Google đã triển khai một chương trình ít người biết đến nhằm khai thác sức mạnh trí óc của các nhà nghiên cứu danh tiếng từ Đại học California tới Harvard để giúp thúc đẩy các chính sách có lợi cho mình.
Mối quan hệ mập mờ
Google thu thập dữ liệu chuyên sâu từ hơn 1 tỷ người và sử dụng chúng để cá nhân hóa mọi thứ, từ kết quả tìm kiếm tới video gợi ý trên YouTube hay những quảng cáo trực tuyến mà bạn nhìn thấy khi lướt web. Sự kiểm soát quy mô lớn của Google về dữ liệu người dùng làm dấy lên câu hỏi về chống độc quyền.
Đầu năm ngoái, Daniel Sokol, giáo sư luật tại Đại học Florida , đã công bố một báo cáo khoa học cho rằng Google sử dụng dữ liệu người dùng là hợp pháp. “Chẳng có lý do gì để phải quan tâm tới vấn đề này”, Giáo sư Sokol kết luận sau khi nhấn mạnh ông và các đồng nghiệp không nhận bất cứ khoản tài trợ nào cho công trình nghiên cứu này.
“Nếu nhận tiền tài trợ, có lẽ tôi và các đồng tác giả đang nhấm nháp món cốc tai Mai Tais cùng gia đình và bạn bè trên một bãi biển ở Hawaii. Tuy nhiên, chúng tôi đã từ chối nó”, ông Sokolm, người có mối quan hệ tài chính khá rộng rãi với Google, chia sẻ.
Theo Nhật báo Phố Wall (WSJ), Giáo sư Sokol là luật sư bán thời gian tại công ty luật Wilson Sonsini Goodrich & Rosati ở Thung lũng Silicon và Google là một trong số những khách hàng. Đồng tác giả của ông trong báo cáo năm 2016 cũng là đối tác của công ty luật ông làm việc. Tuy nhiên, họ từ chối trả lời báo chí về vấn đề này.
Thông tin của tờ WSJ còn nhấn mạnh vào tháng 9/2013, ông Sokol đã làm việc với Rob Mahini, một luật sư cao cấp của Google để lên kế hoạch cho một cuộc hội thảo trực truyến về vấn đề bằng sáng chế. Ông Mahini lên danh sách những giáo sư tham gia và yêu cầu ông Sokol gửi lời mời tới họ. Khi quá trình thuyết phục gặp khó khăn, Sokol đã đề nghị Google đưa ra một số “khích lệ”.
Ông Sokol từ chối giải thích khích lệ ở đây là gì trong khi Google khẳng định họ không trả tiền để mời các giáo sư tham gia. Tuy nhiên, sau khi hội thảo kết thúc, một trợ lý của Google hỏi ông Sokol về hóa đơn. Câu trả lời là “5.000 USD, như lần trước”.
Chi tiền không tiếc tay cho các nghiên cứu khoa học
Trong thập kỷ qua, Google đã tài trợ chi phí cho hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học trong hàng loạt lĩnh vực khác nhau, với mức tiền dao động từ 5.000 đến 400.000 USD. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu còn cho phép Google tiếp cận các công trình trước khi chúng được công bố để gã khổng lồ này đưa ra những gợi ý chỉnh sửa. Tuy nhiên, không phải lúc nào các giáo sư danh tiếng cũng sửa theo ý Google dù phần lớn trong số họ từ chối tiết lộ các mối quan hệ tài chính giữa mình với gã khổng lồ công nghệ.
Giáo sư luật Paul J. Heald của Đại học Illinois đã đưa ra ý tưởng về bản quyền mà ông nghĩ sẽ hữu ích cho Google và nhận được khoản tiền tài trợ 18.830 USD. Trong báo cáo được xuất bản năm 2012, nhà tài trợ của Heald đã không được đề cập tới.
“Số tiền này không ảnh hưởng tới công việc của tôi vì Google không đưa ra bất cứ điều kiện nào. Họ bảo: ‘Nếu ông lấy 20.000 USD này để mở một cửa hàng bánh rán, chúng tôi cũng sẽ chẳng làm gì ngoài việc ngừng tài trợ cho ông bất cứ món tiền nào khác’”, Heald nhớ lại.
Theo hai cựu nhân viên của Google, trong đó có một người chuyên trách vận động hành lang, các quan chức Google ở Washington đã thu thập danh sách các nghiên cứu học thuật, bao gồm chủ đề, tóm tắt và dự trù ngân sách dành cho chúng trước khi tìm kiếm những người sẵn sàng tiến hành nghiên cứu đó.
Google quảng bá các nghiên cứu mà họ hỗ trợ tới các quan chức chính phủ và đôi khi là tài trợ chi phí đi lại cho các giáo sư để họ gặp gỡ trợ lý của các quan chức và nói về nghiên cứu đó. Ví dụ, một nghiên cứu đã được Google sử dụng để tự vệ sau cáo buộc độc quyền của Uỷ ban Thương mại Liên bang năm 2012.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cách thức này của Google cũng thành công. Tháng trước, các nhà quản lý châu Âu đã đưa ra án phạt kỷ lục 2,71 tỷ USD cho Google vì cố tình gây bất lợi cho đối thủ bằng việc hạn chế hiển thị thông tin về đối phương trong kết quả tìm kiếm của mình. Google phủ nhận mọi cáo buộc.
Nước cờ tinh vi và hiệu quả
Việc tài trợ cho các nghiên cứu nhằm thu về kết quả thuận lợi phục vụ quá trình vận động hành lang đang tỏ ra khá hiệu quả ở Washington D.C, nơi vẫn được coi là sân sau của Thung lũng Silicon. Thành quả của quá trình này là những chính sách có lợi cho Google. Tuy nhiên, khả năng vận động hành lang của Google đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ và ngày càng khó phát hiện.
Nói về việc hỗ trợ các nghiên cứu, Google cho rằng: “Kể từ khi ra đời, chúng tôi luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học và viện nghiên cứu đồng thời đánh giá cao sự độc lập và toàn vẹn của họ. Chúng tôi rất vui khi hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học máy tính và các vấn đề về chính sách, trong đó có bản quyền, tự do ngôn luận và giám sát cũng như hỗ trợ tăng cường tiếng nói ủng hộ các nguyên tắc của một môi trường Internet mở”.
Hiện tại, Google kiếm được gần 80 tỷ USD mỗi năm thông qua việc bán quảng cáo, chủ yếu trên 7 sản phẩm thu hút hơn 1 tỷ người dùng mỗi tháng bao gồm Gmail, YouTube và Google Maps. Công cụ tìm kiếm của Google xử lý hơn 90% số lượt tìm kiếm trực tuyến toàn cầu. Hệ điều hành Android dự kiến sẽ được dùng trên 1,3 trong tổng số 1,5 tỷ điện thoại thông minh được bán trong năm nay.
Thông qua các sản phẩm khác nhau, Google thu thập thông tin sâu rộng của người dùng, ghi lại từ lịch sử tìm kiếm đến các mối quan hệ, chỗ ở hãy mối quan tâm…. Thông tin người dùng nhiều tới mức chính bản thân Google cũng không biết hết được quy mô của chúng. Tuy nhiên, Google tài trợ cho các giáo sư đưa ra nghiên cứu cho rằng việc thu thập dữ liệu người dùng là “trao đổi công bằng” cho những dịch vụ miễn phí mà gã khổng lồ này cung cấp.
Google cũng tài trợ cho 100 nghiên cứu về vấn đề chính sách công từ năm 2009, được thực hiện bởi nhiều tác giả khác nhau, từ nhóm tư vấn, trung tâm nghiên cứu tới các trường đại học. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này không tiết lộ công ty hỗ trợ tài chính phía sau trong khi số tiền dao động từ 5.000 tới 400.000 USD, quá nhỏ so với Google.
Tuy nhiên, cái giá mà các nhà nghiên cứu phải trả đắt hơn thế nhiều. Trong một bài viết trên tạp chí khoa học của trường Harvard, Robin Feldman, giáo sư Đại học California, nhấn mạnh việc nhận các khoản tiền tài trợ của những công ty như Google có thể khiến các nhà khoa học trở thành những người vận động hành lang thay vì là các học giả.
Bà Feldman và các nhà phê bình khác cho rằng việc nhận tiền từ một công ty được lợi từ quá trình nghiên cứu có thể cho thấy sự xung đột lợi ích và làm giảm uy tín học thuật. Daniel Crane, giáo sư luật trường Đại học Michigan, cũng nhận định: “Tiền là tốt nhưng nó cần kiếm được trong quá trình nghiên cứu khách quan”. Giữ quan điểm này, Crane đã từ chối lời đề nghị tài trợ của Google cho nghiên cứu chống lại các quy định chống độc quyền của các công cụ tìm kiếm trên Internet.
Trả tiền cho các nghiên cứu học thuật từ lâu đã là công cụ gây ảnh hưởng của các tập đoàn Mỹ trong ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và dầu mỏ. Hàng loạt bê bối liên quan tới những kết quả nghiên cứu mâu thuẫn trong y học khiến nhiều tạp chí chuyên ngành, các viện nghiên cứu và trường Y yêu cầu công khai danh tính công ty và số tiền họ tài trợ cho các nghiên cứu. Các nhà tài trợ cũng bị cấm hoàn toàn việc can thiệp vào các công trình.
Ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ cũng đang trong giai đoạn bùng nổ và những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này cũng mạnh tay tài trợ cho các nghiên cứu khoa học, nhằm phục vụ lợi ích của mình hoặc tấn công đối thủ. Microsoft tài trợ cho nghiên cứu của giáo sư Harvard Ben Edelman, tác giả của công trình nghiên cứu cáo buộc Google lạm dụng sự thống trị của mình trên Internet.
Nhà sản xuất chip Qualcomm thì tài trợ cho những nghiên cứu nhằm tạo lợi thế cho cuộc chiến pháp lý chống lại Google trong lĩnh vực bằng sáng chế. Trong khi đó, các công ty viễn thông như Verizon Communications Inc. và AT&T Inc. cũng tài trợ cho các nghiên cứu chống lại Google. Tuy nhiên, họ từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan tới quá trình này.
Dù là nạn nhân của nhiều đòn công kích nhưng Google thực sự là bậc thầy trong việc tận dụng những bộ óc ưu việt. Thông qua quá trình tìm kiếm và tài trợ cho những giáo sư cùng quan điểm, chương trình của Google được đánh giá là tinh vi nhất trong ngành công nghiệp công nghệ cao. Gã khổng lồ này không chỉ tài trợ cho nghiên cứu mà còn chi tiền cho các hội nghị, tổ chức nghiên cứu độc lập hay các nhóm thương mại để thu về lợi ích lâu dài.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín