Sau khi tham gia thị trường thiết bị trung tâm dữ liệu trị giá nhiều tỷ USD, Facebook tiếp tục hướng tới thị trường thiết bị viễn thông trị giá 500 tỷ USD.
Kế hoạch thâm nhập thị trường thiết bị viễn thông vừa được Facebook công bố.
Kế hoạch này bao gồm một sản phẩm mạng máy tính mới được phát minh tại Facebook với khả năng chia sẻ tự do với thế giới. Bên cạnh đó, Facebook còn muốn xây dựng một mạng di động không dây mã nguồn mở.
Cụ thể, Facebook đã trình làng một thiết bị mạng có tên Voyager - một switch quang. Switch, hay còn gọi là thiết bị chuyển mạch, là một thiết bị dùng để kết nối các phần của mạng lại với nhau. Switch đóng vai trò định tuyến thiết bị cho mạng cáp quang Open Packet DWDM.
Facebook Voyager, một thiết bị mạng mà Facebook vừa trình làng
Mạng cáp quang là mạng có tốc độ cao nhất, chuyển dữ liệu bằng cách sử dụng xung ánh sáng chứ không dùng dây đồng bình thường.
Ngoài Voyager, Facebook còn đứng sau một dự án có tên OpenCellular. Facebook chia sẻ rằng mục đích của dự án này là tạo ra một hệ sinh thái mở không dây mới.
"Nhiệm vụ của Facebook là giúp thế giới cởi mở và kết nối hơn, chúng tôi sẽ phát triển công nghệ có thể giúp kết nối tới những nơi chưa được kết nối hoặc tạo ra những trải nghiệm đòi hỏi kết nối tốt hơn. Cần có hạ tầng mạng lớn hơn và tốt hơn trong thời điểm mà nhu cầu xem video và nội dung VR đang ngày càng tăng. Đây là một thách thức vô cùng lớn nên trong thời gian tới tất cả chúng ta cần ngồi lại với nhau để tìm hiểu những thách thức cụ thể ở từng thị trường và phát triển các công nghệ và quy trình mới nhằm giải quyết những thách thức ấy", Jay Parikh, giám đốc cơ sở hạ tầng và kỹ thuật tại Facebook, chia sẻ.
Tất cả những điều trên là một phần trong dự án Telecom Infra Project (TIP) của Facebook. TIP được Facebook giới thiệu hồi tháng Hai và được xây dựng trên mô hình thành công vang dội của dự án Open Compute Project (OCP). OPC tạo ra phần cứng nguồn mở cho các trung tâm dữ liệu, ở đó các kỹ sư từ các công ty khác nhau cùng làm việc để thiết kế những thiết bị mà họ muốn và cần.
OCP được sinh ra cách đây 5 năm và tạo nguồn cảm hứng cho nhiều công ty internet. Ví dụ, nhờ OCP LinkedIn đã tự thiết kế toàn bộ thiết bị mạng và trung tâm dữ liệu của mình.
Năm ngoái, khi Apple từ chối gia nhập OCP, toàn bộ nhóm mạng của công ty này đã bỏ việc ngay trong tuần. Sau đó Apple đã phải gia nhập OCP.
Sau khi bỏ việc tại Apple, nhóm nhân viên bộ phận mạng mà dẫn đầu bởi Jason Forrester đã tạo ra một startup có tên SnapRouter. Startup này cung cấp các phần mềm mạng nguồn mở dựa trên những phần mềm mà họ đã làm tại Apple. Phần mềm của SnapRouter cũng được cài đặt trên thiết bị Voyager mà Facebook vừa ra mắt.
Qua OCP, Facebook đã tự phát minh ra các máy chủ, ổ lưu trữ, kệ trung tâm dữ liệu và các switch mạng cho riêng mình. Và Facebook đã truyền cảm hứng cả hệ sinh thái của các startup, phần mềm và thiết bị xung quanh mình, đặc biệt là thị trường thiết bị mạng máy tính, thị trường mà Cisco đang thống trị.
Hiện tại, Facebook đang muốn thâm nhập, thâu tóm thị trường thiết bị mạng viễn thông. Thị trường này đang được các hãng như Huawei, Alcatel-Lucent, Ciena, Cisco, Fujitsu, Jupiter Networks... thống trị.
Mới đây, Facebook đã cùng SK Telecom tổ chức một sự kiện hỗ trợ startup viễn thông ở Seoul, Hàn Quốc. Mục tiêu của sự kiện này là khuyến khích mọi người tạo ra các startup chuyên về viễn thông. Facebook cho biết đây là sự kiện hỗ trợ startup viễn thông đầu tiên và sẽ có thêm nhiều sự kiện như thế này trong tương lai.
Nhờ thành công vang dội của OCP, TIP đã thu hút được rất nhiều sự chú ý.
Facebook đã tổ chức thành công hội thảo công nghiệp đầu tiên cho các thành viên của TIP vào hôm thứ Ba vừa qua và những thiết bị mới của Facebook cũng được trình làng tại hội thảo này. Một loạt các công ty mới cũng đã tham gia vào TIP bao gồm Bell Canad, du, NBN, Telia, Telstra, Accenture, Canonical và Hewlett Packard Enterprise...
Facebook cho biết hơn 300 công ty đã gia nhập TIP.
Theo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời