Hạnh phúc quá chưa hẳn đã hay, khoa học chứng minh nó làm giảm sự sáng tạo của bạn đấy

    Lưu An,  

    Nếu có những lúc bạn phải nhăn trán cau có, thì đó cũng là cái giá phải trả cho sự sáng tạo hay thành công của một thiên tài.

    Các tập đoàn lớn thường cho rằng cách tốt nhất để tăng cường sự sáng tạo cho nhân viên là làm cho họ cảm thấy hạnh phúc với công việc. Vì thế, nhiều công ty đã tuyển hẳn vị trí chuyên nghiệp… Giám đốc Hạnh phúc.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định rằng sáng tạo đòi hỏi sự kiên trì và kỹ năng giải quyết vấn đề, chứ không phải hạnh phúc.

    Sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu về sự sáng tạo trong các lĩnh vực khác nhau, nhà khoa học Anna Jordanous đến từ trường đại học Kent và nhà ngôn ngữ học Bill Keller đến từ đại học Sussex (Anh) đã đưa ra 14 yếu tố cấu thành sự sáng tạo. Điều đáng tiếc là hạnh phúc không nằm trong số đó!

    Quá trình sáng tạo khá phức tạp. Và 14 yếu tố cấu thành phải làm việc cùng nhau, không có yếu tố nào quan trọng hơn yếu tố nào, nhưng mức độ đóng góp của chúng tác động đến mỗi quy trình hoặc lĩnh vực sáng tạo khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi người trong từng lĩnh vực nhất định.

    Trong khi đó, nhà tâm lý học Mark Davis đến từ trường đại học Bắc Texas lại chia quá trình sáng tạo thành 2 giai đoạn: giai đoạn hình thành ý tưởng và giai đoạn giải quyết vấn đề sau đó.

    Nghiên cứu về mối quan hệ giữa cảm xúc và sự sáng tạo, nhà khoa học này kết luận rằng tâm trạng vui vẻ sẽ có tác động tốt đến quá trình động não, xử lý thông tin và đưa ra ý tưởng. Tuy nhiên, bạn lại không muốn đánh giá hay phán xét các ý tưởng bởi nó sẽ làm kiềm chế sự sáng tạo.

    Tính nguyên tắc và chặt chẽ là chìa khóa để vượt qua trở ngại và hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tâm trạng tốt lại không thể giúp bạn giải quyết vấn đề vì khi đó bạn không đánh giá chính xác được các phương án. Áp lực rất khó chịu nhưng đó mới chính là động lực thúc đẩy chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Hay nói cách khác, tâm trạng tồi tệ mới thực sự có lợi cho quá trình sáng tạo.

    Tương tự, hai giáo sư tâm lý học Jennifer George và Jing Zhou đến từ trường đại học Rice cũng phát hiện ra rằng thử thách không nhất thiết làm cho con người hạnh phúc, nhưng nó sẽ khiến họ làm việc sáng tạo hơn. Lý do là vì khi tâm trạng tồi tê, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những dấu hiệu của vấn đề và tìm cách để giải quyết chúng.

    Một nghiên cứu trên 160 nhân viên đến từ nhiều công ty khác nhau cho thấy những người hạnh phúc hơn và có ông chủ tâm lý lại làm việc kém sáng tạo hơn so với những người có tâm trạng phức tạp và ông chủ khó tính.

    Tất nhiên, kết luận này không đồng nghĩa với việc bạn phải sống bi quan và luôn ở trong trạng thái tồi tệ mới tìm thấy sự sáng tạo. Emma Seppala – Giám đốc sáng tạo tại trung tâm nghiên cứu thuộc đại học Stanford giải thích rằng “Cường độ cảm xúc tích cực quá cao có thể sẽ phải đánh đổi bằng cảm xúc tiêu cực lớn hơn”.

    Amy Arnsten – một nhà nghiên cứu về thần kinh học đến từ trường Y khoa thuộc đại học Yale nói rằng, để duy trì chức năng não tối ưu cho sự sáng tạo, kiểm soát tâm trạng là điều cực kì cần thiết, không được quá hạnh phúc nhưng cũng không được cố tình tạo ra sự căng thẳng. Áp lực cảm xúc quá mãnh liệt, dù tiêu cực hay tích cực, cũng có thể gây rối loạn chức năng ở võ não phía trước và cản trở sự sáng tạo.

    Cụ thể, vỏ não phía trước phản ứng với cảm xúc bằng cách tiết ra các dopamine có lợi cho sự sáng tạo. Nhưng để đánh giá chính xác công việc và quá trình giải quyết vấn đề, bộ não cần một chút áp lực. Tâm trạng quá tốt có thể làm bạn quá tự tin và không nhìn thấy được vấn đề ẩn chứa đằng sau đó.

    Bên cạnh đó, Arnsten cũng giải thích rằng khi bạn cảm thấy nhiệm vụ này rất dễ hoàn thành, bạn sẽ không bị áp lực và khiến vỏ não phía trước không phải làm việc. Ngược lại, khi cảm thấy chưa chắc chắc hoặc không hạnh phúc, bạn sẽ có động lực và tiếp tục tìm ra giải pháp cho vấn đề.

    Cố gắng giải quyết vấn đề có thể khiến bạn cảm thấy bực bội, mệt mỏi, thậm chí giận dữ. Nhưng những cảm giác tồi tệ này sẽ có ích cho bạn, giúp bạn nhìn thấy ý tưởng. Vì vậy, nếu có những lúc bạn phải nhăn trán cau có, thì đó cũng là cái giá phải trả cho sự sáng tạo hay thành công của một thiên tài.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ