Đời người ai cũng có 4 giai đoạn khắc nghiệt nhất, nhưng không phải ai cũng toàn vẹn trải qua

    PV,  

    Phải chăng vì thế mà người ta vẫn thường chúc nhau "đủ" để hằng mong một cuộc sống nhẹ nhàng và đơn giản hơn.

    Đã bao giờ bạn nghe nói chưa, về cái gọi là các giai đoạn của một đời người ấy? Ở đây chúng ta không nói về các giai đoạn sinh lý, nghĩa là từ 0-3 tuổi bạn như nào, 3-5 tuổi bạn ra sao, tuổi dậy thì đến sớm hay muộn, sau 25 tuổi bạn cần có gì trong tay...; mà chúng ta nói về 4 giai đoạn tâm lý mà ai cũng phải trải qua trong đời.

    Cuộc đời vốn khó hiểu, ngay cả chính bạn đôi khi cũng không biết cuộc đời mình đang đi về hướng nào, rồi rẽ tiếp sang đâu. Chỉ đến khi bạn chào tạm biệt cuộc đời, bạn mới thôi không phải trăn trở về nó nữa. Nhưng ngặt nỗi để được đến lúc đó, bạn phải nếm đủ mùi của 4 giai đoạn này mang lại.

    Giai đoạn 1: Học cách tự chủ

    Bạn và tôi, khi chúng ta được sinh ra, chúng ta chẳng có gì. Chúng ta không thể đi, không thể nói, không thể tự chăm sóc bản thân mình và tất nhiên, cũng chẳng thể nào tự kê khai thuế. Chúng ta chẳng khác gì một tờ giấy trắng, đang đợi để được tô vẽ lên những nét đầu tiên.

    Là một đứa trẻ, cái chúng ta được học nhiều nhất là quan sát và bắt chước theo mọi người. Chúng ta bắt đầu học các kỹ năng cơ bản là đi lại và trò chuyện. Sau đó chúng ta học cách giao tiếp thuần thục hơn, tuân theo các quy tắc ứng xử và luật lệ mà chúng ta không thể chống lại. Ở những năm tháng cuối của tuổi thơ ấu, chúng ta nhận ra mình đang học để hoà nhập với xã hội, để được xã hội chấp nhận.

    Giai đoạn 1 chính là giai đoạn dạy cho chúng ta cách để tồn tại trong xã hội đầy khắc nghiệt này, để chúng ta có thể tự chủ và chăm sóc mình. Chúng ta sẽ được dìu dắt bởi những người lớn, nhận sự trợ giúp từ họ để có thể tự quyết định cuộc đời mình về sau.

    Nhưng, ừ lại một chữ nhưng, không phải người lớn nào cũng có thể chấp nhận điều này. Họ không ủng hộ chúng ta, họ không thích chúng ta tự chủ, họ không cho chúng ta quyền được tự do quyết định. Chúng ta bị mắc kẹt ở đây. Chúng ta bắt chước những người khác ngày qua ngày, chúng ta không tìm nổi cho mình cá tính riêng. Chúng ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất, đó là cố gắng làm hài lòng tất cả những người khác để chúng ta không bị phán xét là kẻ khác biệt, kẻ lập dị.

    Mọi người kẹt ở giai đoạn 1 bởi vì họ luôn cảm thấy như thể họ là một phiên bản lỗi và khác biệt với những người khác, vì vậy họ sẽ đặt mọi nỗ lực của mình vào việc làm những thứ khiến người khác hài lòng. Nhưng bất kể họ có cố gắng tới đâu, họ sẽ cảm thấy chưa bao giờ là đủ.

    Giai đoạn 2: Khám phá bản thân

    Ngay khi chúng ta nhận ra mình không thể mãi mãi là bản sao của nhiều người khác, mình không phải cố gắng để làm hài lòng ai ngoài chính bản thân mình, chúng ta đã bắt đầu bước sang giai đoạn 2 của cuộc đời. Giờ là lúc chúng ta đi tìm bản ngã của mình, chứng minh cho xã hội thấy chúng ta là một cá thể riêng biệt và độc lập. Điều này đòi hỏi chúng ta bắt đầu phải tự ra quyết định cho mình, tự thử thách mình, hiểu rõ con người mình và khám phá ra cái gì khiến mình hứng thú.

    Có người nói rằng, giai đoạn 2 chính là giai đoạn của rất nhiều cuộc thử sai. Chúng ta đến sống ở một nơi xa lạ, giao tiếp với nhiều kiểu người, ăn thử một món ăn mới và tập suy nghĩ khác đi. Chúng ta không còn bắt chước, và không muốn bắt chước, vì thế chúng ta học cách thử, cũng là quá trình khám phá ra bản thân. Có người thành công, có người thất bại, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là chọn ra cái chúng ta thấy đúng đắn và tiếp tục làm theo.

    Giai đoạn 2 kéo dài cho đến khi chúng ta chạm tới giới hạn của mình. Chúng ta có thể không nướng thành công món bánh brownie ở lần thử thứ 101, chúng ta có thể không chơi giỏi bất kỳ môn thể thao nào, nhưng chúng ta cần phải biết mình dốt ở đâu. Đúng thế, càng sớm biết điểm yếu của bản thân, càng tốt cho cuộc đời chúng ta sau đó.

    Những người bị kẹt lại ở giai đoạn này là những người không cho phép bản thân bị giới hạn - hoặc họ tự huyễn hoặc bản thân rằng họ không có giới hạn. Có những người cứ mãi khởi nghiệp ở tuổi 38, sống với mẹ và chẳng làm ra đồng nào sau 15 năm cố gắng. Như thế không hề tốt chút nào, và cũng chẳng đáng được vinh danh gì hết. Mọi người bị kẹt ở giai đoạn 2 bởi vì họ cảm thấy như thế họ lẽ ra nên làm nhiều hơn, tốt hơn, mới hơn, hiệu quả hơn. Nhưng bất kể họ có cố gắng tới đâu, họ sẽ cảm thấy chưa bao giờ là đủ.

    Cuộc đời vốn rất ngắn ngủi, chúng ta không thể biến tất cả mọi ước mơ thành sự thật. Chúng ta chỉ có thể chọn thứ chúng ta làm tốt nhất và toàn tâm toàn ý thực hiện nó.

    Những người tự cho mình không có giới hạn thì đi ngược lại điều đó. Ai cũng thấy rằng họ chỉ đang giậm chân tại chỗ, nhưng họ lại huyễn hoặc rằng mình là một siêu nhân. Những người như thế mắc "hội chứng Peter Pan" - những kẻ lông bông cả đời, luôn tìm kiếm bản ngã nhưng tìm hoài không thấy.

    Giai đoạn 3: Quyết định cuộc đời

    Giai đoạn 3 là thời điểm vàng để chúng ta quyết định cuộc đời mình sẽ ra sao. Lúc này chúng ta đã không còn bị bó hẹp tư tưởng bởi xã hội, chúng ta cũng đã tìm ra giới hạn của bản thân, chúng ta biết mình muốn gì và cần gì. Đây chính là lúc chúng ta hoàn thành mọi thứ mình ao ước.

    Chúng ta sẽ để lại dấu ấn gì cho cuộc đời? Mọi người nhớ về chúng ta ra sao? Chúng ta có thể thay đổi thế giới này một chút nhờ vào sự tồn tại của chúng ta.

    Chẳng có gì nhiều để nói về giai đoạn khá vững chắc này. Có người chọn một công việc ổn định, ngày làm 8 tiếng, nghỉ trọn vẹn 2 ngày cuối tuần, nhưng cũng có người lại quyết định dùng việc đi du lịch đây đó, thu thập trải nghiệm để chứng tỏ bản thân. Dù là lựa chọn nào, chúng ta cũng phải cảm thấy thật hài lòng vì chúng ta đã chọn đúng.

    Những người bị kẹt ở giai đoạn này là những người vẫn mải mê theo đuổi tất-cả-mơ-ước của mình mà không biết cách buông bỏ. Họ ham muốn rất nhiều vì thế cũng khao khát phấn đấu đến tận khi về già. Mọi người kẹt ở giai đoạn 3 bởi vì họ cảm thấy như thế họ chưa tạo ra đủ ảnh hưởng có ích lên thế giới này, rằng lẽ ra mình có thể tạo ra nhiều thay đổi tích cực hơn trong lĩnh vực mà mình đã chọn lựa. Nhưng bất kể họ có cố gắng tới đâu, họ sẽ cảm thấy chưa bao giờ là đủ.

    Giai đoạn 4: Món quà để lại

    Đến được giai đoạn này, là chúng ta đã đi cả một quãng đường rất dài trước đó. Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta luôn suy nghĩ phải làm sao để có một cuộc sống thật ý nghĩa, những thứ chúng ta làm phải có một giá trị nhất định nào đấy còn giữ lại được khi chúng ta mất đi.

    Giai đoạn này chỉ đến khi chúng ta đã có đầy đủ mọi thứ, và nhận thức được những giai đoạn đã qua bị xáo trộn sự ưu tiên như thế nào.

    Khi chuyển từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3, chúng ta sẽ mất đi vài người bạn. Ai cũng cần tìm kiếm cho mình một con đường riêng, vì thế các sợi dây liên kết không còn bền chặt như trước nữa. Hay tất cả lý do khiến chúng ta dễ dàng bị mắc kẹt ở một giai đoạn nào đó trong đời là cảm giác chưa bao giờ là đủ. Chỉ khi thấy hài lòng với những gì chúng ta đang có, lúc ấy cuộc đời mới tiếp diễn theo đúng trình tự.

    Nhưng người ở giai đoạn 4 vẫn cảm thấy mắc kẹt bởi vì họ lo lắng rằng những thứ họ để lại không bền vững hay không tạo ra thay đổi lớn lao nào cho thế hệ sau. Họ bám víu và níu giữ vào nó, thúc đẩy nó tới những hơi thở cuối cùng. Nhưng họ vẫn thấy chưa đủ.

    Giải pháp để giúp chúng ta thoát ra khỏi những mắc kẹt đó chính là: chấp nhận.

    Chúng ta phải chấp nhận chúng ta không bao giờ có thể làm vừa lòng được tất cả mọi người, chúng ta không bao giờ có thể đạt được mọi thứ chúng ta ước mơ hay khao khát và vì vậy phải tập trung vào thứ quan trọng nhất và toàn tâm toàn ý với nó. Chúng ta phải chấp nhận thời gian và năng lượng là có hạn, chúng ta phải nhanh chóng đưa ra quyết định cho cuộc đời ngắn ngủi của mình. Chúng ta phải chấp nhận thế giới luôn đổi thay, ngày hôm nay chúng ta giỏi nhất nhưng ngày mai vị trí đó sẽ thuộc về người khác.

    Theo CafeBiz/Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ