God of War III - PlayStation 3: Cặp bài trùng độc đáo

    PV, Vân Hương 

    Từ câu chuyện về siêu phẩm God of War III, thử suy nghĩ về mối quan hệ giữa các nền tảng và game độc quyền.

    Từ lâu, thương hiệu God of War đã nằm trong danh sách game độc quyền cho PlayStation. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sao Chiến thần chỉ toả sáng trên nền tảng của Sony? Và những game độc quyền có gì khác so với game đa nền tảng?
     
    Khi God of War III ra đời, không ít game thủ đã thốt lên: “God of War III giống như một game dành cho... PlayStation 4 vậy”. Quả thật, những đoạn phim mô tả cảnh chiến đấu giữa Kratos với các con trùm khổng lồ rất sống động, vượt xa chất lượng đồ hoạ của một game thông thường. Đó là lý do người ta tin rằng sau God of War III, sẽ chẳng có game nào “hoành tráng” hơn trên nền tảng PlayStation 3.
     
     
    God of War III đã toả sáng trên PlayStation 3. Điều ấy thể hiện qua lượng đĩa tiêu thụ, những lời khen có cánh của các tạp chí, sự quan tâm đặc biệt của dư luận (cả tích cực và tiêu cực). Nhưng God of War III, hay nói rộng ra là series God of War chỉ có thể toả sáng trên PlayStation mà thôi. Đi khỏi nền tảng này, God of War chỉ còn là một game hành động chặt chém tầm thường và Kratos chỉ là một tay đồ tể.
     
     
    Tại sao vậy? Trước hết, hãy bắt đầu từ sự “độc quyền” của Sony. Cha đẻ của God of War – studio Santa Monica là một cái tên sáng giá dưới trướng Sony. Không giống như một số hãng khác chỉ hợp tác với các studio trong vài dự án, Sony Santa Monica được đảm bảo về nguồn tài chính để tập trung phát triển God of War. Sau 11 năm thành lập, studio này đã cho ra lò 7 phiên bản God of War, trong đó God of War: Ghost of Sparta sẽ ra mắt vào tháng 11/2010 trên máy PSP.
     
     
    Không phải lo lắng về kinh phí, nhiệm vụ của Sony Santa Monica là: “vắt kiệt” sức mạnh của PlayStation. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, họ đã làm được điều đó trong God of War III. Toàn bộ hình ảnh trong game hiển thị ở độ phân giải 720p, 30 – 60 hình/ giây. Các hiệu ứng nước chảy, ánh sáng đạt đến một đẳng cấp mới. Khi Kratos di chuyển từ một vùng tối ra vùng sáng, người chơi sẽ cảm nhận thấy một quầng sáng hệt như cảm giác bằng mắt thật.
     
    Nhóm thiết kế cho biết đã đạt đến giới hạn về số lượng đa giác. Môi trường trong game mang tính chất động, giống như một cơ thể khổng lồ co giãn có thể thêm vào bất kì nhân vật nào. Một trong số các tựa game đỉnh khác trên PS3 là Uncharted 2 cũng làm được điều tương tự nhưng không ấn tượng bằng God of War III.
     
     
    Một bằng chứng khác về sức mạnh độc quyền và sự đầu tư là phần âm nhạc của game. Sony đã dám mời hẳn dàn nhạc tận Prague (Cộng hoà Séc). Thành quả là 26 giờ khí nhạc, 12 giờ thu nhạc cụ dây, 20 giờ thu của dàn hợp xướng - tất cả cô đọng lại trong hơn 10 giờ soundtrack của God of War. Xét về mức độ “chịu chơi”, chỉ có Activision là ngang ngửa (hãng này mời nhà soạn nhạc nổi tiếng Hans Zimmer viết nhạc cho Modern Warfare 2).
     
     
    Tuy vậy, không phải mọi tựa game độc quyền đều được đầu tư và thành công như God of War III. Đó là lý do các nhà phát hành ngày càng dè dặt khi đề cập đến các tựa game độc quyền. Nếu không có nguồn tài chính dồi dào và nhân sự tài năng, tốt nhất không nên mạo hiểm với sự “độc quyền”.
     
    Dễ hiểu là nhiều hãng sản xuất tìm đến lựa chọn đa nền tảng mặc dù với lựa chọn đó kinh phí sản xuất sẽ cao hơn. Nó giống như bài học vỡ lòng “chia trứng vào nhiều giỏ” dành cho các nhà đầu tư. Vì thế, dù được hậu thuẫn nhiệt tình từ Sony nhưng phải nói rằng cặp bài trùng God of War – PlayStation là một hiện tượng thành công đặc biệt, ít gặp trong thế giới game.
     
     

    NỔI BẬT TRANG CHỦ