Siberia nói riêng và SteelSeries nói chung, Siberia 200 là một sản phẩm bạn nhất định phải nghe thử. Với nhiều cải tiến nho nhỏ so với đàn anh V2 như âm trường rộng mở, đệm tai thoải mái hơn và chất âm đi theo thiên hướng Gaming nhiều hơn, Siberia 200 còn cho người dùng rất nhiều lựa chọn với 7 màu sắc khác hẳn nhau, tha hồ phối với tông của dàn máy.

    Siberia hiện có giá 1.999.000 VNĐ cho 2 màu đen và trắng, các màu còn lại sẽ tiếp tục được nhập về trong thời gian tới.

    Ưu:
    - Cực kỳ thoải mái khi sử dụng nhờ nhiều cải tiến nhỏ nhưng đáng giá.
    - Chất âm thay đổi theo hướng Gaming hơn nhưng vẫn nghe nhạc không tệ.
    - Thiết kế và màu sắc trẻ trung.
    - Giá thành hợp lý.

    Nhược:
    - Thiết kế không thay đổi so với V2.
    - Microphone chưa thực sự tốt.

    * Xin cảm ơn Công ty Máy tính Hà Nội (Hanoi Computer, 43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) và SteelSeries Việt Nam đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ