Font chữ nhái Times New Roman này có thể "hô biến" bài luận của bạn từ ngắn thành dài

    Tuấn Hưng,  

    Và tên của nó cũng lấy cảm hứng từ phông chữ "huyền thoại" kia luôn: Times Newer Roman.

    Đối với một người phải viết bài để kiếm sống như tôi đây, thì đôi khi, "nặn" ra chữ đôi khi không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, không chỉ cánh nhà báo, mà hầu như ai ai cũng trải qua cảnh này từ thời đi học rồi. Hãy tưởng tượng, bạn đang ngồi nhìn chằm chằm vào bài luận 3 trang mà mình vò đầu bứt óc mãi mới ra, nhưng giáo viên người ta lại yêu cầu là phải dài ít nhất 5 trang, cách 1 dòng và dùng font Times New Roman, cỡ chữ 12. Với tình huống khó xử thế này, bạn cần … nhiều hơn là một nụ cười tự tin.

    Font chữ nhái Times New Roman này có thể hô biến bài luận của bạn từ ngắn thành dài - Ảnh 1.

    Ai đã từng trải qua thời sinh viên mà chẳng biết mấy mánh để "đánh lừa thị giác", kéo dài luận văn: dùng dấm chấm, dấu phẩy to hơn cỡ chữ trung bình và nhiều dấu cách, đổi cách căn chỉnh lề, hoặc thậm chí lén lút "nhồi" mấy chữ cỡ lớn vào giữa các đoạn. Thế nhưng, giờ đây đã có cách thức đơn giản hơn: đó chính là cài đặt Times Newer Roman – một font chữ từ công ty marketing online MSCHF. Times Newer Roman có ngoại hình rất giống với phông chữ "huyền thoại" quen thuộc, nhưng mỗi chữ cái lại có chiều rộng lớn hơn 5 – 10%. Nó sẽ giúp bài viết của bạn trông dài hơn mà chẳng phải "rặn" thêm gì cả.

    Theo trang web của Times Newer Roman, nếu sử dụng phông chữ này ở kích thước 12 thì để có một văn bản dài 15 trang và cách đều 1 dòng sẽ chỉ cần đến 5.833 chữ – "tiết kiệm" hơn rất nhiều so với con số 6.680 của Times New Roman truyền thống. (Ít hơn 847 từ đấy, thế là dài gấp 2 lần cái bài viết này rồi!)

    Font chữ nhái Times New Roman này có thể hô biến bài luận của bạn từ ngắn thành dài - Ảnh 2.

    Bên trái là Times New Roman, bên phải là "hàng nhái"

    Vì Times New Roman là font đã được đăng ký bản quyền, để lách luật mà không lo bị kiện thì nhà sáng lập ra phông chữ mới này đã sử dụng "Nimbus Roman No.9 L (1) – một font chữ miễn phí và có mã nguồn mở, thường được sử dụng để nhái lại kích thước và hình dáng của Times New Roman nguyên bản." MSCHF chỉ thay đổi chiều rộng của các chữ cái trong Nimbus Roman No .9 L rồi giữ nguyên chiều cao. Nhờ thế mà việc phát hiện ra sự khác biệt sẽ khó hơn một chút.

    Dĩ nhiên, giờ là thời đại số rồi, nên cái gì cũng có hai mặt: Times Newer Roman sẽ chỉ có tác dụng nếu bạn phải nộp bài tập bản cứng hoặc bằng file PDF mà thôi. Nếu bạn gửi tài liệu Word có chứa font lạ mà chắc chắn người chấm bài không có thì sẽ chẳng có tác dụng gì cả. Chưa hết, Times Newer Roman chỉ hữu dụng khi bài tập yêu cầu số trang, còn nếu gặp phải dạng đếm chữ thì xin chào thua rồi.

    Font chữ nhái Times New Roman này có thể hô biến bài luận của bạn từ ngắn thành dài - Ảnh 3.

    Chữ vàng là Times New Roman, chữ đen là Times Newer Roman

    Bạn có thể tải xuống font chữ Times Newer Roman miễn phí tại đây. (Xin hãy lưu ý rằng GenK không khuyến bạn đọc gian lận trong bài viết luận của mình đâu nhé.)

    Theo TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ