Bao giờ game 3D sẽ trở nên phổ biến?

    PV, Tổng hợp - Ảnh: Ubisoft, Kotaku 

    Những rào cản về kỹ thuật và con người sẽ khiến game 3D chưa thể ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường.

    Kể từ khi được giới thiệu vào năm ngoái và sau đó là tâm điểm của sự chú ý tại hội chợ công nghệ CES đầu năm nay, truyền hình 3D đã trở thành con át chủ bài mới của các công ty trong lĩnh vực điện tử.
     
    Các kênh truyền hình cũng rất háo hức trước viễn cảnh có thể cung cấp loại nội dung cao cấp này tới người dùng. Thực tế thì kênh thể thao nổi tiếng ESPN đã công bố một hệ thống truyền hình 3D sẽ được bắt đầu vào dịp World Cup 2010.
     
     
    Xét một cách logic, bước đi tiếp theo sẽ là làm thế nào để đưa công nghệ 3D vào ngành công nghiệp game một cách rộng rãi. Tuy nhiên, đó chưa chắc đã là điều cần thiết và đáng đầu tư vào thời điểm hiện tại.
     
    Công nghệ 3D nhìn chung vẫn còn rất non trẻ nếu xét tới khía cạnh giải trí gia đình. Hiện tại vẫn chưa có một chuẩn thống nhất. Có thể lấy Avatar: The Game ra mắt vào cuối năm ngoái ra làm ví dụ vì nó hỗ trợ hàng loạt "kiểu" 3D khác nhau. Công nghệ 3D cũng chưa hoàn toàn dễ dùng vì cần phải có các chỉnh sửa trên thiết bị và người dùng cũng cần đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật.
     
     
    Người dùng cần có một TV HD với tần số quét dòng cao để hiện thị hình ảnh 3D. Ngoài ra, với các kỹ thuật 3D phổ biến hiện nay, người dùng phải đeo thêm kính để nhìn được hình ảnh nổi. Đây là điều thực sự bất tiện và ảnh hưởng nhiều tới quá trình giải trí.
     
    Điều đặc biệt bất tiện với những ai bị các tật về mắt và vốn đã phải dùng kính. Có thể kính 3D sẽ không vừa hay dễ rơi hoặc người dùng cảm thấy nặng nề và vướng víu. Khi ngồi xem phim một cách tĩnh lặng, có thể những điều đó không quá khó chịu nhưng với game, mọi thứ sẽ khác đi vì người chơi thường xuyên có các cử động.
     
      
    Hiện tại, có 3 loại kỹ thuật chính giúp con người có thể nhìn các hình ảnh 3D trên màn hình. Cổ điển nhất là kỹ thuật sử dụng kính hai màu mà đa số mọi người đã quen thuộc. Kỹ thuật thứ 2 là loại được áp dụng trong bộ phim Avatar, kỹ thuật 3D phân cực. Nó cũng vẫn đòi hỏi người dùng phải đeo kính.
     
     
    Kỹ thuật thứ 3 mà nhiều người cho là tương lai của 3D mang tên màn chắn thị sai. Kỹ thuật này không cần tới các loại kính đeo kèm. Tuy nhiên hiện tại nó còn chưa phổ biến và tới khi nào công nghệ còn chưa có sự thống nhất, 3D chưa thể trở thành thứ giải trí ở nhiều gia đình.
     
     
    Ngoài ra, hiện tại khi thưởng thức hình ảnh 3D, một phần không nhỏ người xem vẫn gặp hiện tượng chóng mặt, nhức đầu sau một thời gian. Họ có thể chịu đựng để xem một bộ phim nhưng nếu ngày nào cũng chơi game với cảm giác đó lại là điều hoàn toàn khác.
     
    Tóm lại, công nghệ 3D cần tiếp tục phát triển hơn nữa và có sự thống nhất về mặt chuẩn mực. Đó là khi xét về mặt kỹ thuật và cũng là điều kiện cần của công nghệ 3D nếu muốn chiếm lĩnh thị trường game trong tương lai.
     
     
    Một công nghệ giải trí không thể trở nên phổ biến nếu nó khiến người dùng gặp cảm giác khó chịu khi hưởng thụ, ngoài ra công nghệ đó cần được quy về một chuẩn duy nhất. Sẽ không nhiều người bỏ tiền ra mua các thiết bị 3D nếu họ không dám chắc các sản phẩm giải trí có hỗ trợ chuẩn đó hay không. Bài học của các định dạng đĩa phân giải cao HD-DVD và Bluray vẫn còn đó.
     
    Ngoài ra, vẫn còn một vấn đề rất quan trọng. Đó là liệu tính năng 3D có khiến cho game hay hơn trước một cách đáng kể không? Nói cách khác là các hãng game có tận dụng được các lợi thế mà công nghệ này đem lại hay không?
     
     
    Cho tới thời điểm này, đa số các game có hỗ trợ 3D vẫn chỉ mang tính thêm nếm, “cưỡi ngựa xem hoa” là chính. Dù có hay không có tính năng này, chất lượng của game cũng như sự đánh giá của người dùng vẫn không thay đổi nhiều.
     
    Avatar: The Game lại một lần nữa có thể xem là ví dụ tiêu biểu. Tính năng 3D không thể cứu vãn cho chất lượng tầm tầm của tựa game này và dù đã ăn theo sức nóng của bộ phim cùng tên, Avatar: The Game vẫn là một thất bại.
     
     
    Ứng dụng công nghệ 3D vào việc làm game cho tới nay vẫn còn quá mới và không có gì đáng ngạc nhiên khi chưa có những sản phẩm thực sự chất lượng ra đời. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào vấn đề kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào chính các hãng game, những người sẽ phải làm quen với công nghệ này một cách cẩn thận giống như làm quen với một hệ máy mới, một nền tảng mới.
     
    Trong tương lai trước mắt, game 3D vẫn sẽ chỉ là thứ trang sức và mang tính quảng bá hơn là thực chất. Nhưng cũng không thể vì vậy mà phủ nhận tiềm năng của công nghệ này vì nếu phát triển hết tầm, nó sẽ trở thành điều tất yếu với cả game và phim ảnh.
     

    NỔI BẬT TRANG CHỦ