Google 10 năm ‘chơi xấu giấu tay’: Cho Apple chục tỷ USD/năm nhưng âm thầm dìm Safari, vị thế ‘Vua tìm kiếm’ không thể bị phá vỡ

    Vũ Anh,  

    Google âm thầm lên kế hoạch ngăn chặn tham vọng xâm lấn lĩnh vực tìm kiếm của Apple.

    Vào năm 2020, Apple được cho là đang xây dựng một công cụ tìm kiếm mới dành riêng cho iPhone và Macbook. Nỗ lực này khiến Google đặc biệt lo ngại, đỉnh điểm nhất là vào năm 2021 - thời điểm công cụ tìm kiếm trên iPhone của Apple, Spotlight, bắt đầu hiển thị cho người dùng những kết quả phong phú tương tự ‘ông vua tìm kiếm’ của thế giới.

    Google theo đó âm thầm lên kế hoạch ngăn chặn tham vọng xâm lấn lĩnh vực tìm kiếm của Apple; sản xuất phiên bản dành riêng cho iPhone và thuyết phục người dùng sử dụng trình duyệt web Chrome thay vì Safari. Đồng thời, Google cũng nghiên cứu mở rộng quyền kiểm soát bằng cách tận dụng luật mới của châu Âu, hỗ trợ các công ty nhỏ cạnh tranh với Big Tech.

    Kế hoạch ‘kìm cương’ Apple của Google cho thấy nỗ lực mà hãng này đặt ra trong công cuộc duy trì vị thế thống trị mảng tìm kiếm. Nó cũng bộc lộ cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ phức tạp giữa Google và Apple - đối thủ cạnh tranh mảng thiết bị, phần mềm tiêu dùng kiêm đối tác tiềm năng trong hoạt động kinh doanh quảng cáo suốt hơn 1 thập kỷ.

    Google 10 năm ‘chơi xấu giấu tay’: Cho Apple chục tỷ USD/năm nhưng âm thầm dìm Safari, vị thế ‘Vua tìm kiếm’ không thể bị phá vỡ - Ảnh 1.

    Mới đây, trong vụ kiện chống độc quyền mang tính bước ngoặt của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) nhằm vào Google, mối quan hệ mất thiết trên một lần nữa được nhắc lại. Google bị cáo buộc giữ thế độc quyền trong mảng tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo bởi cho dù người dùng có sử dụng iPhone, Samsung hay bất kỳ thương hiệu nào khác đi chăng nữa, mọi hoạt động duyệt web đều chủ yếu được thực hiện thông qua Google Search. Đây là sản phẩm hàng đầu của Google và quảng cáo đóng góp phần lớn cho tổng doanh thu.

    Ngoài ra, Google cũng được cho là đã chi hàng tỉ USD để các phần mềm trình duyệt Internet hoặc nhà sản xuất điện thoại như Apple, Mozilla, Samsung… coi mình là công cụ tìm kiếm mặc định. Năm 2020, WSJ ước tính thoả thuận giữa Google và Apple rơi vào khoảng 8-12 tỷ USD. Đến năm 2021, Google phải trả cho đối tác gần 15 tỷ USD và sang đến năm 2022 là 18-20 tỷ USD, theo Forbes. Thỏa thuận được cho là bất hợp pháp, đồng thời khiến các đối thủ cạnh tranh như Bing (Microsoft) ít được sử dụng và không thể thu đủ dữ liệu để cải thiện.

    “Các thỏa thuận mặc định của Google làm tăng chi phí chuyển đổi người dùng và do đó duy trì sự độc quyền của Google trong các dịch vụ tìm kiếm nói chung. Họ làm như vậy bằng cách thúc đẩy lợi thế quy mô và làm giảm khả năng cạnh tranh của các đối thủ tìm kiếm”, đại diện DOJ nói.

    Về phần mình, Google cho rằng Apple tự nguyện tìm đến mình vì tính ưu việt của công cụ này, chứ không phải vì họ bị ép phải chia sẻ doanh thu hay các nguyên nhân khác.

    “Các thỏa thuận phản ánh sự lựa chọn của trình duyệt và nhà sản xuất thiết bị dựa trên chất lượng dịch vụ của chúng tôi và sở thích của người tiêu dùng. Việc đó mang lại rất nhiều lợi ích và được hỗ trợ bởi luật chống độc quyền của Mỹ”, Giám đốc pháp lý Kent Walker phản bác.

    Nếu thua kiện, Google có thể sẽ bị áp một số giới hạn kinh doanh, chẳng hạn như vô hiệu hóa các thỏa thuận nêu trên với Apple, Samsung… Nhìn xa hơn, tập đoàn này sẽ ở trong tình cảnh giống Microsoft hồi năm 1998 - thời điểm Bộ Tư pháp giành chiến thắng vụ kiện chống độc quyền. Thất bại đã khiến Microsoft gặp khó khăn và bị Google và Facebook vượt mặt sau đó.

    Theo The New York Times, Google cho đến thời điểm hiện tại vẫn nỗ lực phản biện. Tập đoàn lập luận rằng công cụ tìm kiếm của mình phổ biến đơn giản nhờ chất lượng và sự đổi mới. Bản thân người dùng cũng có thể dễ dàng lựa chọn một mặc định khác trong cài đặt thiết bị nếu không muốn dùng Google Search.

    “Cạnh tranh trong ngành công nghệ rất khốc liệt. Ngày nay có nhiều hơn bao giờ hết cách để tìm kiếm thông tin và đó cũng là lý do vì sao các kỹ sư Google thực hiện hàng nghìn cải tiến mỗi năm”, Peter Schottenfels, phát ngôn viên của Google cho biết.

    Mùa thu năm ngoái, các giám đốc điều hành Google tìm cách giảm sự phụ thuộc vào trình duyệt Safari của Apple. Hiện chưa rõ quyết định cuối cùng được đưa ra là gì.

    Trước đó, Liên minh Châu Âu đưa ra Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, buộc các công ty công nghệ lớn mở nền tảng cho đối thủ cạnh tranh. Điều này có nghĩa người dùng sẽ được tự do lựa chọn sử dụng dịch vụ thay vì trải nghiệm mặc định.

    Theo đó, Apple có thể sẽ phải cho phép khách hàng châu Âu tải xuống các ứng dụng của đối thủ. Người dùng Apple mới ở khu vực này cũng sẽ được cung cấp tùy chọn chọn trình duyệt mặc định khác ngoài Safari.

    Google đã vận động hành lang, cố gắng phá vỡ hệ sinh thái phần mềm được kiểm soát chặt chẽ của Apple để có thể hút trọn người dùng từ Safari và Spotlight. Theo tính toán nội bộ, lượng người dùng iPhone tại châu Âu chọn Chrome có thể tăng gấp 3 lần, qua đó giúp Google tăng trưởng doanh thu và chi ít tiền hơn cho Apple.

    Google lo ngại Spotlight của Apple ngay từ những ngày đầu tính năng mới ra mắt. Vào năm 2014, một bài thuyết trình nội bộ cho thấy iOS 8 có thể tác động tiêu cực lên doanh thu Google.

    Trước đó, Apple đã chiêu mộ giám đốc điều hành tìm kiếm quyền lực của Google là John Giannandrea vào năm 2018, đồng thời mở rộng đội ngũ nhân viên giúp xây dựng hệ thống Spotlight hiệu quả. Cải tiến mới đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho chính Google.

    Dẫu vậy, Google trong ngắn hạn vẫn sẽ là công cụ tìm kiếm mặc định; đồng thời mỗi năm chi hàng chục tỷ USD cho Apple. Cả hai đều thoải mái về mặt tài chính, song đằng sau cái bắt tay tươi cười, Apple sẽ không ngừng tìm cách thay thế đối tác và ngược lại, bản thân Google cũng sẽ không dậm chân tại chỗ để rồi bị vượt mặt.

    Theo: The New York Times, Forbes

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ