Hỏi khó: một quả trứng khủng long mất bao lâu để nở? Cuối cùng chúng ta cũng có câu trả lời
Bằng công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học đã nghiên cứu mẫu phôi thai hóa thạch, từ đó hiểu hơn về tập tính sống cũng như nguyên nhân tuyệt chủng của khủng long - loài động vật đã từng thống trị Trái đất thời cổ đại.
Khủng long, dù to lớn đến đâu, cũng chỉ là một loài bò sát, tức là chúng đẻ trứng. Và câu hỏi đặt ra là quả trứng của loài vật "vĩ đại" này cần bao lâu để nở.
Những câu hỏi được đặt ra
Các nhà khoa học đến từ ĐH Bang Florida của Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu đăng trên tạp chí "Proceedings of the National Academy of Sciences", để xác định thời gian nở của một trứng khủng long.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Greygory Erickson giải thích trong một cuộc họp báo: "Chúng ta gần như không biết bất cứ điều gì về sự sống của phôi khủng long cả."
"Có phải trứng được ấp chậm chạp giống như ở họ hàng bò sát của chúng - cá sấu và thằn lằn chẳng hạn? Hay với tốc độ nhanh hơn nhiều như ở loài chim?".
Nhờ vào mẫu hóa thạch phôi cực hiếm của khủng long cùng công nghệ hiện đại, Erickson và nhóm của ông đã tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi trên.
Phương pháp nghiên cứu trên kính hiển vi
Đầu tiên, các nhà khoa học những mẫu phôi hóa thạch từ 2 loài khủng long: Protoceratops (loài này có kích cỡ của một con vịt với trứng rất nhỏ nặng khoảng 194 gram), và một loài khổng lồ Hypacrosaurus (trứng của chúng nặng tới 4kg).
Tiếp theo, họ tiến hành chụp cắt lớp hình ảnh bộ hàm của phôi, để có một cái nhìn rõ hơn về sự hình thành răng. Sau đó, họ tách lấy một số lượng vừa đủ những chiếc răng riêng lẻ để nghiên cứu dưới một kính hiển vi siêu hiện đại.
Trong quá trình phôi thai đang phát triển, răng xuất hiện những đường tròn khác nhau mỗi ngày, và nhờ vậy các nhà khoa học mới có thể xác định được tuổi của phôi.
Với phương pháp này, các nhà khoa học đã xác định được trứng của Protoceratops mất 3 tháng để nở, trong khi thời gian đó ở Hypacrosaurus là 6 tháng.
Và những giả thuyết được đưa ra
Đầu tiên, để trả lời cho câu hỏi mà Erickson đặt ra, nghiên cứu này ủng hộ quan điểm sự phát triển của trứng khủng long gần với lớp bò sát hơn là chim. Lí do là vì đa số trứng của chim được ấp trong thời gian rất ngắn, từ 11 ngày đến 2 tháng.
Thứ hai, nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện về phôi thai đã đưa ra những phản bác đối với giả thuyết về sự di cư của khủng long. Họ cho rằng khủng long trải qua mùa hạ ở vùng cực và mùa đông ở miền Nam Canada.
Đây là một cuộc hành trình không thể thực hiện được vì khủng long phải mất một khoảng thời gian dài để trứng nở, và đợi cho con non trưởng thành, "đủ lông đủ cánh" thì mới di cư được.
Quan trọng nhất, nghiên cứu đã chỉ ra thêm một số thông tin về sự tuyệt chủng của khủng long. "Chúng tôi nghi ngờ rằng những khám phá này mang ý nghĩa to lớn để hiểu vì sao khủng long bị tuyệt chủng tại cuối kỷ Creta, trong khi các loài lưỡng cư, chim, động vật có vú và những loài bò sát khác lại sống sót." - Erickson cho biết.
Chính thời gian ấp trứng chậm chạp cùng với khoảng hơn 1 năm để con non trưởng thành khiến cho khủng long bị bất lợi hơn so với những loài động vật còn sống sót sau cuộc đại tuyệt chủng.
Theo Trí thức trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời