Ý tưởng có vẻ hết sức "hay ho" này đến từ các nhà khoa học tham gia vào dự án Neuroman, với mục tiêu tạo ra những trò chơi có khả năng tăng khả năng hoạt động của não cũng như của cơ thể.
Mùa hè năm ngoái, nhà thần kinh học Adam Gazzaley dành ra hai tháng chỉ để chơi điện tử. Một tuần, ông dành ra 5 ngày chỉ để chơi Meditrain - một trò chơi về thiền do Zynga sản xuất - trên iPad, và Rhythmicity - tựa game do tay trống Mickey Hart từ ban nhạc Grateful Dead cùng Rob Garza của tập đoàn Thievery tạo ra.
"Lý do tôi chọn 2 tựa game này, là dựa trên giả định não bộ chúng ta là một cỗ máy hoạt động nhịp nhàng" - Gazzaley chia sẻ. "Nếu như chúng ta trở nên nhịp nhàng hơn, thì sự gắn kết giữa não bộ và nhận thức của ta cũng sẽ được cải thiện".
Gazzaley còn tới phòng thí nghiệm của ông tại trường Đại học California San Francisco lúc 7 giờ 30 phút sáng, đều đặn 3 ngày mỗi tuần để tham gia vào trò chơi "Body Brain Trainer", một tựa game tăng cường khả năng vận động và nhận thức, sử dụng công nghệ motion capture.
Adam Gazzaley - nhà thần kinh học đến từ Đại học California San Francisco
"Dự án này rất khác so với những gì mà tôi từng tham gia trước đây" - ông cho biết. "Đây là trái nghiệm cá nhân của tôi đối với chương trình thần kinh CrossFit, hay còn được chúng tôi gọi là dự án Neuroman. Trải nghiệm này cho tôi góc nhìn của những người tình nguyện viên tham gia vào dự án này - cũng như trực tiếp đánh giá các tựa game mà tôi tham gia hỗ trợ sản xuất. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để tôi khám phá xem, bao nhiêu phần của khối óc 46 tuổi này có thể trở lại hoạt động nhanh nhạy như tuổi 20".
Để đánh giá những thay đổi của bản thân, Gazzaley sử dụng kết hợp giữa các phương pháp chụp cộng hưởng, điện não đồ, kiểm tra thể chất, theo dõi giấc ngủ, xét nghiệm máu và nước bọt. Thông qua đó, ông có thể đánh giá những trò chơi dưới góc độ khoa học một cách chuẩn xác nhất.
Ngoài ra, Gazzaley còn là đồng sáng lập của một công ty game khác có trụ sở tại Boston mang tên Akili Interactive. Tựa game Evo - sắp tới sẽ được đưa tới thử nghiệm tại các bệnh viện cho những bệnh nhân ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý) - cũng đến từ công ty này.
"Chúng tôi cần phải chưng tỏ rằng tựa game này có thể tạo ra được hiệu quả như các liệu pháp y tế hiện tại" Gazzaley chia sẻ.
Ông tin rằng: bắt đầu từ năm nay, các tựa game trên sẽ là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho một hệ thống "thuốc điện tử" giúp chúng ta tăng cường khả năng hoạt động của não bộ, cũng như điều trị những căn bệnh như trầm cảm, ADHD, tự kỷ, và mất trí nhớ.
Tại phòng thí nghiệm Neuroscape, Gazzaley cùng nhóm nghiên cứu của mình không chỉ thiết kế những trò chơi để kích thích những liên kết đặc biệt trong não bộ, mà còn thử nghiệm chúng thông qua một loạt các thang đo: điện não đồ, phản ứng của da, chuyển động cơ thể, và sự thay đổi của nhịp tim.
"Những thông tin về hoạt động của não trong lúc đang chơi game sẽ được gửi về hệ thống, từ đó trò chơi sẽ biến đổi cho phù hợp. Chúng tôi còn có thể sử dụng thông tin điện não đồ để từ đó, hướng dẫn việc kích thích não bộ".
Gazzaley chia sẻ thêm: "50 năm qua, chúng tôi đã không ít lần cố gắng tạo ra những loại thuốc giúp tăng khả năng nhận thức. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa từng có nổi một lần thành công".
Theo như ông, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại trên, như việc thuốc hóa học không thể tác động đến một vùng nhất định nào đó của não, hay không tương thích với gen của người sử dụng, và dùng thuốc xong cũng không có cách nào để biết có thực sự hiệu quả hay không. Sử dụng các trò chơi điện tử có thể giúp Gazzaley tạo ra được một hệ thống điều trị riêng biệt với từng người, nhờ vậy, hiệu quả hơn.
"Thế này nhé, bạn uống thuốc, tự đánh giá hiệu quả một cách chủ quan, vài tháng sau tới gặp bác sĩ, và bác sĩ sẽ lại đánh giá ngay tại chỗ mà chẳng cần một tí dữ liệu thực nghiệm nào. Như vậy thì cẩu thả quá." - Gazzaley nói thêm.
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời