Tại sao chúng ta cứ lo ngại robot sẽ giết hại loài người?

    Dee Tee,  

    Hay chính chúng ta, không phải ai khác mới đang đổ tội lỗi cho robot?

    Ngày 1/7 vừa qua, một người đàn ông xấu số đã chết do tai nạn lao động khi đang vận hành máy móc tại một nhà máy chế tạo xe Volkswagen ở Đức. Theo lẽ thường, với thực tế tai nạn công nghiệp là vấn đề hết sức phổ biến với khoảng 4000 trường hợp tử vong mỗi năm chỉ riêng tại Mỹ, vụ việc này lẽ ra sẽ ít có khả năng “tạo sóng” dư luận.

    Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, cả thế giới đã biết đến sự việc này. Điều này quả thực khó tránh khỏi khi thủ phạm gây ra cái chết chính là một robot của nhà máy. Thông tin được lan truyền nhanh chóng trên mạng với tiêu đề được biến thể theo hàng nghìn cách khác nhau, xoay quanh vấn đề “robot giết người”.

    Cần phải nói thêm là "nhân vật" robot đang bị buộc tội vốn đơn thuần chỉ là một bộ phận đơn lẻ trong cả một hệ thống máy móc vận hành, cụ thể hơn là một cánh tay khổng lồ được thiết kế để hoạt động trong một lồng bảo vệ nhằm ngăn cách khỏi con người. Thêm vào đó, theo đánh giá sơ bộ, chính người công nhân kia mới là người có lỗi.

    Ngoài ra, kể từ tai nạn chết người do robot gây ra được ghi nhận vào năm 1979, chúng ta rất hiếm khi thấy những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra trong hàng chục năm về sau. Điều đáng nói là nếu căn cứ vào số vụ gây chết người hàng năm, thì nhà vệ sinh, quần dài và trò chơi đu quay Zipper mới là những kẻ "sát nhân” man rợ hơn cả robot.

    Tuy vậy, thực tế đáng buồn là chúng ta chỉ thấy những gì ta muốn thấy. Trước mắt chúng ta bây giờ chỉ còn tồn tại những con robot hủy diệt.

    Nam tài tử Arnold Schwarzenegger bên cạnh “đồng nghiệp” trong đợt quảng bá phim “Kẻ hủy diệt” ở Hàn Quốc.

    Nam tài tử Arnold Schwarzenegger bên cạnh “đồng nghiệp” trong đợt quảng bá phim “Kẻ hủy diệt” 5.

    Quan điểm đầy cực đoan này thậm chí không chỉ giới hạn trong phạm vi robot. Người ta từng chứng kiến hàng loạt bài báo tràn ngập sợ hãi vào hồi tháng 5 khi Google đang khốn đốn với 11 vụ tai nạn có sự liên quan tới 48 chiếc xe tự lái của hãng trong vòng 6 năm thử nghiệm với gần 3 triệu km đường chạy.

    Thế nhưng theo báo cáo, trong số các vụ tai nạn, chưa hề phát hiện có thương tích về người. Hơn thế nữa, chưa có vụ nào được kết luận là lỗi thuộc về xe tự lái, chỉ là do những người điều khiển phương tiện không xử lý kịp thời dẫn đến va chạm.

    Tóm lại, chúng ta mới chính là những mối đe dọa đầy nguy hiểm. Chính chúng ta đang tấn công robot chứ không phải ai khác. Chưa xét tới robot, thậm chí ngay cả trí thông minh nhân tạo tiên tiến nhất hiện có của loài người còn chưa đủ độ tinh vi để có khả năng thực hiện hành vi giết người. Vậy tại sao chúng ta cứ mãi bị ám ảnh bởi một viễn cảnh Skynet không mấy tươi sáng?

    Robot có thực sự là mối đe dọa đến loài người?

    Robot có thực sự là mối đe dọa đến loài người?

    Không thể phủ nhận rằng khoa học viễn tưởng đang đóng một vai trò nhất định trong cuộc sống hiện đại. Theo nhận định của giáo sư Alan Winfield thuộc phòng thí nghiệm robot Bristol, lý do cho việc chúng ta kỳ vọng quá mức vào tương lai của robot và sợ hãi robot thái quá đến từ những cái đầu bị... ám ảnh bởi các bộ phim khoa học viễn tưởng cùng những câu chuyện đồn thổi vô căn cứ qua các phương tiện truyền thông.

    Mọi chuyện dường như bắt đầu kể từ năm 1921, khi từ "robot" lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong vở kịch khoa học viễn tưởng “R.U.R.”, với tình tiết chính là một cuộc nổi dậy của người máy dẫn đến sự diệt vong của trái đất. Cốt truyện này có phần khá giống với kịch bản phim của series “Kẻ hủy diệt” đình đám do đạo diễn James Cameron thực hiện. Kể từ đó, các "sát nhân" ẩn mình dưới vỏ bọc robot và hệ thống máy tính dần xuất hiện nhiều hơn trên phim ảnh, đơn cử như bộ phim "Red Planet" năm 2000, “Metropolis” năm 2001, "Hell Boy II" năm 2008 cùng nhiều tác phẩm điện ảnh khác.

    Ngày robot nổi loạn sẽ còn bao xa?

    Ngày robot "nổi loạn" sẽ còn bao xa?

    Dường như bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để thỏa mãn chúng ta nói về câu chuyện khoa học viễn tưởng. Một điều không thể phủ nhận là con người luôn có mối quan tâm rất lớn dành cho các "sinh vật máy". Đó là một mối quan tâm chính đáng, đòi hỏi nhiều ý kiến có chiều sâu khi robot công nghiệp, phần mềm máy tính và các thuật toán trực tuyến đang dần dần thay thế con người trong rất nhiều công việc hàng ngày.

    Vậy chúng ta nên làm gì? Liệu đã cần sử dụng những biện pháp đề phòng robot nổi loạn? Làm thế nào để "thuần hóa" và kiểm soát lực lượng hùng hậu này?

    Đây không hề là những câu hỏi vô thưởng vô phạt bởi robot và Skynet luôn là những chủ đề cực nóng trong vài ngày gần đây. Tuy vậy, chúng ta sẽ cần phải tập trung cao độ nhằm đưa ra các giải pháp khả thi nhất, bởi nếu càng tự làm bản thân phân tán khỏi trọng tâm vấn đề, chúng ta sẽ càng khó nhận thức được điều cần làm tiếp theo.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ