Huawei: Từ ông trùm số 1 thế giới về điện thoại Android, giờ phải đi đào mỏ, bán xe, miệng nói ‘chúng tôi vẫn ổn’ dù lợi nhuận giảm kỷ lục

    Băng Băng, markettimes.vn 

    “Hoa mận thường nở rộ sau mùa đông giá lạnh”, chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei ví von dù lợi nhuận giảm đến 70%.

    Huawei: Từ ông trùm số 1 thế giới về điện thoại Android, giờ phải đi đào mỏ, bán xe, miệng nói ‘chúng tôi vẫn ổn’ dù lợi nhuận giảm kỷ lục - Ảnh 1.

    Hãng tin CNN cho biết tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc cho biết họ “vẫn ổn” và đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh ngày 31/3/2023 vừa qua. Trớ trêu thay, lợi nhuận của tập đoàn này lại giảm đến gần 70% xuống chỉ còn 35,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 5,2 tỷ USD, phá vỡ mức kỷ lục của năm 2011.

    Phía Huawei cho biết tình hình kinh doanh đang có chuyển biến tốt khi tập đoàn thay thế những linh kiện chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận công nghệ của Mỹ bằng các bộ phận thay thế nhờ chi hàng tỷ USD cho mảng nghiên cứu.

    Trong báo cáo, doanh thu của Huawei chỉ tăng nhẹ 0,9% lên 642,3 tỷ Nhân dân tệ năm 2022, qua đó cho thấy thương hiệu này đã ổn định được tình hình sau khi bị Mỹ cho vào danh sách kiểm soát nhập khẩu vào năm 2019, qua đó tác động xấu đến mảng kinh doanh điện thoại của hãng.

    Dẫu vậy, thị trường viễn thông 5G mới là mảng tổn thất nặng nhất của Huawei khi lợi nhuận thuần chỉ đạt 35,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 5,18 tỷ USD, giảm đến 2/3 so với cùng kỳ năm 2021.

    Đà giảm này được cho là cũng phá vỡ kỷ lục 44% của năm 2020 khi mảng 5G của Huawei bắt đầu bị Phương Tây tẩy chay.

    Huawei: Từ ông trùm số 1 thế giới về điện thoại Android, giờ phải đi đào mỏ, bán xe, miệng nói ‘chúng tôi vẫn ổn’ dù lợi nhuận giảm kỷ lục - Ảnh 2.

    Nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi

    Thậm chí chính những giám đốc cấp cao của Huawei cũng đã từng phải thừa nhận công ty bị dồn đến “bước đường cùng” và phải tìm mọi cách để sống sót sau khi chính quyền Washington hạn chế nguồn cung chip cũng như các thiết bị, linh kiện, máy móc liên quan cho tập đoàn này.

    “Năm 2022 là năm chúng tôi thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Chúng tôi đã trở lại kinh doanh như bình thường”, giám đốc tài chính Meng Wanzhou của Huawei, đồng thời là con của nhà sáng lập Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), cho biết.

    Trong khi đó, hãng tin CNBC thì cho biết đà hồi phục lợi nhuận trước đó năm 2021 của Huawei chủ yếu là do tập đoàn bán đi mảng sản xuất di động Honor cho nhiều người mua khác nhau để lấy vốn “sống sót”.

    Đồng thời, phía Huawei cũng nhận định 2 năm đại dịch tại Trung Quốc đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả kinh doanh và làm lợi nhuận giảm sút.

    “Năm 2022, điều kiện kinh doanh đầy thách thức cùng những yếu tố phi thị trường tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của Huawei”, chủ tịch luân phiên Eric Xu tuyên bố trong một thông cáo báo chí.

    Hãng tin CNN nhận định dù doanh thu vẫn tăng trưởng nhẹ nhưng con số này kém quá xa so với thời khoảng kim 891,3 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 129,72 tỷ USD năm 2019, mức cao kỷ lục khi Huawei vẫn là nhà sản xuất smarphone hệ Android lớn nhất thế giới. Đó là chưa kể việc phải bán bớt mảng kinh doanh của mình năm 2021 để gom tiền chống đỡ khó khăn.

    Thời hoàng kim đã xa

    Trước đó vào năm 2019, Mỹ đã từng cáo buộc Huawei gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng bằng những thiết bị của mình. Tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi bà Meng, con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, bị bắt và giam lỏng 3 năm tại Canada vì cáo buộc liên quan đến bán thiết bị cho Iraq, qua đó vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

    Mặc dù cáo buộc này đã bị bãi bỏ và bà Meng cũng đã trở về Trung Quốc vào năm 2021 nhưng những rào cản nhằm vào Huawei thì chưa bị dỡ bỏ.

    Hãng tin CNBC cho biết trong khoảng 2019-2020 hàng loạt những công nghệ của Mỹ như hệ thống Android của Google, các thiết bị bán dẫn...đã bị cấm với Huawei. Điều này đã biến tập đoàn từ một trong những ông trùm công nghệ thế giới lâm vào cảnh khó khăn, đồng thời tàn phá nặng nề mảng kinh doanh smartphone của nhà sản xuất điện thoại Android số 1 thế giới.

    Huawei: Từ ông trùm số 1 thế giới về điện thoại Android, giờ phải đi đào mỏ, bán xe, miệng nói ‘chúng tôi vẫn ổn’ dù lợi nhuận giảm kỷ lục - Ảnh 3.

    Năm 2022, dù ảnh hưởng đã dịu đi đôi chút nhưng mảng kinh doanh hàng tiêu dùng bao gồm smartphone của Huawei vẫn giảm hơn 11% doanh thu xuống chỉ còn 214,5 tỷ Nhân dân tệ.

    Theo CNBC, Huawei vẫn sản xuất smartphone cùng các sản phẩm liên quan như đồng hồ đeo tay thông minh, nhưng hãng gặp khó khăn rất lớn khi cố gắng bán chúng ra thị trường quốc tế vì không thể sử dụng hệ điều hành Android vốn cực kỳ thông dụng.

    Mặc dù Huawei tự phát triển hệ thống phần mềm HarmonyOS và quảng bá đã có 330 triệu thiết bị tải xuống tính đến cuối năm 2022, tăng 113% so với cùng kỳ năm trước nhưng chúng vẫn là cái tên vô danh bên ngoài thị trường Trung Quốc.

    Trong mảng thiết bị viễn thông, doanh thu của hãng đạt 284 tỷ Nhân dân tệ, tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm trước, khả quan hơn so với đà giảm mạnh của năm 2021. Tuy nhiên với việc Mỹ cùng các đồng minh cố gắng cấm vận Huawei cùng công nghệ 5G của hãng thì việc kinh doanh vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

    Phải đi đào mỏ, bán xe

    Việc trở thành mục tiêu nhắm tới của Mỹ tương tự như những gì đang diễn ra với Tiktok đã buộc Huawei phải đa dạng hóa kinh doanh, chuyển sang những mảng mới như điện toán đám mây, sản xuất ô tô...

    Báo cáo của Huawei cho thấy doanh thu mảng điện toán đám mây đạt 45,3 tỷ Nhân dân tệ năm 2022 và đây là lần đầu tiên hãng tách số liệu của mảng này ra báo cáo riêng. Tập đoàn cũng đang hướng đến mở rộng sang mảng tài chính và khai khoáng để tìm đường sống bên cạnh ngành công nghệ.

    Ngoài ra, Huawei cũng hợp tác với hãng xe hơi Seres để đi bán xe khi cho biết đổ 3 tỷ USD vào liên doanh này từ năm 2019 đến nay. Hiện dự án đang có khoảng 7.000 nhân viên nghiên cứu.

    Huawei: Từ ông trùm số 1 thế giới về điện thoại Android, giờ phải đi đào mỏ, bán xe, miệng nói ‘chúng tôi vẫn ổn’ dù lợi nhuận giảm kỷ lục - Ảnh 4.

    Bà Meng Wanzhou

    Hoa mận sẽ nở?

    Hiện Huawei đang thực hiện thông lệ thay phiên chủ tịch mỗi 6 tháng và bà Meng sẽ lên nắm quyền vào tháng 4/2023.

    Với những rào cản về thiết bị và linh kiện hiện nay của Mỹ, Huawei đang phải đổ rất nhiều tiền cho tự nghiên cứu phát triển.

    Số liệu cho thấy chi phí nghiên cứu (R&D) của hãng đã tăng 13,2% lên mức 161,5 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 23,5 tỷ USD và bằng ¼ doanh thu của công ty, mức cao nhất trong lịch sử hãng.

    Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết nhờ lượng đầu tư lớn chi tự nghiên cứu mà khoảng 13.000 thiết bị, linh kiện của hãng vốn phải nhập từ Mỹ thì nay đã được thay thế tính đến tháng 2/2023.

    “Hoa mận thường nở rộ sau mùa đông giá lạnh, Huawei hiện cũng giống như những bông hoa mận”, chủ tịch luân phiên Eric Xu ví von.

    *Nguồn: Bloomberg, CNBC, CNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ