Flash nhường ngôi cho HTML5: Đã đến lúc các nhà quảng cáo phải thay đổi!

    Dee Tee,  

    Ngày phán xét của Flash đã điểm khi lần lượt Google hay Mozilla chính thức quay lưng, giờ đây những câu hỏi đang đặt ra cho nhà quảng cáo hiển hiện rõ ràng: thay đổi như thế nào?

    Cách đây 5 năm, không ai trong chúng ta có thể sử dụng Internet một cách bình thường mà không có Flash. Chúng ta không thể xem phim, không thể chơi game nền web, thậm chí một vài trang web còn yêu cầu máy tính bạn phải cài đặt Flash Player nếu muốn truy cập. Nhưng tới hôm nay, thế giới Internet đã có những sự thay đổi lớn và Flash đang là thứ bị dần loại bỏ.

    Sau 2 thập kỉ phát triển, ngày mà Flash biến mất đã không còn xa.

    Kẻ đã đẩy Flash tới vực thẳm không ai khác, chính là HTML5. Ngôn ngữ lập trình HTML từ lâu đã trở thành phần không thể thiếu trong thế giới mạng, nó hiện hữu trong hầu hết các trang web và cả các ngôn ngữ lập trình khác. Khi HTML5 ra mắt, nó trở thành một bước đột phát nền tảng này, với những ưu điểm vượt trội, dần dần nó đã khiến Flash mất đi chỗ đứng sau gần 2 thập kỷ thống trị.

    1. Tại sao HTML5 ưu việt hơn Flash?

    Có lẽ hầu hết chúng ta đều bị trình duyệt yêu cầu cài đặt plug-in để phát một nội dung nào đó khi tải trang web. Đó là thời mà Flash hiện hữu tại tất cả ngóc ngách trên Internet. Đúng thế, Flash Player trên nền web cần tới plug-in để có thể chạy bình thường. Điều này trở thành một rắc rối không hề nhỏ khi các thiết bị điện thoại thông minh trở nên bùng nổ.

    Hãy nhớ lại thời điểm năm 2008, khi mà các mẫu máy cao cấp của Nokia lúc đó vẫn đang sử dụng hệ điều hành Symbian. Khi đó, việc sử dụng web trên di động gần như là không thể, thay vào đó, chúng ta chỉ có thể dùng các trang wap, những phiên bản rút gọn cho di động. Lý do cho vấn đề này tới từ chính Flash, Flash xuất hiện cực nhiều trên các trang web, và yêu cầu plug-in để sử dụng, thứ mà các thiết bị di động thời điểm đó không thể cài đặt.

    Sau đó, với việc Apple ra mắt iPhone và Google giới thiệu nền tảng hệ điều hành thông minh Android dành cho di động, những vấn đề đó nói trên đã được giải quyết nhưng chưa triệt để. Sử dụng plug-in để hoạt động, Flash yêu cầu rất nhiều tài nguyên phần cứng, dẫn tới tiêu tốn điện năng và khiến thiết bị hoạt động chậm chạm, đặc biệt khi đó các thiết bị di động và máy tính cá nhân đều sở hữu cấu hình khá khiêm tốn.

    HTML5 chạy tốt trên tất cả mọi môi trường, phủ rộng hơn Flash.

    HTML5 đã trở thành cứu cánh cho tất cả các vấn đề trên. Ngôn ngữ HTML từ lâu đã được coi là ngôn ngữ lập trình duy nhất tương thích với tất cả các trình duyệt. Điều này giải quyết được vấn đề đồng bộ hóa nội dung trên máy tính và các thiết bị di động, sử dụng nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau. Với HTML5, các nội dung từ âm thanh tới video đều có thể xử lý ngay trên nền web mà không cần cài thêm bất cứ plug-in bổ sung nào, các thiết bị di động giờ đây sẽ dễ dàng hơn trong việc truy cập nhiều nội dung số khác nhau qua trình duyệt.

    Như đã nói ở trên, Flash khiến máy chậm đi rất nhiều, kèm theo đó là tiêu tốn điện năng, ảnh hưởng rất nhiều tới thời lượng sử dụng pin của thiết bị di động. HTML5 thì ngược lại, nhẹ nhàng và sử dụng ít tài nguyên phần cứng, qua đó điện năng được sử dụng hiệu quả hơn, một điều vô cùng quan trọng.

    Dù tên là "Flash", cùng tên với một nhân vật truyện tranh chạy cực nhanh, nhưng Flash Player đang bị HTML5 bỏ xa lại phía sau, cả về tốc độ lẫn các tiện ích.

    2. Flash bị cả thế giới quay lưng

    Khi một thứ không còn làm tốt công việc của nó, quy trình đào thải sẽ bắt đầu. Dù đã cống hiến hơn 10 năm cho người dùng, nhưng quy luật "có mới nới cũ" chưa bao giờ đúng đến thế, các nhà phát triển và người dùng lần lượt quay lưng lại với nền tảng này.

    Steve Jobs là người tung cú đấm đầu tiên vào mặt Flash. Năm 2010, cố CEO của Apple thông báo sẽ dừng hỗ trợ Flash Player trên các thiết bị iPhone, iPod và iPad của hãng. Không khó để lí giải quyết định này của Apple, Flash có quá nhiều nhược điểm, và nó sẽ làm ảnh hưởng lớn tới hệ điều hành iOS.

    Sau Apple, đến lượt Google và Mozilla quay lưng với Flash.

    Trong khi Apple hướng hệ điều hành của mình tới sự nhẹ nhàng và mượt mà, đặt trải nghiệm người dùng lên trên hết, thì Flash lại là một con sâu đục khoét tài nguyên phần cứng trên các thiết bị của hãng. Nó làm máy chậm hơn khi duyệt web, làm pin tụt nhanh hơn cùng với những vấn đề về bảo mât.

    Sau iOS, tới lượt Android cũng đã nghỉ chơi cùng nền tảng này từ phiên bảng Android 4.1 năm 2012. Lúc này, người dùng bắt đầu cảm nhận được sự chuyển mình của thế giới Internet. Những người làm web buộc phải thay đổi để tồn tại. Người ta bắt đầu sử dụng HTML5 cả trên nền web lẫn phiên bản di động, để đảm bảo được sự đồng bộ và trải nghiệm người dùng.

    Flash chưa chết hẳn, Youtube vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng của Adobe cho tới tận đầu năm 2015 rồi quay sang dùng HTML5. Vụ việc hacker lợi dụng lỗ hổng bảo mật của Flash để tấn công mới đây được coi là cú đấm knockout, dẫn tới ngày tàn của nền tảng này. Các trình duyệt lớn như Firefox hay Chrome đều đã xem xét và dừng hoàn toàn việc hỗ trợ Flash trong thời gian ngắn tới đây. Với việc bị những trình duyệt này ngừng hỗ trợ, Flash gần như sẽ biến mất khỏi thế giới mạng.

    3. Flash "chết", những người làm quảng cáo cũng lao đao

    Như đã biết, Flash từng đóng vai trò tối quan trọng trong thế giới mạng, khi nó "vào vai" mọi thành phần của một trang web, từ các nội dung số cho tới banner quảng cáo. Flash dừng hoạt động, các banner quảng cáo kiểu cũ cũng chết theo. Dễ hiểu hơn, các quảng cáo sử dụng Flash không được trình duyệt hiển thị, lợi nhuận từ việc quảng cáo trên các trang web cũng sẽ không còn. Ngay cả khi, ở đâu đó, những banner quảng cáo chạy trên nền Flash còn hoạt động, Google cũng đã đưa ra thông cáo sẽ loại bỏ các quảng cáo này ra khỏi hệ thống AdWord của mình.

    Flash cùng VPAID (tiêu chuẩn giúp kết nối nội dung quảng cáo với trình phát video trên web) đã cùng nhau trải qua thời đại huy hoàng của mình. Người làm video từng phải dựa vào 2 thứ đó để tạo ra lợi nhuận từ các sản phẩm của mình Nhưng với đà thay đổi như hiện nay, những người làm quảng cáo cũng cần bắt kịp và thay đổi chính mình.

    Chặn Flash đồng nghĩa với quảng cáo không chạy được.

    Chuyển đổi sang sử dụng một nền tảng mới không phải là dễ nhưng cũng chẳng quá khó khăn. Nếu sớm sử dụng HTML5 và tận dụng được những ưu điểm của nó, sau cùng những người làm quảng cáo sẽ là người được lợi nhiều nhất. Một trang web sử dụng HMLT5 thân thiện với người dùng hơn rất nhiều so với nền tảng cũ, điều này dẫn đến cơ hội thu hút người xem và gắn bó lâu dài với trang web của bạn. Đặc biệt với người dùng các thiết bị di động, những người đang chiếm một phần lớn trong miếng bánh Internet, họ là những đối tượng khá nhạy cảm và luôn cần được chăm sóc tận tình nhất.

    HTML5 tạo ra trải nghiệm tốt, trải nghiệm tốt thu hút người xem, người xem sẽ tạo ra tiền cho người làm quảng cáo!

    4. Bắt buộc phải thay đổi để phù hợp xu thế nhưng kẻ thích ứng nhanh sẽ chiến thắng

    Việc Google "đạp" quảng cáo Flash ra khỏi hệ thống Google AdWord đồng thời ra mắt công cũ giúp chuyển đổi các quảng cáo từ nền tảng cũ sang HTML5 đã cho thấy đây là thời điểm, dù muốn hay không, những người làm quảng cáo cũng phải chia tay với Flash.

    Vậy việc chuyển đổi sẽ diễn ra như thế nào? Nhìn chung, các nhà quảng cáo sẽ bắt buộc phải chuyển sang làm banner bằng công nghệ HTML5.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện cho Admicro, đơn vị quảng cáo số hàng đầu Việt Nam cho biết đã nắm bắt được xu hướng, và đã ngay lập tức có những bước thay đổi nhằm phục vụ lợi ích cho chính khách hàng đặt mua quảng cáo cũng như nâng cao trải nghiệm người dùng. Trước mắt Admicro đã thực hiện ngay việc sản xuất banner gốc bằng HTML5, đây là hướng đi hợp lý nhất trong hoàn cảnh hiện tại.

    Nhờ đã nghiên cứu công nghệ mới trong một thời gian dài trước đó để chuẩn bị cho "ngày phán xét" của Flash, Admicro đã, đang và liên tục sản xuất banner HTML5 cho khách hàng một cách nhanh chóng và đẹp mắt.

    Trong 3 tháng đầu tiên, Admicro sẽ miễn phí cho khách hàng chuyển đổi sang banner HTML5.

    Lời kết

    Cái chết của Flash đã được báo trước từ rất lâu. Sau 2 thập kỉ cống hiến, Flash đã không còn theo kịp xu hướng phát triển và dần bị tụt hậu. Trong tương lai, chúng ta sẽ có một thế giới Internet thân thiện hơn, mang theo những cơ hội mới dành cho người làm quảng cáo, những người tức thời biết thay đổi đúng lúc.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ